Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
08:53 (GMT +7)

100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ VIII)

(Tiếp theo kỳ trước)

Hồ sơ lưu trữ Nguyễn Ái Quốc tại Cục lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM)
Hồ sơ lưu trữ Nguyễn Ái Quốc tại Cục lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM)

Thành công của Nguyễn Ái Quốc ngay khi đặt chân đến Paris chính là đã gây nên một tiếng vang lớn bằng“Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới hội nghị Véc – Xây (tháng 6 năm 1919). Một quả bom tấn, một phát đạn trúng hai mục đích: Đưa tình hình thực tế của Đông Dương ra thế giới để tố cáo tội ác thực dân đồng thời công khai hành động đấu tranh dưới bí danh Nguyễn Ái Quốc. Dù khi đó Bác còn trẻ so với những chịnh trị gia thời ấy nhưng Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt được điểm yếu của chính quyền và tận dụng nó để phục vụ mục đích cứu quốc và giải phóng thuộc địa. Nhờ vào Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, Bác đã khiến truyền thông quốc tế quan tâm, đồng nghĩa với việc số mệnh của Đông Dương cũng được đưa ra ánh sáng.

Cho đến khi “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” được đọc ở hội nghị vì hòa bình ở Véc-Xây, rất nhiều người Pháp bản địa còn mù mờ không biết đến sự tồn tại của Đông Dương, và càng không thể biết được những gì thực dân Pháp đã và đang làm với mảnh đất đó. Nguyễn Ái Quốc đã hiểu ra bất lợi của cuộc chiến chính là không thể tận dụng được sự ủng hộ của nhân dân Pháp (những người phản đối chính sách thuộc địa) và nhân dân thế giới. Nếu muốn thành công, ngoài sức mạnh nhân dân trong nước, còn cần phải biến bất lợi thành có vũ khí để đấu tranh. Muốn thế, cái tên Đông Dương và tình hình thực tế của nó phải được cả thế giới biết đến để tranh thủ chính kiến của quốc tế.

Và dưới đây là một bằng chứng cụ thể, khi được một phóng viên của Mỹ tại Pháp phỏng vấn, Nguyễn Ái Quốc, bằng vài lời ngắn gọn đã giới thiệu hoàn chỉnh mục đích của việc đến Pháp và phương thức hành động của mình đồng thời vạch mặt thực dân Pháp.

Bản báo cáo số 50

(Trích lược...)

BÀI PHỎNG VẤN ĐẠI DIỆN NGƯỜI AN NAM NGUYỄN ÁI QUỐC

Phóng viên người Mỹ kể rằng, nhờ sự giới thiệu của Kin-Tchong-Won và Kin-Koei-Tche đại diện của chính phủ lâm thời Triều Tiên, ông ấy đã có được cuộc phỏng vấn với Nguyen-Ai-Quoc.

Đó là một người đàn ông ở độ tuổi ba mươi dáng vẻ dũng mãnh và còn trẻ, ông ấy nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, biết các ký tự để có thể dịch viết. Nhờ đó mà ông ấy đã liên hệ với Đại diện Triều Tiên Kin trong lần qua châu Mỹ, họ đã nói chuyện về vấn đề độc lập và tin rằng, do tình hình khác nhau giữa hai nước mà chương trình hành động sẽ không thể giống nhau.

Sau khi tới Paris, Nguyen-Ai-Quoc khẩn trương đến gặp ngài PHAN đang sống ở thành phố từ hơn 10 năm, nói tiếng Pháp rất chuẩn.

Tác giả của của bài báo này cùng với ngài Kin đến thăm ông ấy (ý nói Nguyễn Ái Quốc) nhưng không gặp, đã mời ngài Nguyễn Ái Quốc và Phan đến nhà ông ta để đàm đạo giải trí. Dưới đây là tóm tắt của cuộc đàm đạo:

Tác giả: - Ông đến Pháp với mục đích gì?

Trả lời: - Để đòi tự do mà chúng tôi đáng được hưởng.

