100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ IV – Nguyễn Ái Quốc và việc đưa Đông Dương ra thế giới)
(Tiếp theo kỳ trước)
VNTN- Năm 1919, nhân dịp các nước đế quốc thắng trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã họp Hội nghị tại Versailles (Véc - Xây) để chia lại bản đồ thuộc địa thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị. Yêu sách đề cập đến những vấn đề sơ đẳng nhất về quyền tự do, dân chủ, về quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam và tố cáo với thế giới những tội ác của đế quốc Pháp ở thuộc địa, nhằm thu hút sự chú ý của giai cấp công nhân thế giới và các tổ chức dân chủ Pháp đến tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp.
Kể từ đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Pháp. Mọi hành động và lời nói của Nguyễn Ái Quốc đều bị theo dõi gắt gao và được ghi chép một cách chi tiết. Tất cả các bản báo cáo của nhân viên tình báo đều được gửi trực tiếp đến Sở Mật vụ hoặc Bộ Nội vụ dưới dạng “ghi chép” hoặc “báo cáo”. Phần lớn trong những tại liệu này được xếp vào hố sơ “Confidentiel” (hồ sơ mật).
Dưới đây là trích dẫn một số hồ sơ cảnh mật Jean, người được trực tiếp theo dõi Nguyễn Ái Quốc năm 1920. Jean dù rất cố gắng nhưng dường như hành tung của Nguyễn Ái Quốc vẫn là một bí mật lớn.
Ghi chép của Jean ngày 4 tháng 1 năm 1920
Chủ nhật 4 tháng 1 năm 1920
Ông NGUYỄN ÁI QUỐC và tôi đến thăm triển lãm hàng không.
Đây là cuộc hội thoại giữa chúng tôi từ 8 giờ đến 11 giờ (phần lớn là nói về kĩ thuật hàng không) tôi cũng đã có được những thông tin như sau:
I). - Ông QUOC đã từng ở châu Mỹ 6 năm, 4 năm ở Anh và làm bất cứ công việc gì để sống và học tập. Ông ấy đặc biệt quan tâm đến chính trị thuộc địa của người Anh, người Mỹ, người Tây Ban Nha và người Ý.
2°. - Ông ấy đã gặp hôm trước một người Irland (đại lộc Capucines) để nói chuyện về chính trị thuộc địa của người Anh ở Irland, người đó đã cho biết có những biến động ở Irland và ở Ấn Độ nhưng báo chí Anh đã lấp liếm.
3°. - Ông QUOC phàn nàn rằng Đông Dương vẫn hoàn toàn không gây tiếng vang trên thế giới, ông ấy đã nói về Đông Dương với các chính trị gia quốc tế, không ai biết đến sự tồn tại của Đông Dương và thậm chí chưa bao giờ nghe đến đất nước này, họ đồ rằng Đông Dương là một tỉnh nhỏ lẻ nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Cần phải, theo như lời ông QUOC, hét thật to để mọi người biết chúng tôi, ông thấy đấy, ông ấy nói thêm, Triều Tiên đã được tất cả các nước biết đến, bởi vì họ đã kêu rất to.
4°. - Ông ấy yêu cầu sự hỗ trợ của Đảng Xã hội Pháp để tuyên truyền, để kêu thật to về những điều mà chúng ta đã làm ở Đông Dương, tuy nhiên ông ấy cũng muốn chờ xem chính sách của ngài Maurice LONG.
Dưới đây là một bức ảnh chụp trên cầu Alexandre III.
(Trích lược...) (*)
Có thể nói, không bằng chứng nào xác thực bằng chính những ghi chép và báo cáo của mật vụ, bởi đó là những người làm nhiệm vụ theo dõi một cách chính xác nhất hành tung và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1920 đánh dấu sự nhận thức rõ ràng ý thức của Nguyễn Ái Quốc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng chỉ có thể khi chúng ta có được sự ủng hộ của số đông, của quốc tế và của những đảng chính trị chân chính. Muốn có được sự ủng hộ ấy, Đông Dương cần phải “hét” thật to để mọi người nghe thấy và biết đến sự tồn tại của mình. Đó chính là điều mà Nguyễn Ái Quốc đã làm khi gửi đến hội nghị Véc Xây Bản Yêu sách của nhân dân An Nam.
Lúc này chúng ta đang ở những ngày đầu của năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã và đang bắt đầu thực hiện công việc mang Đông Dương và những vấn đề thuộc địa. Ngoài việc gửi Bản Yêu Sách của nhân dân An Nam đến hội nghị Véc Xây, Bác cũng bắt đầu ý tưởng về một cuốn sách để chỉ ra cho thế giới việc làm của chủ nghĩa đế quốc. Dưới đây là bản ghi chép của Jean cuối tháng 1 năm 1920.
Ghi chép của Jean ngày 21 tháng 1 năm 1920
Ngày 21 tháng 1 năm 1920
Vào khoảng 7 giờ tối phụ tá Lâm (**) đã đến nhà Nguyễn Ái Quốc và gặp Ông Long ở đó, một người Nam kỳ, thường đeo vài sợi ru băng ở cúc áo.
Sau mười lăm phút trò chuyện về thương mại, Ông Long đã cáo lui để kịp chuyến tàu.
Sau khi Long đi, đã có một cuộc hội thoại giữa Ông Quốc và phụ tá Lâm
(Phụ tá Lâm) – Ngài đã chuẩn bị vài cuộc diễn thuyết rồi chứ hay người diễn thuyết
vẫn còn thiếu ý?
(Ngài Quốc) – Tôi không thiếu gì cả, tôi có ý định làm bài diễn thuyết về Đông Dương nhưng tôi thấy hơi nực cười khi nói về Đông Dương mà không có một người Đông Dương nào dám tham gia hội nghị, điều đó đã xảy ra với tôi tại cuộc nói chuyện lần trước tại đường Chateau.
(Không một người An Nam nào ngoài người diễn thuyết)
(L.) - Ngài đã hơi nóng nảy khi dùng từ nhóm cách mạng An Nam, ai còn dám đến dự một hội nghị như thế nữa? - Nếu ai đó hỏi ngài nhóm đó ở đâu, ngài sẽ trả lời như thế nào?
(Q.) - Ông đang trách tôi đã nóng nảy, vậy ông đã làm gì từ năm năm nay mà không ai biết đến sự tồn tại của An Nam. Nếu cần thiết cứ làm càn để người ta biết đến chúng ta. - Nếu ai đó hỏi tôi nhóm cách mạng, tôi sẽ nói rằng 20 triệu người ở đất nước đấu tranh hàng ngày nhưng họ đang làm cho sự việc chìm xuống. - Cuối cùng người ta có thể làm gì được tôi, bỏ tù tôi, trục xuất tôi, cắt đầu tôi cũng thế thôi
(L.) - Nếu ngài phải đẩy lòng dũng cảm đến mức đó, hoan hô ngài, cứ tiếp tục đi.
Vào lúc 8 giờ, phụ tá Lâm đã dẫn ngài Quốc tới rạp hát “Trữ tình mới” ở đại lộ Clichy.
Trước khi ri đô kéo lên và giữa những cuộc giải lao, họ đã nói chuyện chủ yếu về các vấn đề sau:
(L.) - Ngài đã làm gì những ngày này?
(Q.) - Vẫn tìm sách
(L.) - Khi nào thì ngài hoàn thành?
(Q.) - Tôi không thể trả lời ngài chính xác, vì tôi cần rất nhiều tài liệu, tôi không muốn cuốn sách này do tôi viết, điều đó không mang lại giá trị cho cuốn sách, tôi sẽ chỉ trích dẫn những tác phẩm mà thực dân Pháp đã viết, tôi chỉ làm nhiệm vụ sao chép những đoạn trích. - Đây là đề cương cuốn sách của tôi.
Chương I. - Tình hình Đông Dương trước thực dân Pháp
Chương 2. - Những thứ họ mang tới Đông Dương
Chương 3. - Những thứ còn lại ngày nay
Chương 4. - Những thứ sẽ còn
(L.) - Ngài làm thế nào để in cuốn sách đó, ngài biết là không hề rẻ.
(Q.) Tôi sẽ làm điều thật đơn giản, khi tôi hoàn thành cuốn sách và biết được giá in, tôi sẽ đến gặp một người Đảng Xã hội hoặc bất cứ ai, tôi sẽ bán bản thân như người hầu trong nhà, chả nhẽ tôi lại không biết đánh giày hoặc sắp xếp bàn ăn?
(L.) À ! Điều đó thật tuyệt vời !
…..
(L.) - Việc bổ nhiệm ngài Deschanel mang lại cho chúng ta những gì?
(Q.) Ngài Deschanel tốt hơn là ngài Clémenceau, tôi đã gửi nhân dịp lễ mừng chiến thắng tới ngài Deschanel bản yêu sách, ngài ấy đã trả lời tôi vài từ rất thân thiện, trong khi đó Clémenceau không hề đáp trả.
Lâm muốn nói rằng nỗi sợ hãi cảnh sát khiến những người An Nam trở lên thận trọng, Quốc đã không có người đến nghe ở cuộc hội thảo.
Nghi chép đã nghi nhận việc hoãn bỏ một vài hội thảo để tuyên truyền ý tưởng của Nguyễn Ái Quốc, ông ta cũng nói với phụ tá Lâm rằng sẽ là nực cười khi diễn thuyết về Đông Dương mà không có một người Đông Dương đến nghe. Tôi sẽ chuyển cho ngài danh sách những tác phẩm mà ngài Quốc đang đọc để viết sách.
Ký tên: Jean.
Nghi chép của Jean ngày 21 tháng 1 năm 1920
Ngày 21 tháng 1 năm 1920. Phụ tá Lâm đã dẫn Nguyễn Ái Quốc tới rạp hát NƠI TRÚ ẨN ở đường Montmartre.
Họ đã nói chuyện về các vấn đề như sau:
Phụ tá Lâm – Khi nào thì ngài xong cuốn sách?
Ngài Quốc – Trong vòng hai tháng nữa.
- Người ta bảo rằng có các nhóm hội bí mật đang cung cấp tiền cho người nhập cư ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi thấy điều đó thật kì lạ khi họ không giúp ngài ở đây. Ngài làm nhiều chuyện hay hơn nhóm người ở Trung Quốc hay Nhật Bản.
- Tôi có cần một nhóm hội nào đâu. Tôi có nguyên tắc của mình “chỉ dựa vào bản thân mình”. Một nhóm hội, nghe thì đẹp, mỗi người đưa ra một ý kiến, người nào cũng có lời hứa, và cuối cùng đều bỏ cuộc. Không, tôi chỉ tin tưởng vào bản thân mình. Khi tôi xong cuốn sách, tôi sẽ bán cho nhà xuất bản, đây là ý định lúc này của tôi. Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để chuyển cuốn sách về An Nam.
- Điều này khó hơn tất cả, cuối cùng chúng ta cũng có thời gian để phối hợp. Tôi sẽ không đi ngay lập tức. Tôi đã yêu cầu hoãn việc ra đi trong vòng hài đến ba tháng.
- Còn tiêu đề cuốn sách, chúng ta sẽ gọi như thế nào? Giả sử chúng ta đặt tên những “Người bị áp bức”.
- Nhẹ nhàng thôi, cứ luôn nóng tính sẽ dẫn chúng ta đến bạo lực, nếu chúng ta đặt tên “Thời quá khứ và thời hiện tại của An Nam”, tiêu đề này có vẻ lịch sử, giống như một cuốn tiểu thuyết, có vẻ cuốn hút mọi người chỉ bằng một cái tiêu đề.
- Không, tôi chọn tiêu đề “Những người bị áp bức”.
- Giả dụ rằng tiêu đề cuốn sách lôi cuốn được sự chú ý của Đảng Xã hội, nhưng liệu ngài có giấy phép của các nhà xuất bản để trích lược các tác phẩm mà ngài đang đọc để viết không? Cẩn thận, các nhà xuất bản có thể kiện ngài.
- Tôi có gì để các nhà xuất bản kiện? Tôi sẽ đi từ phiên tòa này đến phiên tòa khác để theo kiện, sẽ là cơ hội tốt để tuyên truyền trước các thẩm phán và trước dân chúng tham dự phiên tòa.
- Ngài có toàn những điều thuận lợi, thật ngưỡng mộ!
Theo thẻ căn cước, Ngài Nguyễn Ái Quốc có thể sinh ở Vinh, ngày 15 tháng 1 năm 1894.
Dưới đây là danh sách các cuốn sách mà ngài ấy đang đọc để viết cuốn “Những người bị đàn áp”.
DANH SÁCH NHỮNG CUỐN SÁCH VỀ ĐÔNG DƯƠNG
Đông Dương thất bại J. Ajalbert
Những số phận Đông Dương J. Ajalbert
Những thuộc địa Pháp Gaffarel
Chế độ tài chính An Nam Vitry
Nông Nghiệp Đông Dương Perret
Bắc kỳ thời Pháp Courtois
Đông Dương thuộc Pháp Russier
Những bức thư Bắc kỳ Normand
Những con châu chấu Fabre
Sai lầm và nguy hiểm Bernard
Nước Pháp ở Bắc kỳ T. Của M.
Vụ việc 1908 Phan
Bài phát biểu của Pressensé
Chính trị Đông Dương Pouvoirville
Cuộc chinh phục Bắc kỳ Pouvoirville
Lời nói dối và Kền Kền Groups
Nếu đọc kĩ đoạn ghi chép của Jean, chúng ta có thể thừa nhận rằng Nguyễn Ái Quốc đã có ý tưởng về một cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu khi tung tích của Bác bị mật vụ phát hiện. Sẽ không hẳn là bất cẩn để khẳng định đây chính là tiền thân của cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la colonisation française) là một tác phẩm chính luận do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp và được xuất bản năm 1925 – 1926 trên tờ báo của Quốc tế Cộng Sản có tên Imprékor. Nhưng nếu chúng ta so sánh giữa những tài liệu ghi chép của mật vụ cùng bản danh sách những cuốn sách mà Nguyễn Ái Quốc tra khảo với bản phụ lục của cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chúng ta có thể nhận ra một mối liên hệ mật thiết giữa các chi tiết.
Như vậy việc lật lại hồ sơ ghi chép của chính mật vụ Pháp cho phép chúng ta có được một vài câu trả lời về các câu hỏi về quãng thời gian ở Paris của Nguyễn Ái Quốc và sự trưởng thành của một Hồ Chí Minh tương lai. Có gì thực tế hơn chính những bằng chứng cung cấp bởi phía bên kia chiến tuyến?
(Còn tiếp…)
Quyên GAVOYE
-----------
(*) Lưu ý, cách viết tên và gọi tên được giữ nguyên văn như trong văn bản gốc.
(**) Lâm là tên của một phụ tá mật vụ Pháp người gốc Việt Nam.
4 đã tặng
2
0
0
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...