Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:31 (GMT +7)

100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ III: Khí chất của Nguyễn Ái Quốc qua bức thư gửi Outrey – Nghị sĩ Nam Kỳ)

(tiếp theo kỳ trước)

Thứ Ba, ngày 14 tháng 10 năm 1919, trên tờ báo Le Populaire – Bình Dân (Pháp) có đăng ở cột giữa bức thư gửi Outrey và kí tên Nguyễn Ái Quâc, với lời trích dẫn:

Công dân Nguyễn Ái Quốc gửi cho chúng tôi câu trả lời cho những tuyên bố ở viện nghị sĩ của ngài Outrey về Đông Dương. Chúng tôi trích dẫn dưới đây những đoạn quan trọng nhất (*)

Ảnh Nguyễn Ái Quốc lưu trữ tại ANOM
Ảnh Nguyễn Ái Quốc lưu trữ tại ANOM

Ernest Outrey, một nghị sĩ Nam kỳ, người có sự nghiệp khá lâu và quan trọng tại Đông Dương. Đó là lý do để Bác đích danh gửi cho E. Outrey một một bức thư dài vì trước đó trong cuộc họp của Nghị viện Nam kỳ, E. Outrey đã công khai thóa mạ và vu khống Bác vì những hành động đấu tranh tại Paris và hải ngoại đồng thời công kích tờ báo Bình Dân vì đã đăng bài của Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp nhằm hạ uy tín và giảm đi tính chất xác thực của những hành động của Người.

Nếu đọc kỹ bức thư, sẽ không khó nhận ra hành văn quen thuộc của Nguyễn Ái Quốc, lập luận chặt chẽ, bằng chứng xác thực, dùng chính từ ngữ của kẻ công kích để công kích lại. Nếu như tại cuộc họp của Nghị viện Nam kỳ, Outrey đã không ngần ngại “thóa mạ” (từ nguyên văn trong bức thư) Bác và tờ Bình Dân với những lời lẽ nặng nề, thì trong bức thư Bác đã tỏ ra đứng trên y về mặt văn hóa khi khẳng định “trả lời cho những thóa mạ bằng những lời thóa mạ, chỉ làm bẩn chính mình”. Có lẽ vì thế nên bức thư của Nguyễn Ái Quốc rất sâu sắc dù không cần phải dùng đến những ngôn từ thô tục. Bác khẳng định chỉ nói sự thật bởi những lời nói của Bác được in trên tờ báo có tên tuổi, mà làm báo thì phải nói sự thật, không gì ngoài sự thật. Và để chứng minh cho lời nói thật, bức thư đưa ra những trích dẫn làm bằng chứng xác thực với ngày tháng của sự việc. Chỉ đơn giản vậy thôi cũng đủ cho Outrey biết ngược lại với y, những lời thóa mạ của y chỉ là những lời bịa đặt vu khống và vì thế trong hai người, “kẻ vu khống và người bị vu khống”, kẻ “đáng bị nhận danh hiệu kẻ khốn nạn”chính là y.

Chính trực, chặt chẽ chính là cách mà Bác thắng đối thủ và dành cho y ngôn từ sắc sảo đầy mỉa mai để định nghĩa nhân cách của đối phương “Tôi lẽ ra rất muốn chọn cho ngài một từ ngữ đặc trưng cho con người của ngài mà không làm ngài phật lòng, nhưng tôi không thể tìm được từ thích ứng trong tiếng Pháp ngoài từ kẻ bịa đặt”. Outrey, một nghị sĩ đại diện cho dân nhưng thực ra chỉ là một kẻ bịa đặt.

Chưa dừng ở đó, Bác đi xa hơn khi lật ngược vấn đề. Giả dụ chuyện Outrey nói Nguyễn Ái Quốc bị tòa án xét xử vì tội âm mưu chống Pháp là sự thực thì có lẽ ngược lại với lời thóa mạ, đó không phải là tội mà là niềm tự hào bởi “có những sự kết tội tôn vinh chứ không phải làm ô nhục”. Nhưng Outrey thì không thế, dù y chưa bị và cũng chưa ai bảo y bị kết tội, nhưng sự thực thì sao? Một trong những đồng nghiệp cũ của y lại là tay sai của Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất chống lại đồng bào của y. Thế chưa đủ, Bác đi xa hơn trong việc đánh vào ngôn ngữ mà Outrey sử dụng khi thóa mạ mình, y thường xuyên sử dụng từ “chống Pháp”. Thực ra những hành động mà Bác đang làm không hề chống Pháp, mà ngược lại chính là cứu danh dự cho nước Pháp khỏi đánh giá nghiệt ngã của thế giới khi đường đường là một đại quốc mang danh tự do và nhân đạo. Nhưng hành động của đồng nghiệp của Outrey thì mới chính là chống Pháp.

Lập luận cho câu nói của Outrey rằng Đông Dương đang theo đuổi mục đích của mình trong hòa bình là nói dối, Bác chỉ liệt kê hai sự việc rất gần, âm mưu nổi dậy của phong trào Duy Tân (1916) và việc chiếm giữ Thái Nguyên của người An Nam (1917). Thực ra, hai sự việc trên đã đủ gây tiếng vang về một Đông Dương bất ổn và đói khổ.

Để hạ thấp hơn nữa Outrey, Bác không ngần ngại so sánh y với đồng cấp, nghị sĩ Moutet hay Longuet, những người dám đấu tranh vì quyền lợi Đông Dương. Kết thúc bức thư, Bác đã để một lời ngỏ, nếu sau những bằng chứng xác thực để chứng minh lời của Outrey chỉ hoàn toàn là lời bịa đặt mà y vẫn tiếp tục diễn thuyết về Đông Dương như cách y vừa làm, thì y chỉ là một kẻ bịa chuyện vu khống mà thôi.

Phần đầu bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 126)
Phần đầu bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 126)

Dưới đây là toàn bộ bức thư của Bác gửi Outrey được lưu trữ tại cục lưu trữ hải ngoại Pháp (ANOM – Archives Nationales d’outre-mer), có trụ sở tại Aix-en-Provence.

Biarritz, ngày 16 tháng 10 năm 1919

Ngài OUTREY

Do đang nghỉ ngơi xa Paris, chỉ đến hôm nay tôi được biết về cuộc thảo luận của nghị viện ngày 18 tháng Chín, trong cuộc thảo luận ngài đã thóa mạ tôi rất mạnh mẽ và thô tục. Tôi không cần phải nhọc mình để dẫn dắt ra đây những lời thóa mạ từ chính miệng của ngài, giả dụ khi thóa mạ tôi, ngài đã không đồng thời thóa mạ tờ báo cao quý, là tờ đã mở rộng cánh tay dành một cột báo cho bài viết của tôi.

Những bài viết của tôi, tôi đã ký tên và tôi công khai tuyên bố trách nhiệm thuộc về riêng tôi. Ngài hiểu rằng một tờ báo Pháp, xứng tầm tên tuổi, đón nhận một cách công minh tất cả sự thật của bất cứ bên nào đi chăng nữa; điều đó không quan trọng miễn là những bài báo tố cáo đúng kẻ xứng đáng bị tố cáo. Trong các bài viết của tôi, tôi đã không đưa ra các phỏng đoán bừa bãi, tôi chỉ đưa ra những sự việc chính xác và ngài hoàn toàn ngu muội nên không thể tranh cãi vì không thể tranh cãi nổi.

Trong hoàn cảnh không cần tranh cãi với ngài, tôi chỉ đặt ra cho ngài một vài câu hỏi với sự lịch sự và ôn hòa. Tôi giữ về phần mình những tiếng thóa mạ chửi bới, trả lời cho những thóa mạ bằng những lời thóa mạ, chỉ làm bẩn chính mình.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 127)
Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 127)

Đầu tiên, ngài đã nói và nhắc lại với tôi rằng tôi có lẽ bị kết án ở Đông Dương bởi những hành động chống Pháp. Vậy thì, xin ngài hãy nói cho tôi khi nào, bởi tòa án nào, và những hoạt động chống Pháp đó là gì?

Đấy là câu hỏi đầu tiên. Nếu ngài không thể trả lời chính xác, tức là đưa ra bằng chứng để chứng minh, hãy cho phép tôi hỏi ngài một cách lịch sự, ai trong hai chúng ta, kẻ vu khống và người bị vu khống, đáng bị nhận danh hiệu kẻ khốn nạn? Tôi lẽ ra rất muốn chọn cho ngài một từ ngữ đặc trưng cho con người của ngài mà không làm ngài phật lòng, nhưng tôi không thể tìm được từ thích ứng trong tiếng Pháp ngoài từ kẻ bịa đặt, tôi tự thấy bắt buộc phải nói với ngài không chút oán hận và sợ hãi, mà đường hoàng và mặt đối mặt, rằng ngài xuyên tạc, ngài là một kẻ vu khống.

Tôi đoán ra chiến thuật của ngài và đã tránh được nó trước, đừng cố ẩn mình sau những khinh bỉ và mất tự trọng. Con người của ngài và con người của tôi là hoàn toàn khác nhau trong vấn đề: đó chính là thiết lập lại sự thật, không gì khác ngoài sự thật.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 128) 
Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 128) 

Bây giờ tôi nói thêm nếu tôi từng bị điều tra và thậm chí kết án ở Đông Dương vì những gì giới thực dân vô liêm sỉ cho đó là hành động chống Pháp, có lẽ tôi sẽ không hổ thẹn, ngược lại tôi sẽ tự hào về điều đó: bởi với họ, vì chống Pháp có nghĩa là công khai tố cáo những ý định vô nhân đạo và những việc làm đáng xấu hổ của họ có hại một cách nghiêm trọng đến tên tuổi cao quý của nước Pháp, nó đi ngược một cách đáng xấu hổ những lý tưởng cao đẹp về tự do và công bằng mà thế giới vẫn biết về nước Pháp.

Vâng, ngài OUTREY, có những sự kết tội tôn vinh chứ không phải làm ô nhục. Ngài có nhiều ví dụ ở mọi thời đại và ở bất cứ đất nước nào, ngài cũng có thể thấy rất dễ dàng ngay ở chân trời nước Pháp. Những hoạt động chống Pháp! Điều đó không còn giá trị nữa, đã đến lúc tìm một lý do khác…….

Ngài cũng nói tiếp: “Với tư cách đại diện Đông Dương, tôi đã không thể để nghị viện thừa nhận ý kiến rằng Đông Dương đã bị nước Pháp ngược đãi và rằng những người An Nam không thể thực hiện tất cả các quyền tự do tương hợp với sự phát triển chính trị của số đông.

“Đông Dương dưới sự lãnh đạo của nước Pháp, theo đuổi trong hòa bình mục đích của họ, bằng chứng tốt nhất chính là họ hạnh phúc, ngài đã thấy, thưa các ngài, trong sự háo hức của những người An Nam đến để bảo vệ đất nước họ khỏi những mối hiểm nguy.

Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 129)
Bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 129)

Ngài đại diện ai? Liệu hai mươi triệu người An Nam, những người không biết ngài là ai ngay cả từ cái tên, ngoại trừ giới công chức và một vài kẻ ăn bám, hoặc là một nhóm những cử tri của ngài ở Nam Kỳ?

Đừng nói rằng Đông Dương bị nước Pháp ngược đãi, mà phải nói rằng nó bị những người Pháp bỉ ổi sống bám vào nó ngược đãi; hai việc ấy không phải là một. Ông có hiểu được sự khác biệt đó hay không?

Bởi vì ngài đã nhắc đến tự do và hòa bình trong câu nói của ngài trích ra trên đây, hãy để tôi hỏi ngài liệu sau khi đã so sánh câu nói của ngài với điều luật ngày 29 tháng 7 năm 1821, chúng ta có thể đồng ý rằng chế độ báo chí bản địa được lập ra bởi án lệnh ngày 30 tháng 12 năm 1918 và điều luật 214 đến 217 của bộ luật hình sự An Nam mới (In ở báo chính phủ của Đông Dương ngày 1 tháng 8 năm 1917) không phải là chế độ bịt miệng giống như ánh sáng tối mù trong rừng già và hậu quả là việc nhồi nhét trí não của người da vàng mà tôi đề cập trong bài báo, bài báo mà ngài đã lợi dụng để vu khống cho tờ Bình Dân trước nghị viện.

Hãy ghi nhận rằng tôi không trả thù ngài bằng ngôn từ, tôi gửi ngài bằng bức thư. - Ngài nhồi nhét đầu người da vàng chúng tôi giống như người Đức đã từng thử, nhưng thất bại, nhồi nhét đầu người da trắng ở vùng Ardennes, và xin hãy nhớ lại rằng trong số những người hợp tác với quân thù có một trong số những đồng nghiệp cũ của ngài ở văn phòng dân sự Thuộc Địa, một người có bằng cấp của trường Thuộc Địa. À ! Ngài đã rất thích dùng từ chống Pháp. Chúng đấy, đó mới thực là nghĩa của từ đó.

Có lẽ tốt hơn hết là ngài nên giữ im lặng về vấn đề sử dụng những người An Nam tại Pháp. Liệu khi chính phủ tham khảo ý kiến Đại tướng Pennequin và một đại tướng khác về vấn đề này, ngài có dám chống đối một cách mạnh mẽ việc thực hiện dự án, bằng việc nói rằng đó là dự án không khả thi, không có đủ binh lính An Nam để bảo vệ Đông Dương v.v và v.v.. Ngài lo sợ rằng đồng bào của tôi, khi tạm trú ở Pháp, sẽ không bỏ lỡ cơ hội để so sánh những nhà xác của người Pháp tại Đông Dương và cuộc sống tinh tế với một nghệ thuật sống của tầng lớp thượng lưu ở Pháp. Sự cao quý của những kẻ thực dân đặt trên sự cao quý của đất nước, đúng không?

Phòng đọc của Trung tâm Lưu trữ hồ sơ hải ngoại quốc gia Pháp
Phòng đọc của Trung tâm Lưu trữ hồ sơ hải ngoại quốc gia Pháp

Về vấn đề hòa bình, vì muốn nhân nhượng cho ngài không hơn không kém, tôi chỉ muốn hỏi ngài liệu ngài có thể từ chối hai sự việc lớn đã diễn ra trong thời gian chiến tranh: vụ âm mưu nổi dậy của DUY-TAN, kéo theo việc đức vua bất hạnh không ngai bị trục xuất đến Réunion, và vụ chiếm tỉnh THAI-NGUYEN bởi những người An Nam? Đông Dương, ngài nói, tiếp tục số phận của nó trong hòa bình… Ngài không nhìn thấy thẳm sâu trong cung triều Huế, nơi cuộc sống khép kín, làm ngơ để tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng mà quên đi những gì đang diễn ra bên ngoài; Không bỏ qua ý định hướng số phận đi của đất nước đi theo chiều hướng khác mà ngài mong muốn, chứng minh cho ngài thấy người ta có đủ mọi cách xảo trá mà ngài là nhà vô địch.

Ngài tự kêu ngài Albert SARRAUT, và tất cả những người An Nam đã đóng góp trả tiền để phục vụ ngài, là một kẻ thiếu ngân sách từ ba mươi năm nay mà không biết điều đó. Ngài nhầm rồi, Ngài Albert SARRAUT không hoàn toàn xa lạ với tôi. Giữa ý tưởng của ngài và ý tưởng của ngài ấy có một khoảng cách của hai người quản lý. Có tiếng đồn trong giới người An Nam rằng ngài tham vọng chức Toàn quyền Đông Dương và họ run sợ với ý nghĩ bất hạnh rằng chính phủ Mẫu Quốc sẽ đàm phán một cách vô ý thức với dân tộc An Nam khi chỉ định ngài như người kế nhiệm của ngài Albert SARRAUT.

Có lẽ tôi đã nói chính kiến của tôi về công việc hành chính của người đó (**)khi tuyên bố cộng sự với điều mà thượng nghị sĩ đáng kính đảng xã hội, ngài Marius MOUTET, rất được yêu quý và tôn trọng bởi những người đồng hương của tôi, yêu quý và tôn trọng chỉ vì lý do duy nhất là ông ấy bảo vệ quyền lợi của đất nước chúng tôi khi không bao giờ muốn có một người như ngài là người quen trong giới hành chính thực dân, nơi cho phép ngài có được sự ủng hộ của một vài công chức và những kẻ An Nam ăn bám để đổi lại một vài lợi ích nhỏ.

Trang cuối bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 130)
Trang cuối bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Outrey (số trang: 130)

Liệu ngài còn tiếp tục, sau bức thư với dẫn chứng cụ thể mà tôi đã liệt kê bên trên, mà nói rằng những công dân MOUTET và LONGUET đã đặt điều?

Kính thư.

Kí tên: NGUYEN AI QUOC

Trong bản lưu trữ, dưới chữ ký Nguyễn Ái Quốc (viết tay) là một ghi chú bút chì đỏ “hồ ba”.

(Còn tiếp…)

Quyên GAVOYE 

Kỳ IV

(*) Những đoạn được trích dẫn trên báo Bình Dân được tô bằng màu đỏ.

(**) Ý chỉ Albert SARRAUT .

(***) Tên riêng được giữ nguyên văn như văn bản gốc.

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy