100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ V)
(Tiếp theo kỳ trước)
VNTN- Mùa hè năm 1917, Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Paris, bắt đầu quãng đường sáu năm hoạt động trên chính quê hương của những kẻ thực dân. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh trong tương lai. Chính giai đoạn này, Bác đã tìm ra con đường đấu tranh cùng với những người đồng chí cộng sản.
Ngay từ những ngày đầu, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực vào các hội nhóm hoạt động vì phong trào giải phóng các nước thuộc địa. Tại mỗi cuộc họp, Người không ngần ngại lên tiếng phản đối mạnh mẽ những tội ác của thực dân (không riêng gì thực dân Pháp) gây ra trên toàn thế giới. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận được với chủ nghĩa cộng sản Pháp và trở thành một trong những người đồng sáng lập ra đảng cộng sản Pháp. Trong một bức ảnh nổi tiếng sau này ở một buổi họp của đảng cộng sản Pháp, người ta có thể nhận ra Nguyễn Ái Quốc, cơ thể gầy gò đứng phát biểu bên cạnh một nhân vật nổi tiếng trong thân hình đồ sộ Paul Vaillant Couturier (1892 - 1937), một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Nghị sĩ Quốc hội Pháp, cựu Tổng Biên tập báo L’Humanité – Nhân Đạo.
Không phải ngẫu nhiên mà hai nhà lãnh đạo tương lai của chủ nghĩa cộng sản quốc tế lại ở cạnh nhau. P. Vaillant Couturier là người đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp năm 1919. Trong hồ sơ theo dõi của mật vụ Pháp còn lưu giữ (tài liệu nằm trong tập hồ sơ theo dõi Nguyễn Ái Quốc của mật thám tại Paris tại Cục lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM – Archives Nationales d’Outre-Mer) có trụ sở tại Aix-en-Provence, trực thuộc bộ văn hóa của Cộng hòa Pháp) những ghi chép cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Nguyễn Ái Quốc và P. Vaillant Couturier. Báo cáo ngày 25 tháng 11 năm 1921 của mật thám Devèze có ghi:
“Ngày 24 tháng một năm 1921, nghị sĩ quốc hội Vaillant Couturier mời Nguyễn Ái Quốc đến để cho tạo điều kiện cho ông ta ra vào làm việc dễ dàng tại phòng làm việc của Thư viện quốc gia”.
Vào thời gian đó, việc ra vào và làm việc tại phòng đọc của Thư viện quốc gia Pháp không phải dành cho bất kể ai, và càng không dành cho người nhập cư thuộc địa. Nhưng P. Vaillant Couturier không phải là chính khách duy nhất Nguyễn Ái Quốc kết giao, còn rất nhiều những tên tuổi khác: Marius Moutet, nghị sĩ vùng Rhône, thành viên của Ủy ban chấp hành trung ương của Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền. Guenut, Tổng Thư ký Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền. Bahut, thành viên của Ủy ban chấp hành trung ương của Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền và là người sáng lập ra tờ báo La Tribune Annamite - Tòa Án An Nam. Maurice Boursaud, người sáng lập tờ L’Action Coloniale – Hành động Thuộc địa. Rappoport, Tổng Biên tập tờ Tạp chí Cộng sản. Và không thể không kể đến Paul Vigné d’Octon, Tổng Biên tập tờ Le Libertaire – Người Tự Do. Đây là những tờ báo và tạp chí mang tiếng nói đấu tranh của các dân tộc bị áp bức đến người dân Pháp.
Ngoài việc tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị của nước đế quốc, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực thể hiện rõ quan điểm chống thực dân của mình trên khắp các mặt báo. Trong sáu năm ở Pháp, Bác đã viết hàng chục bài báo cho hàng chục tờ báo khác nhau hướng tới người dân Pháp bản địa, cho họ biết những việc làm của đế quốc Pháp tại Đông Dương. Bởi cho đến lúc này, người dân Pháp chỉ được biết Đông Dương qua lời tuyên truyền của những kẻ theo chủ nghĩa thực dân. Đó là lý do khiến giới chức đế quốc gắt gao theo dõi hành tung của Nguyễn Ái Quốc thông qua một mạng lưới mật vụ dày đặc.
Để an toàn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc buộc phải chọn cách bảo mật bút danh. Bác đã chọn hoặc không ký hoặc sử dụng những bút danh với danh từ chung, thậm chí lấy tên của các đồng chí trong đó có Vigné d’Octon. Trong bản báo cáo ngày 01 tháng Bảy, số 52, của mật thám Josselme gửi khâm sứ Pierre Guesde với tiêu đề “Sự cẩn trọng hay sự không tin tưởng của Nguyễn Ái Quốc” có kèm theo bản sao chép một bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng chí của mình làm dẫn chứng, trong đó có ghi:
“Tôi xin trân trọng gửi tới ngài một bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi “người liên lạc” ở Marseille. Bức thư đánh dấu một điều quan trọng, tên cộng sản Đông Dương là người ủng hộ việc liên lạc không có chữ ký và không ghi tên người gửi. Ông ta lấy địa chỉ số 6 Villa des Gobelins thay cho địa chỉ 12 đường Buot, Paris XIII. Đây là địa chỉ được ghi ở bức thư số 8 ngày 25 tháng Ba năm 1921. Ông ta cũng tỏ ra lo lắng về chuyến viếng thăm của phụ tá Hy ở Paris, được ngài cử tới theo dõi nhóm những người Đông Dương đang sống ở đây. Trong thư có đoạn ngắn viết bằng chữ quốc ngữ, chính là minh chứng cho sự cẩn trọng của ông ta. Nội dung và cách trình bày phản ánh đúng tâm trạng của gã người An Nam.
- Sao chép -
Đồng hương kính mến,
Khi ngài viết hoặc gửi báo cho tôi, không ký, không đề địa chỉ, và cũng không gửi xác nhận, hãy gửi tất cả cho tôi về số 6 villa des Gobelins, Paris XIII, làm ơn hãy cho tôi biết ngày biết ông Hy từ khi nào. Ông ta có trung thực, chân thành và trung thành không?
Hãy chỉ nói ba phần mười suy nghĩ của ngài với người mà ngài gặp lần đầu, nhưng cũng không nên quá kín đáo trước họ. (dòng này được viết bằng chữ quốc ngữ).
Chúc ngài sức khỏe
Nguyễn Ái Quốc”
Đó là lý do tại sao phần lớn những bài báo và thư tín của Bác đều ký bằng những cái tên khác nhau. Một báo cáo khác của Devèze ngày 16 tháng tám năm 1921 ghi:
“Thứ Sáu ngày 12 tháng Tám Nguyễn Ái Quốc đã nhận tại số 6 villa des Gobelins tờ “Le Libertaire” của tuần từ thứ Sáu ngày 12 đến thứ Sáu ngày 19 tháng Tám năm 1921, trong đó có bài ở trang 3 ở chuyên mục “Góc của những người bản địa bị ruồng bỏ” với tiêu đề “Kẻ cướp và những kẻ phụ tá” được ký tên P. Vigné d’Octon.
Bài báo này được viết theo ý tưởng của Nguyễn Ái Quốc, người giữ liên lạc thường xuyên với Vigné d’Octon và thường xuyên qua lại tòa soạn ở số 69 đại lộ Belleville”.
Tờ Le Libertaire – Người Tự Do của Paul Vigné d’Octon, bút danh của Paul Vigné (1859 – 1943), sinh tại Montpellier (Pháp) và mất tại Octon, một chính trị gia đấu tranh cho quyền lợi của các dân tộc thuộc địa, nhà văn và một bác sĩ người Pháp đã từng sống và làm việc nhiều năm tại các thuộc địa Pháp ở châu Phi. Ông là tác giả cuốn “Mồ Hôi burnous” (burnous là một loại áo len dài không tay, có mũ trùm đầu của người Ả Rập), xuất bản năm 1911, có nội dung tố cáo việc thực dân Pháp chiếm đoạt đất đai của dân bản địa ở Tunisie. Năm 1921, Paul Vigné đã dành rất nhiều số báo cho những bài viết về Đông Dương, được ký tên Vigné d’Octon.
Tờ báo tuần Libertaire – Người Tự Do dưới sự lãnh đạo của Vigné d’Octon thể hiện rõ sự ủng hộ tư tưởng cộng sản và trở thành một trong những cơ quan ngôn luận của Hội đồng bào An Nam tại Paris. Đó là lý do về sau này rất nhiều người cho rằng những bài báo đó không phải của Bác viết ra. Tuy nhiên, những ghi chép của mật thám gửi chính quyền trong thời gian theo dõi Nguyễn Ái Quốc chính là những bằng chứng chính xác về việc Bác chính là tác giả của nhiều bài báo đó. Nếu dựa vào những thông tin ghi chép, chúng ta có thể hiểu những bài báo về Đông Dương dù được ký dưới bất cứ bút danh nào, đều được khởi nguồn từ tư tưởng Nguyễn Ái Quốc.
Một trong những bằng chứng khác về bút danh “Đồng Bào” được Nguyễn Ái Quốc và những người đồng chí sử dụng trong thời gian này, đó là nội dung các bức thư tín trao đổi giữa họ được mật thám sao chép lại. Dưới đây là nội dung một bức thư gửi Nguyễn Ái Quốc được mật thám Devèze sao chép và có thêm phần ghi chú của ông ta.
“Boulogne s/Seine 28 tháng Bảy 1921
Bạn thân mến,
Tôi, dưới tên Đồng Bào, viết thư này để hỏi thăm sức khỏe của bạn và của ngài Phan Châu Trinh.
Tôi đã nhận được số báo, tôi đã đọc và tôi rất hài lòng về nội dung, tôi xin cảm ơn bạn.
(Dù người An Nam này xưng danh Đồng Bào, nhưng ông ta đã ký bức thư như sau) N. Cung”
Trong một tài liệu khác, lần này là một bức thư viết tay của Bác gửi người đồng chí, bút danh Đồng Bào vẫn được sử dụng:
“Paris 27/11/1922
Đồng Bào
Tôi vừa nhận được bộ Tây-Du-Ký, cảm ơn ĐgB lắm lắm.
Bấy lâu nay vắng tin tức tôi tưởng ĐgB đã về ta rồi.
Cảm ơn ĐgB một lần nữa và chúc ĐgB được bình yên.
Nay thư
(chữ ký)”
Đoạn bút tích hiếm hoi mà mật thám thu được dùng để xác định chữ viết của Nguyễn Ái Quốc vô hình trung giúp chúng ta sáng tỏ một số những nghi ngờ sau này về những bút danh khác nhau của Người. Đó chính là sự khôn ngoan của một chính khách để có thể tự do hoạt động mặc cho sự theo dõi sát sao của mật thám.
100 năm đã trôi qua, dù hành trình cứu nước của Bác không còn là bí ẩn lịch sử, việc lật lại những trang hồ sơ mật thám vẫn tiếp tục cung cấp thêm những chi tiết về quá trình sống và hoạt động, những thông tin tưởng nhỏ nhặt nhưng góp phần trả lời những thắc mắc xung quanh cuộc đời hoạt động của Người.
(Còn nữa…)
Quyên GAVOYE
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...