Thứ hai, ngày 14 tháng 04 năm 2025
22:27 (GMT +7)

Những ngọn núi ký ức

Khu vực thành phố Thái Nguyên được thiên nhiên ban tặng ba quần thể núi đá: Núi Linh Sơn, núi Chùa Hang và núi Voi. Hiện nay ngoài quần thể núi Chùa Hang đã được tôn tạo, hai quần thể núi khác gần như bị biến dạng và chưa có phương án quy hoạch bảo vệ tổng thể. Trong quá trình phát triển, việc gìn giữ bảo tồn báu vật của thiên nhiên hẳn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Núi Linh Sơn
Núi Linh Sơn

Ngân vọng huyền tích, áng hùng văn trong thế núi

Núi Linh Sơn bao gồm một ngọn núi lớn và nhiều ngọn núi nhỏ, dân gian gọi nôm na chung là núi Hột, trên diện tích khá rộng. Núi Chùa Hang xưa kia có tên là Long Tuyền, gồm ba ngọn núi, ngọn núi đứng giữa là Huyền Vũ, hai bên là hai ngọn Thanh Long, Bạch Hổ, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa. Núi Voi ngày xưa được gọi là Thạch Tượng Sơn, núi gồm hai dãy hình vòng cung, cạnh đầu và thân voi là dãy Quần Sơn (còn gọi là Cao Sơn). Nằm về phía đầu voi có một núi nhỏ gọi là núi Bó Cỏ.

Nằm bên dòng sông Linh Nham và sông Cầu, miền đất Linh Sơn, Chùa Hang, Núi Voi không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp kì vĩ, thơ mộng mà còn ghi dấu những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Lịch sử trận chiến năm xưa cùng nhiều giai thoại, huyền tích như áng hùng văn tạc vào hình sông thế núi.

Theo các nguồn sử liệu, năm 1077, nhà Tống đưa quân xâm lược nước ta. Các tướng lĩnh và binh lính người dân tộc thiểu số của quân đội Đại Việt đã dựa vào thể đồi núi Linh Sơn, Long Tuyền, Thạch Tượng Sơn dựng phòng tuyến chặn bước quân thù. Đại bản doanh đặt tại động Linh Sơn. Động nằm giữa sườn núi gồm hang thiên và hang địa có chung một cửa rộng khoảng 1000 m².

Phía trước núi là cánh đồng nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Xác giặc được quân dân Đại Việt thu gom chất thành đống nên giờ có địa danh là Cánh Đồng Trận. Cách Cánh Đồng Trận không xa, một khu đất với chiếc ao đá mang tên Ao Than. Chuyện kể rằng khi giặc thua trận, những tên bị thương được quân ta đưa về chăm sóc, chữa lành vết thương trước khi thả về nước, chúng ngày đêm than khóc nên từ đó mang tên ấy. Vùng đất quanh núi Long Tuyền, Thạch Tượng Sơn là nơi quân Đại Việt đóng binh trại, luyện binh của các cánh quân phòng thủ cương thổ. Đỉnh Thạch Tượng Sơn có một vạt đá khá bằng phẳng quân ta dựng đài quan sát. Dấu tích kho vũ khí, quân lương, bến tắm voi (Bến Tượng) bên sông Cầu vẫn còn hiện hữu.

Núi Voi
Núi Voi

Trong các trận đánh, rất nhiều tướng lĩnh và binh lính của ta đã tử trận dưới gươm đao quân Tống. Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (Nguyên phi Ỷ Lan) trong một lần kinh lý tới đây đã cảm động ban chiếu lập đền thờ. Tấm bia đá khắc những vần thơ trác tuyệt của bà bên ngoài hang núi Linh Sơn tuy chữ đã mờ nhưng còn rõ nghĩa. Qua khảo sát bước đầu cho thấy văn bia có tên là động Linh Sơn, tên đại tự là “Trùng tu Linh Sơn động”. Trên mặt bia khắc 200 chữ Hán, nội dung ghi chép ban chiếu của Nguyên phi Ỷ Lan cho lập đền, chùa làm nơi danh lam thắng cảnh. Những dấu tích họa tiết trên tấm bia đá mang đậm phong cách nghệ thuật, phong cách trang trí thời Lê. Các nhà chuyên môn cho rằng văn bia khắc trên đá này có niên đại vào cuối thời nhà Lê, khoảng năm 1775 (năm Ất Mùi).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực quanh ba ngọn núi là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị quân đội và thanh niên xung phong. Đặc biệt, xóm Núi Hột dưới chân núi Linh Sơn là nơi Đại đội 915, thuộc Đội 91 Thanh niên xung phong (TNXP) Bắc Thái có thời gian đóng quân và làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 16A (nay là Quốc lộ 17). Đêm Noel 24/12/1972, chưa đầy 6 tháng sau ngày thành lập, 60 cán bộ, đội viên của Đại đội 915, Đội 91 đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá.

Tại văn bản số 07/1999/QĐ - BVHTT ngày 26/2/1999, Bộ Văn hóa – Thông tin đã quyết định công nhận Động Linh Sơn là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Núi Chùa Hang mang vẻ đẹp hữu tình thơ mộng như một bức tranh thủy mặc. Điều kì lạ là giữa ba ngọn núi có con suối ngầm qua động chảy ngược, mạch phun thành ang nước to, tròn, quanh năm trong mát. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn ghi rõ: “Núi Chùa Hang gọi là núi Long Tuyền vì trong lòng hang có suối Long Tuyền chảy về hướng Tây, có mạch phun lên tạo giếng Mắt Rồng”…

Cửa động Linh Sơn
Cửa động Linh Sơn

Tương truyền vào một buổi sáng mùa Xuân năm Nhâm Tuất (thế kỷ XI), vua Lý Thánh Tông thức dậy kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên phi Ỷ Lan chuyện nằm mộng được Đức Phật dát vàng đưa tới vùng đất đẹp Động Hỷ (sau này gọi là Đồng Hỷ), bà lập tức kinh lý đến đây, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật, sắc phong cho chùa là Kim Sơn Tự (chùa Núi Vàng). Cũng có dị bản cho rằng khi bà Nguyên phi Ỷ Lan đứng bên ang nước Mắt Rồng nhìn lại, các ngọn núi hình một chiếc ngai vàng uy nghi, nên đặt tên cho chùa là Kim Sơn Tự.

Chùa Hang còn gắn liền với những huyền thoại lưu truyền trong dân gian về nơi các nàng tiên nữ thường xuống dạo chơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp chốn trần gian và tắm mát, nên chùa còn có tên là Tiên Nữ Động. Sự tích ngôi chùa trong hang núi cũng thấm đẫm sắc màu huyền thoại. Tương truyền ngày ấy trong vùng có chàng trai nghèo, bố mẹ mất sớm, chàng lấy hang núi làm nhà, hàng ngày lên rừng đốn củi. Một chiều gánh củi về qua giếng Mắt Rồng, chàng tiều phu vô tình gặp nàng Tiên đang soi gương chải tóc. Mối tình của họ nảy nở trong veo như làn nước dòng suối Long Tuyền. Mơ ước của nàng được cùng chàng sum họp trúc mai, sớm chiều trồng dâu chăn tằm dệt vải, nhưng cõi trần, cõi tiên cách biệt, họ không thể nên vợ nên chồng. Một ngày nàng giáng trần, lòng hang núi chỉ còn chút tàn tro lạnh lẽo… Cô đơn đợi chờ đằng đẵng, chàng đã một mình về cõi thiên thu. Từ ấy ngoài hang núi hiện lên cây bồ đề. Người đời vào hang lập bàn thờ Phật và đặt tên là Tiên Nữ Phật Động.

Từ xa xưa danh thắng Chùa Hang nổi tiếng là chốn “bồng lai tiên cảnh” và  làm nao lòng “tao nhân mặc khách” đến du ngoạn, hiện còn những câu đối, bài thơ trác tuyệt bằng chữ Hán khắc trên vách hang, trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ của danh sỹ Cao Bá Quát “Du Tiên Nữ động” khi ông đến Thái Nguyên du ngoạn.

Chùa Hang được xếp hạng Di tích thắng cảnh Quốc gia năm 1999 và được chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu xuất bản năm 2011.

Cách không xa Chùa Hang là Núi Voi. Nhiều giai thoại về việc triều đình lấy khu vực Núi Voi để cất giấu ngân khố khi quân giặc xâm lược vẫn được lưu truyền. Thực hư người dân nhặt được những đồng tiền vàng rơi vãi dọc đường vận chuyển từ bến sông Cầu, qua Đồng Bẩm, Chùa Hang khó để kiểm chứng, nhưng việc nhiều người tìm kiếm kho ngân khố bí mật luôn râm ran.

Bên cạnh nhiều giai thoại trong cuộc chiến chống quân Tống, Núi Voi còn được sử liệu ghi: “Những năm 1593 – 1594, nhà Mạc đã lập phòng tuyến tại đây để chống lại nhà Lê. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ năm 1947 Núi Voi là căn cứ hậu cần của Quân đội ta. Hang Dê là nơi cất giấu vũ khí, đạn được của Cục Quân giới. Các hang đá trong núi là bệnh viện dã chiến của Cục Quân y. Những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên địa bàn tỉnh Bắc Thái (1965 – 1968, 1972), Núi Voi vừa là căn cứ hậu cần, vừa là Sở Chỉ huy của bộ đội phòng không và là nơi sơ tán của nhân dân”. Năm 1962, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định bảo vệ di tích lịch sử và danh thắng Núi Voi.

Những ngọn núi không còn… và bao điều đọng lại

Những năm 60 của thế kỉ trước, Mỏ đá Núi Voi được thành lập để khai thác đá nung vôi phục vụ xây dựng, sản xuất gang thép và các ngành kinh tế, cái tên Thạch Tượng Sơn, Quần Sơn dần khuất lấp. Thời gian cao điểm, Núi Voi có hàng ngàn cán bộ công nhân. Xung quanh núi là doanh trại của các đơn vị quân đội, người dân thành phố về sơ tán, cửa hàng bách hóa, trường học tạo nên một khung cảnh rất náo nhiệt.

Một trong những mỏm của núi Hột còn sót lại
Một trong những mỏm của núi Hột còn sót lại

Ngày tôi còn bé, Núi Voi và Quần Sơn cây cối um tùm, rậm rạp. Các thân cây cổ thụ hai người ôm không xuể chen nhau tỏa bóng, có những hốc cây lớn trẻ con bọn tôi vẫn chui vào chơi trận giả, trốn tìm hoặc trú ẩn mỗi khi còi báo động. Dãy núi cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật hoang dã, trong đó có cả đàn khỉ. Nhiều lần, người dân gặp cả đàn khỉ kéo xuống làng vặt ngô và các loại hoa quả của dân.

Quanh chân núi có nhiều thùng, vũng nước trong vắt. Giữa núi có dòng suối nhỏ uốn lượn chảy qua núi Chẽ ra sông Cầu. Hai bên bờ suối, nhiều rặng tre, cây cối len giữa các ghềnh đá. Suối không sâu, lại có những đoạn nhiều cuội sỏi rất sạch nên luôn là điểm hẹn lý tưởng trẻ con mỗi khi chiều về.

Tuổi thơ của tôi đầy ắp tiếng chim, rực rỡ sắc hoa và nồng nàn hương núi. Không có sách báo và các phương tiện thông tin truyền thông, ngoài giờ học chúng tôi thỏa sức lang thang nghịch ngợm khắp mọi chốn. Tôi rất thích cưỡi trâu, nhiều ngày tôi theo bọn trẻ giong trâu về núi và làm tất thảy mọi việc chúng sai bảo cốt chỉ để chúng cho cưỡi trâu.

Tôi không nhớ mình đã theo đám bạn bao nhiêu lần lên núi tìm tổ chim non, hái quả rừng và bứng các nhành phong lan về nhà. Thậm chí theo cả người lớn lên đẵn gỗ, cốt lần cho ra hang núi có cửa thông lên trời. Có lần chúng tôi leo lên đầu Núi Voi ngắm nơi mình đang sống. Chinh phục ngọn núi hiểm trở, thành vách dựng đứng, cây cối um tùm đầy lá han, gai móc với bọn tôi là cả một kì tích. Không gian rộng lớn trải dài ngút tầm mắt đẹp như tranh vẽ.

Dãy núi Quần Sơn đã cơ bản khai thác hết
Dãy núi Quần Sơn đã cơ bản khai thác hết

Thế hệ chúng tôi là con cán bộ công nhân Mỏ lứa đầu tiên, nhà trường chưa kịp xây dựng, thầy cô giáo về dạy học ngay tại lán trại phía đầu núi dãy Quần Sơn, sau chuyển ra chân núi Bó Cỏ. Những năm chiến tranh các buổi học thường diễn ra buổi tối. Đi học chúng tôi phải mang mũ rơm và xách thêm ngọn đèn đầu. Các ngọn đèn ấy được cô giáo dạy làm, bao gồm lọ phía dưới đựng dầu và bấc đèn, ngang thân là chiếc vỏ ống bơ để che ánh sáng. Khi ngồi học đèn chỉ chiếu đủ quyển vở của từng người. Mỗi lần báo động, học sinh thổi tắt đèn, cô giáo hướng dẫn học sinh xuống giao thông hào về nơi trú ẩn.

Thời kì máy bay Mĩ oanh tạc với cường độ cao, các hang núi Bó Cỏ và nhiều hang động trong dãy Quần Sơn là nơi trú ẩn của rất đông người già, trẻ em. Trong đó hang Máng 12 là hang lớn nhất. Cửa hang nhỏ nhưng bên trong rất rộng, dài hàng trăm mét và có thể chứa hàng ngàn người vào trú ẩn. Ngoài cửa hang là bãi đất khá bằng phẳng, có một cây đa lớn và những cây nhội, cây duối cổ thụ. Một thời gian ngắn lớp học của tôi dựng dưới những tán cây này, sau đó chuyển đi nơi khác cho bộ đội đặt trạm quân y dã chiến. Những buổi chiều tối sau ngày làm việc, khu tập thể bên chân núi đầy ắp tiếng đàn hát. Nhiều loại nhạc cụ như ghi ta, đàn bầu, sáo trúc, trống, nhị… hòa âm rất sôi động. Dường như năm tháng ấy, con voi đá (dãy núi mang dáng hình con voi) cũng mang sức vóc và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.

Nhà máy bên chân núi Bó Cỏ
Nhà máy bên chân núi Bó Cỏ

Đến nay, hầu như dãy Quần Sơn bên cạnh Núi Voi đã bị khai thác hết, núi Bó Cỏ cũng được san lấp một phần xây dựng nhà máy. Tôi thấy hình dạng voi đã “lùn” đi nhiều, bởi trong quá trình sản xuất, một lượng lớn đất đá thải được san gạt tại chỗ tạo mặt bằng. Đường quốc lộ 17 xây dựng chạy dưới chân núi, cùng một số công trình bên đường cũng xây trên cốt nền mặt bằng ấy.

Quần thể núi Linh Sơn trước đây, các ngọn núi lớn, nhỏ Mỏ dùng mìn khai thác đá, chỉ khi phát hiện tấm bia đá việc khai thác trên ngọn núi lớn mới dừng lại. Các ngọn núi nhỏ hầu như đã mất. Ngôi đền thờ tưởng niệm các chiến binh tử trận cũng không còn dấu tích. Những năm gần đây, một đơn vị khai thác quặng sắt gần đó cho đổ hàng vạn khối đất thải xuống chân núi Linh Sơn và san gạt làm núi biến dạng. Đối diện lối lên động, bà con công đức xây dựng một ngôi chùa nhỏ. Hàng năm cứ vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, nơi đây tổ chức lễ hội động Linh Sơn, như một phần nghi lễ tưởng niệm các chiến binh tử trận năm xưa.     

Ngôi chùa dưới chân núi Chùa Hang
Ngôi chùa dưới chân núi Chùa Hang

Hiện nay, khu vực núi Chùa Hang đã được tôn tạo trở thành khu văn hóa tâm linh bề thế thu hút đông đảo du khách thập phương. Hình dáng dãy núi Quần Sơn, những ngọn núi Hột và những thân cây cổ thụ chỉ còn trong kí ức. Nhiều diện tích đất vẫn trong quá trình tận thu đá làm nguyên liệu, hoặc chưa sử dụng.  

Trải qua nhiều biến động, con voi đá và ngọn núi Linh Sơn vẫn sừng sững. Tôi cho rằng trên phần đất dưới chân núi Linh Sơn, Núi Voi, nếu chúng ta qui hoạch và xây dựng các công viên cây xanh, khu văn hóa tâm linh hoặc tổ hợp vui chơi giải trí chắc chắn sẽ là những điểm đến ấn tượng.

Một ngọn núi trong dãy núi Hột đã khai thác xong
Một ngọn núi trong dãy núi Hột đã khai thác xong

Hiếm đô thị nào có các ngọn núi đá liền kề như Thái Nguyên. Hy vọng việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan sẽ góp phần làm cho đô thị trung tâm của tỉnh mang nét khác biệt, phát triển xứng tầm và lan tỏa niềm tin yêu về mảnh đất, con người Thái Nguyên trong thời kỳ mới.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy