Thứ tư, ngày 16 tháng 04 năm 2025
07:35 (GMT +7)

Như nhịp thở của đất và người Thái Nguyên

VNTN- Giữa dòng chảy 50 năm kể từ ngày non sông thu về một mối, mảnh đất Thái Nguyên giàu trầm tích văn hóa vẫn miệt mài vun đắp cho đời sống tinh thần bằng những sáng tạo nghệ thuật giản dị mà sâu sắc. Và trong dòng chảy ấy, trong số những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của văn nghệ sĩ Thái Nguyên ấy, tôi muốn đề cập đến bốn tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi, kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, nghệ sĩ ưu tú Mai Thanh và nhà viết kịch Mông Đông Vũ. Dù chất liệu và hình thức biểu đạt khác nhau, nhưng cả bốn tác phẩm đều đặt con người ở trung tâm, nơi vẻ đẹp, tâm hồn và khát vọng được thể hiện đậm nét.

Những sáng tạo độc đáo

Vào một buổi chiều năm 1997, trong chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Đồng Hỷ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi (sinh năm 1938) bắt gặp một khung cảnh đời thường: Những người nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng vàng ươm. Nắng đổ trên thân áo thấm mồ hôi, trên những gương mặt rám nắng, và đặc biệt ông nhìn thấy ánh sáng từ nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của họ.

Trong tích tắc ấy, ông nâng máy ảnh từ xa, bấm liên tục, không dàn dựng, không sắp đặt. Khoảnh khắc thực, ánh sáng thực và cảm xúc chân thực. “Tôi thấy nụ cười của họ phát sáng đẹp hơn cả mùa lúa chín”, ông Chi nheo mắt nhớ lại.

Tác phẩm “Nhộn nhịp ngày mùa” của NSNA Văn Chi
Tác phẩm “Nhộn nhịp ngày mùa” của NSNA Văn Chi

Xem tác phẩm “Nhộn nhịp ngày mùa” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi, tôi chợt ngẫm nghĩ một góc máy về mùa vàng. Tác phẩm được chụp từ góc máy thấp, lấy chiều sâu và ánh sáng ngược, tạo nên một không gian sống động. Gương mặt người lao động rạng ngời giữa cánh vàng, phía sau hậu cảnh là bầu trời xanh mênh mông. Qua ảnh, người xem có thể cảm nhận được từng động tác thu hoạch lúa của người nông dân hiện lên vừa nhọc nhằn, vừa tràn đầy sức sống.

Bức ảnh đã giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi giành Huy chương Vàng ASEAN, Huy chương Vàng Khu vực Miền núi phía Bắc năm 1997, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tuyển chọn, đưa vào tuyển tập sách ảnh “Việt Nam thế kỷ XX”.

Khác với sự ngẫu hứng trong nhiếp ảnh, kiến trúc là nghệ thuật của thời gian và quy hoạch. Công trình Trụ sở Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên và Công ty CP Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên, hoàn thành năm 2006 là một trong những thiết kế tâm huyết của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1959) vẽ lên không gian văn hóa xanh đầy sáng tạo.

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, ông chọn lối kiến trúc gần gũi, thân thiện, gắn kết với thiên nhiên, cộng đồng và đặc biệt phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Từng căn phòng, địa điểm trong công trình đều được bố trí thoáng đãng, với các loại cây xanh trải khắp không gian, tất cả tạo nên một không gian sống, làm việc và sáng tạo đậm chất văn hóa. Công trình này của ông từng đoạt Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2008 và Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 5 năm.

“Tôi muốn đây không chỉ là nơi làm việc của giới kiến trúc, mà còn là điểm hẹn nghệ thuật, là sân chơi cho văn hóa cộng đồng”, kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Trụ sở Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên và Công ty CP Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên tọa lạc tại phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên
Trụ sở Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên và Công ty CP Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên tọa lạc tại phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên

Nếu nhiếp ảnh và kiến trúc là cái đẹp định hình qua không gian, thì múa là nghệ thuật của chuyển động, của tâm linh và truyền thống. Trong chuyến đi thực tế phục vụ công tác làm luận văn thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Mai Thanh (sinh năm 1973) đã đến với cộng đồng người Dao đỏ ở vùng ATK Việt Bắc, nơi lưu giữ nghi lễ cấp sắc cổ truyền. Ấn tượng sâu đậm từ điệu nhảy giàn, những chiếc khăn đỏ, tiếng chiêng gọi vía, chị đã quyết định chuyển thể lễ nghi này lên sân khấu múa với tất cả sự tôn trọng và sáng tạo.

Cùng biên đạo Tú Nam (khi đó là diễn viên ở Đoàn Nghệ thuật tỉnh), năm 2016, chị đã dàn dựng tác phẩm “Lễ Mài Sai Tía” mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng đầy tinh thần đương đại. Những động tác mạnh mẽ, dứt khoát kết hợp với âm thanh và đạo cụ truyền thống đã tạo nên một bản hòa ca giữa hiện đại và cội nguồn.

Nghệ sĩ ưu tú Mai Thanh
Nghệ sĩ Ưu tú Mai Thanh

Tác phẩm này mang về cho chị và đồng nghiệp Giải B Cuộc thi Tác phẩm múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, Huy chương Bạc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời đoạt giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016 chuyên ngành múa (không có giải Nhất). Nhưng giá trị lớn hơn với các tác giả là, tác phẩm đã góp phần gìn giữ, phát huy một tín ngưỡng dân gian ra khỏi nguy cơ mai một, đặt vào lòng khán giả niềm tự hào về vũ điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.

Cũng lấy chất liệu từ đời sống cho sáng tác, nhưng nhà viết kịch Mông Đông Vũ (sinh năm 1950) lại chọn chuyến thâm nhập thực tế cùng dòng người đổ về bãi vàng Thần Sa (Võ Nhai) những năm 80 của thế kỷ trước. Có lẽ ít ai nghĩ rằng vùng đất ấy với biết bao ồn ào, xô bồ, khát khao đổi đời lại có thể trở thành chất liệu cho một vở kịch đẫm chất nhân văn của ông. “Nữ thần vàng” - vở kịch của nhà viết kịch Mông Đông Vũ là tác phẩm hiếm hoi phản ánh sâu sắc về thân phận con người trong cơn lốc mưu sinh.

Cô gái trong độ tuổi mười tám đôi mươi được chọn làm “vận may” của bưởng vàng trong vở kịch của tác giả Mông Đông Vũ, giữa những ganh đua, lọc lừa, vẫn giữ được phẩm chất trong sáng, thiện lương. Hình ảnh cô chính là biểu tượng về một niềm tin không bị khuất phục, một ánh sáng giữa bóng tối, một vẻ đẹp không bị vấy bẩn dưới hình tượng “Nữ thần vàng”.

Vở kịch được đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng, các diễn viên Đoàn kịch Bắc Thái biểu diễn và gây tiếng vang lớn. Tác phẩm được trao Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất, giải thưởng tại Hội diễn Sân khấu miền duyên hải khi đó.

Trách nhiệm công dân trong sáng tạo

Tác giả Văn Chi – “người thợ kể chuyện” bằng ánh sáng, trọn đời gắn với miền quê Thái Nguyên, bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh khá muộn sau khi ông nghỉ hưu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Nhiếp ảnh với ông là vẽ lên cái nhìn chân thực về cuộc sống, bằng đôi mắt yêu thương những con người lao động trên quê hương mình. Còn kiến trúc, với tác giả Nguyễn Văn Cường là sự hài hòa giữa con người và không gian đô thị hiện đại, nơi cái đẹp sinh ra và trường tồn mãi với thời gian.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi ở tuổi 87
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi ở tuổi 87

Nghệ thuật múa với nghệ sĩ ưu tú Mai Thanh lại là nỗi đau đáu trước văn hóa dân gian có thể mai một giữa sự phát triển của cuộc sống, từ đó chị phải có trách nhiệm nâng niu và gìn giữ trong ký ức cộng đồng. Điều ấy đã khiến chị sáng tạo thành công một bản “di sản múa” sống động, góp phần bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao.

Còn vở kịch “Nữ thần vàng” của tác giả Mông Đông Vũ đã tái hiện một lát cắt xã hội Thái Nguyên thời đó đầy thực dụng và hỗn loạn nhưng vẫn rất nhân văn. Đó còn là câu chuyện khắc khoải về sự lựa chọn giữa thiện lương và vật chất, giữa ánh sáng và bóng tối, một triết lý nhân văn chưa bao giờ cũ trong cuộc sống hôm nay.

Nếu nhiếp ảnh ghi lại khoảnh khắc đời thực bằng máy ảnh, thì kiến trúc dựng nên không gian sống bằng gạch đá và ánh sáng, còn múa nối dài truyền thống vào ngôn ngữ cơ thể và kịch nói là kể câu chuyện về những phận người bằng sân khấu để nói lên tiếng lòng thời đại. Mỗi tác phẩm đều được sáng tạo bằng ngôn ngữ riêng, song có một điểm chung là đều kể câu chuyện về Thái Nguyên đầy cảm xúc, với giá trị chân – thiện – mỹ, giúp người xem, người đọc cảm nhận, suy ngẫm, để sống tốt đẹp hơn.

Nhà viết kịch Mông Đông Vũ xem lại một cảnh trong vở kịch “Nữ thần vàng”
Nhà viết kịch Mông Đông Vũ xem lại một cảnh trong vở kịch “Nữ thần vàng”

Bốn tác phẩm không hề phô trương, cũng không cầu kỳ. Chúng giản dị, lặng lẽ tạo thành một tình yêu lớn mà các nghệ sĩ đã và luôn dành cho Thái Nguyên thân yêu. Và có lẽ, cũng bởi thế mà chúng sống lâu hơn, sâu hơn, chạm tới tầng cảm xúc trong lòng người xem một cách thật tự nhiên, gần gũi.

Dòng chảy bền vững cùng quê hương

Nếu coi lịch sử Thái Nguyên 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam là một thước phim, thì những tác phẩm nghệ thuật của bốn tác giả chính là những khuôn hình đắt, đọng lại sâu sắc trong lòng người xem. Chúng là những nhịp thở thầm lặng, nhưng bền bỉ, liên tục, không đứt đoạn, như chính cách người Thái Nguyên sống, lao động, sáng tạo và gìn giữ bản sắc dân tộc, quê hương.

Múa “Lễ Mài Sai Tía” của NSƯT Mai Thanh mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng đầy tinh thần đương đại
Múa “Lễ Mài Sai Tía” của NSƯT Mai Thanh mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng đầy tinh thần đương đại

Mỗi tác phẩm là một “tấm gương soi bóng Thái Nguyên” phản chiếu cả chiều sâu văn hóa, cả vẻ đẹp con người, cả những trăn trở thời đại. Bốn tác phẩm cũng xây dựng được “cột mốc cảm xúc” riêng, đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật tỉnh, cũng là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, làm phong phú thêm bản sắc vùng đất. Mỗi tác phẩm đều đã và đang truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ sau, góp phần tạo nền tảng vững chắc để nghệ thuật Thái Nguyên tiếp tục vươn xa.

Như công trình Trụ sở Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên và Công ty CP Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên suốt gần 20 năm qua, nơi đây vẫn duy trì được vai trò là một “trái tim xanh” giữa lòng đô thị – nơi diễn ra các hoạt động triển lãm, giao lưu, sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Sự hiện hữu của công trình này chính là một tuyên ngôn thẩm mỹ về sự cân bằng giữa phát triển và gìn giữ giá trị sống của đô thị Thái Nguyên.

Hay với vở kịch “Nữ thần vàng” của nhà viết kịch Mông Đông Vũ đến nay, hơn ba thập kỷ trôi qua, vẫn là một “tượng đài” kịch nói phản ánh đời sống hiện thực bằng góc nhìn đầy nhân văn, thu hút sự quan tâm của công chúng.

KTS Nguyễn Văn Cường bên những bức họa tại phòng làm việc
KTS Nguyễn Văn Cường bên những bức họa tại phòng làm việc

50 năm qua, nếu ví kinh tế làm nên bộ mặt Thái Nguyên từng bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, thì phải khẳng định nghệ thuật đã làm nên cốt cách, chiều sâu của Thái Nguyên. Và bốn tác phẩm được vinh danh chúng tôi kể trên chính là những “ký ức sống”, nuôi dưỡng đời sống văn hóa quê hương suốt 50 năm kể từ ngày thống nhất non sông.

Trong dòng chảy hội nhập, đổi mới và hiện đại hóa, tôi càng thấm thía nhận ra rằng, nghệ thuật có thể không đi đầu trong phát triển kinh tế, nhưng nó luôn là phần linh hồn của vùng đất, con người, cũng là nơi lưu giữ bản sắc, tinh thần và ký ức của cộng đồng sâu sắc, bền lâu nhất. Giữa thời đại số hiện nay, khi mạng xã hội khiến mọi giá trị có thể bị lướt qua trong một cái vuốt màn hình, có thể một ngày nào đó, người ta quên mất bức ảnh của ai, treo ở đâu, vở kịch diễn năm nào, công trình tròn bao nhiêu tuổi… Nhưng chắc chắn một điều, những tác phẩm như thế này càng đáng được nhắc nhớ, trân trọng hơn. Không phải vì chúng thuộc về quá khứ, mà bởi chúng giúp chúng ta nhìn rõ hiện tại và hiểu hơn tương lai. Từ đó, càng yêu và tự hào về mảnh đất và con người Thái Nguyên: Giản dị, âm thầm, song vô cùng kiên cường và nhân văn.
Minh Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 7 (2025)

Văn nghệ Tuổi hoa 1 giờ trước

Về nơi tôi đến

Thơ 11 giờ trước

Hoa lê rắc trắng lối về

Văn xuôi 1 ngày trước

Riêng

Thơ 1 ngày trước

Nửa thế kỷ kể chuyện đất và người

Xem tin nổi bật 1 ngày trước