Tác giả: - Bằng cách nào?

Trả lời: - Luôn đi về phía trước bằng hết khả năng và sức mạnh của chúng tôi.

Được hỏi về những hành động của đảng tại Đông Dương và những cuộc nổi dậy diễn ra trong thời gian qua từ đầu cuộc chiến, Nguyen-Ai-Quoc trả lời:

“Mục đích của giới hành chính Pháp là hoàn toàn khác với tiêu chí của người Nhật Bản tại Triều Tiên. Những người Triều Tiên muốn Nhật Bản hóa toàn bộ Triều Tiên. Nước Pháp ngược lại mong muốn kéo dài vĩnh viễn sự bất bình đẳng giữa người An Nam và người Pháp, họ chỉ muốn lợi dụng công sức của người An Nam, họ muốn tận hưởng mãi mãi mọi nguồn sản phẩm mà Đông Dương có nhiều và cố gắng ngăn chặn những người An Nam tạo dựng một nền kinh tế độc lập. Các loại thuế má cùng với các biện pháp cưỡng bức và chế độ giáo dục được đi ra từ những tư tưởng như thế này. Bằng việc ngăn cản văn minh hóa và tiến bộ của chủng người An Nam(1), những người Pháp phải đảm bảo phải duy trì vĩnh viễn An Nam bên lề của văn minh thế giới và buộc họ phải phục vụ lâu dài cho những yêu sách không ngừng đổi mới của người Pháp. Chưa bao giờ điều kiện sinh sống ở Đông Dương trở lên khốn khổ hơn những năm qua”.

Được hỏi về các bước hành động đã làm từ khi ông ấy đến Pháp, NGUYEN-AI-QUOC trả lời: “ngoài những việc đã làm với quốc hội, tôi đã tìm kiếm khắp nơi để tập trung những người yêu nước, bao gồm cả những người ngoài Đảng Xã hội, những người đảng xã hội không mấy hài hài lòng về phương pháp thực thi của chính phủ và họ đã dành cho chúng tôi chỗ dựa một cách tình nguyện. Chính ở Pháp là nơi duy nhất chúng tôi có niềm hi vọng. Về chuyện liên quan đến hành động của chúng tôi ở những nước khác, đó chính là ở quê hương ngài (ở châu Mỹ) là nơi mà chúng tôi có nhiều thành công nhất. Những nơi khác thì có đôi chút khó khăn.

NGUYEN-AI-QUOC tiếp tục giới thiệu về nhưng điều kiện kinh tế của tình trạng giáo dục, và cuộc sống nghèo đói của người An Nam tại Đông Dương. Ngài PHAN cũng kể một câu chuyện rất chi tiết về những cuộc phưu lưu của ông. Tất cả đều dưới sự chứng kiến của Kin-Tchong-Wen và tất cả nhân viên của ban biên tập.

Chép nguyên văn

Ký tên: NADAUD

Đó là với báo chí quốc tế, Nguyễn Ái Quốc chọn cách nói ngắn gọn mà đầy đủ bao quát chung hết mọi vấn đề, còn với mật thám, Bác đã chọn cách tố cáo một cách chi tiết, từng vấn đề với lập luận và câu từ chính xác. Đồng thời cũng tận dụng trò chơi giăng câu. Dù biết mình đang bị theo dõi, nhưng Nguyễn Ái Quốc lại dùng chính mật thám để tìm kiếm sự trợ giúp hành động dù Bác biết công việc sẽ không bao giờ thành hiện thực.

3 trang viết tay “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” lưu trữ tại ANOM
3 trang viết tay “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” lưu trữ tại ANOM

Dưới đây ghi chép tối mật số 14 của mật vụ Edouard được thực hiện vài ngày sau cuộc trò chuyện cùng phóng viên người Mỹ. Vẫn mục đích đó, và ý chí đó, nhưng cách trả lời và lên án là khác nhau. Có lẽ Bác đã biết, những điều mình nói sẽ là nội dung của bản báo cáo với chính quyền, vì thế Người đã tận dụng để gửi đến chính quyền thực dân thông điệp của mình.

Ghi chép tối mật (số 14)

Trong cuộc trò chuyện với NGUYEN AI QUOC ngày 24 tháng 11, tại nhà số 6 biệt thự Gobelins, ông ấy đã đề nghị với tôi thành lập Hiệp hội hỗ trợ giữa những người Đông Dương đã từng ở Pháp dài hoặc ngắn ngày với mục đích duy trì và phát triển những sáng kiến và những kiến thức hữu ích mà họ có được ở Đại Quốc. Tôi đã lưu ý với ông ấy vì lý do chức vụ hành chính, tôi không thể đảm nhiệm được việc này mà không có sự đồng ý của cấp trên với một kế hoạch cụ thể.

Ngài QUAC đã lưu ý rằng sự cho phép của chính quyền hành chính không thực sự cần thiết ở Pháp bởi việc thành lập các hiệp hội là tự do. Chỉ cần khai báo việc thành lập hiệp hội ở sở cảnh sát là đủ.

Tôi đã đáp lại rằng tôi biết rõ các điều kiện. Những hiệp hội mà ông ấy mong muốn thành lập, phải bao gồm cả những người Đông Dương đang sống tại Đông Dương, thế nên trụ sở bắt buộc phải có sự cấp phép của chính quyền cao cấp của Thuộc Địa.

“Dù là chuyện gì, ông ấy nói, tôi tin chắc chính quyền sẽ không có lý do để không cho phép việc thành lập một hiệp hội mà mục đích không có chút chính trị. Nếu ngài thực sự muốn làm việc với chính quyền, họ chắc chắn sẽ cấp phép cho ngài”.

Tôi đã hứa với ông ấy sẽ xem xét vấn đề này và sẽ trình lên chính quyền trước khi bắt đầu thực hiện.

Tôi cũng nói với ông ấy về hiệp hội quốc tế sinh viên rằng sẽ dễ dàng hơn cho ông ấy và cho các đồng hương sinh viên tại Pháp thành lập một chi nhánh Đông Dương tại Đông Dương với văn phòng đại diện ở Paris. Ngài QUAC đánh giá rằng sinh viên không đủ đông để tạo lên một hiệp hội có tầm cỡ và rằng một hiệp hội quá nhỏ bé sẽ không làm được gì hữu ích cho đất nước.

Sau đó tôi đã bắt sang chuyện về những thành tựu của công cuộc bảo hộ ở thuộc địa của chính phủ trong vòng ba mươi năm qua. Bằng việc nói về những công trình công cộng. Ngài QUAC trách chính quyền Đông Dương đã phí phạm một cách đáng lên án trong việc xây dựng đường sắt vì quá chậm chạp trong tiến trình thi công.

Về chủ đề giáo dục cộng đồng, ông ấy phàn nàn rằng chính phủ đã không hề có một sự cố gắng nào trong việc đưa giáo dục châu Âu đến với người An Nam dù là bất cứ ai. Phải đợi đến khi ngài SARRAUT đến Đông Dương mới bắt đầu có chút cải thiện trong việc giáo dục người bản địa. Nhưng chúng ta sẽ làm như thế nào để có thể thực hiện chương trình mà ông ấy đề xuất. Người ta bảo rằng không có đủ tài chính để làm và ngài SARRAUT sẽ không còn ở đó nữa để giám sát việc thực hiện chương trình”. Tôi rất lấy làm tiếc, ngài QUAC nói, vì đã nghĩ đến tình huống này. Tôi tự hỏi tại sao nước Pháp vốn được coi là một quốc gia tự do nhất thế giới lại để người anh em Mỹ vượt mặt trong mối tình với thuộc địa. Trong khi nước Mỹ chỉ cần 10 năm để tạo cho những người Philippin những phương tiện ngôn ngữ tiếng anh và tự chủ đất nước, nước Pháp đã không thể giáo dục thành công một nửa số người An Nam hoặc ba ngàn người có thể nói và viết thành thạo tiếng Pháp.

Tôi cũng lưu ý ông ấy rằng chính phủ không thể làm nhiều việc cùng một lúc, chính phủ cần phải quan tâm đầu tiên đến hạ tầng công cộng, trang bị hệ thống y tế và cảnh sát cho đất nước, và nguồn tài chính của Đông Dương không đủ để hoàn thành hết các nhiệm vụ này một cách nhanh chóng như mong muốn. Ông ấy bác bỏ rằng cho đến lúc này chính quyền đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc tiêu tốn khá nhiều tiền cho tầng lớp công chức Pháp và Ấn Độ mà ba phần tư trong số họ có thể thay thế bằng những người An Nam.

Ngài Toàn Quyền đã cố gắng hết sức trong hai mươi năm đầu sau khi xâm lược đất nước để biến những người đồng hương của chúng tôi thành những đứa con riêng cho ông ấy, thực tế là từ lâu rồi những người này đã có thể thay thế rất tốt những công chức Pháp và chính phủ có lẽ đã có thể tiết kiệm mỗi năm nhiều triệu kinh tế cho việc duy trì bộ máy nhân sự, và có thể sử dụng nó vào việc phát triển đất nước.

Chuyển sang vấn đề luật pháp, ngài QUAC đã lên án một cách mạnh mẽ việc thành lập ban tội phạm ở Bắc kỳ. Có vẻ như ông ấy không muốn tha thứ cho chính quyền về những biện pháp đã sử dụng để đàn áp những biến cố của An Nam năm 1908, những biện pháp quá bạo lực và vô nhân đạo. Ông ấy khẳng định đã trực tiếp chứng kiến những người dân An Nam đã đến biểu tình tay không ở trụ sở toàn quyền để chống lại những nghĩa vụ nặng nề bị áp đặt, nhưng người ta đã bắn đạn thật vào dân chúng để giải tán đám đông. Ông ấy buộc tội chính thức những những vị quan triều đình An Nam là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình và các cuộc thảm sát rồi những án tử hình và cuộc trục xuất những người dân vô tội. Cuối cùng ông ấy đã trách chính quyền An Nam và Pháp ở trong nước luôn phóng đại các sự việc để dùng những biện pháp mạnh chống lại nhân dân nhằm bịt miệng tránh để cho chính quyền bảo hộ biết được sự khốn cùng và những bất hạnh của người dân mà do chính những người Pháp gây ra, những quan chức triều đình An Nam được tuyển chọn một cách thảm hại làm cho dân chúng thảm thương.

Cuộc chuyện trò của chúng tôi kết thúc ở đây, bảy giờ rưỡi tối và tôi phải ra về.

Paris, ngày 26 tháng 11 năm 1919

Ký tên: Edouard

100 năm đã trôi qua kể từ khi Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Pháp, lật lại những trang hồ sơ mật vụ giúp chúng ta hình dung rõ hơn chân dung của một vị lãnh tụ vĩ đại dân tộc. Còn rất nhiều chi tiết và những câu chuyện để kể nhưng trong khuôn khổ của những bài báo, tôi chỉ có thể trích lược những thông tin ngắn gọn nhưng súc tích để giúp chúng ta hiểu rõ hơn chặng đường mà Bác đã đi qua.

  ----------

(1) Trong nguyên văn dùng từ “la race”, dịch nguyên văn là “chủng tộc người”. Từ này vào đầu thế kỷ XX rất thông dụng và chưa có nghĩa xấu như ngôn ngữ thế kỷ XXI. Việc sử dụng ngôn ngữ là hoàn toàn chuẩn xác, vì phù hợp với sự phát triển ngôn ngữ và xã hội. Đây hoàn toàn là hiện tượng bình thường trong ngôn ngữ học.

                                                                                                 (Còn nữa)

Quyên GAVOYE

Kỳ IX

2 đã tặng

1

0

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy