Xóm Lò ngày mới
Ký. Văn Giang
VNTN - Đứng trên đỉnh đồi Đầu Voi, phóng tầm mắt qua cánh đồng ngô Lỗ Đế, xóm Lò trông như con thằn lằn khổng lồ được mặc áo hoa tứ sắc. Con đường bê tông phẳng lì, rộng 4m, dài gần hai cây số, chạy dọc giữa xóm, xuống tận Cầu San, làm cho bộ mặt xóm Lò rạng rỡ hẳn lên. Thỉnh thoảng, có những chiếc tắc xi từ mạn cầu Bến Vạn đi ra phía UBND xã hoặc từ ngoài về xóm. Những chiếc ô-tô “ăn cát” từ những kho cát khổng lồ ở khu Bến Vạn, lặc lè chở lên vùng đô thị. Cứ ngỡ nơi đây là một công trường. Ông Trưởng xóm Tạ Văn Mười nói với tôi: - Con đường này còn gọi là đường liên xã Nam Tiến - Trung Thành đấy ạ. Có điều, để có con đường này, tất tần tật đất thổ cư, đất vườn tạp, đất ruộng, rồi mấy chục mét tường của dân xóm Lò đã xây kiên cố, vừa qua phải đập đi, xây lùi vào vài ba mét để mở rộng đường, đều do người dân Xóm Lò cống hiến…
- Vô tư đi. Một lão nông đứng cạnh tôi nói xen vào. Dân đã nghe ra vấn đề, đã tin, thì việc hiến đất, hiến công, góp của để làm đường cho chính mình đi và còn làm đẹp cho xã hội thì không ai tiếc. Người dân xóm ta và bà con bên Cầu San, xã Trung Thành đều là anh em cả. Lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt. Nếu không tin thì chúng tôi đã không đồng thuận làm tiếp nửa con đường. Song, có điều những việc bùng nhùng về việc “rút ruột” nửa con đường của cánh cán bộ cũ, dân đã kiến nghị Thanh tra cấp trên về làm thì vẫn phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm để yên dân. Ngừng giây lát, ông nói tiếp: Toàn dân xóm mình ủng hộ việc làm đường, tính ra tới vài ba trăm triệu chứ chả chơi đâu. Nói rồi, ông còn bình luận: - Nhờ có con đường to đẹp, sáng láng nên những ngôi nhà cao tầng nhô lên khỏi lũy tre làng, bên cạnh cánh đồng ngô bát ngát kia, càng thêm lộng lẫy.
Nguy nga nhất phải kể đến ngôi “biệt thự” của anh Lê Xuân Hạt, con ông Lê Xuân Dị. Ngày còn sống, ông Dị nghèo nhất xóm. Ông về với tổ tiên cũng nhanh nhất. Đến đời anh Hạt, nhờ cái tài làm cai xây dựng, đi lên từ đôi bàn tay chai sạn mà hôm nay anh có căn nhà to nhất xóm, có ô-tô đời mới cũng gần oai nhất trong số trên hai mươi chiếc ô-tô của xóm mình. Thứ đến là anh Tạ Văn Hòa, con ông Tạ Văn Tập. Hồi Cải cách ruộng đất, nhà ông Tập thuộc hàng cốt cán, được chia “quả thực”. Thế mà chỉ hơn chục năm làm theo con đường Đổi mới của đất nước, bằng nghề chăn nuôi và phát triển dịch vụ, Hòa cũng có được ngôi nhà to đẹp, mua ô-tô xịn chỉ kém mỗi Lê Xuân Hạt.
Hôm tết dương lịch vừa qua, xóm cắt băng khánh thành Nhà văn hóa, Tạ Văn Mười cùng ba người nữa được tuyên dương trước dân làng vì đã có lòng hảo tâm xây dựng Nhà văn hóa của quê hương, đưa trung tâm Văn hóa này đứng ngôi thứ nhất xã Nam Tiến.
Sang năm 2016 này, cụ Lê Đức Hiện đã suýt soát tám mươi xuân. Cụ là người nhớ dai và hay kể chuyện xưa. Biết tôi muốn tìm hiểu về phong trào chăn nuôi, cụ sẵn sàng chia sẻ: Thật kì lạ, chỉ trong vòng chục năm lại đây, huyện Phổ Yên từng bước tiến lên Thị xã Công nghiệp, rồi thì đất nước mở ra con đường xây dựng Nông thôn mới, cánh trẻ xóm này nó “cựa mình” kinh khủng. Nhiều người đã tự vươn lên nghĩ cách làm giàu. Điển hình là phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ ra sức học hỏi kinh nghiệm của cán bộ khuyến nông hướng dẫn, học trên ti vi, rồi anh nọ học anh kia về cách làm ăn. Kết quả, cuối năm 2016, cái xóm Lò nghèo nhất xã Nam Tiến của mấy năm về trước, nay đã có nhiều trang trại lợn nhất xã… Nói rồi, cụ Hiện đưa tôi đến xem tận nơi một vài trang trại. Phải nói khó, chúng tôi mới được bước qua bức tường có khẩu hiệu “Không được tự ý vào khu chăn nuôi”. Ở đây họ có ý thức phòng bệnh nghiêm ngặt cho đàn lợn, đàn gà. Riêng trang trại của Hùng, có 500 con gà trống tía, chuẩn bị xuất chuồng vào dịp tết âm lịch, mỗi con trung bình khoảng hai cân rưỡi. Nhìn đàn gà béo tốt chạy nhảy dưới tán những cây vườn thoáng đãng, bên ngôi nhà hai tầng kiểu dáng biệt thự mi ni, với tôi đây thực sự là niềm mơ ước. Sau khi xuất lứa lợn ngót trăm con, nay chuồng của anh Hùng chỉ còn gần hai trăm lợn thoai và lợn nhỏ mới nhập. Cuối tháng 12 vừa qua, mới cộng sổ sơ sơ đã thấy lãi trên hai trăm triệu đồng. Hầu hết mọi người chăn nuôi ở đây nuôi lợn thịt bằng cách đi mua giống ở tận Hưng Yên. Bây giờ, nhiều gia đình đã nuôi được hàng chục nái, nhằm tự túc giống cho chủ động. Anh nào cũng tính phải tự túc được giống tốt, chăn nuôi đúng kĩ thuật, nhất là khâu phòng bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm để giữ uy tín mối hàng… Mỗi tháng, xóm này xuất đi đôi ba trăm con lợn thịt là chuyện thường.
- Anh Nguyễn Văn Tuyến mới làm mạnh từ sáu tháng cuối năm 2015, thế mà tính đến hết năm vừa rồi nó cũng thu về được trên hai trăm triệu đồng tiền lãi. Nhà báo tính có khiếp không? Cái tuổi bọn tôi, tưởng như nằm mơ! Nhưng nó lại là sự thực mới sướng chứ. Chả thế “bình bịch” ở xóm này đếm không xuể, toàn loại xịn. “Nhà tây” mọc lên như nấm. Đi xe con đối với bọn tôi bây giờ là chuyện thường. Có của ăn của để, lại được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi vừa xây thêm con mương dài 330 mét để đưa nước từ trạm bơm Gốc Sộp (ven sông Công) lên phục vụ khu đồng phía bắc xóm, tạo điều kiện cho trên bốn mươi máy bơm mi ni của các gia đình hút nước tưới cho những thửa ruộng trên cao. Men theo con mương này, có ba gia đình ở chòm nhà ông Lê Trung Thành dám bỏ ra, mỗi nhà 30 triệu, góp nhau xây bờ bao cao hai mét, đổ đất mở rộng con đường mét rưỡi cũ thành con đường rộng tới 4m. Họ đang chờ Nhà nước đối ứng để rải thảm bê tông theo tiêu chí nông thôn mới.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...