100 NĂM – LẬT LẠI NHỮNG TRANG HỒ SƠ THEO DÕI NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP Ở PARIS (Kỳ II)
Kỳ II- Quan điểm giáo dục của Nguyễn Ái Quốc qua một cuộc trò chuyện - ghi chép của mật vụ Pháp
Khi lật lại những trang báo cáo của mật vụ Pháp trong các cuộc theo dõi Nguyễn Ái Quốc tại Paris, một điều thú vị và lôi cuốn những người không chuyên về lịch sử cũng có thể nhận ra, tập tài liệu có thể đọc như một cuốn tiểu thuyết lịch sử đan xen những ghi chép hội thoại với Bác của mật vụ thể hiện những quan điểm về cuộc kách mệnh (cách mạng) mà Bác đang thực hiện.
Dưới đây là trích bản ghi chép số 24 của mật vụ Edouard về cuộc trò chuyện giữa mật vụ Edouard và Nguyễn Ái Quốc về quan điểm giáo dục tại An Nam với sự góp mặt về sau của Phan Chu Trinh, Khánh Kỳ và Lê Văn Sao, ghi chép ngày 20 tháng 12 năm 1919.
“Ghi chép tối mật (số 24)
Tối qua tôi đã gặp ngài NGUYEN AI QUOC, thứ sáu, vào lúc 9 giờ tối tại nhà ông ấy, ở số 6 biệt thự Gobelins. Tôi đã gặp KHANH KY, LE VAN SAO, sau khi đã chuyện trò với QUOC, trong vòng khoảng nửa tiếng, tôi cũng có hân hạnh được gặp ngài PHAN CHU TRINH đến từ BORDEAUX mà không thông báo trước.
Cuộc nói chuyện giữa tôi và QUOC trước khi KHANH KY và PHAN CHU TRINH đến chủ yếu về ngài SARRAUT và việc kế nhiệm của ngài ở vị chí toàn quyền Đông Dương.
Ngài QUOC công nhận phần lớn chính sách của ngài SARRAUT ở Đông Dương, đặc biệt là quan điểm về sự phát triển của giáo dục Pháp ở đất nước, và việc mở rộng mạng lưới đường sắt cho phép khai thác được rừng An Nam và Lào và nguồn tài nguyên sẵn có.
Về chủ đề giáo dục cộng đồng, ông ấy chỉ trích chính phủ không nghĩ sâu xa trong vòng 57, 58 năm trước khi SARRAUT đến. Ông ấy cũng muốn thừa nhận rằng ngài BEAU đã dựng lên ở Đông Dương một trường Y và đã thực sự phục vụ rất nhiều cho người dân. Nhưng trường dạy cho sinh viên không đầy đủ nên không thể cho phép bác sĩ có thể hành nghề độc lập và đủ kĩ năng như những bác sĩ Pháp. Hơn nữa đó là trường duy nhất ở Đông Dương nên không đủ cho nhu cầu của 20 triệu dân trên toàn lãnh thổ. “Ngài Albert SARRAUT, QUOC nói, thành lập một trường trung học ở Hà Nội và một trường đại học. Đó là điều rất tốt, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho một nhiệm vụ vô cùng lớn lao phải hoàn thành. Với 20 triệu dân của Đông Dương, cần phải, không chỉ duy nhất một trường cấp ba, mà 20 hoặc 30 trường cấp ba, thậm chí là hơn. Họ cần nhất là phải biến giáo dục cấp một thành bắt buộc mới cho phép số đông dân chúng được đào tạo, bởi phần đông dân chúng mới tạo thành nhân dân không phải số ít những người tài. Giáo dục và đào tạo dân chúng là việc khẩn cần làm hơn là đào tạo nhân tài. Người kế nhiệm SARRAUT liệu có nghĩ tới để làm? Tôi nghi ngờ điều đó, bởi vì nếu ông ta không chọn phụ tá là những người thân cận, như người ta thường nói, là người trong số những người ở Đại Quốc, những người chưa từng bao giờ làm việc tại Đông Dương, và là những người luôn có ý tưởng phóng khoáng, cái nhìn rộng hơn những cái nhìn của những kẻ thực dân, chắc chắn như thế, và chống lại sự phát triển chuyên sâu công cuộc giáo dục của Pháp ở đất nước sở tại, tất cả những người châu Âu sống ở đó mong muốn kìm hãm dân chúng trong sự dốt nát hoàn toàn để có thể đàn áp và bóc lột như ý. Đối với tôi, chừng nào những công chức Pháp ở Đông Dương không thay đổi tư tưởng ấu trĩ này, chừng đó, Ngài Toàn Quyền, dù giỏi đến đâu cũng không thể một mình mà thực hiện mục tiêu của thuộc địa đề ra bởi nước Pháp hào phóng”.
“Người ta luôn lấy vấn đề thiếu ngân quỹ để bù đắp cho việc thiếu phát triển giáo dục tại Đông Dương. Người ta còn viện thêm lý do này để kìm hãm những người kế nhiệm ngài SARRAUT tiếp tục chương trình do chính ngài ấy đề ra. Khi nghĩ tới tất cả điều này, tôi cay đắng cho những người đồng hương khốn khổ dường như bị bắt buộc phải chịu đựng vĩnh viễn bóc lột khốn cùng trong khi dân chúng những nước láng giềng, ngay cả những nước yếu hơn và lạc hậu hơn người An Nam cách đây năm mươi năm, như người Xiêm và người Philippin, hạnh phúc được hưởng tự do cho phép họ tiến nhanh hơn trên con đường văn minh hóa”.
“Ở Pháp, người ta thường xuyên nói về quyền và pháp luật, nhưng việc áp dụng quyền và pháp luật lại không được thực thi ở thuộc địa. Những người bản địa Đông Dương chỉ được thấy và được biết quyền bạo lực của kẻ mạnh”.
“Đối với tôi chừng nào đám đông dân chúng An Nam còn chưa nhận được giáo dục bắt buộc và báo chí An Nam chưa đạt được quyền tự do nói điều họ nghĩ, giáo dục đa dân tộc Đông Dương sẽ không thể tiến nhanh và thành công, và hậu quả là số phận của họ sẽ không bao giờ được thay đổi. Chúng tôi cần tuyệt đối giáo dục tiểu học bắt buộc”.
Tuy nhiên mật vụ Edouard cho rằng vì Nguyễn Ái Quốc đã rời đất nước khi còn rất trẻ nên có cái nhìn phiến diện về hiện trạng chung, Bác đã trả lời như sau:
“Vâng, ông QUOC đáp lại, tôi rất muốn thừa nhận với ngài rằng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được với giới công chức Pháp ở thuộc địa để có thể đánh giá đúng giá trị như lời ngài nói. Nhưng tôi cho phép mình khẳng định với ngài rằng trước khi rời Tổ quốc tôi đã đủ khôn lớn để nghe đồng bào của tôi kể chuyện về hàng tá những vụ lạm dụng quyền lực của họ đối với người bản địa, sự tòng phạm với những quan chức triều đình An Nam. Tôi không biết liệu người Nam kỳ có được đối xử tử tế hơn những đồng bào miền Bắc và miền Trung, vì trên thực tế những người này thật khốn khổ. Chắc chắn là có không ít những công chức mong muốn những điều tốt đẹp cho người dân An Nam, buồn thay, số lượng này quá ít và hành động của họ hoàn toàn bị lấn át bởi những những kẻ xấu, những người này lại chiếm phần đông. Tôi e rằng với tư cách là công chức Pháp, ngài không đủ công minh để đánh giá. Còn với tôi, tôi đánh giá dựa trên những điều tôi được nghe từ đồng bào ở nông thôn của tôi, họ không biết làm thế nào và với ai để có thể kêu thấu. Họ chịu đựng không chỉ công chức Pháp, mà đặc biệt là quan chức triều đình An Nam, những kẻ được tuyển nháo nhào không ý thức được hết nghĩa vụ và đạo đức, bị dẫn dắt như những con cừu bởi giới công chức. Không có lý trí và quá tham lam khiến họ trở nên đáng khinh. Dưới con mắt của dân chúng, họ không đáng được tôn trọng mà đáng bị khinh bỉ. Đồng phạm của công chức Pháp, họ cũng thế, muốn kìm hãm dân chúng trong sự ngu dốt để có thể cai trị và bóc lột”.
“Về vấn đề ngân sách cần thiết cho việc xây dựng trường học, nếu Chính phủ thực sự mong muốn, họ sẽ có. Cho đến bây giờ, họ chưa hề hỏi ý kiến của nhân dân, liệu người dân có đồng ý trả mỗi năm một khoản phí cố định dành riêng cho sự phát triển có hệ thống trường học trên toàn đất nước. Họ bắt người dân trả thuế cắt cổ, mà không cho mang lại cho họ những phương tiện để học tập và xây dựng nghề nghiệp. Nếu có ngày họ hỏi “Chính phủ cần tiền để xây dựng trường học ở làng quê và huyện thị để thực hiện giáo dục cấp một bắt buộc dành cho trẻ em, các ông các bà có muốn trả cho Chính phủ?”. Chính phủ phải hứa chính thức sẽ sử dụng số tiền đó vào việc giáo dục kiến thức và nghề nghiệp, và công việc sẽ được kiểm chứng bởi những người do dân bầu ra. Chúng ta chắc chắn sẽ có đủ số tiền để thực hiện điều đó”.
“Cho đến bây giờ thay vì quan tâm đến vấn đề hệ trọng nhất, đó là việc phát triển giáo dục để có thể thay thế những quan chức triều đình già cỗi bằng những công chức trẻ hiện đại, và những cấp dưới của bộ máy Pháp. Chính phủ chỉ quan tâm đến việc đưa cho chúng ta con số không thể đếm nổi những công chức mà với tiền lương và vô vàn những khoản trợ cấp lấy đi phần lớn tiền công quỹ. Và khi chúng ta đề cập về giáo viên cấp một, họ luôn viện cớ thiếu ngân sách để bịt miệng những người khởi xướng vấn đề. Thật buồn để nói, nhưng đó là sự thật”.
“Những người lãnh đạo đất nước đã phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác với đất nước, nhưng họ không bao giờ muốn thừa nhận điều đó, và để che đậy những sai lầm đầu tiên, họ tìm cách tạo ra những sai lầm mới, đến nỗi mà những sai lầm chồng chất khiến cuộc sống của người dân càng ngày càng khốn khổ”.
“Ngài là công chức nhà nước, ngài không thể đánh giá khách quan hiện trạng”.
Câu chuyện tưởng rằng sẽ kết thúc ở đây khi Phan Chu Trinh bước vào một cách đột ngột và bày tỏ quan điểm của mình, quan điểm về một giải pháp ôn hòa với sự trợ giúp của chính quyền thuộc địa để phát triển giáo dục tại An Nam. Nguyễn Ái Quốc trả lời:
“Các ngài, người nhiều tuổi và dày dặn kinh nghiệm hơn tôi, các ngài tin rằng những người An Nam sẽ có thể đòi hỏi và đạt được điều gì từ Chính phủ. Về giáo dục! chắc các ngài muốn nói tới. Từ 60 năm nay, đồng bào của tôi đã đấu tranh, và họ đã đạt được gì? Quá ít thứ. Về việc tham gia của người An Nam vào việc quản lý đất nước! Họ sẽ nói với các ngài rằng hiện tại chính là người An Nam đang lãnh đạo đất nước. Về việc thỏa mái thực hiện quyền công dân! Họ sẽ nói với các ngài rằng các ngài vẫn chưa đạt được khả năng tự lập. Thế đấy! Thế đấy! Các ngài muốn đòi hỏi gì thêm?”.
“Tại sao 20 triệu đồng bào của chúng ta không làm gì để bắt buộc Chính phủ phải trả cho chúng ta quyền con người? Chúng ta là con người, chúng ta phải được đối xử như con người. Tất cả những kẻ không muốn coi chúng ta như họ, bình đẳng, chính là kẻ thù. Chúng ta không nên sống cùng họ ở trên cùng một mảnh đất!!”.
Tuy nhiên trước quan điểm kiên định của Phan Chu Trinh về một cuộc chiến ôn hòa và chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trả lời:
“NGUYEN AI QUOC chỉ ra từ 60 năm, những người An Nam đã đợi sự thay đổi. Chính phủ không làm gì nhiều để đáp ứng đòi hỏi của họ. Có một vài người lên giọng để cho chính quyền biết điều phàn nàn của họ và sự đói khổ, và để đòi hỏi những phương thuốc chữa những vết mà họ đang chịu đựng, người ta trả lời họ bằng nhà tù, bằng trục xuất và bằng kết tội tử hình. Nếu các ngài mong muốn dựa vào sự hợp tác của Chính phủ để thay đổi tình hình hiện tại, các ngài có thể đợi mãi mãi. Tôi tự hỏi tại sao người dân An Nam lại không thể làm điều mà những người Ai Cập và Ý đã làm. Họ không muốn đối xử với chúng ta như con người, thật vô ích cho chúng ta sống mà bị làm nhục và bị chối bỏ trên mảnh đất của mình. Chừng nào họ còn lấy đi của chúng ta niềm vinh hạnh thực hiện quyền công dân và chính trị, chừng đó họ còn tiếp tục coi chúng ta như quân thù và như nô lệ. Làm thế nào mà chúng ta có thể trong hoàn cảnh này yêu mến và đánh giá cao những kẻ đã coi thường chúng ta và đối xử với chúng ta như quân thù? Nếu Chính phủ Pháp đã muốn chấp nhận vào nghị viện một số người An Nam, họ đã có thể có đầy rẫy những sự chống đối gặp phải của những người đại diện Thực dân! Bất hạnh thay, họ không muốn chuyện này. Chả nhẽ tôi không có lý khi đấu tranh trong tình hình này?”.
Cuộc nói chuyện tạm dừng vì sắp nửa đêm.
Vào lúc 11h15, tôi chia tay QUOC và những người khác.
Paris, ngày 20 tháng 12 năm 1919
Ký tên : EDOUARD
Tròn 100 năm trôi qua, nhưng những tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về giáo dục vẫn là vấn đề toàn cầu “cần nhất là phải biến giáo dục cấp một thành bắt buộc mới cho phép số đông dân chúng được đào tạo, bởi phần đông dân chúng mới tạo thành nhân dân không phải số ít những người tài. Giáo dục và đào tạo dân chúng là việc khẩn cần làm hơn là đào tạo nhân tài”. Chỉ có thể giáo dục toàn diện và toàn dân mới mong có một nền văn minh bền vững. Một số ít nhân tài không thể làm thành nhân dân.
(Còn nữa)
Quyên GAVOYE
2 đã tặng
0
0
0
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...