Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
14:50 (GMT +7)

3 điều kiện đủ trong lao động sáng tạo của người viết văn

VNTN - Năng lực sáng tạo là một trong những phẩm chất tâm lý đặc biệt của con người. Nó không chỉ phụ thuộc vào thành tố sẵn có (thiên bẩm), mà còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình rèn luyện của cá nhân. Nó là tổng hợp của những thuộc tính tâm lý như: óc quan sát, cảm xúc, tư duy, tưởng tượng, sự nhạy cảm về ngôn ngữ, sức tập trung chú ý, hành vi, trí nhớ v.v… Đây chính là điều kiện tiên quyết để người viết cho ra đời những tác phẩm văn chương. Nếu những yếu tố bẩm sinh của năng lực sáng tạo văn học như: cấu trúc não, cấu trúc giải phẫu sinh lý, các giác quan v.v... là điều kiện cần, thì các yếu tố “đọc, đi, quan sát, suy ngẫm” là điều kiện đủ, để năng lực sáng tạo có thể thăng hoa thành tác phẩm văn chương. Chẳng vậy mà cách đây hơn hai thế kỷ, nhà bác học Lê Quí Đôn đã nói: “đọc - đi và đàm đạo là ba ông Tam Đa của văn học”.

Về hành động Đọc

Mỗi người có một đời sống tâm lý riêng, một tâm hồn riêng. Tâm lý mỗi người là kinh nghiệm xã hội - lịch sử chuyển thành kinh nghiệm của bản thân. Con đường để các kinh nghiệm xã hội lịch sử đó chuyển thành kinh nghiệm của cá nhân người viết có thể thông qua nhiều con đường và một trong những phương pháp hiệu dụng nhất là: hành động Đọc. Bởi vì sách là nguồn tích lũy tri thức qua lịch sử, hơn thế nữa còn có thể tiên liệu cả tương lai. Thế giới khách quan vô cùng rộng lớn, mà con người với vòng đời hữu hạn, thì lại nhỏ bé vô cùng. Vì vậy nếu như muốn có một hiểu biết quảng bác, toàn diện về thế giới, không cách nào khác là phải đọc. Đọc một cách bền bỉ, đọc có hệ thống và có chọn lọc.

 Bền bỉ, từ góc nhìn tâm lý là người đọc vừa phải có sự hứng thú của quá trình nhận thức cảm giác, đồng thời lại vừa phải có nỗ lực, ý chí của quá trình nhận thức tri giác. Đọc là một hành động xuyên suốt cả cuộc đời, nếu chỉ thỏa mãn các ham mê nhất thời bằng nhận thức cảm giác, thì tiếp nhận một cách rời rạc từng thuộc tính đơn lẻ, chứ không thể nắm bắt một cách toàn triệt bản chất của sự vật hiện tượng. Sau nữa, trong điều kiện bùng nổ các phương tiện truyền thông như hiện nay với cơ man các loại truyền thông: báo nói, báo viết, báo điện tử, truyền hình, truyền thanh, internet, video... hành động đọc (truyền thống) hiển nhiên không thể giữ được vị trí thượng phong như trước đây. Trong tình hình đó, sự bền bỉ trong việc đọc sách lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Phải đọc một cách có hệ thống bởi nhận thức là một quá trình tâm lý tiệm tiến từ không đến có, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận thức cảm giác đến nhận thức tri giác. Do đó nên bắt đầu từ sách văn học, các loại sách công cụ như: văn hóa, khoa học (tự nhiên, xã hội), sách tư tưởng rồi đến sách triết học. Hãy thử tưởng tượng là với một lời khuyên chí lí dạng như: “Muốn cho trang viết sâu sắc hãy đọc các tác phẩm triết học”. Về nguyên tắc điều này hoàn toàn đúng, bởi tư duy triết học là hình thức tư duy có tính trừu tượng và khái quát hóa rất cao. Đa số các nhà văn lớn của nhân loại, tác phẩm của họ đều chứa đựng các tư tưởng, triết luận rất sâu sắc. Tuy nhiên, nếu chưa có một sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức công cụ mà người viết vội bập ngay vào những tác phẩm triết học như: Phê phán lý tính thuần túy (Immanuel Kant), Hữu thể và thời gian (Martin Heidegger) hoặc Hữu thể và hư vô (Jean Paul Sartre) thì cũng chẳng khác gì đi phá tường bê tông với hai bàn tay không vậy!

 Việc chọn lọc các tác phẩm để đọc cũng có một vai trò quan trọng không kém, bởi vì giữa đại dương kiến thức mênh mông của nhân loại như vậy, nếu không có sự chọn lọc, tất sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễu, loạn thông tin. Trí nhớ sẽ không thực hiện được quá trình ghi nhớ và lưu giữ thông tin. Khi đó ngay cả dấu vết của thông tin còn lưu trên vỏ não cũng không giúp gì được cho quá trình sáng tạo.

Một tác dụng vô cùng quan trọng khác của sự đọc, đó là sự tích lũy ngôn ngữ. Nếu hội họa lấy màu sắc, đường nét, hình khối...; múa lấy động tác hình thể; âm nhạc lấy âm thanh, tiết tấu... làm công cụ biểu đạt, thì tác phẩm văn chương là tác phẩm ngôn ngữ, xét cho cùng sự thành bại của người viết văn, cũng nằm ở sự dụng ngôn. Logic của vấn đề nằm ở chỗ dù anh có nhạy cảm và linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ đến đâu thì điều kiện tiên quyết là anh phải có một tài nguyên ngôn ngữ đủ dùng. Muốn đạt được điều này, thì lại phải trở về với sự đọc. Quá trình đọc, trí nhớ không chủ định của họ sẽ tự động ghi nhớ, tự động tích lũy ngôn ngữ, đây là một cơ hội rất tốt để người viết làm giàu ngôn ngữ của mình.

Và hiển nhiên khi tài nguyên từ vựng đã đủ sự giàu có, thì lúc đó năng lực sáng tạo của nhà văn mới có thể thả sức tung hoành.

Về hành động Đi

Mượn cách nói của Lê Quí Đôn thì trong ba ông Tam Đa, không thể thiếu ông nào được. Đọc - đi - quan sát, suy ngẫm luôn luôn gắn với nhau. Có thể nói nếu hành động đọc tích lũy tài nguyên cho sáng tạo, thì hành động đi là sự kích hoạt cho sự sáng tạo đó. Có đi thì mới có hoạt động giao tiếp, có giao tiếp thì mới có trực quan sinh động tác động vào giác quan. Nhận thức cảm tính là tiền đề cho nhận thức lý tính. Mà nhận thức cảm tính thì bao gồm hai mức độ cảm giác và tri giác. Cảm giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào giác quan, còn tri giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự vật hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào các giác quan. Trong quá trình tri giác có sự tham gia của vốn sống, kinh nghiệm, tư duy, ngôn ngữ và nhiều chức năng tâm lý khác. Quá trình đi cũng chính là quá trình nhận thức cảm tính đối với sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Cũng bởi vậy nên cổ nhân không phải là không có lý khi nói rằng: “Nếu trong đầu không chứa vạn cuốn sách, mắt chưa từng nhìn muôn vàn quang cảnh núi sông kỳ vĩ thì không nên cầm bút viết ra trước tác”.

Nếu như hành động đọc trang bị cho người viết một phông văn hóa sáng, một tài nguyên kiến thức dồi dào, thì hành động đi không những là sự bổ sung mà còn là nơi kiểm nghiệm hàn lâm các yếu tố đó trong thực tiễn đời sống xanh tươi. Quan trọng hơn nó có tác dụng kích hoạt cảm xúc, kích hoạt tưởng tượng của  người viết. Một tâm hồn nhạy cảm, một trí tưởng tượng phong phú, sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu như nó tìm được cái cớ nào đó để tạo nên sự thăng hoa trong văn chương. Một tác phẩm lớn được nhà văn ấp ủ, thai nghén đã lâu song vẫn chưa thể khởi thảo, vì vẫn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Nhưng chỉ qua một chuyến đi thực tế, có thể chỉ là một cuộc gặp gỡ thoáng qua với một bà bán hàng rong, một bác lái xe ôm, một chú bé đánh giày v.v… mà nhà văn đã tìm thấy nhân vật, tìm thấy cánh cửa, hoặc lối ra cho tác phẩm của mình. Những Mùa lạc của Nguyễn Khải, Bão biển của Chu Văn, Cù lao Chàm của Nguyễn Mạnh Tuấn... đều được thoát thai trong các hoàn cảnh như vậy.

Vẫn biết, văn học là hư cấu, là tưởng tượng. Tuy nhiên, nếu tưởng tượng không bắt nguồn từ cuộc sống sẽ rơi vào sự hoang tưởng. Bên cạnh đó, ngay cả sự tích luỹ ngôn ngữ cũng được gắn chặt với quá trình giao tiếp, với trực quan sinh động của cuộc sống qua những chuyến đi. Các nhà ngữ học đã chỉ ra rằng, để ghi nhớ một từ mới vào trí nhớ thường xuyên (dài hạn) của con người thì nó cần phải trải qua đến năm ngữ cảnh.

Giao tiếp (trong các cuộc đi) là quá trình tiếp xúc tâm lý giữa con người và con người nhằm mục đích trao đổi tư tưởng, tình cảm, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Những nhà văn kỳ cựu như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Ma Văn Kháng… là những người  ý thức rõ tầm quan trọng của sự đi. Họ thường xuyên tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, ngôn ngữ thông qua những cuộc đi. Thậm chí nhà văn Nguyễn Tuân còn nâng sự đi này thành một thứ chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa xê dịch.

Sự tiếp xúc tâm lý thông qua các cuộc đi sẽ giúp nhà văn có điều kiện khám phá vũ trụ tâm lý sâu thẳm của con người, qua đó những trang văn tinh tế, sâu sắc sẽ ra đời, những trang văn mà ngay cả các nhà tâm lý học nghiêm khắc nhất cũng bị thuyết phục, bởi nhà văn đã cảm nhận và tái hiện được ngay cả những rung động mơ hồ nhất trong tâm hồn nhân vật.

Về hành động Suy ngẫm

Chăm đọc, chịu đi tuy quan trọng, song cũng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là sự quan sát, suy ngẫm. Nếu chỉ đọc - đi mà không có chiêm nghiệm, quan sát, suy ngẫm, thì dù mắt có thấy muôn vàn cảnh núi, sông, tai có nghe muôn vàn âm thanh, bản thân có được tiếp xúc với muôn vàn tha nhân, cũng không bao giờ thấy được sự kỳ vĩ của núi - sông, sự kỳ diệu của thanh âm và cái thăm thẳm của phận người!

Khoa học về tâm lý đã chỉ rõ, tính nhạy cảm là năng lực cảm giác nhạy bén, tinh vi, chính xác của con người. Năng lực cảm giác chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố, trước hết là các đặc điểm cấu tạo và chức năng của các giác quan, kiểu loại thần kinh… Song, năng lực cảm giác của con người không hoàn toàn bẩm sinh mà được hình thành phát và triển trong hoạt động, phụ thuộc vào việc rèn luyện và giáo dục. Năng lực cảm giác chịu sự chi phối bởi nhiều phẩm chất tâm lý của nhân cách: nhu cầu, hứng thú, khả năng chú ý, xu hướng, vốn kinh nghiệm… năng lực cảm giác là nhân tố chủ yếu của năng lực quan sát.

Quan sát là loại tri giác có chủ định, diễn ra tương đối độc lập và lâu dài, nhằm phản ánh đầy đủ, rõ rệt các sự vật hiện tượng và những biến đổi của chúng. Năng lực quan sát của mỗi người một khác. Đó là khả năng tri giác nhanh chóng và chính xác. Năng lực quan sát được hình thành trong cuộc sống, do hoạt động, do luyện tập tích cực và có phương pháp

