Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
10:20 (GMT +7)

100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ VII – Nguyễn Ái Quốc, chân dung một nhà báo, nhà diễn thuyết vì quyền lợi tranh đấu của dân tộc)

(Tiếp theo kỳ trước)

VNTN- Năm 1921 có thể coi là năm hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên mặt trận truyền thông. Cùng với các đồng chí của mình, Bác đang dần biến truyền thông thành vũ khí đấu tranh hiệu quả nhất.

Hồ sơ lưu trữ Nguyễn Ái Quốc tại Cục Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM)
Hồ sơ lưu trữ Nguyễn Ái Quốc tại Cục Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM)

Nếu người Pháp ở đại lục không thể biết được sự thật những gì đang diễn ra tại Đông Dương thì cần phải cho họ biết thông qua truyền thông để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng nhằm lên án chế độ thực dân (chế độ được đại diện bởi một nhóm người trong giới chính trị, họ không phải là toàn bộ dân Pháp). Muốn thế không gì rõ ràng bằng những bài báo cụ thể, những chứng cứ cụ thể, chỉ có thế mới khiến giới chức quốc tế và dân Pháp hành động bảo vệ Đông Dương khỏi nhóm người nhân danh “khai sáng văn minh” bóc lột những người dân vô tội.

Dưới đây là báo cáo của Deveze về Nguyễn Ái Quốc. Bản báo cáo chỉ đính kèm bức thư bị kiểm duyệt của Nguyễn Ái Quốc gửi người đồng chí đồng hương tại Marseille.

Thư của NGUYEN AI QUOC gửi “người liên lạc” ở MARSEILLE

Paris 26 tháng Hai năm 1921

Đồng hương yêu quý,

Tôi xin cảm ơn bạn về hai bức thư và một bức tín cũng như tờ “Báo Hải Phòng” mà bạn đã có nhã ý gửi cho tôi “Châu Á đang tỉnh giấc?”. Xin lỗi bạn vì đã không trả lời bạn ngay đó là vì tôi vẫn chưa hoàn toàn bình phục từ sau trận ốm khiến tôi luôn mệt mỏi. Tôi vẫn đang ở bệnh viện và đang viết cho bạn trong tình trạng nằm trên giường. Tôi biết rằng bạn sẽ thứ lỗi cho tôi; tôi sẽ cố gắng tóm tắt một vài tin tức như sau.

I° - Khi tôi xuất viện trong mười lăm ngày tới, tôi sẽ đi đến Tòa soạn để lấy báo gửi cho bạn những số mà bạn đã đặt mua từ tháng Hai năm 21. Bạn đừng lo lắng quá khi đọc tiêu đề của tờ báo, dù đó là tờ báo của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, những bài viết, những cuộc thảo luận v.v., đều rất có ý nghĩa. Bạn cần phải đọc chúng. Ở trang 3 thường xuyên có bài viết của ngài Vigné d’Octon, dạng như “Vinh quang của thanh mã tấu”, “Những người vô sản bản địa” v.v.. Những bài báo này rất có ý nghĩa vì nó nói về dân tộc của chúng ta, đó là lý do tôi khuyên bạn đặt những tờ báo này. Khi nào bạn muốn thư giãn, hãy đọc chúng một cách thật cẩn thận, từ đầu đến cuối, tôi tin chắc rằng bạn sẽ rất hài lòng khi đọc chúng.

2° - Bài báo của tờ “Báo Hải Phòng” chắc chắn sẽ nói xấu chúng ta. Mặc dù chúng ta không thích bị nói xấu nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng họ đã nói rất đúng. Chúng ta, chúng ta luôn cúi đầu rất thấp để chào họ (những người Pháp), đó là lý do khiến họ khinh thường chúng ta!

“Chúng ta cần phải thử làm như người Ai-Len hay như người Nhật Bản, chúng có thể thử xem sự tôn trọng mà họ dành cho chúng ta.

Nếu như mỗi người trong chúng ta cố gắng làm việc thật có ích cho Tổ quốc, chắc chắn họ sẽ phải thừa nhận chúng ta”.

3° - Trong tờ “Báo Hải Phòng” mà bạn gửi cho tôi, tôi đã có thể ghi nhận được những điều sau: …“Họ bắt những người đồng hương của chúng ta phải phá bỏ (trong nghĩa là phải di dời) hơn 100 ngôi nhà. Một vài ngôi nhà trong số đó được di dời đi nơi khác chỉ vì chúng nằm gần những ngôi nhà của người Pháp; Rõ ràng là họ cấm người nghèo sống gần những ngôi nhà của người Pháp.

4° - Những chuyện như thế này rất đáng để quan tâm và rất hữu ích cho tài liệu của chúng ta, khi bạn tìm thấy những thông tin như thế, làm ơn hãy gửi nó cho tôi.

Chúc bạn sức khỏe.

Ký tên: NGUYEN AI QUỐC

Một bức thư viết tay của Bác được mật thám Pháp lưu trữ
Một bức thư viết tay của Bác được mật thám Pháp lưu trữ

Rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc viết báo với chiến lược lâu dài. Những bài báo không chỉ để tố cáo tội ác thực dân với người dân bản địa Pháp, đó còn là những bằng chứng để kết tội về sau. Và vì thế, không gì hữu ích bằng tập hợp những người cùng nói một tiếng nói. Càng nhiều người tham gia thì tiếng nói càng được nghe thấu, đó chính là chiến lược đấu tranh Nếu như mỗi người trong chúng ta cố gắng làm việc thật có ích cho Tổ quốc, chắc chắn họ sẽ phải thừa nhận chúng ta”.

Với mục tiêu dùng ngòi bút như một công cụ đấu tranh, Nguyễn Ái Quốc đã có những bài viết rất sâu sắc và logic. Dưới đây là bản báo cáo của Deveze, bản báo cáo chỉ kèm bài viết của Nguyễn Ái Quốc (có ký tên).

17 tháng 8 năm 1921

Đính kèm dưới đây là bài viết được kẻ gây rối NAQ gửi cho tất cả các thành viên của nhóm “Hội đồng bào An Nam” có trụ sở chính tại số 6 biệt thự Gobelins

Ký tên: DEVEZE

 

Âm mưu ở Đông Dương

Đông Dương là người con gái yêu quý, đáng nhận được tình yêu từ người mẹ Pháp. Cô con gái ấy nhận được tất cả mọi thứ từ người mẹ đó: chính phủ, tiền lương, công lý và cả những âm mưu nhỏ. Nhưng ở đây chúng ta sẽ chỉ nói về hai điểm cuối vừa nêu.

Công lý được biểu tượng bằng một người phụ nữ với một tay giơ cao chiếc cân và tay bên kia cầm thanh gươm. Vì khoảng cách giữa Đông Dương và Pháp quá lớn nên khi công lý đến Đông Dương, chiếc cân mất thăng bằng kéo theo việc các khay của bàn cân bị nung chảy và biến chúng thành ống hút thuốc phiện hoặc một chai rượu được bảo hộ bởi nhà nước. Vì vậy, người phụ nữ công lý tội nghiệp chỉ còn cách cầm gươm để chém. Bà chém cả những người vô tội và nhất là những người vô tội.

Về những âm mưu nhỏ, đó là một câu chuyện khác.

Chúng ta không cần nhắc lại những âm mưu nổi tiếng của năm 1908 hay 1916. Mặc dù sau đó nhiều người trước đó từng hạnh phúc vì được nước mẹ đại Pháp che chở đã phải nếm trải những lợi ích của nền văn minh thuộc địa một cách êm ái trên đoạn đầu đài, trong nhà tù hoặc bị lưu đày; những âm mưu này đã cũ và chỉ để lại dấu vết buồn trong ký ức đau đớn của người bản địa.

Hãy chỉ nói về những âm mưu gần đây nhất. Trong khi ở nước mẹ đại lục họ bắt đầu nghe về những âm mưu Bolcheviste thì những người ở thuộc địa Đông Dương vẫn như con ếch trong truyện ngụ ngôn, muốn trở nên to lớn như người anh em của mình, vì thế họ cũng muốn có âm mưu của mình và… cuối cùng cũng tìm ra được một.

Và đây là cách họ đã làm điều đó.

Một viên quan người Pháp (Thống sứ Pháp, nếu muốn nói thẳng), một tỉnh trưởng người An Nam và một thị trưởng bản xứ phối hợp cùng nhau thực hiện âm mưu một cách bài bản. Để bắt đầu, bộ ba hành chính đã tung tin đồn rằng đang có một âm mưu được tổ chức với 250 quả bom với ​​ý định làm nổ tung cả vùng Bắc Kỳ. Thế là xong. Âm mưu đã thực hiện, dân chúng bị kích động, các cuộc biểu tình đã sẵn sàng. Những cuộc bắt giữ như mưa dội xuống. Chúng tôi không biết chuyện ngài Thống sứ, ngài tỉnh trưởng và ngài Thị trưởng, một người từng bị kết án và bây giờ được mang trên mình dải băng biểu tượng của quyền lực chính quyền và sự thăng chức của họ ngày hôm nay, và nếu họ chưa được thăng chức thì rồi họ sẽ được. Bỏ qua chuyện đó, chúng ta nói tiếp về câu chuyện của âm mưu mới này, một câu chuyện của công lý. Đó là vào ngày 16 tháng Hai, tòa án hình sự Hà Nội đã khép lại vụ án. Trong quá trình tranh luận, người ta thừa nhận sự tồn tại của một tổ chức cách mạng với các thiết bị phá hoại hoàn toàn không có thật, mà âm mưu chỉ đơn giản là một hành động khiêu khích của các đặc vụ chính phủ mong muốn có được ưu đãi hành chính. Các ngài có tin rằng sau những phát hiện này, người ta sẽ trả tự do cho những người An Nam bất hạnh bị cầm tù bị buộc tội đã tham gia vào âm mưu không tồn tại này không? Không! Bằng mọi giá phải giữ uy tín cho người đi chinh phục. Vì thế, thay vì ca ngợi một cách đơn giản những kẻ chủ trương vụ việc, mười hai người An Nam, hầu hết đều là trí thức, bị kết án từ 2 đến 5 năm tù, và trên cửa nhà tù, tất nhiên chúng ta sẽ được đọc bằng tiếng Pháp dòng huy hiệu: Tự do, Bình Đẳng, Bác Ái. Ồ! Thật mỉa mai: những tờ báo vốn xưng danh là người đam mê công lý vội vã ca ngợi tính công bằng của bức tranh biếm họa về công lý này. Hãy đọc tờ  “La Dépêche Coloniale – Tin Tức Thuộc Địa”, tờ giữ chức vô địch trong công cuộc chống người An Nam: “Công lý của nhà nước Pháp vừa tuyên án. Bản án tuyên bố tha bổng cho một nửa số bị cáo và kết án nhẹ cho nửa còn lại. Để kết án một người nào đó trong vụ án này, họ đã gây ra một sự náo động quá mức cần thiết, họ kết án những học giả, những người trong một tình huống nào đó đã viết lên những lời ca tụng lợi ích của tự do.

Các ngài thấy đấy, việc người An Nam ca ngợi về những lợi ích của tự do trở thành một tội ác thực sự. Người ta kết án họ 5 năm tù chỉ vì điều đó: chúng ta phải, vẫn là bài báo đó, vui mừng trước phán quyết đó, sự công bằng cao độ của các thẩm phán và bồi thẩm đoàn của chúng ta. Và một lần nữa La Dépêche Coloniale đã ghi lại một cách hả hê bản án vô tư của công lý Pháp trong vụ án âm mưu nổi tiếng ở Vĩnh Yên. Những người An Nam ở Paris, giống như những người đồng hương ở quê hương xa xôi của họ, nhân chứng cho sự tin tưởng của họ đối với các quan tòa, tuyên bố rằng các quan tòa đã đúng và vụ án đã được xử lý thỏa đáng với mong muốn của họ. Không, thưa ông Pouvourville, ông đang giả dối trắng trợn. Để trả lời, tôi chỉ phải nhắc lại những gì ông đã viết ở đầu bài báo của ông: “con chó sủa, v.v.. Thôi nào, những người anh em tội nghiệp của chúng ta, các bạn đã sai khi nói về tự do, điều mà bạn biết rõ là không dành cho các bạn. Nhưng chúng tôi, những người An Nam ở khắp mọi nơi, cùng với tất cả những người Pháp tử tế, chúng tôi kịch liệt phản đối những hành vi ác độc và từ chối công lý mà chúng tôi là nạn nhân. Chúng tôi hy vọng rằng công chúng Pháp sẽ được biết sự thật về những đau khổ của các bạn và sẽ không chậm trễ trong việc trao trả công lý cho các bạn”.

Ký tên: Nguyễn Ái Quốc

Phòng lưu trữ hồ sơ tại ANOM
Phòng lưu trữ hồ sơ tại ANOM

Hơn một trăm năm trôi qua từ khi những bản báo cáo này được gửi đi, đã có rất nhiều nhà sử học, nhà Nguyễn Ái Quốc học tìm hiểu tập hồ sơ mật thám, nhưng càng tìm hiểu, càng đào sâu thì càng nhiều những bất ngờ. Nguyễn Ái Quốc chưa bao giờ ngừng khiến cho chúng ta bất ngờ và cảm phục, một con người giản dị dù phi thường. Và cho dù phân tích dưới bất cứ khía cạnh nào của tập hồ sơ, chúng ta cũng chỉ có thể thừa nhận, đó là chân dung của một con người vĩ đại và quả cảm.

(Còn nữa…)

Quyên GAVOYE

Kỳ VIII

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy