Thứ tư, ngày 02 tháng 04 năm 2025
02:46 (GMT +7)

Kết truyện “Chí Phèo” - một bất ngờ kỳ lạ

Trong nghệ thuật viết truyện ngắn, kết truyện là khâu vô cùng quan trọng, nhiều khi có ý nghĩa quyết định đối với thành công của tác phẩm. Kết truyện càng độc đáo, bất ngờ, thành công của truyện ngắn càng lớn. Nhiều truyện ngắn đứng lại lâu bền với thời gian một phần lớn nhờ ở kết truyện tài hoa của nhà văn. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao là một kiệt tác, hay và đặc sắc ở tất cả mọi phần, trong đó có kết truyện. Tuy nhiên, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của kết truyện “Chí Phèo” dường như chưa được đánh giá đúng mức.

gggg
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

1. Trước hết, nhà văn dựng lên một phông nền dư luận về cái chết của Bá Kiến và Chí Phèo: “Cả làng Vũ Đại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy”. Tiếp theo, nhà văn kể lại một cách chi tiết, cụ thể các luồng dư luận đó. Nổi lên bao trùm tất cả là “Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt”. Loại mừng rỡ này biểu hiện cũng khá phong phú. Kẻ thì nói xa xôi: “Trời có mắt đấy, anh em ạ”; kẻ thì nói toạc: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật là bọn chúng giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu”. Lại có những kẻ “mừng nhất” chính là “bọn kỳ hào ở trong làng”. Bọn này bộc lộ cái mừng của chúng hết sức bỉ ổi: “Họ tuôn đến để hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn Lý Cường bằng những con mắt thoả mãn và khiêu khích”. Trong bọn kỳ hào, Đội Tảo là kẻ trắng trợn và độc ác nhất, hắn: “Không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ trước mặt bao nhiêu người” giọng đầy đe dọa: “Thằng bố chết, thằng con không khỏi lớp này người ta cho ăn bùn”. Tác giả đã thay lời dân làng chỉ rõ: “Ai chả hiểu “người ta” đó chính là ông”. Bọn đàn em của Đội Tảo không dám đối đầu công khai thì lại bộc lộ cái hớn hở của chúng bằng cách bàn nhỏ với nhau rằng: “Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng”. Bên cạnh những kẻ mừng rỡ là “những người biết điều”. Những người này “thì hay ngờ vực”. Họ chép miệng nói với nhau: “Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tý gì đâu”.

Quan sát các luồng dư luận trên, ta thấy ít ai để ý đến cái chết của Chí Phèo mà chỉ quan tâm đến cái chết của Bá Kiến. Dường như số phận của những con người nhỏ bé, khốn cùng chẳng là gì, sự sống và cái chết của họ gần như vô nghĩa đối với lũ người này. Hầu hết chúng chỉ quan tâm tới những kẻ liên quan đến quyền lợi và địa vị của mình cho nên rất mừng rỡ khi Bá Kiến chết. Tất cả bọn chúng đều hớn hở, sung sướng, chẳng hề có một chút động lòng trắc ẩn, một chút cảm thương nào.

Ngẫm nghĩ, ta bàng hoàng, kinh sợ, ở nông thôn Việt Nam, truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện tình làng nghĩa xóm đầm ấm, nếp sống “tối lửa tắt đèn” thân ái, đầy nặng nghĩa tình. Trước cái chết, mọi người đều cúi đầu thương tiếc, kính cẩn nghiêng mình. Người ta xóa bỏ mọi oán thù đối với người đã khuất. Đặc biệt, đối với những người đột tử thì dù căm ghét đến đâu, người ta vẫn dành cho linh hồn ấy một chút xót thương. Đó chính là tấm lòng nhân ái Việt Nam được thể hiện sinh động trong văn hóa cộng đồng nông thôn từ nghìn đời nay. Vậy mà ở đây, gần như không còn lại một chút gì truyền thống cao đẹp đó.

Tất nhiên, Bá Kiến là tên cường hào ác bá đại gian hùng đã gây ra biết bao tai họa cho những người dân lương thiện. Chính hắn đã dung dưỡng Chí Phèo và hắn đã phải trả giá. Tuy thế, trước thái độ đắc ý của những kẻ kia, ta vẫn thấy gờn gợn bởi ở cái làng quê này dường như đã nguội lạnh và cạn kiệt tình người, đã không còn những tấm lòng nhân hậu nữa. Phải chăng đây là đặc trưng của cái đất “quần ngư tranh thực” như Nam Cao đã nói. Những trái tim kia không chỉ vô tình trước cái chết của đồng loại mà còn sung sướng, hả hê, tính toán vụ lợi từ cái chết ấy. Người chết còn nằm đó mà có kẻ ác tâm ác khẩu đã đe dọa con cháu người ta “toang toang ngay ngoài chợ” chuẩn bị cho con cháu người ta “ăn bùn”. Đau xót nhất là ngay cả “những người biết điều” ở đây cũng cân nhắc, so đo, toan tính đầy ích kỷ: “...chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu”. Thì ra “lợi” vẫn là điều quan tâm chính của họ. Thật là hài hước và chua xót cho “những người biết điều” ấy.

Đúng là một xã hội nông thôn Việt Nam đã bị văn hóa thực dân làm cho biến dạng. Nếp sống “Thương người như thể thương thân” đã bị bẻ ngoặt thành: “Thương thân không thể thương người”, coi thất bại của người khác là chiến thắng của mình, đắc ý trước số phận bi thảm của đồng loại. Quá trình thực dân hóa đã làm băng hoại và tan vỡ những giá trị nhân ái cổ truyền. Bức tranh xã hội làng Vũ Đại hiện lên qua những luồng dư luận ấy thật đen úa, ảm đạm. Ở cái làng quê ngột thở này, ở cái không gian sinh tồn dữ dằn này làm gì chẳng mọc ra một Chí Phèo - điển hình tha hóa, làm gì chẳng nảy ra một Bá Kiến - điển hình ác bá. Lý thuyết về mối quan hệ biện chứng giữa hoàn cảnh điển hình và tính cách điển hình mà P. Ăng-ghen đã chỉ ra thêm một lần nữa được chứng minh sinh động từ kết truyện Chí Phèo.

Có một người đặc biệt quan tâm đến cái chết của Chí Phèo, khác hẳn các luồng dư luận trên là bà cô của Thị Nở. Người đàn bà “đức hạnh” ngoài 50 tuổi chưa lấy chồng ấy “chỉ vào tận mặt cháu mà đay nghiến” rằng: “Phúc đời nhà mày, con nhé! Chả ôm lấy ông Chí Phèo”. Tuy đối tượng quan tâm khác nhau nhưng thực ra cũng cùng một duộc với những dư luận đắc ý ở trên, bà ta coi cái chết của Chí Phèo là cái “phúc đời” của nhà mình. Thật là vô lương tâm và tàn nhẫn.

2. May mắn làm sao, kiệt tác “Chí Phèo” của Nam Cao vẫn còn một tia “ánh sáng cuối đường hầm” kỳ lạ để cho các thế hệ bạn đọc không đến nỗi bi quan tuyệt vọng về sự kiệt lại tình người ở nông thôn Việt Nam, ánh sáng đó hắt ra từ tâm hồn của nhân vật Thị Nở. Đây chính là bất ngờ lớn nhất của truyện ngắn vĩ đại này. Trước sự xỉa xói của bà cô, Thị Nở “cười và nói lảng” rằng: “Hôm qua làm biên bản, Lý Cường nghe đâu đã tốn gần một trăm. Thiệt người lại thiệt của”.

Xin hãy lưu ý đến hành động “cười và nói lảng” của Thị Nở. Đó không phải hành động của một người “đần” và càng không thể là hành động của một kẻ “dở hơi”. Đó là hành động có chủ đích dùng cái cười và lời nói để che giấu nội tâm sâu kín. Hành động này nếu thành công, chỉ có ở những con người thông minh, tinh tế, có tài ứng xử và khéo biến báo để không ai nhận ra suy nghĩ, tình cảm thật của mình. Cần nhớ rằng hành động “cười và nói lảng” đó của Thị Nở xảy ra đột xuất, ngay lập tức, chứng tỏ một khả năng ứng phó tuyệt vời. Rõ ràng, người đàn bà “xấu ma chê quỷ hờn” và bị người ta coi như “một vật nào rất tởm” ấy lại là một ẩn số kỳ lạ, hình như là một người đàn bà rất đỗi thông minh.

Lạ hơn nữa, nếu ta ngẫm nghĩ về câu nói của Thị Nở. Thì ra Thị Nở biết hết mọi chuyện, biết rõ cả sự kiện “hôm qua làm biên bản”, biết rất kỹ chuyện “Lý Cường nghe đâu đã tốn gần một trăm”. Lời nói “hôm qua làm biên bản” rất chính xác và hiện đại, người đần khó mà biết nói như thế. Thị Nở lại còn biết cả mức độ tốn kém của Lý Cường: “gần một trăm”. Rõ ràng, Thị Nở là một tế bào máu thịt, một bộ phận hữu cơ trong cái sinh thể Vũ Đại. Thị không hề ngớ ngẩn, không hề tách biệt mọi người mà rất quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra trên quê hương mình. Kỳ lạ hơn nữa, Thị Nở là người duy nhất biết xót thương, thông cảm với Bá Kiến và gia đình của hắn qua lời than thở “thiệt người lại thiệt của”. Trong biết bao cái đắc ý xôi thịt và tàn nhẫn kia, đây là một lời than thở sâu sắc nhân tình và chứa chan lòng nhân ái.

Ta có thể kết luận không hề chủ quan rằng: Thị Nở là người duy nhất trong làng Vũ Đại không vui mừng trước cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến. Hơn thế, Thị còn là người duy nhất biết mủi lòng thương cảm cho Bá Kiến và gia đình của hắn. Thị chính là người duy nhất giữ gìn và nêu cao đạo lý “Nghĩa tử là nghĩa tận”, “Thương người như thể thương thân” ở cái làng quê đã bị băng hoại về đạo lý và khô kiệt tình người này. Tâm hồn Thị Nở đã làm cho lòng ta ấm lại. Ít ra còn có một điểm, một chỗ để ta tin tưởng và hy vọng vào sự tốt đẹp của cuộc đời. Đúng là một bất ngờ kỳ lạ trong kiệt tác “Chí Phèo”.

Tiếp đó, nhà văn miêu tả Thị Nở “nghĩ thầm” về Chí Phèo: “Sao có lúc nó hiền như đất”. Như thế, đến tận sáng hôm sau, Thị Nở vẫn còn thương nhớ Chí Phèo, vẫn giữ nguyên những kỷ niệm ngọt ngào về hắn. Thị Nở dường như không muốn tin cái con người “hiền như đất” đó lại có thể nằm “mắt trợn ngược” “ở giữa bao nhiêu là máu tươi” thế kia. Chí Phèo đã chết thật rồi mà Thị Nở vẫn còn “nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn”. Ta lại giật mình khi thấy Thị Nở “nhìn trộm bà cô rồi nhìn nhanh xuống bụng” với ý nghĩ: “Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi thì làm ăn thế nào?”. Tác phẩm khép lại bằng một hình ảnh lóe lên trong đầu Thị Nở: “Đột nhiên, Thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua...”.

Thị Nở không chỉ thông minh mà còn tinh quái trong động tác “nhìn trộm bà cô rồi nhìn nhanh xuống bụng”. Thị Nở mới ăn ở với Chí Phèo “5 ngày chẵn” thế mà đã nghĩ đến hậu quả “nếu mình chửa” để suy tính: “bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?”. Cái linh cảm đầy nữ tính và rất đàn bà, vô cùng sâu sắc, chủ động trong cuộc đời riêng của mình. Thị đã chủ động đem cháo hành cho Chí, chủ động gắn bó với hắn, chủ động về hỏi bà cô để lấy hắn, chủ động cắt đứt mối tình. Và bây giờ, Thị Nở lại chủ động nghĩ đến, đặt ra những tình huống xấu nhất để chuẩn bị sẵn sàng vượt qua.

Một người đàn bà sâu sắc, cặn kẽ trong những hiểu biết về quá khứ; tinh tế, khôn khéo trong những ứng xử hiện tại và chủ động, bình tĩnh trước những sự biến tương lai chắc chắn là một người đàn bà hết sức thông minh, sắc sảo, đầy bản lĩnh. Theo tôi, Thị Nở là người có lúc đã thông minh nhất làng Vũ Đại, không gương mặt nào có thể so sánh được với Thị trong phần kết truyện rất đặc sắc của Nam Cao. Biết đâu cái đần độn của Thị Nở mà tác giả miêu tả ở phần đầu tác phẩm chỉ là cái bề ngoài. Nếu quả như thế thì Thị Nở còn đáng nể ở chỗ làm cho mọi người lầm tưởng, không hiểu đúng về mình, để mình được sống trong yên ổn. Cũng có thể Thị Nở vốn đần nhưng chính tình yêu giữa Thị và Chí là một thứ thần dược để chữa bệnh đần chăng. Vả lại, người đần đâu phải là đần mãi và người khôn đâu phải lúc nào cũng khôn. Một truyện ngắn hay không chỉ bất ngờ, độc đáo mà còn gợi ra, đặt ra nhiều trăn trở, ưu tư cho độc giả.

Vì thế, hình ảnh “cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua...” là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Người ta đã nói nhiều về sự bế tắc trong tư tưởng của Nam Cao, sự bi quan trong cái nhìn con người và mâu thuẫn xã hội của ông ở chi tiết này. Từ góc độ tâm trạng Thị Nở lúc đó, chúng ta nhận thấy Thị Nở biết rất rõ gốc tích, hoàn cảnh xuất thân của Chí. Thế mà Thị Nở vẫn yêu hắn, vẫn tiếp tục thương nhớ hắn ngay cả khi hắn đã ra đi. Quả là người đàn bà này đã vượt qua tất cả để đến với tình yêu, đã đến với Chí Phèo bằng một trái tim vô cùng nhân hậu. Thì ra bên trong cái vẻ ngoài ngớ ngẩn, xấu xí, đần độn kia lại là một bầu trời rộng lớn, cao đẹp của trí tuệ và tâm hồn. Dĩ nhiên hành động bỏ rơi con của mẹ Chí Phèo vẫn được người ta phân tích như là một gợi ý cho Thị Nở, rất có thể là hành động của Thị trong tương lai nếu như cái dự cảm chửa đẻ kia là sự thực, báo hiệu một thằng Chí Phèo con sẽ đi tiếp con đường của bố nó.

Thị Nở vừa nhân hậu, dịu hiền, nêu cao đạo lý cha ông lại vừa có lúc thông minh, tinh tế nhất làng Vũ Đại chính là bất ngờ lớn nhất, kỳ lạ nhất trong kiệt tác Chí Phèo mà đến kết truyện mới lộ ra. Thêm một lần nữa ta được chứng kiến văn tài lỗi lạc của Nam Cao. Hình như nhà văn muốn thầm thì nhắn nhủ chúng ta rằng: Đừng coi thường, khinh rẻ và xa lánh những con người khổ nghèo, xấu xí ở xung quanh mình. Có biết bao người bề ngoài trông có vẻ đần độn, quái dị, bẩn thỉu với những “cái mặt không chơi được”, thực chất lại ẩn chứa bên trong những điều vô cùng cao quý, tốt đẹp. Truyện ngắn “Lão Hạc”, “Một đám cưới”, “Đôi mắt”... há chẳng phải nằm trong mạch tư tưởng thầm kín đó sao! Những người nông dân khổ đau, có vẻ lẩn thẩn như lão Hạc, khổ nghèo đến úi xùi như cái Dần và bố nó trong “Một đám cưới”, ngô nghê như anh chàng nhà quê vác tre đọc thuộc lòng bài “Ba giai đoạn” như một con vẹt hay như những anh chàng nông dân “răng đen, mắt toét, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh” trong “Đôi mắt” nhưng lại lấp lánh những vẻ đẹp cao quý của nhân cách, tâm hồn. Một lần nữa, Nam Cao đã làm sáng lên cái chân lý vĩnh cửu là: trong hiện thực đời sống, tính cách và phẩm chất con người bộc lộ vô cùng phong phú và phức tạp. Nó biến động và đổi thay, chuyển hóa và giao thoa từ cực nọ sang cực kia, từ mặt này sang mặt khác, tùy theo những hoàn cảnh và thời điểm cụ thể. Chúng ta còn nhớ ngay từ thế kỷ XVI, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết: “Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại - Được thời kẻ dại cũng nên khôn”.

Chả thế mà chàng Chí Phèo của chúng ta lại say nàng Thị Nở như điếu đổ đến nỗi khi Thị Nở bỏ đi, chàng đã phải tìm đến cái chết. Phải chăng đây chính là một ý nghĩa tư tưởng khác, một trường nghĩa đầy giá trị nhân văn của kiệt tác Chí Phèo nằm trong quan niệm nghệ thuật nhất quán về con người của nhà văn hiện thực và nhân đạo lớn Nam Cao.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy