Thứ hai, ngày 24 tháng 03 năm 2025
20:09 (GMT +7)

Các “anh trai” sẽ mở đường công nghiệp văn hóa?

Ngày cuối cùng của năm 31/12, trong buổi họp báo thường kỳ quý IV- 2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hà Nội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khi nói đến vấn đề công nghiệp văn hóa có nhiều điểm sáng, đã đặc biệt đề cập thành công của hai concert “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Đồng thời được biết Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng sẽ nghiên cứu kỹ hơn về hai concert này để xây dựng và nhân rộng hơn, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Concert “Anh trai say hi” tại Mỹ Đình (Hà Nội)
Concert “Anh trai say hi” tại Mỹ Đình (Hà Nội)

Và trong tổng kết xu hướng tìm kiếm nổi bật trên Google năm 2024 ở Việt Nam trong mục “Concert”- từ khóa “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”- hai gameshow âm nhạc phiên bản Việt Nam đang đứng đầu. Hai chương trình này cũng được bình chọn nằm trong top 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong năm 2024. Trong các đêm công diễn sau khi kết thúc gameshow, cả hai “Anh trai…” đều thu hút lượng khán giả khổng lồ, không thua gì với những show diễn của các showbiz nổi tiếng quốc tế vào Việt Nam, dù giá vé rất cao.

Phải chăng hai “Anh trai…” này đang là khởi đầu mở đường- chìa khóa cho việc phát triển công nghiệp văn hóa?

Các “Anh trai…” tạo cơn sốt viral - trend trong cộng đồng

Ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý nhân rộng mô hình hai concert “Anh trai…” đình đám để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, thì “Anh trai vượt ngàn chông gai” lại tiếp tục tạo cơn sốt bình chọn trên mạng xã hội. Tiếp nối tinh thần đó, tại các giải thưởng như VTV Awards 2024, Mai Vàng 2024, We Choice Awards 2024... không khí bình chọn “Anh trai vượt ngàn chông gai” diễn ra rất sôi nổi.

Ngay từ khi gameshow được kích hoạt đã thu hút lượng khán giả theo dõi chương trình trên truyền hình qua từng chặng, và hình ảnh các “anh trai…” luôn được mang ra “làm đầu câu chuyện”, từ ca khúc, trang phục, sự tập luyện, rồi cả những câu chuyện về “vượt ngàn chông gai” để “say hi”, tạo thành viral - được chia sẻ rộng rãi, thành trend - trào lưu, đến việc các ca khúc “bỗng dưng” được “nổi” lên đứng trong các top xếp hạng music trong tuần trong tháng.

Có rất nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến các ca khúc, như trong “Anh trai vượt ngàn chông gai”, rất nhiều ca khúc nhạc “đỏ”, nhạc dân ca, hay các ca khúc “sống mãi với thời gian” được “mix” lại và biểu diễn bằng phong cách mới. Chất trẻ, sự sáng tạo, và “bắt tai”, tạo thành xu hướng tìm kiếm ca khúc gốc, để vô tình mà nhiều ca khúc “ngủ yên” hàng mấy chục năm được “hồi sinh” đầy cuốn hút trong diện mạo mới.

Một tiết mục trong “Anh trai say hi”
Một tiết mục trong “Anh trai say hi”

Chính vì sức hút của gameshow, mà khi kết thúc, các nhà tổ chức cảm nhận được hay “dự đoán” bằng linh giác của những nhà kinh doanh các showbiz, thấy được sức hút và lợi nhuận có thể thu về không kém gì khi tổ chức gameshow trên truyền hình, nên đã lên chương trình concert cho hai “Anh trai…”.

Quả thật, sức hút gần như không có trong tưởng tượng với các showbiz âm nhạc Việt từ trước tới giờ, không thua gì show của Black Pink hay các thần tượng âm nhạc KPop, quốc tế vào Việt Nam. Ngay sau chương trình concert “Anh trai say hi” ở TP Hồ Chí Minh gây “sốt” bởi số lượng khán giả xem - nghe đông kỷ lục, thì “Anh trai vượt ngàn chông gai” còn gây “choáng” với chính cả nhà tổ chức, bởi số lượng “fan” không có trong tưởng tượng với showbiz Việt từ trước tới giờ.

Tại Vinhomes Ocean Park, Hưng Yên - địa điểm tổ chức concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”, đã công bố con số khán giả “khủng”, hơn 130.000 lượt khách - theo số liệu được đo bằng hệ thống đếm của FootFall, đổ về xem chương trình công diễn trong trong ngày 14/12/2024. Và concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” trở thành sự kiện văn hóa lễ hội có lượng người tham dự đông kỷ lục tại Hưng Yên. Các fan xếp hàng từ sáng sớm để chờ giao lưu với thần tượng. Đây cũng là sự kiện âm nhạc được các “tín đồ” VPop săn lùng vé gắt gao, giá vé gốc đã cao, mà giá vé “chợ đen” còn được đẩy cao gấp mấy lần nhưng vẫn không có vé để bán.

130.000 lượt khách đến trải nghiệm trong concert, một con số nói lên rất nhiều điều về “kinh doanh” văn hóa - hay công nghiệp văn hóa. Chương trình phải thuộc về một đẳng cấp nhất định, phải có tầm như các showbiz quốc tế, không chỉ là chất lượng nội dung - nghệ thuật mà còn là trình độ tổ chức, tạo nên một “dịch vụ” chất lượng cao, đáng “đồng tiền bát gạo” để phục vụ “khách hàng” và các “Thượng Đế”.

Sự thành công của chương trình trên sóng VTV và những đêm concert, làn sóng bình chọn “Anh trai vượt ngàn chông gai” cho thấy tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam - đặc biệt khởi nguồn từ âm nhạc. Và ngành công nghiệp văn hóa không chỉ cần những nhà sản xuất giỏi, nghệ sĩ tài năng, công nghệ hiện đại mà còn cả những người hâm mộ hiểu biết và văn minh - khán giả “chất lượng cao”.

Khán giả “chất lượng cao” - Nhà tổ chức cũng nâng tầm các chương trình

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ, rất để tâm đến thành công của hai “Anh trai…”, và cũng theo sát chương trình từ khi lên dự án cho tới lúc biểu diễn, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nhà sản xuất chương trình, các nghệ sĩ biểu diễn và cả việc quan sát - thăm dò thị trường xem khán giả thích gì, thích như thế nào, thích ra sao… Có lẽ khi được chú ý, được chăm chút theo xu hướng công nghiệp văn hóa, nên chương trình đã thành công, số vé bán ra không thua gì các concert của sao nước ngoài.

Sân khấu lung linh và hoành tráng của “Anh trai vượt ngàn chông gai”
Sân khấu lung linh và hoành tráng của “Anh trai vượt ngàn chông gai”

“Anh trai vượt ngàn chông gai” tổ chức vào tối 15/12/2024 tại Hà Nội. Khán giả háo hức đến độ tạo nên “cơn sốt” vé, bởi chỉ sau 40 phút mở bán ngày 12/11, toàn bộ vé đã được bán hết, lập kỷ lục về tốc độ bán vé chưa từng có trong lịch sử các chương trình âm nhạc tại Việt Nam. Tương tự, concert “Anh trai say hi” nhanh chóng hết vé khi mở bán ngày 7/11, dù ngày 7/12 mới tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, concert đầu tiên của “Anh trai say hi” tại TP Hồ Chí Minh, với giá từ 800.000 đến 8 triệu đồng/vé, tổng cộng tới 20.000 vé, cũng được bán hết chỉ sau 90 phút.

Số lượng vé bán ra như thế, là một minh chứng khán giả xem show ca nhạc hôm nay không còn là khán giả “truyền thống” như trước. Họ không chỉ là đến nghe nhạc, mà trước đó, họ từng theo dõi chương trình trên truyền hình, và tạo lập những nhóm - group “fan” của các “anh trai…”, họ mua vé để “sống” trong những khoảnh khắc hạnh phúc với thần tượng của mình trong âm nhạc. Sự yêu mến mang tính chất cộng đồng được các nhà nghiên cứu văn hóa gọi là “Fandom” - hiện tượng xã hội mà ở đó người hâm mộ được sống trong cộng đồng mà họ yêu mến, trải nghiệm những niềm vui nỗi buồn cùng nhau, cùng nhau bảo vệ những giá trị của cộng đồng đó, bao gồm cả “fan và idol” (người hâm mộ và thần tượng) chung sức xây dựng. 

Từ những gì diễn ra qua hai chương trình “Anh trai…”, thấy rõ khán giả - cộng đồng không dừng lại ở việc hâm mộ cá nhân thông thường, mà đang thể hiện một văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh, gắn kết với nhau từ niềm đam mê âm nhạc nói chung, là sự hiểu biết và tôn trọng nhau. Các “fandom” đoàn kết với nhau để lan tỏa sự yêu mến chân thành của mình và tôn vinh các giá trị nhân văn, tạo ra một làn sóng ứng xử văn minh được cộng đồng ủng hộ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc đồng tình với những ý kiến cho rằng chúng ta đang manh nha bước đầu của công nghiệp văn hóa. Và Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu thành công của hai “Anh trai…”, để có thêm các dữ liệu, tạo điều kiện, có những cơ chế, chính sách tốt nhất cho các đơn vị tổ chức biểu diễn khác, để khi họ làm chương trình cũng sẽ có thể gặt hái thành công như hai concert “Anh trai…”.

Ca khúc “Mẹ yêu con”tại “Anh trai vượt ngàn chông gai” - được khán giả yêu thích, chia sẻ trên mạng xã hội
Ca khúc “Mẹ yêu con”tại “Anh trai vượt ngàn chông gai” - được khán giả yêu thích, chia sẻ trên mạng xã hội

Cũng từ thành công của hai “Anh trai…” có lẽ đã “thức tỉnh” các nhà tổ chức showbiz ca nhạc - những bầu show, cho thấy các nhà tổ chức cần phải “nâng cấp” kiến thức tổ chức biểu diễn cho chính mình, không thể cách làm đã cũ như trước, một show trình diễn ca nhạc đơn thuần, mà cần phải là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, giống như mô hình các tour vòng quanh thế giới của các idol quốc tế. Đặc biệt việc có một hệ sinh thái của chương trình, sẽ tạo ra những nguồn thu khổng lồ trước - trong và sau sự kiện.

Và muốn thế, nhà tổ chức cần chuyên nghiệp hóa toàn bộ các khâu, không chỉ là mời nghệ sĩ có tiếng, biểu diễn một show, xong rồi thôi, kiểu ăn xổi, mà cần phải lên kế hoạch chiến lược dài hơi, tính toán các phương án rủi ro,  để tránh thiệt hại ít nhất… Ngoài ra công tác truyền thông, việc mua bán bản quyền, quản lý nghệ sĩ… các nhà tổ chức cũng nên biết. Đặc biệt, sự đòi hỏi của khán giả là vô tận, chương trình này đã làm họ thỏa mãn, nhưng không có nghĩa chương trình sau lặp lại, mà phải khác khác biệt - ít nhất bằng hoặc hay hơn, độc lạ hơn, mới mẻ hơn… thế mới gọi là “công nghiệp văn hóa”.

Kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Cần tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại”.

Phát triển công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đem lại nhiều cơ hội mới cho văn nghệ sĩ. Tuy nhiên thực tiễn ở nước ta hiện nay để phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực rất rộng và phong phú này còn gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Còn rất nhiều vấn đề phải “khai phá”, “khai phóng”, là những “lần đầu tiên” chưa có trong thực tế từ trước tới nay…

Những thành công của hai chương trình gameshow và concert “Anh trai…”, chính là những kinh nghiệm, là thực tế để làm cơ sở hoàn thiện các quy chế, quy định, các chính sách phù hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ với biểu diễn ca nhạc mà còn là với các ngành văn hóa nghệ thuật khác.

Năm 2025, hy vọng sẽ có đột phá trong chiến lược phát triển văn hóa, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, thêm nhiều thành công trong việc tổ chức các sự kiện- chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao, thật sự là những showbiz công nghiệp văn hóa, để văn hóa cũng là một ngành mũi nhọn, không chỉ mang lợi nhuận kinh tế mà còn là nền tảng tinh thần xã hội, hoàn thành sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hoài Hương

2 đã tặng

0

0

0

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy