Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
08:05 (GMT +7)

100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ IX- Chân dung những người Đông Dương tại Pháp)

(Tiếp theo kỳ trước)

Ảnh Nguyễn Ái Quốc tại Cục lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM)
Ảnh Nguyễn Ái Quốc tại Cục lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM)

Khi tìm hiểu về Nguyễn Ái Quốc trong những năm hoạt động ở Pháp, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta chỉ đọc những bản báo cáo về Bác của mật vụ mà không đọc thêm những bản báo cáo về những người đồng chí và cả những người đồng hương (có chung hoặc không có chung quan niệm đấu tranh nhưng đang sống bên cạnh Bác). Họ cũng là đối tượng mà mật thám cần theo dõi. Thông qua những bản cáo đó mà ta hiểu thêm con người cùng những chặng đường đấu tranh của Bác.

Dưới đây mà một bản báo cáo rất tỉ mỉ mà trong khuôn khổ một bài báo, tôi chỉ có thể trích lược, nhưng đủ để chúng ta có thêm cái nhìn sâu sắc về Bác.

BÁO CÁO CHUYẾN ĐI PARIS

Tôi đã rời Marseille ngày 26 tháng Hai năm 1921 bằng tàu cùng với FRANCOIS ALBERT.  Phu nhân của FRANCOIS ALBERT đã gây khó dễ để giữ chân chồng vì thực ra FRANCOIS ALBERT không có việc gì cần thiết phải làm ở Paris. Chuyến đi này chỉ là để đi cùng tôi. Cuối cùng trước thái độ cương quyết của chồng, phu nhân đã để ông ấy đi và đưa cho ông ấy 200 phờ răng (đơn vị tiền tệ của Pháp ở thế kỷ XX), để ngài ấy không ở lại quá lâu ở Paris.

Mệt mỏi vì đường xa, FRANCOIS ALBERT đã đề nghị tôi dừng lại ở Dijon, thành phố nơi ông ấy đã từng sống trong khoảng hai năm khi ông ấy lấy bằng lái máy bay. Chúng tôi rời Dijon vào ngày hôm sau để đi Paris, chúng tôi đến Paris vào lúc 5 giờ 40 sáng. Vì không tìm được phòng trọ, FRANCOIS ALBERT đã đưa thẳng tôi đến số 2 đường Fromont (Levallois Perret) để giới thiệu tôi với KHANH KY, với phu nhân và với bố vợ của ông ta.

Vào lúc 9 giờ sáng FRANCOIS ALBERT đã dẫn tôi đến đại lộ Bosquet để nhận phòng. Sau đó, ông ta muốn để tôi lại một mình để đi gặp KHANH KY với hi vọng được tự do nói chuyện, đó là cảm nhận của tôi. Vì tôi không muốn để FRANCOIS ALBERT rời khỏi một phút, tôi đã nói điều này: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Paris, tôi không muốn ở lại một mình ở trong phòng, tôi hi vọng ngài không bỏ rơi tôi”.

FRANCOIS ALBERT đã đáp lại: “Ngài đang cảm lạnh, thưa ngài, ngài có vẻ rất mệt, ngài nên đi nghỉ một lát, tôi sẽ quay lại tìm ngài vào lúc 2 giờ chiều, chúng ta sẽ đi quảng trường Concorde và một vài nơi”.

- Không tôi không mệt chút nào, tôi trả lời ông ta, tôi muốn đi cùng với ngài.

Trước thái độ khẩn nài, Francois ALBERT đã buộc phải để tôi đi cùng, vào lúc 11 giờ 30 phút chúng tôi có mặt tại nhà KHANH KY.

………….

FRANCOIS ALBERT 

FRANCOIS ALBERT tự hào vì gặp may.

FRANCOIS ALBERT  nói với ngài ARGILLIER: “Tôi không biết làm thế nào mà ngay khi đến Marseille tôi đã có thể đăng ký tại tòa án. Hơn nữa ở đó tôi có không ít khách hàng. Thưa ngài ARGILLIER kính mến, tôi đã tự giải quyết rất tốt việc của mình?”.

Quả thật, tôi đã rất tin tưởng vào sự thông minh của ngài.

Vào lúc 1 giờ chiều chúng tôi chia tay gia đình KHANH KY để đi ăn với FRANCOIS ALBERT. Trong lúc nói chuyện tôi đã nói về chính trị, viện cớ vào cuộc chiến rất có thể diễn ra giữa châu Mỹ và Nhật Bản.

- Ngài có biết, thưa ngài luật sư đáng mến, tôi hỏi FRANCOIS ALBERT, rằng châu Mỹ đang yêu cầu Nhật Bản buông vũ khí, và Nhật Bản từ chối. Tôi e rằng đó sẽ là cái cơ để nước Nhật chuẩn bị chiến tranh.

- Điều này không khiến tôi ngạc nhiên, FRANCOIS ALBERT trả lời, bởi vì quan hệ giữa hai nước đã rất tồi tệ. Cuộc chiến, theo như ngài vừa nói là điều không thể tránh khỏi. Tôi mong muốn rằng, nếu thực sự chiến tranh diễn ra, tôi sẽ tình nguyện làm phi công để đánh bom những thành phố của Mỹ. Tôi sẽ giết những người Mỹ kiêu căng. Rất nhiều người trong số họ bảo rằng họ là những người ưa mạo hiểm, thực ra họ rất độc ác và mọi rợ.

  …………

FRANCOIS ALBERT thích được tán dương và ông ta rất chuộng hòa bình. Ông ta không chịu được sự bất công, ông ta tin vào lời nói và việc làm của bản thân, không ai có thể cãi lại. Nhưng ông ta cũng không phải là kẻ quyết đoán.

FRANCOIS ALBERT đã chỉ có thể ở lại Paris 2 ngày, theo như lời ông ta, ông ta có việc cần giải quyết gấp ở Marseille.

Ông ta rời Paris vào sáng mồng một tháng Ba.

…………

Một báo cáo của mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc ngày 1 tháng 7 năm 1921
Một báo cáo của mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc ngày 1 tháng 7 năm 1921

NGƯỜI THỢ MAY GIÀ, CHỦ NHÀ CỦA NGUYEN AI QUOC

Ngày 28 tháng 2 năm 1921, vào khoảng 11 giờ sáng, tôi đến nhà NGUYEN AI QUOC đường Gobelins số 8 bis. Ông ấy không có nhà. Người thợ may già nói với tôi NGUYEN AI QUOC đang điều trị tại Bệnh viện Cochin đường Faubourg St Jacques. Ông ta đã nhiệt tình dẫn tôi đến góc đường Port Royal để chỉ cho tôi đường đến bệnh viện.

- Người An Nam đứng cạnh ông là ai, tôi hỏi người thợ may già?

- Đó là một người ở chung căn hộ với chúng tôi.

- Làm ơn cho tôi biết ông ấy tên là gì?

- Ngài TA DINH CAO.

- Người thợ may già nói thêm đó là một người có khẩu vị của những người An Nam (trích nguyên văn). Ông ta cũng nhấn mạnh về tính cách chung của những người Đông Dương, khi nói với tôi đó là những người dũng cảm hiền lành và rất thân thiện.

Mỗi khi họ họp hành, ông ấy nói thêm, những người này thường hẹn nhau ở nhà tôi.

Tôi chia tay người thợ may già và cảm ơn  sự nhiệt tình của ông. Đó là một người rất nhiệt tình, dù không biết tôi nhưng ông nói chuyện với tôi như một người thân khi gọi tôi là cậu bé của tôi.

NGUYEN AI QUOC

  Vào lúc 1 giờ chiều, Bệnh viện Cochin cho phép khách vào thăm. NGUYEN AI QUOC ở phòng riêng tại khu nhà có tên khu nhà Pasteur”.

- Ông là NGUYEN AI QUOC người tôi đang có hân hạnh nói chuyện, tôi hỏi khi vào phòng?

- Vâng, thưa ông, ông ấy trả lời tôi. Tôi có thể làm được gì cho ông?

- Thưa ông, tôi thay mặt cho Ngài MAURICE (*) mang tới ông bức thư này để bày tỏ với ông tấm chân tình của ngài ấy.

- Ngài MORICE là ai?

- Ông không biết ngài ấy ư, tôi hỏi NGUYEN AI QUOC một cách vô cùng ngạc nhiên.

- Nói cách khác, NGUYEN AI QUOC trả lời tôi, tôi có biết tên, nhưng tôi chưa bao giờ gặp ngài ấy. Chắc hẳn ngài ấy có tên An Nam?

- Vâng, ngài ấy tên TRUONG KY.

- Ngài ấy làm gì ở Marseille?

- Ngài ấy theo học ở Trường Đại học Thương Mại

- Còn ông, ông làm gì ở đấy nếu tôi không quá tò mò?

- Tôi theo học cùng trường với ngài MORICE.

- Ông từng là quân nhân, hẳn vậy rồi, vì ông có huân chương.

- Vâng thưa ông, tôi tham gia quân đội với tư cách phiên dịch và, ngay sau hiệp định hòa bình, tôi đã xin chuyển về Marseille để tiếp tục đi học.

- Chắc ông đã phải làm việc rất nhiều để phục vụ cho đất nước khốn khổ của chúng tôi? Tôi luôn tin tưởng những phiên dịch viên tham chiến tại đây, nhưng, tôi đã thấy phần lớn trong số họ, trừ một vài trường hợp cá biệt, chỉ nghĩ đến tận hưởng. Sau đó họ trở về Tổ quốc mà không có lấy một ý tưởng chính trị hữu ích.

- Tôi xin cảm ơn ông rất nhiều về những lời nhận xét của ông, ông NGUYEN AI QUOC, tôi rất hân hạnh được làm quen với ông, vì tôi đã luôn được nghe đến tên của ông, lòng yêu nước của ông. Tôi cũng đã từng đọc vài lần tên của ông trên các tờ báo; nhưng tại sao ông lại quan tâm đến chính trị. Ông không sợ bị theo dõi? Ông cũng không sợ bị hãm hại sao?

- Bất luận là gì! Nếu tôi quan tâm đến chính trị, đó là bởi vì tôi không sợ cái chết và nhà tù. Sống trên đời, ai chả chết một lần chết, tại sao lại sợ chết? Tôi cũng cần phải nói với ông rằng ở đây tôi có các mối quan hệ với các nhân vật cao cấp của Đảng Xã hội, họ sẽ bảo vệ nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra với tôi. Chính họ đã giúp những bài báo của tôi được đăng trên các tờ báo. Ồ! Tôi biết mặc dù thế vẫn có một bộ phận tình báo ở Paris theo dõi tôi rất sát sao, họ kiểm duyệt cả những bức thư của tôi. Họ làm gì được để chống lại tôi? Tôi luôn có bằng chứng mỗi khi làm việc. À! nếu tôi ở lại Đông Dương, có lẽ họ đã tống tôi vào nhà tù, có thể đã chém đầu tôi! Mới đây tôi tham dự đại hội Tours và tôi đã phát biểu về chuyện bị theo dõi. Tôi đã nói như thế này “Tôi biết ở đây có những người đang nóng lòng báo cáo lại tất cả những gì tôi nói với chính phủ, nhưng tôi bất chấp tất cả, những người này và chính phủ có thể phủ nhận được tôi. Tôi luôn nghĩ, NGUYEN AI QUOC vẫn nói, cùng với những người Đông Dương ở Pháp, dưới vỏ bọc hiệp hội bạn bè thân thiện để học làm chính trị. Để làm được điều đó, không nhất thiết phải đông mới mạnh. Một vài người là đủ miễn sao họ có cùng (cùng – chữ viết bút chì thêm vào bản đánh máy) quan điểm và một lòng yêu nước. Tổ chức này được tạo ra, nếu có chuyện gì xảy ra, sẽ có người khác thay thế và tiếp tục ý tưởng của tôi.

- Tổ chức có cả một văn phòng ở Paris? tôi hỏi  NGUYEN AI QUOC. Làm sao ông biết thư từ của ông bị kiểm duyệt?

- Có một sự kiểm duyệt kín đáo, ông ấy trả lời, và vì sao tôi phát hiện ư. Một ngày tôi viết cho một người một bức thư, và, bốn ngày sau đó tôi nhận được, tôi đã nhận được một bức thư của Bộ trưởng Thuộc Địa, ký tên ngài GUESDE, trong lá thư ông ta nói với tôi rằng đã nhận được bức thư của tôi và mời tôi đến văn phòng của ông. Họ đã làm như thế nào, tôi tự hỏi, tôi không biết ngài GUESDE, tôi chưa bao giờ viết cho ông ấy, hay một người nào của bộ, tại sao tôi có câu trả lời này? Câu trả lời xuất hiện, tôi tự trả lời, ngài GUESDE không biết tôi và để có thể biết tôi và mua chuộc tôi, ông ta lấy cớ này để mời tôi đến văn phòng.

Vài ngày sau tôi đến Bộ Thuộc Địa. Ngài GUESDE không ở đó, có vẻ như ông ấy đang đi công tác ở Anh. Ngài PASQUIER đã tiếp đón tôi và hỏi tôi điều tôi mong muốn ở chính phủ, ngài ấy sẵn sàng giúp đỡ tôi hoàn thành ý nguyện.

Tôi không cần gì cả, tôi trả lời ngoài tám điều đã nêu trong bản yêu sách mà tôi đã giới thiệu ở hội nghị Hòa Bình. Nếu ông có thể can thiệp với chính phủ Pháp để chấp nhận những điều chúng tôi kiến nghị, chúng tôi sẽ chân thành biết ơn ông.

Tôi nói xong, ngài PASQUIER không trả lời và đổi chủ đề.

Một ngày khác, tôi đã gặp ngài SARRAUT, NGUYEN AI QUOC nói với tôi.

- Nếu nước Pháp tuyên bố với tôi, ngài SARRAUT, ngài sẽ trao trả Đông Dương cho chúng tôi, ngài sẽ không thể thống trị, vì ngài không có quân đội vững mạnh.

- Tuy nhiên, thưa ngài Bộ Trưởng, NGUYEN AI QUOC trả lời SARRAUT. Ngài thấy Xiêm hay Nhật Bản! Hai đất nước không có nền văn hóa lâu đời như chúng tôi, họ vẫn được thừa nhận là một quốc gia trên thế giới. Nếu nước Pháp trao trả cho chúng tôi đất nước, nước Pháp chắn chắn có thể  thấy, rằng chúng tôi sẽ không cần người lãnh đạo. Tôi nói xong, ngài Sarraut cũng làm giống như ngài Pasquier thay đổi chủ đề nói chuyện.

Lúc đó là 2 giờ chiều khi y tá bệnh viện mời người thăm ra ngoài. Tôi chia tay NGUYEN AI QUOC và cảm ơn nhiệt thành về sự đón tiếp nồng nhiệt của ông. Ông ấy cũng nhờ tôi cảm ơn ngài MAURICE vì lòng yêu nước và vì tình bạn với ông ấy, thỉnh thoảng ông ấy có thể gửi cho ông một vài tờ báo.

NGUYEN AI QUOC sau đó nói với tôi rằng ông ấy không còn sống ở số 8 bis đường Gobelins mà số 12 đường Buot.

NGUYEN AI QUOC là một người ma lanh, rất thông minh, ông ấy nói rất tốt tiếng Pháp.

…………….

Một bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên báo Nhân Đạo số ra ngày 02/8/1919
Một bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên báo Nhân Đạo số ra ngày 02/8/1919

KHANH KY

Ngày 3 tháng 3 vào lúc 1 giờ 30, KHANH KY đến gặp tôi ở khác  h sạn, gọi là “khách sạn Hoàng Tử” ở đại lộ Bosquet. Ông ta đưa tôi đến quảng trường Concorde để tham dự lễ hội Mi-Ca-Reme.

Trong lúc dạo bộ, ông ta nói với tôi rằng ngài GUESDE đã yêu cầu ông ta chụp ảnh cho ngài và ngài LONG vài ngày 26 tháng hai 1921.

Ngài có biết ngài NGUYEN AI QUOC, tôi hỏi KHANH KY?

Có, nhưng tôi không hợp ngài ấy lắm

Tại sao?

Một lần tôi đã khuyên ngài ấy đừng dính dáng nhiều đến chính trị nhưng ngày ấy đã cố tình không hiểu.

Chính trị sẽ mang lại những gì, ngài KHANH KY nói với tôi, đất nước của chúng ta quá bé nhỏ để đấu tranh chống lại cường quốc Pháp? Tôi, tôi không quan tâm đến chính trị. Tôi dành toàn bộ thời gian của mình để làm việc của một thợ chụp ảnh thật tốt. Vậy mà người ta vẫn còn nghi ngờ tôi là thành phần của hội những người bolcheviste An Nam.

Làm thế nào mà ngài biết họ nghi ngờ ngài là người của hội, tôi hỏi KHANH KY?

Rất đơn giản, một lần tôi đã nhận được từ cơ quan Bảo An lá thư yêu cầu trình diện, tôi đã đi trình diện và tôi đã nhìn thấy một hồ sơ có tên tôi với những bản báo cáo chống lại tôi.

Ngài có chắc đó là những bản báo cáo chống lại ngài?

Tôi tin như thế vì họ vẫn từ chối điều mà tôi đòi hỏi.

Ngài có định quay trở về Đông Dương không?

Có chứ, tôi sẽ lên tàu vào khoảng tháng Ba, nhưng trước khi đi, tôi sẽ đi Nice và Bordeaux để giải quyết vấn đề thương mại, tôi có khách hàng ở hai thành phố này.

Ngài sẽ quay lại Pháp chứ.

Vâng, tôi định sẽ quay lại sau một năm.

(trích lược…)

……….

TRAN TIEN NAM

Tôi đã không thể đến gặp TRAN TIEN NAM trong chuyến đi Paris này. Theo như lời của KHANH KY, anh ta là em rể của ông ấy, anh ta cùng sống ở đường Gobelin, số 8 bis nhưng anh ta lại đưa địa chỉ là số 26 đường Boulois thay vì địa chỉ ở đường Gobelins để nhân thư từ vì anh ta sợ sẽ bị theo dõi. Để đánh lạc hướng, anh ta đang tìm một phòng trọ khác nhằm tránh ở cùng NGUYEN AI QUOC và hội của ông ta. KHANH KY cũng nói với tôi rằng TRAN TIEN NAM không phải là thành viên của đảng phái của NGUYEN AI QUOC vì anh ta quá nhút nhát. Anh ta ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng và chỉ trở về vào lúc 10 giờ tối.

(trích lược…)

Ký tên: Pierre

Quyên GAVOYE

2 đã tặng

0

0

0

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy