
Góc biếm họa số 7 (2025)

Thành tựu của âm nhạc Thái Nguyên từ 1975 đến nay
Trong 50 năm qua, âm nhạc Thái Nguyên tiếp tục truyền thống của những thập niên trước. Dòng chảy chính của âm nhạc vẫn luôn là dòng chảy chính thống và gắn bó với mạch nguồn của dân tộc, ca ngợi cuộc sống lao động, sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về 2 cuộc chiến tranh cách mạng.
Âm nhạc góp phần tích cực làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Âm nhạc tạo dựng những hình tượng nghệ thuật phản ánh cuộc sống, nâng cao nhận thức thẩm mỹ. Bản chất âm nhạc là ngợi ca, nó thuận tiện khi thể hiện những hình tượng nghệ thuật mang tính hướng thiện, mang tính giáo dục đạo đức cao cho con người.
Thái Nguyên, mảnh đất với nhiều danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa lâu đời, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ. Những ca khúc về Thái Nguyên không chỉ đơn thuần là những tác phẩm âm nhạc mà còn là những bức tranh sống động về con người và vùng đất này.
Sau ngày đất nước thống nhất, hoạt động âm nhạc ở Thái Nguyên bước vào một giai đoạn mới. Những bài hát ca ngợi mảnh đất và con người Thái Nguyên ngày càng nhiều, có những tác phẩm thành công như: “Muôn vàn tình thương yêu” - Phạm Tuyên; “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” - Phó Đức Phương; “Hát về thành phố Thái Nguyên” - Nguyễn Đức Toàn; “Đêm Thái Nguyên” - Vương Khánh Trường; “Chiều quê hương” - Đặng An Nguyên; “Người đẹp Thái Nguyên” - Cao Khắc Thuỳ - Hiền Mặc Chất; “ATK nhớ mãi ơn Người” - Lê Tú Anh… Ca nhạc chuyên nghiệp và không chuyên của Thái Nguyên đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người hâm mộ và có nhiều thành tựu trong các liên hoan, hội diễn toàn quốc và khu vực.
Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt, những danh lam thắng cảnh như Hồ Núi Cốc, mà còn là nơi nuôi dưỡng nhiều tài năng âm nhạc. Đội ngũ nhạc sĩ Thái Nguyên có nhiều tác giả có tên tuổi, có uy tín không chỉ trong phạm vi của tỉnh mà còn lan tỏa trong cả nước. Các nhạc sĩ đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam, như nhạc sĩ Đỗ Minh với: “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” là lời ca ngợi Đảng, là niềm tin và hy vọng của nhân dân ta vào một tương lai tươi sáng. Nhạc sĩ Lê Tú Anh với “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” được Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI thống nhất lựa chọn làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nhạc sĩ Vương Khánh Trường với “Thái Nguyên thành phố hôm nay”, ca khúc đã được lấy làm nhạc hiệu của thành phố Thái Nguyên. Nhạc sĩ Quản Đức Thắng với “Hành khúc Đặc công” được chọn là bài hát truyền thống của lực lượng Đặc công Việt Nam… Có thể nói mảnh đất, con người Thái Nguyên đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ của Thái Nguyên.
Trong nghệ thuật âm nhạc, người sáng tạo thứ hai của một tác phẩm chính là người nghệ sĩ biểu diễn, người thể hiện nội dung của tác phẩm âm nhạc. Bằng tài năng, kỹ thuật biểu diễn và sự sáng tạo, người nghệ sĩ luôn tìm tòi sâu thêm những khả năng biểu hiện của tác phẩm âm nhạc. Thái Nguyên cũng là nơi có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSƯT Nông Văn Khang, NSND Nông Trung Bộ, NSƯT Văn Học, NSND Nông Xuân Ái… và rất nhiều nghệ sĩ khác trong vai trò chỉ huy dàn dựng, phối khí, ca sĩ, nhạc công… đã có nhiều đóng góp trong việc tạo nên một đời sống âm nhạc của địa phương. Họ đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú… và lớp nghệ sĩ này đang từng ngày đóng góp tích cực cho nghệ thuật âm nhạc của Thái Nguyên.
Trong 50 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương; nhiều chủ trương, chính sách mới về văn học nghệ thuật được ban hành đã tạo thêm động lực và cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Nhiều giải thưởng, cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác đã được các nhạc sĩ, các văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tỉnh Thái Nguyên tích cực tham gia. Qua đó thể hiện sự tôn vinh và khẳng định những giá trị mới trong đời sống văn học nghệ thuật Thái Nguyên.
Những vấn đề cần quan tâm của âm nhạc Thái Nguyên từ 1975 đến nay
Âm nhạc là một trong những loại hình cơ bản của nghệ thuật. Nghệ thuật lại là một bộ phận của văn hóa tinh thần, là thành tố nhạy cảm nhất của văn hóa thẩm mỹ. Trong cấu trúc của mình, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc được nhìn nhận dưới cấu trúc bao gồm bốn thành tố chính như sau: Nghệ sĩ; Tác phẩm nghệ thuật; Công chúng; Các cơ quan, tổ chức thiết chế văn hóa, hoạt động lý luận phê bình, quản lý lãnh đạo (quản lý).
Người nghệ sĩ, người nhạc sĩ sáng tác giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự tồn tại của loại hình âm nhạc. Có thể nói không có nhạc sĩ thì cũng không thể có tác phẩm âm nhạc. Công chúng cũng là một thành tố quan trọng của nghệ thuật âm nhạc. Không chỉ là người thưởng thức, họ cũng chính là người thẩm định giá trị của một tác phẩm âm nhạc. Thành tố cuối cùng của cấu trúc bao gồm các cơ quan, tổ chức thiết chế văn hóa, hoạt động lý luận phê bình, quản lý lãnh đạo đảm bảo cho sự hình thành các yếu tố trên và thúc đẩy hoạt động sáng tạo và tiêu dùng các giá trị nghệ thuật đúng định hướng. Đây là một thành tố rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của âm nhạc đương đại.
Sinh hoạt âm nhạc luôn chịu tác động trực tiếp từ đời sống chính trị xã hội, từ chính sách và phương thức quản lý văn hóa nghệ thuật. Vậy nên hoạt động âm nhạc có đổi mới để ngày càng đa dạng hơn hay không là nhờ nỗ lực của người làm nhạc, người thưởng thức nhạc và người quản lý mang tính quyết định trong kiến tạo môi trường âm nhạc.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và internet đã mở ra một cánh cửa mới cho âm nhạc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo, chia sẻ và tiếp cận âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới. Sự đa dạng về phong cách âm nhạc đã ảnh hưởng đáng kể đến cách mà các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong sáng tác và biểu diễn. Không thể hòa nhập vào sự kết nối toàn cầu, nếu phủ nhận hoặc hạn chế vai trò của internet. Thời đại công nghệ thông tin đòi hỏi văn nghệ sĩ điều chỉnh tư duy và cách thức sáng tạo, thì với nhà quản lý là sự đòi hỏi điều chỉnh tư duy và cách thức quản lý. Không gian số sẽ đem lại cơ hội tiếp cận, kết nối và tương tác cho cả ba đối tượng: sáng tạo, thưởng thức và quản lý âm nhạc.
Âm nhạc Việt Nam, như một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc, là một mạch thống nhất gắn liền với mạch nguồn của Tổ quốc. Thái Nguyên, một tỉnh mà có đông đủ các dân tộc thiểu số sinh sống, đã góp phần xây dựng và phát triển các làn điệu mới vào âm nhạc Việt Nam, phản ánh tinh thần, chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng vùng đất của người Thái Nguyên. Trong 50 năm qua âm nhạc Thái Nguyên vẫn luôn tiếp tục những truyền thống của những thập niên trước, đóng góp văn hóa tinh thần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệm vụ, giải pháp công tác lý luận, phê bình âm nhạc Thái Nguyên trong giai đoạn mới
Hiện tại và phía trước còn nhiều thử thách nhưng cũng mở ra những khả năng thay đổi trong quản lý. Không thể có một tương lai âm nhạc phát triển rực rỡ nếu như chưa đầu tư thích đáng cho môi trường giáo dục, khuyến khích tối đa sự sáng tạo. Muốn hội nhập thế giới thì phải bắt kịp thời đại, mà muốn theo kịp thời đại trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, thì cũng phải theo kịp thời đại trong quản lý âm nhạc.
Để âm nhạc Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế và có được những thành tựu “vươn tầm” hơn, một trong những vấn đề căn cốt cần được chú trọng, quan tâm hiện nay là việc xây dựng đội ngũ kế cận. Việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ là rất quan trọng. Chỉ khi nào có được đội ngũ nhạc sĩ trẻ với kiến thức, tài năng, ý thức xã hội tốt thì chúng ta mới hy vọng có được những tác phẩm chất lượng cao cả về nghệ thuật và nội dung.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục xây dựng một đội ngũ phê bình âm nhạc đích thực, có chuyên môn cao. Sự có mặt của nhà phê bình trong quá trình giới thiệu, dẫn giải, quảng bá tác phẩm thì công chúng sẽ thưởng thức tốt hơn, chính xác hơn và hào hứng hơn.
Về tổ chức, cũng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, có tinh thần trách nhiệm cao giữa Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh… dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy nhằm tạo ra được sức mạnh tổng hợp trong việc thúc đẩy sự nghiệp âm nhạc Thái Nguyên phát triển. Các cơ quan quản lý cần xem xét việc sử dụng nguồn lực văn nghệ sĩ một cách hợp lý, tạo cơ hội cho ra đời những tác phẩm tốt. Chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách, điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, xuất bản, công diễn… tặng giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, nhất là đối với các công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian.
Từng bước đổi mới, mở rộng, nâng cấp chương trình giáo dục âm nhạc trong các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông. Việc giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc cho các tầng lớp công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ cần được quan tâm, chú trọng. Góp phần để mọi đối tượng có thể thưởng thức các loại hình âm nhạc khác nhau trong môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích.
Qua các vấn đề nêu trên, đã đặt ra những thách thức mới cho âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc Thái Nguyên nói riêng. Để tiếp tục phát triển, đáp ứng được sự đa dạng và thay đổi của người nghe, ngành âm nhạc Thái Nguyên cần không ngừng sáng tạo, lắng nghe và tiếp thu những xu thế gần gũi với giới trẻ hơn, nâng cao chất lượng, tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo và ấn tượng. Chúng ta hy vọng rằng, với sự đồng lòng của các thế hệ nghệ sĩ, cùng với tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật âm nhạc Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tiếp tục có những hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại, không chỉ nâng cao chất lượng nghệ thuật mà còn khẳng định vị thế của âm nhạc Thái Nguyên với nền âm nhạc Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.
Đỗ Quang Đại
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...