Một đời với di sản khèn Mông
VNTN - Là một già làng, người có uy tín được người Mông ở Phú Thọ (xã Phú Đô, huyện Phú Lương) nể trọng không chỉ bởi vai trò người đứng đầu xóm bản, nghệ nhân Lầu Văn Vừ còn sở hữu tài nghệ thổi khèn khó ai sánh kịp, hơn 50 năm mê đắm tiếng khèn, giữ gìn hàng nghìn bài khèn mang đậm bản sắc văn hóa và linh hồn dân tộc Mông.
Không gian tĩnh lặng của căn nhà gỗ ba gian xưa cổ, khoảnh sân rêu phong, khu vườn sau trận mưa đêm, cây cối như được “tắm gội” thỏa mãn khoe màu xanh mướt dưới cái nắng óng vàng sáng sớm; khung cảnh bình dị khiến bao bộn bề thường nhật phố phường trong chúng tôi như chạy biến đâu mất. Từ trong buồng bước ra, nghệ nhân Lầu Văn Vừ cầm trên tay cây khèn được bọc kín cẩn thận bằng lớp lớp những chiếc túi nilon to nhỏ. Bằng chất giọng Kinh pha ngữ âm dân tộc Mông đậm đặc, ông khoe: “Khèn này mua tận trên Cao Bằng, tốn tiền triệu mới có được à. Mỗi lần dùng xong là phải bảo quản cẩn thận, chứ ẩm mốc, mối mọt vào là hết thứ để vui”.
Ông Lầu Văn Vừ người gốc ở Hà Quảng, Cao Bằng, xuôi Thái Nguyên định cư đã hai mươi năm có lẻ. Xấp xỉ tuổi 70, tác phong còn nhanh nhẹn, thần thái mẫn tiệp, giọng nói chắc khỏe nội lực, ông vẫn vừa có thể thổi khèn vừa nhịp nhàng điệu nhảy. Nhiều năm nay, ông được biết đến là người thổi khèn Mông có nghề, nổi tiếng trên địa bàn Phú Lương nói riêng, Thái Nguyên nói chung. Kể chuyện học khèn, ông hứng khởi: “Từ xưa, theo quan niệm của người Mông, con trai mà thổi khèn hay thì mới có nhiều con gái thích, dễ lấy được vợ. Tôi học khèn từ khi 12 tuổi đến năm 25 tuổi. Học khèn cũng như học văn hóa, có phân lớp, phải học từng cấp độ từ dễ đến khó. Ví như lớp 1, 2 thì học những bài nói về chuyện đi lại, làm ăn; lớp 3,4 thì học về trái đất, con người sinh sống ra sao…. Những điệu khèn dựa trên các làn điệu dân ca dân tộc như: Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh); tiếng hát cưới xin (gầu xuống); tiếng hát cúng ma (gầu tuờ); tiếng hát làm dâu (gầu na nhéng); tiếng hát mồ côi (gầu tú gua); những điệu hát trao gửi tình cảm trai gái, chào hỏi, đón anh em về nhà…. Dựa theo những bài hát ru, hát vui chơi của trẻ em; hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát tiễn đưa hồn..; hát giao duyên, hát than thân...”.
Trong đời sống của người Mông, tiếng khèn là một phương tiện biểu đạt cảm xúc thuần hậu nhất, khi buồn, vui đều có thể cất lên. Nghệ nhân Lầu Văn Vừ với “công phu” gần cả đời người thổi khèn, những ngón tay bấm nốt điêu luyện, ông hiểu về khèn và những bài khèn như hiểu chính mình. Nói với chúng tôi về các bộ phận của khèn, rồi ông phân tích: một bài khèn Mông luôn có những câu nhạc phụ giữ vai trò "hoa lá", không có lời ca mà chỉ có giai điệu như những nét nhạc không lời, giống như phần dạo nhạc mở đầu và kết thúc một bài ca (gọi là hoa - khèn (pa - kênh)). Có những câu nhạc chính giữ vai trò cốt lõi, có lời ca tương ứng, nội dung cụ thể (gọi là hạt - khèn). Nếu chàng trai có ý tìm vợ, thổi hoa - khèn mà chưa khiến người ta để ý, thì sẽ chuyển sang hạt - khèn. Ai biết thổi nhiều hạt - khèn mới là người giỏi khèn Mông.
Trong trí nhớ của nghệ nhân Lầu Văn Vừ luôn sẵn có cả ngàn bài/điệu khèn. Vẫn giữ thói quen “tài tử” thời son trẻ, những lúc đi thả trâu, ông vẫn đeo khèn bên mình. Chỉ khác là các chàng trai trẻ thì thổi khèn tìm bạn yêu, ông thổi khèn cho bà con xóm bản hăng say hái chè, đám trẻ ham nghe tìm đến quên những trò chơi tốn sức. Giai điệu được ông cất lên vào sáng sớm thay cho tiếng gà gáy, tiếng chuông đồng hồ, dựa theo một bài hát khèn buổi sáng: "Trời sắp sáng, gà sống dậy/Con gà sống dậy đi trước, con vịt dậy đi sau/ Mặt trời sắp mọc, chiếu sáng đỉnh trời/ Mặt trăng lấy cái lược vàng cho con gà chải/ Con gà không biết chải, răng lược ngược lên trời, lưng lược cài vào tóc...". Khi đêm xuống, sau bữa cơm chiều, tiếng khèn của ông như lời mời gọi bạn hữu cùng ngắm trăng, uống trà, nói chuyện nương rẫy… Có tiếng khèn, cuộc sống của ông và những người trong gia đình thêm phần vui vẻ.
Tỉ mẩn lau chùi những vết bụi, ông nói về cấu tạo của cây khèn đầy say mê mặc dù bản thân không biết chế tác. Thân khèn phải là loại gỗ thông lâu năm mọc trên núi đá. Bầu khèn là phần trọng tâm, là đoạn gỗ phình to như hoa chuối, hai đầu thon nhọn, được đai bằng vỏ của cây đào rừng, một loại cây rất hiếm cũng chỉ có ở vùng núi đá. Sáu ống trúc luồn qua bầu khèn được lấy từ một loại cây thuộc họ trúc, có hình dạng lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Phía tay phải bấm nốt là các thanh to, thanh bé, thanh ba. Tay trái bấm nốt là thanh hai, thanh giọng, thanh đồng. Vì cấu tạo của từng ống to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, nên khi thổi âm thanh cũng phát ra nhiều tầng. ống lớn nhất và cũng là ngắn nhất với trọng trách giữ nhịp. Các ống còn lại tùy theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh trầm, bổng, cao, thấp.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...