TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC
Ánh trăng xanh trong lò mổ
Vài nét về tác giả:
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Tên thật: Nguyễn Ngọc Sơn
Sinh ngày 15 tháng 9 năm 1958
Quê quán: Làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Ông đã từng công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, mang quân hàm Đại tá.
Ông đã xuất bản 15 tập truyện ngắn, bút ký, và tiểu thuyết.
Ông cũng được nhiều giải thưởng văn chương của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, NXB Thanh Niên, NXB Giáo dục, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Giáo dục & Thời đại, Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng về Văn học nghệ thuật v.v.. Trong đó, tập truyện ngắn “Dị Hương” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010…
* Quan niệm về nghề văn:
Xét đến cùng, văn chương là thân phận con người.
Nhạc giao hưởng là cái gì đó xa xỉ với đám nhà nghèo và lạ hoắc với người giàu. Thói trưởng giả, tiền bạc có thể đầy ự, nhưng thưởng thức nhạc giao hưởng y như phèng la gõ tai trâu. Cả năm, dàn nhạc chỉ đôi ba lần biểu diễn. Nghệ sĩ đói dài. Tá hỏa mỗi người chạy một nơi kiếm ăn: Biểu diễn phòng trà. Gia sư. Kèm cặp bọn trẻ thi vào nhạc viện… Đủ cả. Vẫn không lại với tiền thuê nhà và nuôi sống mình trong nội thành.
Chờ đợi. Ngóng trông. Hi vọng một cái gì đó rất xa vời.
Tôi xách va li, vác theo cái đàn ghi ta ra ngoại ô thành phố ở trọ.
Hàng xóm nhà tôi là một lò mổ heo. Lò mổ chứa đựng bao nhiêu thứ cặn bã thì cũng có bấy nhiêu tinh thơm cao quý. Nó là một mớ hổ lốn thật giả, xấu tốt, thiện ác. Nhàn vi cư cầm đàn, tiếng ghi ta của tôi thả ra không trung làm đám thợ mổ suốt ngày làm bạn với máu tươi, lòng mề, phân, nước đái hôi mù dỏng tai nghe. Hân hoan quá! Ít ra thì trong lúc bụng tôi rỗng không, cũng làm tươi xanh những tâm hồn cỗi cằn, mệt mỏi bên kia hàng rào. Ai bảo tiếng đàn không dẫn dụ, chinh phục được những anh đồ tể ít học, lấm láp, cục cằn?
Nhưng, đến ngày thứ tư thì tiếng đàn của tôi bị tiếng heo ở lò mổ át đi. Các ngày sau, tiếng heo rống càng thê thảm, oan ức, tức tưởi và càng to hơn, nuốt chửng tiếng đàn ghi ta, mà không cắt nghĩa được. Hóa ra, ông chủ lò mổ ghét tiếng đàn ghi ta của “thằng nhạc sĩ”. Ghét vì thợ dỏng tai nghe, mất việc làm. Ghét vì thằng ranh con da trắng gân xanh nổi đầy tay cứ ra vẻ ta đây là nghệ sĩ thả tiếng đàn ra coi khinh cái nghề mổ heo nhếch nhác của mình. Ghét vì mình thì trằn lưng kiếm từng đồng tiền lấm láp, nó thì cứ nằm khểnh chơi đàn tưng tửng. Ghét, ông chủ bảo: “Cứ mỗi lần đàn ghi ta của thằng nhạc sĩ cất lên, thì chúng bay chọc tiết heo cho tao. Hết máu con này thì chọc tiếp con khác cho nó tru rống lên, chỉ khi nào tiếng ghi ta im bặt thì thôi”.
Một sự thật thách đấu của gã quái sát sinh cậy giàu. Tôi tự ái và cảm thấy tổn thương. Tôi thi gan. Đàn suốt ngày đêm. Và tiếng heo tru rống vẫn ai oán, kinh hoàng không dứt.
Cho đến một ngày ông chủ lò mổ heo rinh về một chiếc đàn piano Yahama mới cứng cựa thì cuộc tỉ thí giữa tiếng đàn ghi ta và tiếng lợn rống mới đến hồi kết. Người ngồi chơi đàn dương cầm ấy là một cô nữ sinh viên khoa văn hóa quần chúng. Nàng bắt đầu một kì nghỉ hè và sống hoàn toàn bên chồng. Đám thợ mổ không xa lạ, xôn xao. Nhưng, tôi thì bất ngờ đến kinh ngạc.
Có điều gì thật trái khoáy trong gia đình ông chủ. Không cắt nghĩa nổi! Một người tinh tế, dịu dàng, lãng mạn mà lại lấy một kẻ gần như vô học, trưởng giả. Khớp vào nhau thử hỏi coi được không? Vậy mà, những điều phi lý tưởng chừng không có đất sống thì lại tồn tại ngang nhiên giữa trời quang mây tạnh ngay trong nhà ông chủ mổ heo.
Đêm đêm, bà chủ mặc áo dài màu hoàng yến ngồi trước cây đàn dương cầm dạo nhạc. Thấp thoáng qua dải đăng ten trắng muốt, tôi bắt gặp cái dáng ngồi hơi cúi, cong cong như vành trăng khuyết sa vào cửa sổ. Chỉ tội một nỗi là đàn mới mua cân chỉnh chưa chuẩn nên nhiều nốt bị phô. Cô chơi bản Sonata Moonlight giai điệu trở nên khàn đục, hơi chói tai, không diễn tả được khúc mơ tưởng. Ôi trời! Giá mà mình được sở hữu cái dương cầm ấy nhỉ? Điên tiết, tôi lôi ghi ta ra dạo luôn bản Xô nát Ánh trăng ấy. Mê mải đến mức, bà chủ lò mổ heo vạch hàng rào sang nhà tôi trọ, đứng ngẩn ngơ nhìn tôi đàn, và nghe đắm say. Chỉ khi gảy nốt cuối cùng và đi hợp âm chùm kết thúc thì tôi mới biết người đẹp đang đứng trước mặt.
Tôi trở thành thợ “lên dây đàn”, tôi thành gia sư cho bà chủ xinh đẹp. Tôi trở thành thân tình với gia đình ông chủ lò mổ heo từ đó. Tôi gọi nàng là Ánh Trăng Xanh.
* * *
Cứ năm giờ sáng là thợ lò mổ mài dao.
Cứ năm giờ sáng là bản nhạc Sonata Moonlight của Beethoven vang lên.
Cứ năm giờ sáng là ông chủ lò mổ heo thức dậy.
Thức dậy bởi ông chủ không ngủ được nữa. Đời sống được mấy nỗi mà cứ phải ngủ? Ngủ là biểu hiện của sự rã rời, mệt mỏi. Ngủ có cái gì đó như cầu an, yếm thế. Ông chủ lò mổ không yếm thế và cũng chẳng cầu an. Ông là một sinh thể hừng hực bản năng ham muốn luôn bị kìm hãm, o bế.
Ông chủ lò mổ có một hứng thú sát sinh và nghe nhạc cổ điển kỳ dị. Tiếng đàn dương cầm dạo bản xô nát Ánh trăng vang lên là đàn heo vón lại rống eng éc. Tiếng kêu khiếp đảm báo hiệu một sự chết chóc ghê rợn và tang thương. Nhưng bản nhạc Sonata Moonlight cứ tuôn chảy dào dạt trên những phím đàn trắng đen. Giai điệu êm nhẹ, dịu dàng như một dải khăn voan bạc vắt hờ hững trên non xanh đại ngàn. Lấp ló ánh trăng non vàng lúc mờ lúc tỏ trải rộng bao la xao xuyến trên thảo nguyên xanh rợn. Ánh sáng huyền ảo mơ màng dát vàng bạc xuống dòng sông dịu hiền uốn khúc. Ánh trăng tràn ra biển cả mênh mông và nô đùa trên sóng nước lăn tăn... Giai điệu dịu êm dẫn dắt người nghe đặt chân đến một thế giới mơ mộng huyền hoặc và trữ tình. Nó chỉ là khúc dạo đầu khi ông chủ chưa bước vào chuồng heo.
Không thể tưởng tượng được, nàng nữ sinh chân dài đã chuyển giai điệu Ánh trăng mê mị sang khúc mơ tưởng một nụ cười trong sáng mà buồn bã, cô đơn thê thảm thì đúng lúc ông chủ uống cạn bát rượu đế như một nghi lễ nghề nghiệp. Ông đi ủng đen cao gần đầu gối. Áo xắn quá khuỷu, chìa cánh tay béo mũm mĩm. Các ngón ngắn tủn cầm chày gỗ lim dài một mét sẵn tư thế hạ thủ. Chả mấy chốc rượu ngấm, ông gồng thân, co rút cơ thể ục ịch… rắn đanh lại; cứ y như bao nhiêu mỡ bị vắt chảy đi hết. Người ông thành một khối chắc nịch đằng đằng sát khí. Ông chủ bước đến đằng đông, đàn heo sầm sập chạy tới phía đằng tây. Ông quay bước chân về phía nam, đàn heo cuống quýt dạt trôi phía bắc. Bỗng chốc, ám khí ngùn ngụt bốc lên dày đặc trại nuôi heo.
Và khi tiếng đàn vang lên dồn dập, nhanh mạnh hơn như chuyển sang một chân trời mới lạ thoát ra khỏi nỗi u buồn và cô độc, đau khổ gông cùm ở khúc cuối Sonata Moonlight thì chày lim chắc nịch vung lên. Độp. Một nhát chày ngang gáy. Một con heo quay lơ. Độp… Độp. Hai con heo đổ ập. Giãy đành đạch. Một tiếng e…éc. Hai tiếng kêu e… éc kéo dài rồi… tắt hẳn. Từng con một, từng con một… hóa kiếp, bước sang một vòng luân hồi khác. Thợ lò mổ chỉ còn việc túm hai chân sau các con heo kéo sền sệt, quẳng lên bàn mổ là sàn xi măng lạnh trơ cứng rồi… chọc tiết. Heo vừa chết không còn giãy giụa. Chọc tiết nhàn nhã, ung dung. Máu xối ồng ộc. Bốc khói. Nóng hổi. Công việc tiếp theo là cạo lông. Bây giờ không ai còn đun nước nóng, nhúng cả con heo vào chảo nước sôi ùng ục nữa. Dao bầu mài sắc lẹm, cứ thế cạo sồn sột. Da lợn trắng ởn, nhưng chân lông vẫn còn nguyên. Ăn thịt heo ăn luôn cả chân lông. Hết tiếng ồng ộc máu xối xả thì cũng là khi tiếng đàn dạo bản Sonata Moonlight ngưng bặt. Tôi cảm thấy thân thể rã rời, người bạc nhược. Chim cò thụt ráo lại. Nhìn qua ô cửa sổ, tôi nhận ra cái dáng người nàng hơi cong hình trăng khuyết đã gập xuống thành chữ L xoãi trên bàn phím piano. Lúc này, cái áo màu hoàng yến đã nhợt đi và biến thành màu lá xanh xao. Tôi nhận ra nàng như một ánh trăng xanh bị giam hãm, cầm tù trong lò mổ heo.
Ông chủ lò mổ heo quay trở lại nhà lúc trời vẫn chưa sáng. Ủng đen lột khỏi chân. Quần áo trút khỏi người. Sau nửa giờ cầm chày lim đập vào gáy lợn và chọc tiết, ông chủ nhào vào nhà. Vợ ông vận áo dài tân thời đang gục đầu xuống nắp hộp đàn dương cầm. Ông kéo “ánh trăng” lên giường. Ông giúp Ánh Trăng Xanh thoát khỏi cõi âm thanh tràn đầy mộng tưởng, lãng mạn và khổ đau, buồn bã, cô đơn. Nàng mở hàng cúc chéo, lật vạt áo trước ngực và khỏa thân. Nàng nằm đườn đưỡn sẵn, như một thói quen đợi chờ chồng chằm bặp, vần vò.
Lúc này, đến tạo hóa nhìn thấy cơ thể của hai người đàn ông đàn bà cũng phải bật cười. Ông chủ lò mổ heo và nàng là hai cá thể đối nghịch nhau cả thân xác và tâm hồn. Ánh Trăng Xanh đẹp. Chân dài trắng nuột nà. Ngón tay búp măng xinh xắn. Cổ cao trắng ngần. Ngực vun đầy. Hai vú tròn mẩy, căng nhức. Nhũ hoa tươi màu phấn hồng. Gương mặt sáng hình trái xoan, sống mũi nàng hơi cao, thẳng và thanh tú. Còn chồng nàng: Chân ngắn. Tay ngắn. Lưng cũng ngắn. Hai bàn tay chỉ có chín ngón ngắn tủn, đù đẫn như những quả chuối mắn to nhỏ khác nhau. Thân người ông ục ịch béo tròn. Mắt trắng dã trợn ngược giống y mắt heo đực. Giọng nói bao giờ cũng kèm theo âm đệm hộc… hộc cũng như heo rống. Ánh Trăng Xanh là con cái tươi mởn, tràn đầy sức sống. Còn chồng nàng là con đực lốp, bễu, mềm, bị phong bế ham muốn. Một quả không còi cọc mà lốp thì gieo trên phù sa màu mỡ, phì nhiêu cũng không thể nảy mầm.
Tôi hình dung Ánh Trăng Xanh đang bị cắn xé, vầy vò. Những tiếng hô…ộc… hô…ộc…của ông chủ lò mổ heo từ trên giường vọng ra. Đám thợ mổ heo người ngợm nóng bừng bứt rứt không yên thân. Âm thanh kỳ dị kích động khơi dậy bản năng tính dục lũ đàn ông vai u thịt bắp, thô tục. Mắt thằng nào cũng lấp lóa ánh đèn trong không gian lò mổ nửa tối nửa sáng. Gã thợ râu ria xanh rậm cứng như rễ tre, bặm trợn, gan lì đang chọc tiết heo cũng xốn xang, nôn nao lòng dạ. Dỏng tai nghe thứ âm thanh khàn đục rạo rực đến mức dao chọc vào tim heo rồi mà gã quên không rút cán ra cho máu xối vào chậu. Một thằng nhà quê mới vô lò mổ không chịu nổi cơn kích động đàn ông, kêu rống lên như bò bị cắt tiết. Thằng ấy ôm hạ bộ chạy bịch bịch đến góc nhà bê nguyên cả thùng đá lạnh đang tan đổ ào lên cả quần áo để hạ hỏa, đến mức nước lạnh thì tóe ra còn đá cục rơi lỏng chỏng xuống sàn xi măng đầy lông heo và máu me. Con bé Ô sin đang lúi húi quét lông lợn, cũng bị một bàn tay rậm lông lá, trơn nhờn mỡ lợn bất chợt thọc vào ngực, bóp vú đau điếng. Tôi ở bên này hàng rào không chịu được, nhảy đại vào bể nước, chìm nghỉm, mãi mới ngóc lên được.
Rất may, đúng lúc chiếc xe máy đầu tiên rồ ga vào tận sân lấy thịt heo cắt đứt cơn động đực của đám thợ mổ. Xúc cảm tính dục xa gần, ngân nga thêm chút nữa, yếu dần rồi tắt hẳn. Cũng là khi ô tô tải hạng nhẹ, xích lô, cả xe đạp hối hả đến lấy thịt chuyển đi các nơi. Rồi lần lượt giáng oạch oạch từng con một lên cân tấn, tịnh từng mã sau đấy lại hò nhau quẳng lên ô tô. Lò mổ heo bỗng chốc như cái chợ nhỏ. Nhốn nháo. Nhộn nhạo. Và dường như lúc ấy, những tiếng tru hô…ộc… hộc trong nhà cũng tắt hẳn.
Một ngày bận rộn, mệt mỏi trôi qua. Buổi tối, nàng Ánh Trăng Xanh nằm chềnh ềnh trên giường ga nệm Hàn Quốc trắng phau phau cho con bé Ô sin mát xa như thường lệ. Hai bờ vai trần nuột nà. Cổ áo khoét rộng và sâu. Váy ngủ màu mỡ gà óng ả tụt ra. Tênh hênh. Hở hang. Vết cào xước ở đùi non, ở bụng thon, ở eo thắt. Vết răng cắn tìm bầm ở ngực, ở vú… Tấm thân ngọc ngà của nàng bị chà xát, vày vò. Tàn bạo. Không nỡ lòng nào và con Ô sin cũng chẳng dám đấm, véo, vỗ vào cơ thể tràn đầy sức sống hằn thương tích của nàng. Con giúp việc ấy sức dầu xoa bóp đông y lên da thịt người đẹp. Nhẹ nhàng. Mơn trớn. Một lúc da trắng mịn nhiều thương tích của nàng nóng bừng.
***
Mọi việc ở lò mổ heo xáo tung lên tất cả bắt đầu từ lúc thằng vai u thịt bắp mồ hôi dầu xuất hiện. Tôi ghét. Tôi ghen tị. Tôi gọi nó là thằng Vai U. Thằng Vai U cao một mét bảy tư. Vồng ngực xếp đầy thịt rắn chắc như ngực trần Hecquyn. Bắp đùi dế của cầu thủ bóng đá. Và đôi bàn tay rắn cứng quẳng liên tục những con lợn gần một tạ lên sàn xi măng không biết mệt. Vai U bế nàng Ánh Trăng Xanh nhẹ nhàng như thằng tôi cầm bó hoa lay dơn trong ngày sinh nhật. Thằng này là vận động viên ném đĩa biên chế ở Trung tâm thể dục thể thao. Hơi đần độn, chỉ được cái khỏe mạnh, cường tráng. “Đầu óc ngu si tứ chi phát triển”, văn chương không đọc, phim truyện, sân khấu không xem, truyền hình không ngó. Ban ngày tập luyện, tối ngủ khò, đêm về sáng đến lò mổ heo làm thêm kiếm tiền ăn học.
Lúc thằng này mới bước vào sân lò mổ đã vênh vênh cái mặt, mũi khịt khịt. Một anh thợ mổ đang mài dao, ngước mặt, hỏi:
“Khiếp mùi phân heo a?”
“Không! Tôi thấy âm u, lạnh lẽo quá”.
Anh thợ lò mồ ngửa mặt cười sằng sặc, rồi bảo:
“Thằng cha này nói lạ. Lò mổ heo, lúc nào khí sát sinh cũng bốc lên ngùn ngụt”.
“Tôi không nói dóc đâu. Âm khí cuồn cuộn đấy. Tôi sẽ làm cho cái lò mổ này sôi lên sùng sục”.
Thằng Vai U ngạo mạn. Nó sẽ làm được gì trong cái lò mổ heo này? Cùng lắm là khiêng lợn, cạo lông, tuồn lòng. Vậy mà, nhãn tiền hiểm họa là khi thằng Vai U nhìn bà chủ đăm đắm. Ánh mắt đàn ông vâm váp hút hồn người đàn bà trẻ óng ả. Mặt bà chủ đờ đẫn, bối rối trước thằng Vai U bắp thịt cuồn cuộn. Thằng này liền giả tảng không biết những xáo động trong lòng nàng? Giá như ông chủ lò mổ về bắt gặp cảnh tượng này nhỉ? Thằng Vai U sẽ nghỉ làm ngay tức khắc. Lúc đó, tôi chỉ muốn lao đến nhảy vào giữa hai người, tách họ ra thật xa, chẳng hạn như thằng trai nhảy ra tận rừng rú mỏm địa đầu Lũng Cú, còn nàng sống tận chót Mũi Cà Mau.
Con Ô sin sang gọi tôi chỉnh dây đàn cho bà chủ. Con này ghê thật. Nó dám thuật lại những gì nó nhìn thấy trên da thịt người đẹp để đánh vào lòng trắc ẩn của tôi, đánh vào sự bất lực tuyệt vọng của tôi. Cứ như bảo rằng: “Đàn ông như anh hèn lắm. Nhìn thấy cái sự sỗ sàng mà cứ giương cộ mắt nhìn”. Cái mặt con bé giúp việc này câng câng, hờn dỗi:
“Lúc này, đang cần người giúp bà chủ thoát khỏi tình cảnh này. Anh không ra tay thì có người khác đấy.”
Tôi cười gượng, khuôn miệng méo mó và thảm hại:
“Ai làm nổi anh hùng cứu mỹ nhân giữa đám thợ mổ heo thô lậu này?”
“Em chỉ biết thằng Vai U nghe anh đàn xong, biểu: Cái trò tán gái rẻ tiền quá. Nhạc với nhẽo thì làm nên nông nỗi gì! Thằng ấy biểu anh: Chẳng hiểu đếch gì đàn bà!”
Tôi tím bầm mặt, nhưng vẫn cố gượng cười.
Tôi lò dò sang. Nàng bảo:
“Em cảm ơn anh, mỗi ngày tặng em một bông hoa”.
Những bông hoa ấy tôi nhờ con Ô sin mua giùm. Cứ mỗi ngày nó mang hộ tôi đến tặng nàng một bông hồng trắng. Nắng cũng như mưa, ngày nào nó cũng làm tròn phận sự và ông chủ hoàn toàn không biết, cứ ngỡ hoa nhà mình do vợ bảo con giúp việc mua.
“Anh sẽ tặng hoa em suốt đời”.
“Nhưng em cần cái khác cơ”.
Nói rồi nàng khóc. Nàng vạch áo chìa eo, ngực, kéo tụt quần hở mông, đùi. Những vết cào xước, vết răng cắn bầm tím vẫn còn in trên làn da trắng nõn. Tôi không lạ gì những vết bầm tím này. Tối hôm trước, ông chủ đi miền Tây ký hợp đồng thu mua heo, nàng xé rào sang với tôi. Đêm thanh vắng. Nàng khỏa thân. Và dâng hiến. Nuột nà. Căng mẩy. Trinh nguyên. Những vết bầm tím dù đã hơi mờ nhưng cũng làm nhói lòng tôi. Đúng lúc tôi rạo rực, cuồng mê nhất thì tiếng heo éc…éc… tru rống lên như bị chọc tiết. Mất hứng. Người bải hoải, rũ như tàu lá chuối non nhúng nước sôi. Chim nhẽo nhèo, nhũn như con đỉa. Nàng tức tưởi khóc. Những giọt nước mắt tủi phận, ai oán, tiếc nuối bởi khát vọng ái ân cháy bỏng không thành. Tôi đã mặc áo lại cho nàng. Tôi xót xa. Ái ngại. Tôi đụng phải vết bầm nơi cánh tay trần đang xỏ ống áo. Nàng rụt tay lại kêu đau. Tôi nhìn nàng ai oán:
“Tiên sư thằng chồng em bệnh hoạn”.
“Đừng anh. Tuy thế, nhưng ảnh hết lòng yêu em”.
“Nên em cứ định sống mãi trong địa ngục trần gian ấy?”.
“Thì biết tính sao? Hay anh với em bỏ trốn khỏi nơi nầy đi”.
Bỏ trốn! Tôi thuỗn mặt ra. Tôi là nghệ sĩ biểu diễn dương cầm thất nghiệp. Nhạc giao hưởng không nuôi nổi tôi, huống chi nuôi thêm người nữa. Giàu thì sang. Nghèo thì hèn. Tôi đang nghèo. Chưa kiếm được cái cần câu cơm. Lò mổ heo với tiếng heo rống eng éc không cần nhạc giao hưởng. Tôi bảo:
“Anh là thân ốc chẳng lo nổi mình ốc sao mang cọc cho rêu…”
“Đừng nghĩ phải cưu mang em”, nàng âu sầu, thở dài, “Em không cần những bông hoa của anh nữa. Anh là đồ hèn”.
Nàng mắng tôi rồi quay ngoắt bước về nhà.
Tôi bế tắc. Tôi buồn bã. Tôi nhớ đến thằng Vai U cứ như bóng ma lẩn khuất trong lò mổ heo. Tôi vớ cây đàn ghi ta trên vách, bập bùng so dây. Tôi chơi lại bản Xô nát Ánh trăng trong tâm thế buồn mênh mang xa vắng.
Thằng Vai U đứng ở sân nói chõ qua ô cửa sổ:
“Tiếng đàn của anh mềm yếu, lả lướt quá. Ích tóp gì!”.
“Giàu có như ông chủ lò mổ heo thì ích tóp à?”.
Thằng Vai U cười khẩy:
“Tiền không phải là tất cả, nhá! Cả anh, cả gã chủ lò mổ đều là những thằng đàn ông vô tích sự”.
Tôi phớt lờ, không trả lời, càng đánh đàn càng tức nghẹn cổ. Thằng Vai U nhún vai, bỏ vào lò mổ.
Tôi ngồi bệt ở nhà, chơi đàn liền ba ngày thì ông chủ lò mổ về. Mặt ông đỏ từng bừng, chắc là uống rượu quá chén. Nghe tôi đờn xót xa quá, ông bảo:
“Cái giống nhạc nhẽo chú em đờn, nghe nẫu ruột. Nó hợp với hoa và con gái đẹp. Nhưng mà chú cũng là người lưỡng lự, không quyết đoán. Người như chú em thì thiệt thòi suốt đời. Miếng ăn ngon đến miệng lại tuột đi. Chú em là thằng hèn. Tui còn hèn hơn”.
Tôi giật thót mình. Có phải ông chủ đã linh cảm thấy sự hiểm nguy đang rình rập và lo ngại bởi cái mặt nhơn nhơn của thằng Vai U xuất hiện? Có phải ông chủ đã biết những bông hoa mỗi sáng tôi tặng nàng Ánh Trăng Xanh? Có phải ông chủ biết người vợ trẻ đã xé rào sang với tôi? Nhìn tôi đăm đăm, cái nhìn như mách bảo đã nhòm thấy hết lục phủ ngũ tạng của tôi. Ông âu sầu, bảo:
“Buồn. Buồn. Tui cứ sáu câu vọng cổ tui mần, chứ không ẻo lả đờn như chú em”.
“Sao ông còn bắt vợ đàn bản nhạc ấy mỗi khi ông cầm chày sát sinh?”.
“Nó là nghi lễ, nó là nỗi bức xúc lòng tôi không được giải thoát mừ. Với lại, để tạo cho chú em một ấn tượng mạnh, thêm vốn sống mà viết. Chú em có thể viết được một bản giao hưởng thật hay về số phận con người”.
Nói xong, ông chủ cao hứng hát luôn sáu câu vọng cổ và đổ liền một mạch, không ngắt hơi, nghe buồn não nề: Cái em cần thời anh hổng có. Cái anh có thời em hổng cần... Em ở bên anh đêm dài ngày ngắn như đôi đũa lệch vênh so so mãi chẳng… vừa. Tằng tằng… tăng tăng…tăng tẳng tăng… tằng.
Ông chủ bảo:
“Lò mổ heo nhà tui phải là một môi trường văn hóa nghệ thuật. Sẽ có cả cải lương, bài chòi, chèo, quan họ, nhưng cũng có nhạc cổ điển. Tiếng nhạc sẽ đầy ắp từ trang trại nuôi heo vào trong phòng ngủ của tui đến tận lò sát sinh. Vợ tui sẽ đắm chìm trong âm nhạc, nàng sẽ không bao giờ xa tui. Bây giờ tui học sẽ Lã Bất Vi và Mạnh Thường Quân đãi khách. Cứ hàn nho, sĩ tử, nghệ sĩ nào thất cơ lỡ vận thì đến đây tui nuôi tuốt. Chú em đồng ý thời dọn sang nhà tui đi. Chỉ mong họ và chú em sáng tác được những tác phẩm lớn cho đời”.
Tự nhiên tôi thấy tôi hèn quá. Nhạc sĩ mà hèn thì sáng tác sao nổi? Rồi sẽ đến lúc sáng tác èo uột, nịnh hót, vô hồn và cân chỉnh âm đàn vốn là sở trường cũng không làm nổi. Người đàn bà đẹp, màu mỡ cũng y như là cây xanh tươi tốt. Cây xanh tươi tốt không được chăm sóc, tưới nhuần thì cây héo hon.
***
Ánh Trăng Xanh vẫn không chửa đẻ con cái. Tiếng đàn mơ tưởng vẫn ngân nga lúc nhập nhoạng tối trời. Những con heo vẫn hóa kiếp luân hồi. Và tiếng hộ…ộc… hộ…ộc của chồng nàng vẫn tru rống lên như heo sắp chết. Lò mổ cũ kỹ không có gì đổi thay trong sự ngưng đọng và mòn mỏi. Thằng Vai U xuất hiện làm đảo lộn cả cuộc sống lò mổ heo cũ kỹ cũng là điều dễ hiểu.
Thằng này không ngần ngại bảo:
“Cái nhà này kỳ dị. Sát sinh heo trong tiếng đàn dương cầm thì thật là quái đản”.
“Tất cả là bắt đầu từ em”.
Hai người mới gặp đã gọi nhau, xưng anh em ngọt xớt, dù bà chủ hơn thằng Vai U mấy tuổi. Thằng này đặt hai tay choàng eo nàng, bảo:
“Anh không thể hiểu nổi những con người ở đây. Lạ quá!”.
“Em biểu chồng em rằng: Ông Beethoven viết Sanata Moonlight tặng nàng nữ sinh mười bảy tuổi Giulietta Guicciardi. Nàng ta yêu thầy dạy nhạc Beethoven nhưng lại bỏ đi lấy chồng vì nàng con quý tộc thượng lưu còn chàng dù thiên tài nổi tiếng nhưng con nhà bần hàn, lại bị điếc đặc. Chênh lệch địa vị sang hèn đã chia ly họ mỗi người một nơi. Beethoven viết Sonata Moonlight đã làm cho một nàng tiểu thư dớ dẩn có tên Giulietta Guicciardi bất tử thế đấy. Anh có gì để em bất tử từ cái lò mổ heo này không nào?
Nhắc đến lò mổ heo, chồng em mặc cảm đỏ mặt. Anh ấy chỉ thạo sát sinh, nhìn con nhiều nạc, con nhiều mỡ biết ngay, nhưng âm nhạc thì lơ mơ. Nghĩ một lát, chồng em bảo: Cái bản nhạc ấy nói lên điều gì? Em bảo: Mỗi người cảm nhận và hiểu một vẻ đẹp khác nhau. Em thì cho rằng đó là khúc mơ tưởng về một người tình lãng mạn, trong sáng với nỗi buồn bã, đau đớn, chia ly, cô đơn tận cùng cô đơn và vượt thoát. Chồng em biểu: Em và anh cũng lệch chênh nghề nghiệp, địa vị sang hèn đấy. Mỗi lần anh dậy sớm đập chết heo để chọc tiết thì em cũng thức dậy chơi bản nhạc ấy. Mỗi lần em chơi đàn, anh tặng một triệu đồng làm vốn riêng. Cái thằng nhạc sĩ chết đói dạy đàn cho em sẽ sáng tác về câu chuyện của chúng mình. Em vừa có tiền mà vừa bất tử nhé.”
Thằng Vai U nghe xong, bảo:
“Chồng em cũng là giống quái đản. Anh thì sống đời hơn. Để rồi xem tiếng đàn còn thánh thót trong nhà này nữa không?”.
Bàn tay thằng Vai U ôm riết eo bà chủ. Người ngợm nàng đờ đẫn, như con cua yếu vía, cụp hết chân càng lại cho ếch nuốt gọn. Thằng Vai U ngông ngênh, không coi ai ra cái gì. Đến tiếng đàn huyền hoặc như thế mà nó còn khinh thường. Sức mạnh của nó là ở đâu? Có phải sức mạnh ở chỗ nó bặm trợn, thích là nhào dô, áp sát đè ngửa người ta ra không? Có dễ thật, nó đè ngửa bà chủ ra giường rồi mà. Tôi nhìn thấy bốn chân thòi ra khỏi cái chăn mỏng ngọ nguậy, mà không biết phải làm gì. Chỉ biết lôi đàn ghi ta ra đánh đến mức móng tay tóe máu và dứt đứt gần hết, chỉ còn dây… to và chùng nhất.
Thời gian này, ông chủ lò mổ lái con xe thể thao du lịch New Carens mới coóng đưa vợ đi vũ trường dầy hơn. Chả lẽ giữ vợ bằng đi vũ trường? Vũ trường là chốn vui vẻ trẻ trung đốt tiền của kẻ giàu, là chỗ xóa bỏ mặc cảm, và học làm sang của người nghèo. Ông chủ chân ngắn, người ngắn, bước đi lũn cũn. Bà chủ chân dài, người cao, bước đi uyển chuyển. Bà chủ như mệnh phụ phu nhân thượng lưu. Ông chủ không ra quý ông mà cũng chẳng giống chủ lò mổ heo. Ông ta là thứ hỗn tạp vừa bần tiện, gian manh vừa hào nhoáng giả tạo.
Nhạc nổi lên. Ông chủ giơ tay dắt... vợ. Bước nhịp nhàng. Bước dướn. Bước xoay. Người thấp tủn, khi giao lưu tình cảm, ông chủ phải ngước mặt lên tình tứ với vợ. Hết điệu khai mở, bạn nhảy tíu tít đến mời bà chủ ra sàn. Nhạc lại nổi lên, họ đi điệu Valse. Có thằng trai nhảy tay ôm eo, tay nâng tay bà chủ. Mặt tươi. Mắt liếc. Sóng tình dào dạt.
Ông chủ ghen. Đi vũ trường thật không ổn. Ông chủ gọi tài xế, kéo vợ về sớm hơn thường lệ.
Ông chủ uống rượu ngà ngà, bước sang nhà tôi:
“Hóa ra, thằng Vai U thịt bắp làm thợ lò mổ nhà mình cũng biết nhảy thầy giáo ạ. Nhảy với vợ tôi, ôm eo vợ tôi, mắt đưa tình với vợ tôi, âu yếm với vợ tôi lắm”.
Trong lòng tôi cũng nổi cơn một cơn ghen thoảng qua. Tôi định bảo: Thì tối nào ông chủ đi vắng, bà chủ chả lái xe đưa nó đi khỏi nhà đến khuya mới về. Thấy tôi im lặng, ông chủ lại bảo:
“Thầy giáo có nghĩ rằng: Vợ tôi sẽ chơi bản nhạc Sanata Moonlight đến khi nào tôi không còn mổ heo nữa không?”
Tôi định bảo: Ngày kết thúc sắp đến rồi, nhưng lại thôi.
***
Cho đến một sớm mai.
Thợ lò mổ bị dựng dậy bởi tiếng nổ ô tô, xe máy xình xịch, tiếng người ồn ào, cáu gắt bởi không lấy được thịt heo. Không lấy được thịt heo, họ mất khách. Đám người và xe nhốn nháo, quát tháo ầm ĩ, chửi đổng choang choác như đám mổ bò một lúc rồi giải tán. Trời đất! Chẳng hiểu sao chúng tôi lại có một đêm ngủ mê mị và bị bóng đè kì lạ. Không còn nghe tiếng đàn dương cầm vang lên, cũng không có tiếng chày lim đập vào gáy heo sát sinh lúc bốn giờ sáng. Tiếng ông chủ hô…ộc, …hô…ộc như heo tru rống lên càng không. Thằng Vai U mất tích. Và bà chủ cũng biệt tăm.
Chúng tôi thấy ông chủ lò mổ heo mặt mày tối tăm, héo hon, ngồi ủ rũ, lưng khọm xuống, già đi đến chục tuổi.
“Bỏ đi rồi”.
Tôi hỏi lại:
“Bỏ đi thật rồi sao?”
“Đi thật mà. Tui đã làm mọi cách để kéo nàng ở lại mà không giữ được. Kể cả việc mua cái đàn dương cầm và đàn mỗi buổi sáng tui sát sinh heo”.
Tôi bảo:
“Đừng tiếc nuối nữa. Cô ấy không giành cho mình. Đi là phải”.
“Ờ. Chú em… À quên, thầy giáo nói đúng. Đi là phải. Thầy giáo ơi! Có biết cô ấy ở đâu không? Tui muốn tặng cô ấy chiếc đờn dương cầm kia kìa”.
Tôi xót xa nhìn cái đàn dương cầm vô chủ. Âm thanh lãng mạn, đau khổ, bất hạnh, buồn vui… từ nay sẽ lịm tắt. Ghế ngồi và bàn phím đã vắng hơi nàng. Ông chủ nói như mê ngủ:
“Giá như bây giờ tui được nghe tiếng đờn nhỉ?”.
Xót lòng quá! Tôi lặng lẽ ngồi vào ghế, đúng cái chỗ nàng Ánh Trăng Xanh của tôi hay ngồi. Tôi lướt ngón tay trên hàng phím trắng. Bản nhạc Sonata Moonlight vang lên. Khúc mơ tưởng dào dạt tuôn chảy. Thật lạ kỳ! Không còn thấy tiếng heo rống. Chẳng có tiếng chày lim đập. Còn gương mặt ông chủ lò mổ heo thì hiện lên rạng rỡ. Vợ bỏ đi mà lại vui kìa. Trời đất ơi! Gương mặt ông không còn u ám, tối tăm nữa, mà sáng sủa, tươi tắn như cái lẽ thường tình phải thế.
Bất chợt, tôi nhòm thấy một ánh trăng xanh biếc trong lò mổ heo.
Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Lời bình của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh
Cuộc sống vẫn tồn tại những nghịch lí và sự bí ẩn muôn thuở của đàn bà. Bằng bút pháp hiện thực với chất văn xuôi trần trụi thô nhám đời thường không tô vẽ, nhà văn phản ánh một góc thực trạng xã hội với bao nghịch lí, bao kết hợp lạ lùng, trái khoáy đến không thể tưởng tượng nổi. Đó là cuộc hôn nhân giữa ông chủ lò mổ thô kệch, đúng mẫu một trọc phú với cô sinh viên khoa văn hoá quần chúng xinh đẹp, chơi Dương Cầm rất hay. Nghịch lí thứ nhất này kéo theo những nghịch lí tiếp theo: - Ông chủ lò mổ có hứng thú nghe nhạc cổ điển khi sát sinh thật kinh khiếp; Ông chủ lò mổ ân ái với vợ - ánh trăng xanh mềm yếu mong manh, ông vừa ân ái vừa hộc… hộc như một con lợn đực khổng lồ, v.v.. Khi ông chủ lò mổ đập gậy vào đầu hàng vài chục lợn tạ trong âm nhạc cổ điển như bản Xô nat Ánh trăng, một giả thiết xuất hiện: có phải trong trường hợp đặc biệt, nghệ thuật tạo khoái cảm cho những hành động phản thẩm mĩ?! Có hai “lối thoát “được phác hoạ cho những nghịch lí kể trên: - Thứ nhất, lòng tốt đi kèm sự hèn nhát của nhân vật Tôi? Thất bại! Thứ hai, trông chờ vào “Thằng Vai U” cường tráng lì lợm, sức mạnh thể chất cùng sự dốt nát nhân vật đưa ánh trăng xanh đi trốn?Dự cảm sẽ thất bại vì “thằng Vai U “cũng chỉ là một phiên bản của ông chủ lò mổ. Vậy thì cuộc đời vẫn sẽ tiếp tục trôi chảy cùng các nghịch lí không bao giờ giải quyết tận cùng? Câu hỏi ấy nhà văn dành để cho mỗi người đọc tự trả lời. Một chủ đề phụ mang lại sự hấp dẫn hơn cho tác phẩm: Không phải cái đẹp của nghệ thuật cùng hình tượng người phụ nữ đẹp đẽ xuất hiện bao giờ cũng có khả năng cải tạo hoàn cảnh, nhân đạo hoá con người, như một số tác phẩm văn học truyền thống từng khẳng định. Có thể nó cũng trở thành nạn nhân của hoàn cảnh tàn nhẫn, một suy tưởng triết học đi ngược lại với “Lối mòn tư duy” trong văn học truyền thống.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...