Tiếng hát từ trái tim của người khuyết tật Thái Nguyên
VNTN- Sáng nay (10/8), Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thi tiếng hát người khuyết tật (NKT) tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, năm 2024 với chủ đề “Tiếng hát từ trái tim”. Hội thi đã tô đậm thêm tinh thần nỗ lực tuyệt vời của những người khuyết tật, bằng tài năng và sự đam mê của mình đã mang đến một chương trình nghệ thuật “chạm vào trái tim” của khán giả.
Hội thi là hoạt động thiết thực chào mừng 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024”.
Hội thi đã thu hút sự tham gia của 11 đoàn với gần 200 diễn viên đến từ các huyện, thành, thị trong tỉnh và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, Hội người mù tỉnh.
Mỗi đơn vị đã mang đến Hội thi 3 - 4 tiết mục thuộc 3 loại hình: ca - múa - nhạc được kết hợp chặt chẽ, linh hoạt với nhau. Các tiết mục chủ yếu xoay quanh các nội dung: Ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi truyền thống yêu nước của nhân dân ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân; giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền trên cả nước; ca ngợi những tấm gương điển hình vượt qua khó khăn, vượt qua số phận tật nguyền phấn đấu vươn lên…
Các tiết mục đều đã được các đoàn dự thi chuẩn bị kĩ lưỡng, dàn dựng công phu; phục trang, đạo cụ biểu diễn đa dạng, hầu hết các tiết mục hát đều có múa, hoạt cảnh kèm theo để minh họa. Hệ thống đèn led, các hiệu ứng sân khấu hỗ trợ hiện đại cũng đã góp phần tô điểm thêm giá trị nghệ thuật của Hội thi. Những diễn viên “đặc biệt” khi lên, xuống sân khấu đều phải có sự trợ giúp nhưng ngay khi tiếng nhạc cất lên thì dường như họ đều đã quên hết đi khiếm khuyết, thiệt thòi của bản thân để “cháy hết mình” với nghệ thuật chạm đến con tim của khán giả có mặt tại sân khấu. Các khán giả đã được trải nghiệm qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ xúc động, sâu lắng đến vẻ vang, hào hùng, sôi nổi. Sau khi kết thúc mỗi tiết mục đều là những tràng vỗ tay giòn giã kèm theo những tiếng hô to “hay!”, “tuyệt vời!” vang dội khắp khán phòng. Hội thi đã mang đến cho khán giả một chương trình âm nhạc đặc sắc, thú vị.
Một số tiết mục đặc sắc, ấn tượng nhất có thể kể đến như: múa “Sen vọng ánh trăng” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên; hát “Bóng cây Kơ Nia” của Hội người mù tỉnh Thái Nguyên; hát và hòa tấu “Nhạc rừng” và “Đi tìm lời nữ thần mặt trời” của Hội Người khuyết tật huyện Định Hóa; hát múa “Một đời người một rừng cây” của Hội Người khuyết tật huyện Phú Bình… Các tiết mục đã giành được giải A của Hội thi.
Chị Nguyễn Quỳnh Anh (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Nếu chỉ nghe và cảm nhận thì thật khó có thể phân biệt được rằng đây là hội thi văn nghệ của những người khuyết tật. Họ biểu diễn tự nhiên, mộc mạc nhưng cũng thật chuyên nghiệp. Tôi thật sự khâm phục nghị lực của họ và cũng thật sự ấn tượng với tài năng của họ.
Ông Hoàng Minh Tuân, thành viên Ban giám khảo cho biết: Cũng đã từng tham gia chấm chọn tại nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng nhưng quả thực Hội thi này để lại cho tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc. Dù diễn viên đều là NKT nhưng chất lượng nghệ thuật lại không hề thấp. Nếu liên tục trau dồi và theo đuổi đam mê nghệ thuật thì họ hoàn toàn có thể “bay xa” hơn trên con đường nghệ thuật.
Và để có được những thành quả đó là cả một quá trình nỗ lực vươn lên, tập luyện của những diễn viên khiếm thị cũng như sự trách nhiệm, nghiêm túc của từng đoàn.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên đã xuất sắc giành được giải Nhất toàn đoàn. Đoàn tham gia Hội thi với 15 diễn viên nhí chủ yếu là các em khiếm thính câm. Cô giáo Vũ Thị Thu Phương chia sẻ: Để dàn dựng, tập luyện tiết mục múa “Sen vọng ánh trăng” đoạt giải A, cô trò trường đã phải tập luyện trong nhiều ngày. Các em đều bị khiếm khuyết ở khả năng nghe và việc tập luyện sẽ không giống như bình thường. Giáo viên chia nhỏ từng đoạn trong bản nhạc ra rồi các em sẽ đếm để thực hiện động tác múa theo hướng dẫn của giáo viên. Đến khi biểu diễn các giáo viên đứng dưới khán phòng để làm động tác đếm cho các em biểu diễn theo. Thật tuyệt vời là chúng tôi đã thu về được “trái ngọt”, các em vui lắm. Qua dịp này, các em sẽ tự tin hơn nhiều!
Tại Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 5 giải A, 5 giải B, 5 giải C, 6 giải Khuyến khích cho các tiết mục; Trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các đoàn tham dự.
Hội thi một lần nữa tô đậm thêm tinh thần nỗ lực tuyệt vời của những NKT, bằng tài năng và sự đam mê của mình, họ đã vượt qua định kiến để thay đổi nhận thức xã hội về năng lực và sự cống hiến của họ. Hội thi không chỉ dừng ở ý nghĩa là một cuộc thi văn nghệ quần chúng, mà hơn thế đã trở thành một sân chơi bổ ích, lý thú khẳng định quyền được tham gia vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của NKT, qua đó truyền đi một thông điệp: Không có gì là không thể, NKT có thể vượt qua rào cản khuyết tật làm được mọi việc, thậm chí làm rất tốt nếu họ có quyết tâm, có nghị lực và được tạo điều kiện.
A.T
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...