Giao hưởng đã đến gần hơn với công chúng
VNTN - Gần 1000 khán thính giả đã đến với khán phòng của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc vào tối 2/6, để thưởng thức chương trình hòa nhạc Filmusic Concert 2024. Có thể con số ấy chưa phải là nhiều, nhưng trong đêm diễn, những ánh mắt hân hoan, những tràng pháo tay từ lúc mở đầu cho đến khi kết thúc… đã nói lên sự mãn nguyện của họ với buổi diễn, và khẳng định rằng nhạc giao hưởng không khó nghe, không kén khán giả như mọi người vẫn nghĩ.
Thăng hoa cùng cảm xúc
Với thiết kế độc đáo, màn hình 4K cực lớn, khiến sân khấu Nhà hát thêm lung linh hơn thường lệ, chiếc đũa chỉ huy giơ lên, âm thanh, ánh sáng bừng dậy cùng những tiếng reo hò của khán thính giả.
Trong thời gian khoảng gần hai tiếng, khán giả đã được thưởng thức những những bản nhạc phim kinh điển và những bản nhạc phim của những bộ phim hoạt hình nổi tiếng.
Để phù hợp với công chúng Việt, những tác phẩm bất hủ này đã được Pianist, Conductor Nguyễn Long An, Thành viên Hiệp hội Âm nhạc Hoàng gia Anh - ABRSM, Giám đốc nghệ thuật Dàn nhạc Phim Sài Gòn- SFO, dày công chuyển soạn và tái tạo lại hoàn toàn bản phối khí dành cho giao hưởng. Và ở đó, hơn 70 nhạc công của Dàn nhạc Film Sài Gòn - SFO cùng những nghệ sĩ giao hưởng nổi tiếng của Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành đã khiến khán giả như chìm đắm trong những giai điệu của những bản nhạc phim đã từng thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới. Điêu luyện, kỷ luật, những “The God Father”, “Titanic”, “Pirate of the Caribbean”, “Mission Imposible”, “007”, “Cinema Paradiso”… thể hiện tươi mới và giàu cảm xúc.
Khán giả say sưa cùng những âm thanh của violin, piano, cello, kèn… và nhất là sự thể hiện đầy cuốn hút như thổi hồn cho tác phẩm của danh cầm Đỗ Phương Nhi, khiến khán phòng càng thêm phấn khích. Những bản nhạc phim hoạt hình “Beauty and the Beast”, “Frozen”, “Moana”, “Tom & Jerry”, “Tây Du Ký”, “Aladdin”… quen thuộc, tươi vui, như nhảy nhót trong tâm trí và khuấy đảo những cảm xúc của thính giả “nhí”.
Hài lòng và vui sướng, những bản hòa nhạc sống động và thăng hoa cùng những trường đoạn đắt giá nhất của phim đã mang lại cho người thưởng thức những trải nghiệm vô cùng mới mẻ, thú vị. Và dù đã quá quen thuộc với nội dung phim, nhưng khi được trải nghiệm bằng âm nhạc, người thưởng nhất là khán thính giả “nhí” lại có một thế giới tưởng tượng khác về bộ phim, về tuổi thơ, để rồi hiểu thêm cái hay cái đẹp, tác dụng quan trọng của nhạc giao hưởng trong một bộ phim.
Có mặt tại đêm nhạc, họa sĩ Dương Văn Chung, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên xúc động: Tôi rất bất ngờ! Dù đã xem các bộ phim, nhưng hôm nay trực tiếp được thấy sự thăng hoa của các nhạc công, những âm thanh cuốn hút từ dàn nhạc, khiến cảm xúc từ các bộ phim càng thêm rõ ràng và mạnh mẽ. Âm nhạc dẫn dắt tôi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ an lành sâu lắng, nhộn nhịp, khỏe khoắn, đến hào sảng trầm hùng… Thông qua những bản nhạc phim kinh điển làm cho âm nhạc bác học, hàn lâm – thể loại kén người thưởng thức đến gần hơn với khán thính giả, công chúng Thái Nguyên.
Chương trình kết thúc trong sự hài lòng và tiếc nuối. Đại diện những người yêu nghệ thuật của Thái Nguyên, NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nghệ sĩ biểu diễn của dàn nhạc. “Ngày hôm nay dàn nhạc đã thể hiện hết sức tuyệt vời và đem đến cho khán giả một buổi hòa nhạc thực sự hay và giàu cảm xúc. Tôi hi vọng trong thời gian tới dàn nhạc tiếp tục quay lại phục vụ công chúng Thái Nguyên”.
Những dư âm
Ngay sau buổi diễn danh cầm Đỗ Phương Nhi xúc động: Tôi mới trở về từ nước ngoài sau hơn 10 năm tu nghiệp và lưu diễn. Tôi hạnh phúc khi được biểu diễn sau những buổi tập luyện kéo dài tại Hà Nội cùng với các đồng nghiệp, và khi tới Thái Nguyên chúng tôi được chào đón thật nồng ấm. Khán giả ở Thái Nguyên rất nhiệt tình, ấm áp. Họ tiếp nhận một văn hóa âm nhạc mới, và phấn khởi thưởng thức buổi diễn. Sự hưởng ứng của khán giả giúp cho tôi cùng chỉ huy dàn nhạc, các nghệ sỹ chơi trong dàn nhạc được cổ vũ. Qua tiếng vỗ tay và hò reo không ngớt của khán giả Thái Nguyên, chúng tôi ai cũng thấy cảm động.
Thể hiện sự cảm kích khi đơn vị biểu diễn mang đến cho Thái Nguyên một món quà đặc biệt - lần đầu tiên có một dàn nhạc giao hưởng lớn như vậy biểu diễn trên đất Thái Nguyên, Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết: Giao hưởng là một loại hình nghệ thuật đỉnh cao, hàn lâm và thường xa xôi đối với hiểu biết phổ thông. Trong một căn phòng lộng lẫy như vậy, được chạm vào giao hưởng thông qua hình ảnh, âm thanh. Hình ảnh ở đây giống như “phiên dịch” để cho mình hiểu, mình cảm nhận được bằng thị giác. Thật hạnh phúc khi được bước vào thế giới của âm nhạc “giao hưởng hiện đại”.
Ở đây các loại hình nghệ thuật được phối hợp, phối trộn nhau, hỗ trợ nhau để đem lại cảm xúc thẩm mỹ tốt nhất cho người thưởng thức, bất kể họ là ai. Ngay tại đêm diễn có những người rất bình dân, có cả giới nghệ thuật với đủ mọi lứa tuổi, họ đến ngồi nghe từ đầu đến cuối. Đơn vị tổ chức đã thành công khi đưa giao hưởng về với cộng đồng để ai cũng có thể thưởng thức được. Những khuôn mặt hân hoan, những tràng pháo tay cổ vũ đã nói lên điều đó. Giao hưởng đã được đến được với công chúng, đến được với tất cả mọi người, thông qua sự hỗ trợ của các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu tạp kỹ, ánh sáng...
Khán thính giả vượt qua nỗi e ngại, đến rạp thưởng thức, khi trở về họ thấy hạnh phúc và vui sướng, giống như một món quà mà đơn vị tổ chức mang đến. Chỉ có điều người Thái Nguyên chưa hiểu hết giá trị của món quà đó. Nếu họ đón nhận một cách hào hứng hơn, nhiều người đến rạp hơn, nhiều buổi biểu diễn hơn, thì niềm hạnh phúc, sự tận hưởng ấy thật sự trọn vẹn và được lan tỏa.
Đúng như cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, đêm nhạc đã rất thành công, nhưng để có được sự trọn vẹn ấy, mấy ai biết nhà tổ chức đã phải nỗ lực như thế nào. Chứng kiến sự chuẩn bị của đơn vị biểu diễn chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với rất nhiều những khó khăn trong công tác chuẩn bị khi họ mang dàn nhạc đi lưu diễn.
Để hơn 70 nghệ sĩ người thăng hoa trên sân khấu thì ở đằng sau là một số lượng người tích cực làm việc tương đương và có thể còn lớn hơn như thế. Đấy là bộ phận hậu đài, kĩ thuật viên, bộ phận làm công tác tổ chức... Tổ chức sự kiện để cả nghìn khách vào trong khán phòng, riêng lực lượng đón tiếp, lễ tân cũng là hàng chục người. Phần quan trọng nữa, đó là tất cả các nghệ sĩ tới chương trình mỗi người đều mang một nhạc cụ chứ không như các chương trình biểu diễn của các bộ môn nghệ thuật khác - chỉ cần có trang phục là có thể lên diễn được.
Những nhạc cụ của các nghệ sĩ giao hưởng ở tại chương trình mới thật sự đặc biệt, có những cây đàn violin trị giá hàng tỉ đồng, có những cây kèn trị giá nhiều tỉ đồng… phải đảm bảo an toàn và bảo quản ra sao? Rồi những cây đàn piano lớn, bộ trống lớn… tất cả những thứ đó kết hợp lại mới thành hiệu ứng âm thanh cho một dàn nhạc, để chuyển tới phục vụ công chúng cần tốn rất nhiều lực lượng hậu đài. Ngoài ra công tác bán vé, công tác quảng bá… tất cả đều liên quan tới kinh phí, đây là một bài toán khó với nhà tổ chức. Nói vậy để thấy Pianist, Conductor, Nguyễn Long An cùng Dàn nhạc Phim Sài Gòn (SFO) và các nghệ sĩ nổi tiếng trong dàn nhạc phải là người tâm huyết lắm mới có thể tổ chức những chương trình hoành tráng và chất lượng như vậy.
Và có lẽ thành công nhất của chương trình là góp phần xóa bỏ định kiến rằng nhạc giao hưởng – thứ âm nhạc hàn lâm khó tiếp cận của công chúng. Hi vọng khán giả Thái Nguyên sẽ tiếp tục ủng hộ và lan tỏa những điều tốt đẹp của giao hưởng, để công chúng ngày càng đến gần hơn với thể loại nhạc bác học, hàn lâm; từ đó cùng tận hưởng trọn vẹn, dần coi nhạc thể loại âm nhạc đặc biệt này là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...