Xuân về nhớ anh
VNTN - Cây mai nhà tôi sớm ra hoa, những bông hoa trắng trong, lá non xanh. Những nụ hoa bé, nhú tí màu hồng kín đáo làm sao. Gió nhẹ rung rung cành gầy nhỏ. Những cánh hoa rơi trên nền gạch nâu đỏ… Ngày cận Tết, bộn bề nhiều việc, tình cảm xốn xang và man mác nhớ về những kỷ niệm, nhớ về những người bạn thân mến.
Nhìn những bông mai trắng người ta hay ví tới sự cao sang của người con gái phẩm hạnh. Nhưng với tôi luôn nghĩ tới anh, hoạ sỹ Việt Hải, nghĩ đến phẩm chất nghệ thuật của anh - trong sáng tinh khiết duyên dáng.
1. Lần đầu gặp anh chúng tôi hợp nhau luôn. Anh là tác giả có tên, kiểu người mê thích thơ văn, nhất là thơ của Hồng Nguyên, “… Quen nhau từ buổi “Một hai”… Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau!/…người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya…”.
Và thật kỳ lạ tôi và anh có những nét giống nhau như anh em một nhà. Anh rủ tôi về nơi anh đang đi thực tế. Tôi thích, háo hức, mải mê ghi chép nhiều tài liệu quý.
Lúc ấy còn trẻ, ngủ kỹ, ăn khỏe, làm việc không biết mệt mỏi, hăng say và nhiều hoài bão. Một lần, hai anh em đi vẽ ở một làng ven sông, phải đi qua mấy cánh đồng làng bên. Trời hè nắng gắt. Bỗng nhiên bị “Dân quân du kích” bắt giữ với lý do hai người đáng nghi - ghi ghi, chép chép, mà hình như còn vẽ bản đồ nữa! Họ nói với nhau rằng hai tay này đen đúa thì chỉ là biệt kích mà thôi.
Dân quân khám cặp vẽ chỉ có thấy “ảnh” vẽ người thiếu nữ khăn mỏ quạ, quần đen, yếm trắng đứng cạnh đống rơm nghe như gió xào xạc trên sân kho Hợp tác xã! Một tờ giấy “ảnh” khác vẽ một dáng đi chắc nịch của một chị nông dân. Và này nữa hình “ảnh” bà cụ khăn tay che trán, móm mém nhai trầu, nét vẽ khỏe, điêu luyện… hình ảnh này mấy anh dân quân nhìn lâu, có vẻ cảm động… Một vài ký họa về mấy chị trong tổ tát nước gầu sòng…
Sau gần tiếng đồng hồ rà soát… vì thời gian này không khí đấu tranh thống nhất nước nhà đang lên cao, nên ở đâu cũng đề cao cảnh giác! Hôm ấy chúng tôi bị giữ lâu ở trụ sở xã.
Tôi nhớ cũng vào dịp gần Tết, hai anh em đến thăm anh Lê Công Thành - nhà thơ của giới điêu khắc Việt Nam.
Anh Việt Hải và Anh Lê Công Thành vốn từ lâu trọng nhau vì nghĩa nể nhau vì tài.
Chúng tôi choáng ngợp về sức làm việc, sáng tạo của hai vợ chồng nhà điêu khắc Lê Công Thành và họa sĩ Kim Thái. Hai căn hộ liền kề của khu tập thể Vĩnh Hồ dường như chật kín những tác phẩm và phác thảo điêu khắc. Nhưng do sự bố trí ngăn nắp khoa học nên trong một diện tích không rộng lắm mà vẫn hợp lý, đâu ra đấy.
Khu để phác thảo. Nơi đặt tượng đã đổ đồng. Phòng để tượng sẽ đặt ở ngoài trời. Góc thiền định. Bàn viết, phòng vẽ…
Cao hứng, Lê Công Thành diễn giải khả năng tiếp kiến với thần linh khi anh thắp một nén hương lầm rầm áp hai bàn tay xuýt xoa khấn khứa…
Chúng tôi rất khâm phục tài năng qua những tác phẩm tuyệt đẹp của anh chị có tính biểu tượng thi ca như “Mẹ và biển”, “Tình yêu”… nhưng cái khả năng thần thánh bột phát thì họa sĩ Việt Hải nói nhỏ rằng, mình không chịu. Rằng một người nghệ sĩ đương đại lại mê tín như vậy, chẳng lẽ đây là một sự kỳ lạ sau một cú ngã suýt chết?
Sau lần thăm nhà thơ - dịch giả Dương Tường, chúng tôi được biết nhà thơ sẽ khai trương Mai Gallery, ngõ Phan Huy Chú, Hà Nội. Họa sĩ Việt Hải có dự định triển lãm cá nhân tại đây. Nghe nói Việt Hải có gửi tại Gallery nhiều tranh ký họa về đề tài thiếu nữ khỏa thân.
Trong những lần nói chuyện vui, họa sĩ Việt Hải quan niệm rằng không gian trong tranh khác không gian của thiên nhiên. Hội họa, nghệ sĩ cần có sự rung động. Phong cách, cá tính là biểu hiện tài năng. Không có tài năng, không thể có nghệ thuật. Nông dân Việt Nam mang đầy đủ chất dân tộc. Nghệ thuật phải hiện đại cùng thời đại.
Là người đa cảm, nhiều sức mạnh tiềm ẩn, họa sĩ Việt Hải tuy theo cách nhìn duy hình kết cấu mảng màu khác hẳn với cách diễn tả duy sắc tổ chức nét phong phú, biểu hiện sức mạnh các màu tương phản của họa sĩ Trần Lưu Hậu nhưng hai họa sĩ rất thân thiết và có sự đồng cảm cùng lý tưởng thẩm mỹ. Vị trí của hai họa sĩ ảnh hưởng lớn đến thế hệ họa sĩ trẻ.
Nhiều nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật cũng như những họa sĩ đã từng trải đều nhìn nhận Việt Hải là họa sĩ tài hoa xứng đáng kế tiếp những bậc thầy hội họa Việt Nam hiện đại.
2. Năm 1956, tranh “Bình dân học vụ” vẽ trên giấy dó của Việt Hải đã được in trong tuyển tập “Những tác phẩm Mỹ thuật Việt Nam” do Nhà Xuất bản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ấn hành, phổ biến rộng rãi trên toàn quốc sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Tác phẩm khắc họa ánh mắt nhìn trong sáng của một thanh niên, tham gia xây dựng xã hội mới - phong trào Bình dân học vụ! Và từ tác phẩm đưa tên tuổi họa sĩ trẻ Phạm Việt Hải (lúc đó anh 22 tuổi), đã nổi tiếng cùng với nhiều bậc thầy của Mỹ thuật Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Việt Hải với tranh “Già trẻ”, vẽ hai ông bà nông dân móm mém bên nhau, nhìn đôi thanh niên nam nữ đang tâm sự ngoài sân. Nét vẽ màu sắc lột tả dáng vẻ nội tâm nhân vật, và bên cạnh là chú mèo với đôi mắt trong xanh như chứng kiến thời gian tuyệt vời hạnh phúc của đôi lứa!
“Mừng Miền Nam giải phóng”, sơn dầu, kích thước 90 cm x 150 cm, trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc Việt Nam năm 1976, là bức tranh mừng ngày hội Thống nhất non sông, kết thúc chiến tranh. Những chùm pháo hoa tỏa sáng cả một trời hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, những chiến thuyền rồng dạo quanh Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, rực rỡ đèn hoa. Người người nô nức vui mừng xem pháo hoa, cờ sao bay lên, màu cánh sen thắm thiết.
Họa sĩ Việt Hải luôn xúc động với những tác phẩm tâm huyết với cuộc đời mà ông tin yêu! Năm 1987, tác phẩm “Anh Thương binh”, sơn dầu, kích thước 90cm x 125cm, họa sĩ sáng tác tại trại sáng tác Đại Lải.
Bà mẹ xót xa ngồi nhìn con, người lính trẻ, áo trấn thủ. Các cô gái trong xóm đến thăm anh. Em gái nhỏ, con mèo mắt xoe tròn, bộ ấm chén và vài quả chín nhưng anh có còn nhìn được gì nữa đâu!... Áo cánh nâu hồng của mẹ như sưởi ấm lòng người chiến sĩ - anh đang mơ đến những vì tinh tú trên trời cao... Bức tranh cảm động người xem.
Việt Hải vẽ không nhiều nhưng mỗi tác phẩm của anh đều đánh dấu một mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), lưu giữ nhiều tác phẩm của họa sĩ.
Là họa sĩ của dân quê, tranh của Việt Hải như có gió thổi từ cánh đồng, nơi lũy tre làng, có con chim tu hú gọi xa, có màu đất bụi ven đê xóm bãi. Những mái nhà tranh rơm rạ, những mái ngói trầm mặc cùng tuổi, những chiếc cổng làng ven sông nước... tất cả hình ảnh ấy là tâm trí của tác giả đúc kết tinh luyện mà nên, những lời, những ý của một tài năng thiên bẩm rất đặc trưng và chỉ có ở họa sĩ Việt Hải!
Hồn quê thấp thoáng trong tinh thần của anh. Tài năng của một bậc thầy hội họa Việt Nam như tiềm ẩn trong nỗi niềm ẩn ức của họa sĩ.
Anh có khả năng mang lại niềm hạnh phúc cho người xem tranh được nhìn thấy cái đẹp - cái đẹp không dễ mấy ai được nhìn thấy! Tranh sơn mài “Phong cảnh nông thôn”, 70cm x 90cm, Huy chương Bạc, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1985 - một tác phẩm tuyệt vời về chất liệu sơn mài, thể hiện được tình yêu của con người với những thôn xóm vẫn còn những con ngõ cố hữu, sân, tường, đống rơm quen thuộc... Cả đời Việt Hải đi tìm cái đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Là một người giàu cảm xúc, tinh tường trong cách nhìn, hướng vẻ đẹp đến sự hoàn thiện, hướng sự chuyển động hình thể thành hình tượng điển hình mà chỉ riêng tài năng và cá tính của Việt Hải mới phát hiện và thể hiện ra được. Cái đẹp của ông làm ta cảm nhận thấy hạnh phúc - đó là kết quả lao động sáng tạo của họa sĩ đã làm giàu cho ngôn ngữ hội họa.
Bao nhiêu đêm dài trong nhiều tháng năm đã vắt kiệt sức họa sĩ - trình bày minh họa tờ Nhân Dân Nhật báo. Việt Hải rất cô đơn nhưng nhân cách và hoài bão nghệ thuật của anh không hề thay đổi... Anh buồn khi không có thời gian sáng tác, nhiều ký họa về công nhân mỏ mãi vẫn chỉ là tài liệu về một kỷ niệm xa vời của anh. Chính vì thế tôi yêu quý và thương nhớ anh!
Không thể nào quên hình ảnh anh - một họa sĩ sống nhân hậu, khiêm nhường, ý nhị trong giao tiếp. Anh hát hay, vẽ giỏi. Thời gian sống thực tế tại thôn Đới Khê, Ân Thi, Hưng Yên, ở nhà bà cụ thương anh lắm. Chúng tôi gọi bà là bu. Bu nhận chúng tôi làm con nuôi. Anh thường ngồi bậc cửa với chiếc guitar cũ, anh hay hát một bài từ thời kháng chiến chống Pháp khi anh còn là Thiếu sinh quân:
Việt Nam/ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa/ Có bà mẹ nuôi chiến sĩ/ Mẹ nuôi ta ở... trong nhà/ Như là mẹ ta dưới quê.../ Như là mẹ ta dưới quê!
Những nhân vật trong tranh “Anh thương binh”, chính là nguyên mẫu từ bu và từ các cô gái trong xóm mà chúng tôi đã vẽ ở đó! Còn anh chiến sĩ ấy chính là tác giả Việt Hải - đã hóa thân vào trong tác phẩm...
Các thôn nữ xinh đẹp rất yêu quý anh Đội vẽ (thời đấy người nông dân gọi họa sĩ là Đội vẽ) đẹp trai nên cứ chiều chiều, từ những bụi cây quanh nhà, các cô đã ném bao nhiêu là cua, ốc nướng cho anh được thưởng thức những món đặc sản của quê hương!... Bu và anh Việt Hải không còn ở trên đời này! Các cô gái thôn Đới Khê bây giờ ở đâu? Nhớ lắm những kỷ niệm của hai anh em chúng tôi.
Lê Trọng Lân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...