Có thể thấy, nếu người viết không thường xuyên rèn luyện khả năng quan sát một cách tích cực và có phương pháp khoa học, thì dù thiên bẩm khả năng có xuất sắc đến đâu, dần dần cũng sẽ bị thui chột. Trong hồi ký và những bài viết phổ biến kinh nghiệm nghề, nhà văn Nguyễn Khải thường nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp ghi chép khi đi thâm nhập thực tế. Ý kiến của ông hoàn toàn có cơ sở khoa học tâm lý. Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh vốn kinh nghiệm của con người dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, giữ gìn, nhận lại và nhớ lại những điều mà con người đã trải qua. Tuy nhiên khả năng ghi nhớ của con người có hạn. Không nên có tham vọng ghi nhớ mọi thông tin vào trí nhớ thường xuyên (dài hạn). Để sử dụng những thông tin đó, thì sự Quên là cần thiết đối với người viết. Tất nhiên quên ở đây không có nghĩa là xóa sạch mọi thông tin, mà những thông tin qua các giác quan được ghi vào não, khi sự quên xảy ra, thì ít nhiều vẫn còn dấu vết của nó được ghi lại ở vỏ não. Khi xem lại tài liệu ghi chép, những thông tin này sẽ đánh thức quá trình nhận lại, hoặc nhớ lại. Nhận lại: Là khả năng nhận ra đối tượng nào đó trong  điều kiện tri giác lại đối tượng đó. Nhớ lại: Là khả năng làm sống lại những hình ảnh sự vật, hiện tượng đã được ghi nhớ trước đây trong não, khi sự vật hiện tượng không còn ở trước mắt. Nhận lại và nhớ lại đều có thể không chủ định và có chủ định.

Tuy nhiên, không phải ghi chép là phương pháp duy nhất đúng. Bởi mỗi người thường sẽ tìm được cho mình một phương pháp thích hợp nhất. Có những người viết đi thực tế, không ghi chép bao giờ nhưng họ vẫn cho ra đời các tác phẩm xuất sắc, như nhà văn Nguyễn Minh Châu là một ví dụ. Trong trường hợp này có thể nói, họ đã có cách tri giác sự vật rất tốt, tài liệu sống đã được biến thành, kỷ niệm, ký ức để khi người viết sử dụng, nó vẫn tươi ròng.

* * *

Đọc - đi - quan sát, ghi chép là những thao tác đầu vào, để biến các tài liệu thô thành tư tưởng độc đáo mang dấu ấn chủ quan của người viết. Nhà văn phải có sự chiêm nghiệm, suy ngẫm thấu đáo, sâu sắc. Ở đây, lại có một liên hệ ngược với các thao tác đầu vào. Muốn có được sự chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc, người viết, ngoài các các khả năng văn chương bẩm sinh, còn phải được trang bị những kiến thức cơ sở hết sức vững vàng. Có được điều này, không gì khác là phải thực hành nghiêm túc sự đọc

Nhìn từ bình diện tâm lý học thì đọc - đi - quan sát, suy ngẫm là một quá trình tâm lý tối cần thiết đối với việc thúc đẩy năng lực sáng tạo của nhà văn. Nhà văn hay văn nghệ sỹ nói chung là những người thuộc nhóm tâm yếu (nhạy cảm). Bẩm sinh họ đã được sinh ra với các thuộc tính tâm lý rất thích hợp với đặc thù của lao động nghệ thuật. Họ dễ rung cảm trước cái đẹp, họ cảm nhận vô cùng nhạy bén, những xao động dù là mơ hồ nhất trong nội tâm con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra, nếu không được rèn luyện thường xuyên và không có phương pháp, những khả năng thiên bẩm quí giá đó dần dần sẽ bị mài mòn và thui chột. Nói  như J.W.Goethe thì “lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Cuộc sống muôn màu luôn sum suê tươi tốt, chỉ có điều để có thể thưởng lãm được muôn điều kỳ thú của nó, nhà văn hãy bước ra khỏi tháp ngà để luôn luôn đọc, luôn luôn đi, luôn luôn suy tư về cuộc sống đầy bí ẩn nhưng cũng vô cùng thú vị này. Có như vậy họ mới có thể cống hiến cho cuộc đời này những tác phẩm lấp lánh văn chương và tươi ròng nhựa sống

Trần Sáng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy