Thứ năm, ngày 01 tháng 05 năm 2025
20:00 (GMT +7)

Cảm thức về lịch sử chiến tranh cách mạng qua “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của Cao Văn Liên

Hai mươi mốt năm chiến tranh (1954 - 1975) bao hy sinh, gian khổ, mất mát, đau thương, tất cả những bi hùng của dân tộc qua cuộc chiến đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn nghệ viết về lịch sử đấu tranh cách mạng, tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non song thống nhất” của Cao Văn Liên (Nxb.Thanh niên, H. 2023) cũng không nằm ngoài cảm thức này. Tuy nhiên, khác với những tác phẩm đã viết về chiến dịch Hồ Chí Minh, ở tác phẩm này, với cái nhìn khách quan, vừa cụ thể vừa khái quát, cuộc chiến tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc được Cao Văn Liên tái hiện một cách toàn diện, sinh động, sâu sắc qua tư duy sáng tạo của một nhà lịch sử viết văn. Và từ cảm thức lịch sử này, tác phẩm gợi cho người đọc những suy ngẫm về truyền thống văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam, từ đó, tiếp tục phát huy trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

1. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra cách đây tròn 50 năm được coi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc - nó đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn khát vọng thống nhất đất nước. Cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 mang ý nghĩa lịch sử lớn, là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là kết tinh đỉnh cao của tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, bản lĩnh cách mạng kiên cường, trí tuệ minh triết trong chiến lược, chiến thuật quân sự và sự dấn thân quên mình cho sự tồn sinh của đất nước của quân - dân Việt Nam anh hùng.

Cảm thức về lịch sử chiến tranh cách mạng qua “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của Cao Văn Liên
Cảm thức về lịch sử chiến tranh cách mạng qua “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của Cao Văn Liên

Hai mươi mốt năm chiến tranh (1954 - 1975) bao hy sinh, gian khổ, mất mát, đau thương… tất cả những bi hùng đó của dân tộc trải qua cuộc chiến đã trở thành cảm hứng, niềm xúc động cho nhiều tác phẩm văn nghệ với nhiều thể loại ra đời. Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất” của Cao Văn Liên không nằm ngoài dòng chảy của cảm hứng này.

Tuy nhiên, khác với những tác phẩm đã viết về chiến dịch Hồ Chí Minh, ở tác phẩm này, với một sự tập hợp và xử lý sử liệu công phu, với cái nhìn khách quan, vừa cụ thể vừa khái quát, hồi kết của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kéo dài 21 năm giữa dân tộc ta và đế quốc Mỹ được Cao Văn Liên tái hiện một cách sinh động, sâu sắc. Từ cảm thức về chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, với tư duy sáng tác tạo của một nhà sử học, tác giả tiểu thuyết Xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất đã kiến tạo nên một tượng đài thiêng liêng tôn vinh tinh thần yêu nước sâu sắc, bản lĩnh kiên cường, trí tuệ thông minh của người Việt Nam trong chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đồng thời cũng khắc họa rõ nét bản chất tàn bạo, ngoan cố, hiếu chiến của những kẻ cướp nước và bán nước cầu vinh, sự thất bại thảm hại và những cái giá phải trả cho những hành động phi nhân tính của chúng. Tác phẩm với dòng sự kiện lịch sử đặc biệt, được tái hiện sinh động, tự nó góp phần thức nhận cho bạn đọc nhiều giá trị nhân văn trong thời đại toàn cầu hóa văn hóa ngày càng sâu rộng hiện nay.

2. Cũng như loạt tác phẩm trong bộ trường thiên tiểu thuyết Việt Nam diễn nghĩa (14 tập, xuất bản từ 2019 đến 2024), Cao Văn Liên đã tái hiện chiến dịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất bằng phương thức diễn nghĩa, phi hư cấu. “Tác giả thể hiện cảm thức lịch sử của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử viết văn, không phải là nhà văn viết lịch sử. Đây là điểm khác biệt nếu không nói là sự mới/lạ, thể hiện một hướng đi riêng về cách tiếp cận lịch sử của Cao Văn Liên”(3).

Sở dĩ lựa chọn phương thức “diễn nghĩa” bởi Cao Văn Liên hướng đến mục tiêu làm sao để giúp bạn đọc ở mọi lứa tuổi, tầng lớp tiếp cận lịch sử dân tộc dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Với văn phong giản dị, khúc chiết, tình tiết rõ ràng, tôn trọng sự thật, lôi cuốn, hấp dẫn, tiểu thuyết đã giúp bạn đọc ngược dòng thời gian hòa mình vào không khí những năm tháng hào hùng của dân tộc trong tinh thần đoàn kết một lòng quyết chiến đấu đến cùng với tinh thần hướng đến hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Thông qua những diễn ngôn mang tính giao thoa giữa hai thể văn - sử, vốn khá quen thuộc trong tiến trình văn học dân tộc, tiểu thuyết của Cao Văn Liên vừa là những thông điệp mang ý nghĩa khoa học, thực tiễn về lịch sử dân tộc, vừa là nơi gợi dẫn bạn đọc nhiều suy ngẫm về con người và những ứng xử nhân văn, văn hóa để phát triển xã hội.

Với 4 chương sách, Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất đã tái hiện sinh động toàn bộ chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh (đầu tiên có tên là Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định). Kế hoạch thực hiện sự kiện lịch sử đặc biệt này đã được Bộ Chính trị phân thành các chiến dịch nối tiếp nhau, bắt đầu với Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp theo là chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc và kết thúc thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Suốt chiều dài thiên tiểu thuyết, cách kể chuyện của tác giả chủ yếu là tái hiện song song hành động tiến hành chiến tranh của hai phía (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa) trong từng chiến dịch. Với cách kể chuyện này, tác giả đã giúp bạn đọc vừa hình dung được thời gian lịch sử chiến sự diễn ra theo chiều tuyến tính, vừa có cơ hội đối sánh để thức nhận được sự khác biệt của hai phía đối phương trong cuộc chiến. Đó là khác biệt về nhân cách, lối sống, tinh thần, ý chí của đội ngũ chỉ huy quân đội, khác biệt về tư duy, tài năng quân sự… Tất cả sự khác biệt này dẫn đến kết quả: thắng lợi hay thất bại.

2.1. Cảm thức lịch sử nhìn từ sự đối sánh về nhân cách, lối sống, ý chí, tinh thần của các nhà chỉ huy quân sự giữa Quân Giải phóng - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Mở đầu, không phải vô cớ tác phẩm tái hiện chiến trường Tây Nguyên với khung cảnh “Căn nhà rộng ba gian lợp lá dừa nước, vách trát đất le lói ánh đèn. Trong nhà, những chiếc bàn ghế kê ngang dọc… Căn phòng chỉ có một ngọn đèn lờ mờ bị che gần hết đề phòng máy bay địch nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng chỉ soi xuống mặt bàn cho Bộ chỉ huy làm việc” (1/tr.3). Đó là “Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…” (1/tr.2). Chỉ một vài nét phác họa nơi đặt Bộ huy Quân Giải phóng, tác giả đã giúp bạn đọc cảm nhận được hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, vất vả trong chiến tranh của quân đội ta.

Song, mặc dù gian khổ, nguy hiểm, sự sống và cái chết cận kề, suốt chiều dài tác phẩm, bạn đọc dường như thấy đội ngũ chỉ huy Quân Giải phóng luôn luôn tự tại, ung dung, bình thản. Họ gọi nhau bằng hai tiếng “đồng chí” ấm áp, mời nhau ly nước suông trong mỗi lần họp bàn chiến dịch nhưng rất đỗi chân thành. Trong chiến đấu, từ chỉ huy đến chiến sĩ đều đoàn kết, sẵn sàng “chia lửa” và hỗ trợ nhau kịp thời để chớp cơ hội xốc tới, giải nguy cho đồng đội.

 Trong suốt chiến dịch, dưới ngòi bút của Cao Văn Liên, đội ngũ chỉ huy quân sự Quân Giải phóng luôn duy trì một tinh thần, ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù mạnh mẽ, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cống hiến cho mục tiêu chung. Từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của những chiến sĩ Giải phóng, bởi vì với họ, không có gì quý hơn độc lập tự do.

Xuyên suốt tác phẩm, hình ảnh đội ngũ chỉ huy quân sự phía Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện lên là những người anh hùng mang trong tim tình yêu đất nước lớn lao. Trong cuộc chiến họ dấn thân hết mình, chủ động, linh hoạt, thông minh, sáng tạo. Nghệ thuật quân sự luôn được vận dụng đúng chỗ, đúng lúc. Khi ào ạt như vũ bão để chớp thời cơ, xông tới áp đảo quân thù, khi cần thiết thì tạm dừng tấn công, thay đổi cách đánh. Hỗ trợ đồng đội kịp thời để cùng nhau hợp lực, tạo sức mạnh áp chế kẻ thù. Tinh thần này của Quân đội ta được cả nhân loại trân trọng, đúng như Stanley Karnow (Nhà sử học, ký giả người Mỹ) xác quyết: “Tất cả những cựu chiến binh Việt Nam mà tôi có dịp phỏng vấn sau chiến tranh đều nói lên lý tưởng của họ. Họ nói rằng, bất chấp gian khổ hy sinh, nhiệm vụ của họ là “giải phóng Tổ quốc”(2). Gấp trang sách lại, hình ảnh những vị tướng khả kính như Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An, Chu Huy Mân, Khuất Duy Tiến, Hoàng Minh Thảo, Vũ Lăng… và rất nhiều gương mặt chỉ huy Quân Giải phóng - Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đọng lại trong tâm khảm bạn đọc niềm kính trọng, cảm phục và tấm lòng biết ơn sâu sắc.

Và chính từ tấm gương giản dị, gương mẫu, đoàn kết một lòng của đội ngũ chỉ huy nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có được đội ngũ quân nhân mà chính Tướng Lindsey Kiang, nhà sử học Mỹ đã nhận xét: “Trong mắt nhiều lính Mỹ, bộ đội Việt Nam là những người có kỷ luật, chiến đấu thông minh và rất gan dạ” (2).

Chính nhờ tính kỷ luật cao, đoàn kết, lối sống hòa đồng, giản dị, có lý tưởng rõ ràng nên trong mọi hành động quân sự của mình, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam đều nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của nhân dân mọi vùng miền của đất nước. Tập hợp được mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ, ngụy (Việt Nam Cộng hòa), thực hiện mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nhà sử học đương thời Nguyễn Hiến Lê viết trong hồi ký: “Khắp thế giới ngạc nhiên và phục “Việt Cộng” tổ chức cách nào mà Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa không hay biết gì cả. Họ đã lén chở khí giới, đưa cán bộ vào Sài Gòn, Huế... từ hồi nào, chôn giấu, ẩn núp ở đâu? Chắc chắn dân chúng đã che chở họ, tiếp tay với họ, không ai tố cáo cho nhà cầm quyền biết. Trái lại mỗi cuộc hành quân lớn nhỏ nào của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa họ đều biết trước ngày và giờ để kịp thời đối phó. Nội điểm đó thôi cũng đủ cho thế giới biết họ được lòng dân miền Nam ra sao và tại sao Mỹ thất bại hoài” (2).

Ngược lại với Quân Giải phóng, các tướng tá của Quân lực Việt Nam Cộng hòa có đời sống xa hoa, đầy đủ về vật chất. Nơi làm việc được mô tả: “Một gian phòng khang trang rộng rãi ở thị xã Pleiku kê nhiều bàn ghế sang trọng… Trên bàn mỗi người, lính cần vụ đã rót ra những cốc rượu vang đỏ lừ, rượu trong những ly thủy tinh lấp lánh tỏa mùi thơm phức” (1/tr.17). Ngay cả trong hoàn cảnh chiến sự diễn ra nguy cấp, bị dồn đến chân tường, phải “tử thủ” để giữ Sài Gòn, “Tổng thống Trần Văn Hương bê ly rượu vang đỏ thẫm, thơm nức” (1/tr. 174) để chủ trì phiên họp tề tựu các tướng tá có “uy” nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa: Đại tướng Cao Văn Viên và Đại tướng Dương Văn Minh, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Họ xưng hô với nhau là “ngài”, ở họ có một sự xã giao, một khoảng cách khó gần.

Nhiều lần trong tác phẩm, bạn đọc bắt gặp thái độ “Tổng thống Thiệu tức giận”, uy hiếp cấp dưới. Đây là một cách ứng xử giữa Tổng thống và tướng lĩnh khi bàn việc chiến trường:

“Tổng thống Thiệu lạnh lùng:

- Ngài là tướng bại trận, ngài nghe theo quân lệnh hay muốn vào tù? Tướng Phú im lặng như nghẹn lấy cổ họng” (1/tr.74).

Hoặc:

“Tổng thống Thiệu đáp: …Trung tướng hoặc là chấp nhận hoặc là từ chức vào tù vì chống lại quyết định của Tổng thống, của Tổng Tư lệnh Quân lực.

Ngô Quang Trưởng im lặng nghẹn ứ trong cổ họng không nói được (1/tr.96).

Hoặc: Tướng Phú tức giận quát: “Đại tá thật là bất tài bất lực”… Nguyễn Văn Đồng run run yếu ớt (1/tr.38). Trong chiến đấu, bạn đọc nhiều lần chứng kiến cảnh các tướng tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa thể hiện thái độ bất hợp tác với nhau, từ chối giúp đỡ nhau trong lúc hiểm nguy, lảng tránh trách nhiệm, không nghe lời chỉ huy để đến nỗi nhiều lần Tổng thống phải mang “tòa án binh” ra dọa.

Tác giả Cao Văn Liên quan tâm khắc họa đậm nét chân dung của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc chiến. Sai lầm đáng lên án nhất của tội đồ lịch sử này là cho đến tận giây phút mọi sự trắng đen rõ ràng, chính ông ta gào lên khi bị ép từ chức “Hoa Kỳ là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo” (1/tr.172), biết Việt Nam Cộng hòa đã bị Mỹ bỏ rơi, hắn vẫn ngoan cố không chịu chấp nhận vấn đề: hòa bình cho người dân, thống nhất đất nước mới là quan trọng nhất. “Trong tuyên bố, Nguyễn Văn Thiệu vẫn kiên quyết không đàm phán với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” (1/tr.172). Trong lâm nguy, kẻ đứng đầu bộ máy Quân lực Việt Nam Cộng hòa bộc lộ rõ sự đớn hèn, giả dối, chỉ biết đổ lỗi cho người khác, lẩn tránh thời cuộc, trốn chạy để thoát thân. “Nguyễn Văn Thiệu thề sẽ chiến đấu bên cạnh binh sĩ nhưng đêm 25/4/1975, trong lúc chế độ hấp hối, ông bí mật ra đi khỏi Sài Gòn dưới sự sắp đặt của Thomas Polgal, Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn” (1/tr.173) - đó là ứng xử của những kẻ ở ghế “đại nhân” nhưng lại mang nhân cách tiểu nhân.

Sự phụ thuộc vào Mỹ gần như toàn diện, cả về vật chất lẫn tinh thần, quen lối sống hưởng thụ và thụ động, không có chính kiến, lập trường riêng, các chính khách, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa không ngừng tham gia vào các âm mưu chính trị, tham nhũng quá nhiều và liên tục diễn ra đảo chính - một đội ngũ chỉ huy quân sự bạc nhược, ngạo mạn, thiếu tinh thần kỷ luật, mơ hồ về lý tưởng chiến đấu, chính họ góp phần không nhỏ làm suy sụp tinh thần của binh sĩ.

Trong tác phẩm, bạn đọc có thể nhận rõ một trong những yếu tố quyết định sự thất bại của Việt Nam Cộng hòa là sự thiếu tự chủ của họ: Khi Mỹ dần rút lui thì Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu sa sút, tới lúc Mỹ bỏ cuộc hẳn thì Việt Nam Cộng hòa cũng sụp đổ theo là điều tất yếu. Hàng ngũ chỉ huy của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thiếu ý chí, thiếu tinh thần đoàn kết, không hợp tác đồng lòng trong chiến đấu. Và đây cũng chính là những nguyên nhân cơ bản khiến họ nhanh chóng thất bại trước những đòn tấn công quyết liệt của Quân Giải phóng mặc dù về mọi mặt họ có thế mạnh hơn đối phương.

Năm 2005, khi về Việt Nam và trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống kiêm tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng hòa nhận định rằng: “Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những tên lính đánh thuê. Tôi biết rất rõ ràng về cái gọi là những người chỉ huy, những ông tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa khi ấy. Từ ông Thiệu đến những ông khác dưới trướng, xin lỗi, toàn là những vị ăn chơi phè phỡn, tài không có mà đức cũng không. Trước đây có “ông” Mỹ đứng sau thì không có chuyện gì, nhưng khi phải một mình trực tiếp đối diện với khó khăn thì bản chất cũng như tài năng lộ ra ngay. Trong một cuộc chiến, nói gì thì nói, theo tôi quan trọng nhất vẫn là Lực lượng, là Quân đội. Quân đội Việt Nam Cộng hòa, không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh - trở xuống. Trong số những vị cùng vai với tôi, cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết! Trong khi đó, các chỉ huy ở miền Bắc lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, được cấp dưới tin cậy và kính trọng về nhân cách, đó là sự hơn hẳn”(2).

Mượn lời Nguyễn Cao Kỳ, chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định, qua phác họa những đặc điểm về nhân cách, lối sống, quan điểm, lý tưởng chiến đấu đối lập nhau giữa đội ngũ chỉ huy quân sự Quân Giải phóng (quân đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Quân lực Việt Nam Cộng hòa (quân đội của Việt Nam Cộng hòa), phải chăng tác giả tiểu thuyết Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất muốn khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu, nó có vai trò chủ đạo quyết định sự bại thành của một cuộc chiến tranh, nói rộng ra nó có thể quyết định sự tồn sinh, phát triển của một dân tộc.

Nhân tố tiên quyết quyết định thắng lợi của chiến dịch mùa Xuân 1975 - chiến dịch Hồ Chí Minh đó là sức mạnh đoàn kết dân tộc, nhưng sức mạnh này chỉ có thể được hiệu triệu, tỏa sáng, phát huy giá trị văn hóa bởi những người đứng đầu - “đứng mũi chịu sào” ngoài tài năng, trí tuệ, còn phải có một nhân cách trong sáng, lối sống mẫu mực, khiêm nhường, đức độ đáng kính trọng. Và đây, chính là bài học sâu sắc, quý báu rút ra từ kinh nghiệm tiến hành chiến tranh nhân dân chống Mỹ cứu nước. Thiết nghĩ trong bối cảnh xã hội hiện nay, giá trị văn hóa trên cần được phát huy mạnh mẽ để làm sao đất nước có được một đội ngũ quản lý và lãnh đạo có Tâm, có Tầm, dám dấn thân hy sinh, hướng mọi hành động về tinh thần nhân văn cao cả cho Con người và vì Con người, mang lại sự phồn vinh cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

2.2. Cảm thức lịch sử nhìn từ sự đối sánh tài năng, mưu lược, nghệ thuật quân sự giữa Quân Giải phóng và Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Tiếp nhận Mùa xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất, chúng ta nhận thấy để tái hiện sinh động diễn biến chuỗi chiến dịch (từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh), tác giả đã vận dụng linh hoạt lối trần thuật song song giữa một bên là sự tiến công thần tốc, quyết liệt, quả cảm của Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bên là sự ngoan cố chống trả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc chiến sinh tử, cam go này, bộc lộ rõ thế mạnh quân sự của hai phía.

Nếu so sánh về vũ khí, phương tiện vật chất… phục vụ cho chiến tranh thì Quân lực Việt Nam Cộng hòa hơn hẳn bên Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã áp dụng vào chiến tranh hầu hết các vũ khí tân tiến nhất thời đó (chỉ trừ vũ khí hạt nhân). Các tướng lĩnh của họ luôn báo cáo rất lạc quan như: “Về mặt trang bị mà nói ta hơn hẳn Cộng quân ở không quân và xe tăng thiết giáp, cho tới nay Cộng quân không có không quân, không có xe tăng…” (lời Đại tá Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn, 1/tr.24). Về con người, quân đội của Việt Nam Cộng hòa được huấn luyện kỹ năng chiến đấu, được trang bị phương tiện cá nhân đầy đủ. Nhiều tướng lĩnh cũng được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm chiến trường.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này không phải chỉ là sự so tài, ganh đua giữa những thiết bị tối tân nhiều ít. Nó còn là sự đọ sức về trí tuệ, về phương diện này thì Quân Giải phóng miền Nam chiếm ưu thế hơn nhiều. Có thể thấy qua diễn biến các chiến dịch, chiến lược, chiến thuật quân sự đã được Bộ Chính trị của ta và đội ngũ chỉ huy quân sự các cấp nâng lên thành nghệ thuật quân sự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mô tả chiến lược giành chiến thắng của quân dân Việt Nam trước kẻ thù mạnh hơn hẳn về trang bị: “Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng”. “Kẻ địch mạnh thì ta tránh chúng. Kẻ địch yếu thì ta đánh chúng. Nơi nào có du kích là có mặt trận, kể cả sau phòng tuyến địch. Đối phó với trang bị tối tân của chúng, chúng ta có chủ nghĩa anh hùng vô bờ bến” (2). Áp dụng nghệ thuật trên, trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975, mỗi chiến dịch là một nghệ thuật tấn công khác nhau, tùy theo tình hình, điều kiện khách quan mỗi trận đánh có những chiến thuật hợp lý nhất để nhanh chóng đạt mục tiêu hướng đến.

Chiến dịch Tây Nguyên do địa hình khó khăn nên dùng phương án “nghi binh”; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng chớp cơ hội Tây Nguyên thất thủ, Thiệu hạ lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa mất hết tinh thần, quân đội gần như không chiến đấu mà bỏ chạy, Quân Giải phóng liền tiến hành phương án “thời cơ”, nhanh chóng tiến công giành quyền kiểm soát cố đô Huế và Đà Nẵng. Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc, do điều kiện chống trả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại đây rất quyết liệt, Quân Giải phóng không giành quyền kiểm soát được Xuân Lộc như dự định nên nhanh chóng linh hoạt dừng lại thay đổi phương án tiến công, không để mất thời gian với Xuân Lộc mà đi vòng qua vòng vây tiến về phía Biên Hòa. Cuối cùng, quân Việt Nam Cộng hòa cũng bỏ Xuân Lộc rút lui về bên kia sông Đồng Nai cố thủ, tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng bảo vệ Sài Gòn không còn. Đây là cơ hội để Quân Giải phóng tiếp tục tiến về giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước thời hạn dự định, một ngày bằng 20 năm, theo mệnh mệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” (1/tr.161).

Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, với địa hình nhiều bất lợi “Phía đông, nam, bắc có đường cho xe tăng vào nhưng những con đường đó do địch không chế, không thể vào được. Phía Tây Nguyên thì vướng con sông Serepok và tiếp đó là những cánh rừng khiến xe tăng không thể vào được” (1/tr.8), Quân ta đã ứng phó bằng cách “Bí mật mở con đường từ Trường Sơn đi qua một số xã của huyện Cưmnga” và thực hiện kế hoạch nghi binh: “thực chất chúng ta tấn công Buôn Mê Thuột nhưng phải làm cho tình báo và các phương tiện do thám của địch tưởng chúng ta sẽ tấn công Peiku và Kon tum” (1/tr.11). Phương án khôn khéo “lừa” kẻ địch, phát huy tinh thần “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều” (Bình ngô Đại cáo - Nguyễn Trãi) trong nghệ thuật quân sự từ thời ông cha chống ngoại xâm để “Tấn công vào điểm yếu nhất” của kẻ thù, từ đó “phát triển chiến dịch, lấy toàn bộ Tây Nguyên”. Từ Tây Nguyên, “chúng ta sẽ uy hiếp toàn bộ Quân khu I, Quân khu II, tấn công Quân khu III và nếu có thể tấn công giải phóng Sài Gòn” (1/tr. 14). Tướng Hoàng Minh Thảo ra lệnh và cũng là thể hiện quyết tâm: “Chúng ta phải chiếm bằng được Buôn Mê Thuột, bấm vào tử huyệt của Việt Nam Cộng hòa, tạo thế đánh chiếm toàn bộ Tây Nguyên, tạo thế cho toàn quân đánh chiếm Quân khu I, Quân khu II, Quân khu III, đưa cuộc Tổng tấn công xuân 1975 đến toàn thắng” (1/tr.14).

Trong khi đó, phía chỉ huy của Việt Nam Cộng hòa, tướng tá vẫn chủ quan, coi thường đối phương, đưa ra những nhận định thiếu chính xác: “Đặc biệt ở hướng tây có con sông Serêpok và những cánh rừng phía đông của con sông này là chiến hào và tường thành che chắn phía tây cho Tây Nguyên chúng ta. Cho nên ở hướng này chúng ta không cần bố trí nhiều lực lượng lắm” (lời Đại tá Vũ Thế Quang, 1/tr.24-25). Tướng Phú cũng đồng thuận theo và cho tập trung “các đơn vị mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở bắc Tây Nguyên để phòng thủ Pleiku và Kon tum. Tướng Phú đã rơi vào bẫy nghi binh đánh lừa của Trung tướng Hoàng Minh Thảo. Cái bẫy đã được cài mà bất lợi thuộc về Quân lực Việt Nam Cộng hòa do tin tức tình báo mù tịt, do tài nghi binh của Quân Giải phóng” (1/tr.29).

Cách tấn công kẻ địch sáng tạo, mưu lược của ta đã khiến kẻ thù không thể xác định nổi mục tiêu của đối phương, loay hoay trong những “phán đoán”, nghi ngờ… Cùng lúc đó “Quân giải phóng đã và đang dùng chiến thuật nghi binh, chặn các con đường giao thông, cô lập Tây Nguyên với đồng bằng ven biển miền Trung, chia cắt Quân đoàn 2, cô lập thị xã Buôn Mê Thuột với các tỉnh chung quanh, đặc biệt là với bắc Tây Nguyên thành công” (1/tr.44).

Độc giả rất hào hứng trước trạng thái hoang mang, bối rối, của thủ lĩnhViệt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu khi bất ngờ nghe báo cáo về “xe tăng Cộng sản đã vào thị xã Buôn Mê Thuột”: “Tổng thống Thiệu tức giận Đại tá Lê Văn Lương, Trưởng phòng tình báo Bộ Tham mưu:

- A lô, hệ thống tình báo các anh làm ăn kiểu gì vậy, báo là Cộng quân đánh bắc Tây Nguyên, bây giờ họ tấn công nam Tây Nguyên, Thị xã Buôn Mê Thuột sắp mất. Bảo xe tăng Cộng quân không vào được Tây Nguyên, bây giờ chúng đang đánh phá thị xã Buôn Mê Thuột. Các anh muốn ra tòa án binh không?

Đại tá Lê Văn Lương nói nhỏ run run:

- Dạ, xin lỗi Tổng thống” (1/tr.49).

Nghệ thuật nghi binh trong quân sự được Quân Giải phóng thực hiện đạt đến trình độ xuất sắc. Cách bày binh, bố trận qua mặt được tất cả những cặp mắt quan sát “cú vọ “ nhất kể cả CIA - đội quân tình báo dày dạn kinh nghiệm của Mỹ. Sau này, Tướng Lindsey Kiang, nhà sử học Mỹ đã nhận xét: “ …Tất cả những điều tôi đọc, tôi nghe được từ các cựu binh Mỹ đều toát lên một sự tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Việt Nam... Những nhận xét đó thường là: Bộ đội Việt Nam thông minh, tiết tháo, có kỹ năng và lòng quyết tâm. Họ cũng là những người dũng cảm tuyệt vời trước hỏa lực khủng khiếp của pháo binh và không quân Mỹ. Nhiều cựu chiến binh Mỹ thường nhắc lại với niềm cảm phục sâu sắc khả năng chống đỡ của đối thủ dưới làn đạn mà những trận rải thảm B-52 là ví dụ điển hình” (2).

Chiến dịch Tây Nguyên đã khiến 3/4 (trong số 78.300 quân) thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tử trận, “khoảng gần 6 vạn, mất hết số vũ khí hạng nặng và hàng vạn vũ khí bộ binh. Quân đoàn II, một trong 4 quân đoàn mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn bị xóa sổ. Ta giải phóng được tất cả các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên là Đắc Lắc, Phú Bổn, Gia Lai, Kontum, Quảng Đức và Pleiku” (1/tr.86).

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi là bởi nhờ đường lối, phương án tác chiến đúng đắn, phù hợp với điều kiện khách quan, chủ quan, vị trí địa lý vùng miền, tiềm lực của đối phương, sức mạnh hiện có của ta… Bên cạnh đó, Quân Giải phóng luôn luôn bình tĩnh, chủ động xử lý tình huống diễn ra trong giao tranh một cách thông minh, linh hoạt nhất để tránh hy sinh, mất mát, tổn thất người và của. Tướng Hoàng Minh Thảo khẳng định: “Việc giải phóng toàn bộ Tây Nguyên là cú điểm huyệt choáng váng cho chế độ ngụy, tạo điều kiện và thời cơ chưa bao giờ có để ta tấn công giải phóng toàn bộ Miền Nam, thống nhất đất nước” (1/tr.86).

Tinh thần chiến đấu quả cảm, ý chí kiên cường, mưu kế sáng tạo ở chiến dịch Tây Nguyên đã được Quân Giải phóng Miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy cao độ trong tất cả các chiến dịch sau này để đi đến thắng lợi cuối cùng. Có lẽ đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Cờlốt Guyliêng (Claude Julien) ngày 18/5/1972: “Không phải chỉ cần có trong tay những phương tiện tiên tiến về kỹ thuật là đủ để cho chiến tranh được tiến hành một cách khoa học. Nhận thức của chúng tôi về chiến tranh là khoa học bởi vì chúng tôi chiến đấu trên mảnh đất của chúng tôi, vì những mục tiêu của chính chúng tôi và những phương pháp của riêng chúng tôi. Vì lẽ đó mà mặc dù có cả một bộ máy khoa học, kẻ địch đã bị thua chạy. Chính chúng tôi là những người nắm quyền chủ động”(2).

2.3. Cảm thức lịch sử nhìn từ số liệu lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975

Chúng ta bắt gặp trong Xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất rất nhiều trang văn dày đặc những số liệu, những số liệu lịch sử được tác giả dụng công sắp đặt, tái hiện không đơn thuần chỉ là những con số bị chìm khuất theo lớp bụi thời gian - đó là những con số đã được “thổi hồn” mà độ lùi thời gian càng lớn nó càng tích hợp và âm vang nhiều thông điệp mang giá trị văn hóa, gửi gắm cho muôn thế hệ sau.

Tiếp nhận Xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất của Cao Văn Liên, bạn đọc thấy lịch sử được tái hiện không đơn thuần là những sự kiện, những con số, những trận đánh gắn với những địa danh mà lịch sử dân tộc còn là tâm hồn, là tinh anh văn hóa được kết tinh từ dòng sinh mệnh văn hóa của dân tộc. Cao Văn Liên đã viết lịch sử bằng thể loại tiểu thuyết nhưng luôn có ý thức bám sát dòng chảy hiện thực đời sống, tái hiện tinh thần, tâm hồn dân tộc mình qua những thời khắc lịch sử một đi không trở lại. Đây là cuộc chiến tranh đúng như dư luận quốc tế đánh giá: “Đã để lại dấu ấn sâu đậm và đầy ấn tượng trong tâm thức người Mỹ, tạo hiệu ứng dây chuyền trong toàn khu vực Đông Dương”(4).

Do vậy, không chỉ luận bàn chuyện quá khứ của lịch sử, mà Cao Văn Liên muốn dùng lịch sử đã qua như một gương soi để suy tư về những vấn đề hiện tại của đất nước, con người. Có lẽ chính vì điều đó nên tác phẩm đã chạm được tâm thức, tâm cảm, đánh thức những ưu tư của bạn đọc, hướng bạn đọc chiêm nghiệm, suy ngẫm về bao vấn đề nhân văn, quan thiết đặt ra trong cuộc sống hiện nay không chỉ ở Việt Nam và còn là vấn đề đặt ra cho nhiều dân tộc trên thế giới: Sự hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước cho độc lập, tự do và thống nhất non sông; Sự trân trọng và ý thức bảo vệ nền hòa bình của dân tộc; Nghĩa tình ứng xử với những người đã ngã xuống trong chiến tranh; Tinh thần đoàn kết, xây dựng cuộc sống hạnh phúc và khát vọng hòa bình cho các dân tộc trên thế giới… Tất cả là những vấn đề không còn mới nhưng chưa bao giờ cũ và cũng chưa bao giờ khiến lương tâm con người ngừng trăn trở về nó.

Không phải ngẫu nhiên mà phần kết thúc tác phẩm, trong ngày chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm trời, ngày vui đoàn tụ thống nhất non sông, bạn đọc bắt gặp hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy tư: “Có được ngày 30 tháng 4 năm 1975 là kết quả của một cuộc đấu tranh hy sinh không bờ bến, không tiếc máu xương của biết bao anh hùng… Tất cả chỉ vì một lòng yêu nước cao thượng hy sinh vì chính nghĩa, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước” (1/tr. 253).

Mượn những suy tư trước lịch sử của vị tướng lão luyện đã đồng hành cùng dân tộc qua bao tháng năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phải chăng tác giả Cao Văn Liên muốn khẳng định tính chất chính nghĩa không gì phủ nhận được của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh với chiến thắng vang dội khắp năm châu. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 là kết tinh đỉnh cao của truyền thống yêu nước, tinh thần trân trọng hòa bình, ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do cho dân tộc của bao thế hệ người Việt Nam.

3. Với phương châm dùng văn học để diễn giải lịch sử, với lối viết dung dị, bám sát tư liệu lịch sử kết hợp sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, tác phẩm Xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất của Cao Văn Liên đã lắng lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Những luận giải khúc chiết, sâu sắc, tinh tế của tác giả giúp chúng ta thấu hiểu hơn vì sao thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc đối đầu kéo dài 21 năm với đế quốc Mỹ, và kết thúc với chiến dịch Hồ Chí Minh xuân năm 1975 trở thành huyền thoại trong lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử vượt thời đại và trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, quả cảm, trí tuệ thông minh, sáng tạo, lòng yêu chuộng hòa bình tha thiết của người Việt Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 là bản hùng ca khải hoàn, thu giang sơn về một mối. Thắng lợi của cuộc tổng tấn công đánh dấu một mốc son đặc biệt trong lịch sử dân tộc ta: chấm dứt chiến tranh kéo dài đằng đẵng, mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển. Sự kiện lịch sử đặc biệt này dù đã qua đi nửa thế kỷ nhưng bài học lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị, và qua cảm thức lịch sử của nhà sử học viết văn Cao Văn Liên, những âm hưởng, hào khí của trận đánh và chiến thắng vang dội “rung động địa cầu” của nó vẫn ngân lên niềm tự hào bất tận. Tầm vóc lịch sử của chiến dịch, những kết quả do chiến thắng mang lại và sự ảnh hưởng sâu rộng của nó đến hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại qua luận giải của Cao Văn Liên nhắn nhủ mỗi chúng ta hôm nay về lòng biết ơn và sự trân trọng những gì thuộc về hằng số văn hóa của dân tộc và nhân loại. Sau bao năm chiến tranh, “dư chấn” về cuộc chiến thắng vẫn được các dân tộc trên thế giới nhắc đến với sự khâm phục, kính nể. Tờ Asahi Shimbun, Nhật Bản, số ra ngày 1/5/2000 bình luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt” (4).

Với Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất, Cao Văn Liên đã góp phần tôn vinh chiến công vĩ đại của nhân dân ta, xây dựng nên tượng đài tinh thần, vinh quang bất diệt của dân tộc, và làm rạng rỡ thêm ánh hào quang tỏa ra từ chiến thắng, góp phần lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới trong xu hướng hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng. Qua tác phẩm, tác giả cũng muốn khẳng định, chiều sâu của chiến thắng khởi thủy từ truyền thống anh dũng, quật cường, bất khuất giữ nước trải mấy ngàn năm của dân tộc, và đặc biệt chiến thắng này phải trả giá bằng bao hy sinh, mất mát mà những thế hệ đi trước đã hiến dâng cho đất nước, non sông. Chính vì lẽ đó, chiến thắng Mùa Xuân 1975 mang một ý nghĩa thiêng liêng đến vô cùng. Và từ đây có thể suy niệm rằng, bất cứ một chiến thắng vẻ vang nào trong các cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc ta cũng đều kết tinh ở đó những giá trị tinh túy của trí tuệ, tâm hồn, tinh thần yêu nước, bền bỉ đấu tranh, bản lĩnh kiên cường của con người Việt Nam.

-----------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Văn Liên, (2023), Xuân 1975 – Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết), H. Nxb. Hồng Đức.

2. Chiến tranh Việt Nam – Wikipedia (tiếng Việt)

3. https://vanhocsaigon.com/cam-thuc-lich-su-trong-viet-nam-dien-nghia-cua-cao-van-lien/

4. https://dantri.com.vn/the-gioi/goc-nhin-bao-gioi-nuoc-ngoai-ve-chien-thang-3041975

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy