100 NĂM – HỒ SƠ NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP (Kỳ VI- Nguyễn Ái Quốc và cuốn sách về Đông Dương)
(Tiếp theo kỳ trước)
VNTN- Việc Nguyễn Ái Quốc viết cuốn sách về Đông Dương đang trở thành mối quan tâm lo ngại hàng đầu của giới chức, điều đó càng khiến những mật thám Pháp phải tăng cường giám sát. Nguyễn Ái Quốc dù biết rất rõ mình đang bị giám sát vẫn không hề nao núng.
Ghi chép của Jean – 12 tháng Một 1920
(… Trích lược)
Tôi xin thông báo rằng nhiệm vụ hiện tại của tôi vô cùng khó khăn, họ khiến chúng tôi phát điên, ngài thấy đấy chúng tôi đang làm nhiệm vụ điều tra được gọi là bí mật.
Kể từ ngày thứ bảy, tôi đã cố gắng hết sức và giữ bình tĩnh tránh xa những rắc rối đang đến và không phải do tôi.
Ngài QUOC biết rằng ngài ấy bị theo dõi.
Phụ tá Khuong có hôm đã thử cắt đuôi người theo dõi, người đó đi tàu rồi đi bộ khi Khuong xuống đi bộ.
Hiện tại, tôi không dám đi đâu vì sợ bị thiêu sống, tôi xin ngài cho tôi 10 hoặc 15 ngày phép để có đủ thời gian cho vụ điều tra bí mật mà chúng tôi làm ở vùng Val-de-Grace lắng xuống.
Tuy nhiên, tôi rất hài lòng về kết quả đạt được, tôi có thể nói rằng công việc của chúng tôi đã chặn đứng việc tuyên truyền chống thực dân mà ngài NGUYEN-AI-QUOC đang tiến hành.
Kí tên: JEAN
Tuy nỗi lo về việc ra đời của cuốn sách mà Nguyễn Ái Quốc đang soạn thảo khiến giới mật thám điên đảo, nhưng dường như những điều đó càng khiến Nguyễn Ái Quốc khẳng định được vai trò và hướng đi của bản thân. Người sẽ dùng giới mật thám như một sự tuyên truyền gián tiếp cho kế hoạch gây tiếng vang về một dự án táo bạo hơn.
Ghi chép của Jean – 19 tháng Hai 1920
Hôm nay, tôi đã không thể có được số của báo “Chào buổi tối” ngày 11 tháng 12 năm 1919 có bài báo của ông Emmanuel Bourcier: “Làm thế nào bầu ra một phù tá vua”.
Ông LAM thường xuyên đến thăm ngài QUOC để ăn tối tại nhà và dẫn ông ấy đi rạp hát.
Ngài QUOC vẫn tập trung viết cuốn sách; ông ấy cần tiền; ông ấy không biết làm sao để xuất bản cuốn sách. Ông ấy vẫn tìm cách mà chưa có kết quả.
Ông ấy đã nói khi nào cuốn sách xuất bản, Bộ Thuộc Địa có thể sẽ phải trả tiền cho những nhà xuất bản của những cuốn sách mà ông ấy trích dẫn, còn không họ sẽ kiện ra tòa, ông ấy mong được kiện ra tòa án các cấp để có thể quảng bá.
Ông ấy cũng thể hiện mong muốn đi Ý trong hai tháng nữa để dự hội nghị Quốc tế đảng Xã hội. Tôi không tin ông ta có thể đi do tình hình tài chính.
Ngày 11 tháng Hai, Ngài QUOC đã tham dự hội thảo Thanh Niên lần thứ 20 về tư tưởng Bolchevic ở Châu Á. Ông ấy đã nói về tài sản xã hội ở Trung Quốc và An Nam, về sự chối từ của các nhóm lính Nhật Bản chống lại chế độ Bolchevic Nga, về tuyên truyền Bolchevic ở Ấn Độ và ở Tây Tạng
(Cuộc họp này đã được báo cáo trong số … ngày 11 tháng Hai của báo Nhân Đạo)
Trong số… của báo Nhân Đạo ngày 10 tháng Hai, có in một lá thư ngỏ cho ngài OUTREY (gửi kèm dưới đây)
Kí tên: JEAN
Rõ ràng Nguyễn Ái Quốc biết cách sử dụng rất hiệu quả chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”. Thực dân Pháp muốn bóp nghẹt ý đồ của cuốn sách khi đe dọa dùng pháp luật để bảo vệ quyền bản quyền, Nguyễn Ái Quốc không hề nao núng, hoặc là họ sẽ tự trả tiền khi cuốn sách được xuất bản hoặc sẽ là một scandal gây rúng động. Càng tốt trong trường hợp thứ hai, Nguyễn Ái Quốc sẽ hoàn toàn thắng. Còn gì gây tiếng vang lớn hơn chính là những vụ kiện ở tòa án. Báo chí chỉ chờ có thế để đưa tin. Và khi đó, vụ án càng kéo dài thì lợi thế và tiếng vang càng thuộc về Nguyễn. Thực dân Pháp cũng hiểu ra ý đồ đó của Bác. Việc theo dõi Nguyễn Ái Quốc từ đó mà trở lên sâu sát và chi tiết hơn. Những bản báo cáo ngày một nhiều và liên tục.
Ghi chép số 5 của JEAN từ ngày 2 đến ngày 9 tháng 3 năm 1920
Ngài NGUYEN AI QUOC cho đến hôm nay đã không thể đến gặp chủ biên tờ Nhân Đạo để xem lá thư của đấng tối cao DUY TAN.
Ông ấy đã kết thúc những đoạn trích lược cho cuốn sách. Ông ấy bắt đầu sắp xếp ý và sao chép lại để làm bản thảo viết tay.
Ông ấy đã đến gặp một thợ chụp ảnh để hỏi giá sản xuất và in ấn những bức ảnh văn hóa truyền thống trong cuộc sống ở Đông Dương để minh họa cho cuốn sách.
(Trích lược...)
Kí tên: JEAN
Nguyễn Ái Quốc càng đi xa trong việc hình thành cuốn sách thì việc theo dõi càng trở nên gắt gao. Mật thám và cảnh sát Pháp sẵn sàng làm mọi chuyện để ngăn cản việc xuất bản cuốn sách cho dù không ai trong số họ được đọc qua một lần bản thảo. Điều đó đủ cho thấy sức nặng những thông tin sẽ được truyền tải thông qua cuốn sách. Những bản báo cáo ngày một nhiều dù cho đến thời điểm này, danh tính thật của Bác vẫn còn là một điều bí ẩn đối với chính quyền Paris.
Ghi chép số 6 của JEAN từ ngày 9 đến 16 tháng 3 năm 1920
(Trích lược…)
Ngài QUOC đã hoàn thành xong cuốn sách. Ông ấy sẽ đi gặp những ngày sắp tới ngài M. LONGUET và CACHIN để có bài mở đầu. Ông ấy tính sẽ in cuốn sách bằng tiền của mình, ông ấy đã nói với ông LAM rằng ông ấy có khoản tiết kiệm (300 phờ răng) sẽ dùng cho lần xuất bản thứ nhất. Ông ấy sẽ đi làm ở hiệu ảnh ở Pons để tiết kiệm cho lần tái bản thứ hai.
Hiện tại ông ấy đang trích lược cuốn “Tinh thần luật pháp” của Montesquieu và sẽ dịch ra tiếng An Nam.
Theo ý kiến cá nhân, tôi không tin rằng ngài QUOC có can hệ tới một hội bí mật bất kì. Ngài QUOC rất tự hào về bản thân. Ông ấy muốn cuốn sách của mình phải được viết bởi chính ông ấy và in bằng số tiền tiết kiệm của bản thân.
Kí tên: JEAN
Ghi chép số 7 của JEAN từ ngày 10 đến 23 tháng Ba năm 1920
Không có nhiều chuyện đặc biệt xảy ra từ bản báo cáo số 6.
Ngài NGUYEN AI QUOC nghỉ ngơi lúc này. Ông ấy hiếm khi đến thư viện, buổi chiều thường đi thăm bảo tàng với phụ tá LAM.
Ngài ấy vẫn chưa có lời giới thiệu của ngài LONGUET cho cuốn sách của mình. Ngài LONGGUET, ôn ấy nói, quá bận lúc này.
Kí tên: JEAN
Ghi chép số 8 của JEAN từ ngày 23 đến 29 tháng 3 năm 1920
Ngài NGUYEN AI QUOC đã nhờ một thanh niên đảng xã hội, một họa sĩ trang trí, vẽ cho ông ây bìa của cuốn sách. Ngày 25 tháng 3, họa sĩ đã mang đến cho ông ấy bản vẽ nháp với hình Đông Dương (bản đồ) được giới thiệu như một con vật đầy máu và bị xiềng xích. Một người lính thực dân đang đánh nó bằng chùy.
(Trích lược …)
Kí tên: JEAN
Ghi chép số 12 của JEAN 15 tháng 5 năm 1920
Cuốn sách mà NGUYEN AI QUOC viết đã được giao cho ngài CACHIN thứ năm 13 tháng Năm để viết lời mở đầu.
Ông ấy sẽ giới thiệu sau đó lên bà chủ tịch hội phụ nữ để có lời mở đầu của bà chủ tịch.
Việc xuất bản ảnh để minh họa cuốn sách đã không thể hoàn thành, tôi chắc chắn sẽ có nó vào ngày thứ hai hoặc thứ ba để trình lên ngài.
Ngài QUOC đã nói rằng biên tập viên báo Nhân Đạo đã hứa với ông ấy sẽ xuất bản miễn phí cuốn sách và sau đó sẽ bán để thu hồi vốn.
Kí tên: JEAN
Marcel Cachin (1869 – 1958), nghị sĩ quốc hội từ 1914 đến 1936 và sau đó từ 1945 đến 1958, một trong những người sáng lập ra đảng Cộng sản Pháp và là người cùng tham gia Quốc tế Cộng sản III, Tổng Biên tập của tờ Nhân Đạo từ 1918 đến 1958, ông cũng là một trong những người bạn chính trị đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp. Tuy nhiên, Cachin cũng là một chính trị gia tham vọng, đó là lý do tại sao ông ta không giúp Nguyễn Ái Quốc xuất bản cuốn sách.
Ghi chép của Devèze ngày 13 tháng 9 năm 1920
Từ mấy hôm nay, kẻ manh động cách mạng Đông Dương NGUYEN – AI – QUOC trú tại 6 villa Gobelins sống ẩn mình. Lý do là vì cuộc điều tra của sở cảnh sát để biết được danh tính thật sự của ông ta.
(trích lược…)
Ngày 27 tháng Ba ông ấy đã có bài phát biểu ngắn gọn về đảng xã hội với Hội Thanh niên quận 13.
Ngày 29 tháng Ba ông ấy tham dự một cuộc họp được tổ chức bởi hiệp hội công đoàn sông Seine ở nhà thi đấu Huygens đường Huygens.
Ông ấy đã phát biểu về sự phát triển của chương trình Xô viết Nga và đề nghị phát triển nó cho tất cả mọi người.
Chúng tôi cũng được biết trái ngược với những hi vọng của NGUYEN, nghị sĩ CACHIN đã không đồng ý cho xuất bản bằng danh nghĩa của tờ Nhân Đạo và trang bìa mà ông ấy đã viết về Đông Dương.
Vị nghị sĩ đã lấy lý do rằng việc xuất bản quá đắt về kinh phí, và rằng việc bán sách sẽ rất khó khăn, những chuyện về Đông Dương không được nhiều người châu Âu quan tâm.
Kí tên: DEVEZE
Sau rất nhiều cố gắng, giới chức và mật thám Pháp dường như cũng đạt được mục đích gây khó khăn để ngăn chặn sự ra đời của cuốn sách.
Ghi chép của Devèze ngày 12 tháng 1 năm 1921
Bức thư của công ty hỗ trợ xuất bản 118 đại lộ Parmentier trả lời kẻ manh động An Nam NGUYEN AI QUOC sống tại số 6 villa Gobelins
Công ty hỗ trợ xuất bản
Trụ sở:118 đại lộ Parmentier
Ban thư ký I4 đường LANCRY
Điện thoại. Bắc 10 – 25
Paris 10 tháng 1 năm 1921
Kính gửi ngài
Chúng tôi đã đọc rất kỹ bản thảo viết tay “Đông Dương” hay “Máu của Tchaque”, nhưng công ty hỗ trợ xuất bản không thể chịu trách nhiệm xuất bản, những nghĩa vụ hiện nay của công ty không cho phép. Tuy nhiên chúng tôi sẽ rất vui lòng được giới thiệu cuốn bản thảo viết tay mà chúng tôi vô cùng ấn tượng “nếu ngài có dịp đáo qua văn phòng của chúng tôi ở số 14 đường Lancry quận 10, chúng tôi sẽ rất hân hạnh được tiếp đón ngài từ 2 đến 6 giờ, trừ ngày thứ Bảy.
Trân trọng gửi đến ngài lời chào.
Chữ kí không rõ
Thêm vào bức thư này, tôi rất hân hạnh được báo cáo với ngài rằng NGUYEN AI QUOC mặc dù những khó khăn gặp phải với Ban Biên tập báo Nhân Đạo với hy vọng họ sẽ chịu trách nhiệm xuất bản hoặc cho in trang bìa trên báo, nhưng đến giờ vẫn chỉ có câu trả lời rất chung chung của ngài Marcel Cachin, Nghị sĩ, Tổng Biên tập, người đã tận dụng sự chia rẽ của đảng Xã hội ở Đại hội Tours và sự thành lập tờ “Nhân Dân”, cơ quan ngôn luận của giai cấp lao động để chính thức từ chối yêu cầu của NGUYEN AI QUOC, lấy cớ là số lượng in của tờ Nhân Đạo đã giảm đáng kể, vậy nên không có đủ ngân sách để in ấn. Do đó ngài Marcel Cachin đã giới thiệu NGUYEN tới công ty hỗ trợ xuất bản nơi có điều kiện tốt nhất.
Kí tên: Devèze
Vậy là sau hơn một năm từ ngày mật vụ Pháp phát hiện việc biên soạn cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc, và cho dù cuối cùng cuốn sách vẫn không được in và hoàn thành theo ý tưởng ban đầu của tác giả, nhưng những tài liệu ghi chép của mật vụ Pháp khá chi tiết và đầy đủ cung cấp cho chúng ta khá nhiều tin tức về một tài liệu hiếm. Hiện chưa tìm ra dấu tích của bản thảo, nhưng rất có thể từ những tài liệu này chúng ta có được vài lời giải thích về sự ra đời trong những năm tiếp theo cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, cuốn sách đã kết tội chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới và khẳng định cuộc chiến chính nghĩa của Đông Dương.
(Còn nữa…)
Quyên GAVOYE
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...