
Góc biếm họa số 7 (2025)

(Tham luận tại Hội nghị Tổng kết 50 năm thành tựu văn học, nghệ thuật Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), do Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức, ngày 15/4/2025 vừa qua)
1. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một mốc lịch sử vô cùng quan trọng và đầy ý nghĩa của dân tộc ta: đất nước hoàn toàn giải phóng, Nam, Bắc một nhà, non sông liền một dải. Cả dân tộc bước sang một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc, văn hóa, văn minh,.. để từng bước tiến kịp các nước, hòa nhập vào cuộc sống thời hiện đại của nhân loại thế kỷ XX, XXI.
Mặc dù phải đối diện với bao khó khăn, thách thức, phải trải qua bao vất vả, gian nan trong quá trình đi từ trong sự đổ nát, sự mất mát nặng nề do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại - nhưng Đảng ta đã từng bước lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc Đổi mới tư duy một cách toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật). Cho tới hôm nay, sau 50 năm - kể từ ngày đất nước thống nhất và đặc biệt - kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới (1986) tới nay, đất nước ta, dân tộc ta đã có một sự phát triển mạnh mẽ, một sự đổi thay “ngoạn mục”: Đất nước “to đẹp, đàng hoàng” hơn; cuộc sống của toàn dân được nâng cao không ngừng về cả tinh thần và vật chất; trình độ văn hóa, văn minh, trình độ khoa học, kỹ thuật,… ngày càng được nâng cao, đủ sức sánh vai cùng với các nước đang phát triển trên toàn thế giới.
2. Tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của đất nước - văn học nghệ thuật (VHNT) của cả nước nói chung, của Thái Nguyên nói riêng, cũng đã có những bước phát triển, có sự đổi mới rõ rệt và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đáng tự hào. Thái Nguyên với vị trí Trung tâm của khu vực Việt Bắc xưa (trước năm 1976) có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng vốn có, đang có như: Nơi từng có Hội Văn nghệ Việt Bắc đóng quân và hoạt động - với một đội ngũ các văn nghệ sĩ khá đông đảo; nơi có Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc - chiếc nôi đào tạo ra hàng ngàn cán bộ Văn hóa Nghệ thuật cho toàn khu vực; nơi có Đoàn Văn công Việt Bắc với các thế hệ diễn viên DTTS tài năng và tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn, phát huy vốn văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc xưa và Đông Bắc nay. Đặc biệt, Thái Nguyên còn là Trung tâm đào tạo lớn nhất trong toàn khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam - với sự hiện diện của Đại học Thái Nguyên, một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực với hàng ngàn cán bộ giảng dạy cán bộ khoa học có trình độ cao (từ Tiến sĩ trở lên) và hàng năm có hàng vạn học sinh, sinh viên, học viên sau đại học đến nơi này để học tập và rèn luyện. Có thể nói: Thái Nguyên là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng, rất nhiều điều kiện, đồng thời là một môi trường rất thuận lợi cho VHNT hoạt động, phát triển. Chính vì vậy, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, với các thế hệ liên tục, nối tiếp nhau đã luôn hoạt động tích cực, tâm huyết, cống hiến tài năng, trí tuệ của mình để tạo nên một đời sống VHNT mang đậm chất Thái Nguyên, vừa hiện đại vừa giàu bản sắc dân tộc.
3. Có thể tạm chia làm 2 giai đoạn phát triển của VHNT Thái Nguyên tương ứng với 2 thế hệ các văn nghệ sĩ Thái Nguyên - kể từ năm 1975 tới nay.
* Giai đoạn thứ nhất: Từ năm 1975 tới năm 2000. Đây là giai đoạn sau chiến tranh (còn gọi là thời kỳ hậu chiến) và bắt đầu công cuộc Đổi mới tư duy. Giai đoạn 25 năm này - VHNT Thái Nguyên đã có những chuyển biến, đã có sự đổi mới khá rõ rệt và bước đầu đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Đội ngũ văn nghệ sĩ giai đoạn này chủ yếu là các nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ, các nghệ sĩ,… đã từng có mặt trong đời sống VHNT Thái Nguyên trước năm 1975, trong đó có nhiều người đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Đó chính là những “Văn nghệ sĩ - chiến sĩ”, những người vừa rời cây súng, cầm cây bút để sáng tác, sáng tạo VHNT. Bên cạnh đó là những nhà văn, những nghệ sĩ, họa sĩ… mới xuất hiện, mới “nhập cuộc” từ sau năm 1987 (khi Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái được thành lập) với tinh thần: Đổi mới, sáng tạo và cống hiến.
Sau một thời gian trăn trở về phương pháp sáng tác, về tư duy nghệ thuật, về phương thức sáng tạo, về hệ đề tài… (trong khoảng 10 năm sau 1975), các văn nghệ sĩ Thái Nguyên (cũng như văn nghệ sĩ cả nước) đã có sự đổi mới khá rõ rệt trong tư duy nghệ thuật và phương pháp sáng tác, trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và trong nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống ở thời kỳ tiếp (từ 1985 đến năm 2000). Văn học nghệ thuật Thái Nguyên giai đoạn này đã đi sâu vào phản ánh hiện thực cuộc sống với những mặt trái của xã hội, phê phán những tiêu cực trong cuộc sống, trong cơ chế, trong từng con người cụ thể, đặc biệt là những con người “có chức, có quyền” trong xã hội lúc bấy giờ và phản ánh cái Tôi cá nhân thời kỳ hiện đại. Văn nghệ được “cởi trói” thực sự, được đổi mới toàn diện. Chính vì vậy, đời sống VHNT của Thái Nguyên thời kỳ này rất sôi nổi với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên được liên tục bổ sung, đông đảo hơn, hoạt động tích cực hơn và đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực văn học: Ngoài những cây bút “kỳ cựu” như: Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Vũ Châu Quán, Lâm Tiến, Hồ Thủy Giang, Hà Đức Toàn, Lê Thế Thành, Hữu Tiệp, Ba Luận… là các cây bút mới, trẻ trung, quyết liệt và đầy sự sáng tạo, mới mẻ như: Minh Sơn, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thúy Quỳnh, Võ Sa Hà, Trần Thị Vân Trung, Lưu Thị Bạch Liễu, Thế Chính, Nguyễn Long, Đỗ Dũng, Hiền Mặc Chất, Phạm Đức, Hữu Bài, Minh Hằng, Chu Thơm, Dương Quốc Hải.....
Chính các nhà văn, nhà thơ nhà nghiên cứu phê bình văn học này - với những tác phẩm văn chương giàu tính sáng tạo, giàu chất hiện thực và đậm đà bản sắc dân tộc của mình đã góp phần tạo nên một diện mạo văn học Thái Nguyên: vừa mang tính hiện đại vừa giàu bản sắc văn hóa các dân tộc sinh sống ở vùng đất lịch sử này.
Trong lĩnh vực Sân khấu, Nghệ thuật: Đây cũng chính là giai đoạn có nhiều hoạt động sôi nổi và đạt được nhiều thành tựu nhất - với sự có mặt của 5 Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đóng trên địa bàn của Tỉnh cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc và đậm bản sắc Thái Nguyên. Các vở diễn mới mang tính chống tiêu cực quyết liệt, sâu sắc, mang không khí thời đại và tinh thần đổi mới của: Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang, Trần Đình Ngôn, Lê Tuấn Cường, Nguyễn Đức Trạo, Mông Đông Vũ, Trịnh Tính..., cùng các chương trình nghệ thuật đậm chất dân gian dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc của các Đoàn nghệ thuật (Đoàn Chèo, Đoàn Kịch nói, Nhà hát Ca, múa nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn nghệ thuật quân khu I...) đã tạo nên một đời sống VHNT sôi động, đa dạng, phong phú, vừa mang hơi thở thời đại, vừa giàu chất truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên. Đây cũng chính là giai đoạn xuất hiện lớp nghệ sĩ diễn viên “Vàng” của Tỉnh với các tên tuổi khó phai mờ trong lòng của những khán giả Thái Nguyên thuở ấy. Đó là những nhạc sĩ, nghệ sĩ: Đỗ Minh, Vương Khánh Trường, Lê Tú Anh, Lê Khình, Vương Thào, Nông Văn Khang, Nguyễn Văn Bộ, Nguyễn Văn Tiến, Vương Kếp, Xuân Giao, Thúy Hinh, Nông Xuân Ái, Ngô Đình Thành, Trần Yên Bình, Ánh Thiệp, Thu An, Quản Thắng...
Trong lĩnh vực Mỹ thuật và Nhiếp ảnh: Đây cũng là giai đoạn có nhiều hoạt động ghi dấu ấn trong “lịch sử” phát triển của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Thái Nguyên. Những tên tuổi của các họa sĩ, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thái Nguyên cùng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh nổi tiếng của họ được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được những giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam đã là những minh chứng xác đáng nhất cho những thành tựu đáng tự hào của đội ngũ Nghệ sĩ, Họa sĩ Thái Nguyên giai đoạn từ 1975 đến năm 2000. Đó là các tác phẩm xuất sắc của các tác giả: Hứa Tử Hoài, Lê Như Hạnh, Trần Tuấn Vinh, Dương Thị Nội, Thế Hòa, Nguyễn Văn Chính, Chu Thi, Trần Thông, Nguyễn Văn Chi, Trần Khải, Đồng Khắc Thọ, Kim Khoa, Đào Ngọc Long,…
Vẻ đẹp quê hương, vẻ đẹp con người, vẻ đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của mảnh đất chiến khu “Thủ đô kháng chiến” xưa, và thành phố công nghiệp sôi động nay - đã được thể hiện một cách hết sức sinh động, cụ thể và nghệ thuật trong các tác phẩm xuất sắc trên của các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà nhiếp ảnh tiêu biểu thời đó. Họ thực sự đã có nhiều đóng góp trong việc tạo nên một hình ảnh đẹp, một bức tranh toàn cảnh về một Thái Nguyên xinh đẹp, anh hùng, truyền thống và hiện đại.
* Giai đoạn thứ hai: (Giai đoạn 25 năm sau năm 2000)
Có thể nói, đây là giai đoạn “bùng nổ” của VHNT Thái Nguyên. Chưa bao giờ lại xuất hiện một số lượng văn nghệ sĩ đông đảo như vậy; chưa bao giờ số lượng tác phẩm VHNT lại nhiều và phong phú đến như vậy. Các hoạt động trong đời sống VHNT Thái Nguyên trở nên sôi động hơn, đa dạng hơn và linh hoạt hiệu quả hơn. Nó có tác động không nhỏ vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Nó đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong “thực đơn” của cuộc sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thái Nguyên trong hơn hai thập kỷ qua.
Tính đến năm 2024, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã có gần 300 hội viên (trong đó có hơn 100 hội viên là hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật của Trung ương), sinh hoạt trong 11 Chi hội chuyên ngành (Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Âm Nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Múa, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Điện ảnh - Truyền hình, Kiến trúc). Ngoài ra, còn có 10 Hội thành viên với một số lượng không nhỏ các hội viên của các địa phương trong tỉnh (Hội VHNT 9 huyện, thành phố và Hội Kiến trúc sư). Chỉ trong khoảng 25 năm (từ năm 2000 đến năm 2025), đã có trên 500 tác phẩm văn học được tin ấn, xuất bản; đã tổ chức trên 60 cuộc triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc; đã có hàng trăm chương trình nghệ thuật với hàng ngàn đêm diễn được tổ chức phục vụ cho đồng bào trong và ngoài tỉnh, thậm chí có nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật dân gian, dân tộc đã được mang đi giao lưu, trình diễn ở nước ngoài (Châu Âu, Châu Á, Châu Phi...).
Điều nổi bật trong hoạt động VHNT của tỉnh Thái Nguyên trong khoảng 25 năm sau 2000 là: các tác giả, các nghệ sĩ tập trung cao độ cho việc sáng tác, sáng tạo về con người và mảnh đất Thái Nguyên trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Những tác phẩm văn học sáng tác về đề tài lịch sử của Thái Nguyên đã trở thành một xu hướng nổi bật trong thời gian 20 năm trở lại đây, cùng với hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu truyền hình... của các tác giả: Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Phan Thái, Phan Thức, Ngọc Thị Kẹo, Phạm Đức, Bùi Thị Như Lan, Bùi Nhật Lai, Minh Hằng, Nguyễn Thị Gái...
Bên cạnh đó là các tác phẩm thơ, các cuốn sách nghiên cứu sưu tầm văn học dân gian cũng luôn hướng về việc phản ánh thế giới tâm hồn, tình cảm của con người Thái Nguyên, cùng vốn văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên. Ví dụ như: các sáng tác của các nhà thơ: Nguyễn Hữu Bài, Vũ Đình Toán, Trần Cầu, Thúy Quỳnh, Nguyễn Kiến Thọ, Nguyễn Long, Hồ Triệu Sơn, Minh Thắng, Cao Thị Hồng, Lã Thị Thông, Phạm Văn Vũ, Hoàng Thị Hiền, Nguyễn Nhật Huy...; các cuốn sách nghiên cứu văn học dân gian của các tác giả: Vũ Anh Tuấn, Nông Phúc Tước, Hoàng Luận, Nguyễn Văn Bách....
Vì vậy, các tác phẩm văn học, văn nghệ dân gian của Thái Nguyên giai đoạn lịch sử này phong phú hơn, đa dạng hơn, hiện đại hơn (đặc biệt là ở thể loại thơ), nhưng vẫn đậm chất truyền thống, vẫn thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của địa phương mình. Điều đáng ghi nhận ở giai đoạn văn học này là: Lý luận phê bình VHNT đã có những hoạt động khá tích cực, nổi bật (so với giai đoạn trước) và đã có tác dụng nhất định vào việc thúc đẩy và định hướng cho VHNT Thái Nguyên phát triển bên cạnh việc luôn đồng hành cùng các sáng tác của văn nghệ sĩ trong suốt mấy chục năm qua. Đã có nhiều tác phẩm Lý luận phê bình VHNT có chất lượng cao được nhận những giải thưởng của trung ương và của tỉnh Thái Nguyên với những cái tên đã trở nên quen thuộc trong đời sống Lý luận phê bình của cả nước và của tỉnh Thái Nguyên như: PGS, TS Trần Thị Việt Trung, PGS, TS Cao Thị Hồng, PGS, TS Nguyễn Đức Hạnh, PGS, TS Cao Thị Hảo, TS Nguyễn Kiến Thọ, PGS, TS Đào Thủy Nguyên, Nhà văn Hồ Thủy Giang, Nhà thơ Ma Trường Nguyên, Nhà Nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa,... Điều này đã chứng tỏ “sự tự ý thức” của VHNT Thái Nguyên ngày càng cao; chất trí tuệ ngày càng được thể hiện rõ bên cạnh chất nghệ sĩ vốn có của VHNT tỉnh nhà.
Các lĩnh vực nghệ thuật khác như: Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Múa, Sân khấu, Kiến trúc cũng có những bước phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng. Đội ngũ các nghệ sĩ, họa sĩ các kiến trúc sư ngày càng đông đảo hơn, xuất hiện nhiều “tài năng” hơn. Đã có khá nhiều tên tuổi các tác giả, các nghệ sĩ, họa sĩ mới được khẳng định bởi những hoạt động tích cực, bởi những tác phẩm có chất lượng cao cùng các giải thưởng “Danh giá” mà họ đã được nhận trong quá trình cống hiến sáng tạo của mình. Đó là các tác giả, các nghệ sĩ, diễn viên, các họa sĩ, các kiến trúc sư như: Lê Quang Thái, Gia Bẩy, Hoàng Báu, Dương Chung, Minh Đức, Nguyễn Duy Nhiếp… (Mỹ thuật); Đỗ Tuấn, Đồng Đăng, Khắc Thiện, Thế Hoàng, Trịnh Việt Hùng, Đào Ngọc Long, Khánh Vân, Ngọc Hải… (Nhiếp ảnh); Phạm Đình Chiến, Vũ Văn Lực, Lý Khắc Vịnh, Nông Xuân Ái, Ma Thị Huệ, Nguyễn Thị Hồng, Mai Thanh, Hoàng Thiện Thực, Nguyễn Thanh Mai... (Sân khấu, Âm nhạc, Múa); Mã Sôi, Phạm Đức Lộc, Phan Ngọc, Bùi Ngư, Nguyễn Văn Đê, Đỗ Quang, Nguyễn Văn Cường, Trần Hải Hưng,… (Kiến trúc); Đặng Tiến Sơn, Phan Hữu Minh và các cộng sự của Đài Phát thanh – Truyền hình, của Báo Thái Nguyên (Điện ảnh, Truyền hình). Hầu hết, tất cả các sáng tác của họ đều hướng về việc phản ánh cuộc sống, con người, phong cảnh, lịch sử, văn hóa của Thái Nguyên trong quá trình vận động và phát triển, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới cho đến nay. Thông qua các sáng tác, các tác phẩm của các văn nghệ sĩ Thái Nguyên, người ta sẽ hình dung ra một cách khá đầy đủ và sinh động về mảnh đất Thái Nguyên, về con người Thái Nguyên, về bản sắc văn hóa Thái nguyên và về lịch sử phát triển của Thái Nguyên - từ mảnh “đất chiến khu xưa” đến “thành phố Gang Thép” và tới thành phố trẻ năng động và hiện đại của ngày hôm nay.
Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là: VHNT Thái Nguyên trong suốt 50 năm qua không có những hạn chế, những nhược điểm của mình. Việc chưa có những tác phẩm, những công trình thực sự đặc sắc, nổi tiếng, có tầm cỡ quốc gia, cấp khu vực Đông Nam Á; Hoạt động VHNT đôi khi vẫn không bắt kịp tốc độ phát triển mau chóng của đời sống kinh tế, chính trị, khoa học, công nghệ của đất nước và của tỉnh… - là những giới hạn cần phải vượt qua trong giai đoạn phát triển mới sau năm 2025 – của tất cả đội ngũ văn nghệ sĩ của Tỉnh ta. Đây cũng chính là những mục tiêu cần phải hướng tới.
4. Có thể khẳng định rằng: Trong suốt 50 năm qua, kể từ ngày đất nước được thống nhất cho tới nay, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên - với một lực lượng khá đông đảo, thuộc nhiều thế hệ, hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật khá nhau, đã tích cực, đam mê sáng tạo và cống hiến hết mình, cùng nhau kiến tạo nên một nền Văn học, Nghệ thuật Thái Nguyên phong phú, hiện đại và giàu bản sắc.
Có được những thành tựu ấy, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các văn nghệ sĩ - cần phải đặc biệt nhấn mạnh tới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự tạo điều kiện, sự ủng hộ, sự ghi nhận và động viên cụ thể, kịp thời của Đảng và của Chính quyền Tỉnh Thái Nguyên trong suốt nửa thế kỷ qua đối với đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng, đối với Hội Văn học Nghệ thuật nói chung. Nhân Hội nghị “Tổng kết 50 năm thành tựu VHNT Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất” - hôm nay, cho phép tôi xin thay mặt cho toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ, cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên - được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất của chúng tôi đối với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng các ban, ngành chức năng của tỉnh. Chúng tôi cũng xin tha thiết đề nghị: Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục có những chủ trương, có những cơ chế, chính sách….cụ thể, sát với thực tiễn, tạo động lực, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên luôn phấn khởi, tự tin, đam mê, sáng tạo, cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp Văn học, Nghệ thuật của tỉnh, của quê hương Thái Nguyên yêu quí của chúng ta.
PGS. TS. Trần Thị Việt Trung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...