Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
12:05 (GMT +7)

Xa xứ nhớ Tết quê nhà

VNTN - Trước thềm năm mới 2021, tôi xin được tri ân cha mẹ tổ tiên, thầy cô. Tôi xin gửi lời chúc thân thương nhất đến toàn người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đồng bào Việt tại Việt Nam cũng như trên khắp thế giới, mong họ luôn an lành, bình yên, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng. Tôi mong Việt Nam thân thương ngày một phát triển mạnh mẽ phồn vinh về mọi mặt.

1. Với người dân Việt Nam, đêm Tất niên và Tết Nguyên đán cổ truyền là những thứ thực sự quan trọng và không thể thiếu. Đó là những thời khắc thiêng liêng, lắng lòng khiến cho tâm tịnh, hướng vọng đến cha mẹ tổ tiên. Đó cũng là lúc nhìn lại những thành quả đã đạt được trong năm như là một thứ tình cảm tri ân đến cha mẹ ông bà, và cả những gì chưa đạt được rồi mong tổ tiên tiếp tục phù hộ để ta cố gắng vào năm sau. Với phần đông những người xa xứ, thời khắc đó lại càng trở nên thiêng liêng hơn. Bởi thực hiện và trân trọng ngày lễ này trên hết là họ muốn lưu giữ những giá trị truyền thống cổ truyền, là tấm lòng thơm thảo chân thành tưởng nhớ tổ tiên, hàm ơn hiếu kính cha mẹ và quê hương Việt Nam.

Đã trên dưới một phần tư thế kỷ đi làm dâu xứ lạ, có đôi lần tôi cũng được về quê ăn Tết. Cha mẹ không còn nữa, nhưng tôi đã cảm nhận được những thời khắc hạnh phúc của đêm Tất niên, trong ngôi nhà mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Được ngồi an tịnh trong khói hương trầm phảng phất, ngoài kia là tiếng gió đông ậm ù, thì thầm xào xạc giữa những búi tre, đom đóm nhập nhòa bay bảng lảng, hòa lẫn những đầu nén nhang mà chị dâu tôi đang thắp trên mâm cơm cúng ngoài sân, có tiếng chó nhà ai đó thi thoảng vẳng đến… Tôi đã có cảm giác như tất cả đều đang trở về trong tôi. Bà nội, bố mẹ và các anh chị em. Cả nhà quây quần ở đây… Nói là cả nhà nhưng hiếm khi đầy đủ, bởi hồi ấy các anh tôi đều đi bộ đội. Anh Cả đóng quân ở Quảng Ninh, anh Hai đóng quân ở Pnom Penh, Campuchia, còn anh Ba thì ở mãi Cao Bằng. Cả đời này tôi luôn nhớ hình ảnh ánh mắt mẹ tôi khi cả nhà ngồi bên mâm cơm Tất niên và những ngày Tết, mẹ luôn ngóng ra cổng, như thể chờ đợi bất chợt một đứa con bộ đội của mẹ trở về trong ngày Tết mà không hẹn trước. Ngày mùng một Tết, mẹ tôi vẫn lấy đủ bát đũa cho cả nhà, không thiếu một ai! Khi ăn mà mắt mẹ như ngấn lệ, cứ thủ thỉ rằng liệu ở nơi ấy các anh ăn Tết có ngon không, có đầy đủ không... Nhưng trong suốt những năm các anh tôi đi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thì đã chẳng có ai “bất chợt” về trong ngày Tết!

 

Tết ở Tòa Thị chính do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức

Tôi còn mường tượng cảnh mẹ bận rộn rửa lá dong, vo gạo để gói bánh chưng, thích cùng mẹ đi những phiên chợ cuối cùng của năm ở chợ huyện, mua mua bán bán, rồi về nhà lại tíu tít chuẩn bị những món ăn cho ngày tết. Tôi thích nhìn những củ xu hào hay khoai tây vừa được nhổ trực tiếp từ ruộng nhà tôi ở ngoài đồng mang về, những thứ rau quả ấy do chính tay tôi chăm bón. Chúng vẫn còn bám đầy phấn mà khi chạm tay vào, thường để lại những đường vân rất rõ... Còn khoai tây thì có thể bóc vỏ bằng tay! Rồi làm nem, nấu măng, luộc thịt gà, đồ xôi, gói giò, chuẩn bị nồi xào sườn chua ngọt nữa... Biết bao nhiêu là món. Và nhất là được ngồi bên mẹ để nấu bánh chưng đến tận hai, ba giờ sáng. Thi thoảng lại vùi củ khoai vào bếp. Khoai nướng than, bóc vỏ thơm lừng và nóng hổi... Tôi cũng nhớ những giờ phút hì hục quét dọn nhà cửa, lau sân cùng với các anh chị... Có lần bố còn quét vôi trắng khắp các bức tường nhà để đón mừng xuân mới mà khi Tết rồi, giữa mùi hương trầm thoang thoảng, ta vẫn còn nhận ra mùi nồng nồng của vôi. Cành đào, lọ hoa được đặt nơi trang trọng, anh chị em phấn khởi vì được mua quần áo mới. Hay nhất là cảnh xếp hàng mua mứt kẹo ở cửa hàng Hợp tác xã... Phải xếp sổ mua bán của gia đình từ sáng sớm hoặc từ hôm trước! Rồi cứ chen lấn như thế để cả ngày mới hồ hởi đem về hai hộp mứt, đôi khi hộp đã bị méo mó đến thảm hại. Bố lại phải ngồi uốn uốn nắn nắn cho thẳng ra. Rồi cảnh đi gửi Tết nhà bác cả, nhà bà ngoại... Đúng là “Đói quanh năm chứ ai đói ba ngày Tết”. Giờ thì quanh năm tôi đã chẳng bao giờ bị đói, nhưng tôi lại đói... Tết!

2. Vào những năm không thể về quê ngoại, trừ một vài năm đầu mới sang Pháp, do bố mẹ đôi bên đều ở xa, chồng lại hay đi công tác vắng nhà, tôi luôn phải một mình xoay sở với hai con nhỏ và cũng vẫn còn phải học hỏi phong cách “nhà chồng” nên đã không có thời gian làm Tết, nhưng khi mọi thứ đã vào “quỹ đạo”, thì năm nào tôi cũng tổ chức Tết... Là một người tôn trọng truyền thống nên với tôi, làm Tết là phải có bánh chưng, có thịt nấu đông, có dưa hành muối và nhiều món khác mà tôi đã được thấy mẹ làm khi xưa! Với tôi, làm Tết trước tiên là để thỏa mãn nỗi niềm nhớ quê hương bản quán trong cảnh sống xa nhà khi năm hết xuân về, thứ là muốn dạy cho các con mình làm quen với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong hơn hai chục năm sống xa quê, tôi chứng kiến sự thay đổi thông thương hàng hóa. Bây giờ thì dễ hơn nhiều, chứ trước đây mà muốn tìm được đầy đủ những sản phẩm theo đúng ý mình để làm một cái Tết Nguyên đán chỉn chu tại trời Tây thì quả không dễ, bởi lá dong là đồ hiếm, ngoài ra còn phải tìm được gạo nếp và đậu xanh… đúng kiểu Việt Nam.

Có lẽ kỉ niệm những năm đầu làm Tết ta tại trời Tây sẽ theo tôi đến tận cuối đời bởi sự ngây thơ của mình. Ngày ấy, cửa hàng bán đồ châu Á và nhất là Việt Nam chưa nhiều, nhưng tôi lại cứ ngỡ như bên Việt Nam, tức là đợi đến tuần cuối cùng thì mới đi sắm Tết, nhưng rồi chỗ nào cũng hết, từ lá dong, lá chuối cho đến gạo nếp hạt tròn của Việt Nam, ngay cả tai, lưỡi lợn và chân giò (vốn thường ngày rất nhiều) để làm giò thủ cũng không còn. Bây giờ, thực phẩm Việt tại Pháp không hiếm nữa, thậm chí ta có thể đặt trực tiếp từ Hà Nội, vài ngày sau là nhận được, chỉ có điều giá thành sẽ trở nên rất cao. Hoặc cũng có thể mua những sản phẩm làm sẵn tại các cửa hàng Việt Nam tại Paris. Còn tôi vẫn tiếp tục tự mình làm Tết cho chồng và các con, với đầy đủ những món như xưa. Thậm chí các con tôi đã quen, thi thoảng tôi cố tình quên một món để các con nhắc! Khi ấy tôi vui lắm.

Vâng, Tết đến thì bố mẹ nào cũng muốn gia đình đoàn tụ. Từ ngày “khoác áo sang nhà khác”, thì gia đình nhà chồng tôi có truyền thống Công giáo từ lâu đời. Tôi tâm đắc câu “nhập gia tùy tục” vậy nên các con tôi đều đã qua các nghi lễ chính thống, như rửa nước thánh, học giáo lý và các lễ nhập đạo, những lễ đó được tiến hành rất uy nghiêm, trang trọng. Tôi còn nhớ hôm đó đích thân Hồng y giáo chủ Paris, André Vingt-Trois làm chủ lễ, tại thánh đường Notre-Dame-de-la-Salettre, ngay gần nhà. Gia đình nhà chồng rất vui, còn tôi thì cảm thấy xúc động. Cha xứ thường thuyết phục tôi chuyển đạo, nhưng tôi đã lịch sự từ chối. Là Phật tử, tôi thờ Phật, kế đến là ông bà cha mẹ tổ tiên. Bù lại, tôi tôn trọng mọi tôn giáo.

Với người Công giáo, Noel là ngày lễ gia đình, hệt như Tết Nguyên đán vậy. Vào những ngày này, người ta luôn gắng dành cho gia đình, tất cả mọi thành viên đều về tụ họp. Những ngày giáp Noel, tôi cũng thường đi lễ nhà thờ cùng gia đình nhỏ bé của mình. Trong nhà thờ vẫn là mùi hương trầm phảng phất thoang thoảng! Khác chăng chỉ là ngày xưa mùi trầm tỏa từ những nén nhang thanh mảnh trên ban thờ, còn ở đây lại tỏa ra từ chiếc bình tròn lắc lư trong tay cha xứ. Thực ra Công giáo bên Pháp, hàng năm còn có một ngày Lễ dành cho người đã chết (La Fête des Morts), mà ta có thể hiểu đó như ngày Tết Thanh Minh bên Việt Nam, diễn ra vào ngày mùng 1 tháng 11 dương lịch, và ngay sau đó là ngày Lễ các Thánh (La Toussaint) vào ngày mùng 2 tháng 11. Ngày này, người ta thường đến viếng mộ tổ tiên, trong các nghĩa địa ta thường bắt gặp từng cụm gia đình đem hoa đến viếng mộ. Không dưới vài lần, tôi cũng từng tháp tùng bố mẹ chồng tới chốn thâm nghiêm này. Không có mùi hương trầm thoang thoảng trong gió như trong dịp Thanh Minh hay tảo mộ bên Việt Nam, nhưng không khí trang nghiêm. Nghĩa địa tại các làng quê Pháp thường nằm cạnh các nhà thờ, được quy hoạch chỉn chu, thành những hầm mộ gia đình khá lớn, được xây bằng bê tông hoặc đá cẩm thạch, hoặc đá hoa cương. Xen đây đó những lối đi đầy hoa, hoa được đặt khắp nơi và cả những bức tượng, những bức điêu khắc, rất nghệ thuật bên những cây cổ thụ, đẹp tựa một công viên. Quả thật là vào những lúc đó, tôi lại âm thầm nhớ đến quê mình! Tôi lại thấy hình như thấp thoáng đâu đó, giữa cánh đồng xanh rì bát ngát gần làng, nổi lên một nghĩa địa rất khác nơi đây, trong đó có dãy ngôi mộ của bà nội, bố mẹ và anh Cả tôi.

3. Trong cuộc đời làm báo có dịp đi và gặp gỡ rất nhiều người, tôi phát hiện trong những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều người Pháp đã chọn đến Việt Nam du lịch với các mục đích cụ thể. Họ đến để khám phá những thuần phong mỹ tục hoặc những ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời hiếm có của Việt Nam, nhất là vào các dịp lễ hội để có thể mục sở thị những tập tục, những màn biểu diễn, những lời ca tiếng hát và những trang phục đặc biệt được người dân địa phương mặc vào dịp đó. Rồi họ về Pháp làm lan tỏa sự khám phá của mình đến những người xung quanh. Mới đây, anh Stéphane Denis, một người điều khiển chương trình giải trí trong trại dưỡng lão Arpavié de la Vallée thuộc thành phố Bourg-la-Reine, ngoại ô Paris, gồm gần trăm thành viên đã tổ chức đón Tất niên và năm mới cho các cụ bằng một buổi trình diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ Pháp gốc Việt với các màn ca cải lương, múa truyền thống và độc tấu trống, đàn tranh, đàn bầu và sáo... Có một số cụ đã từng đến Việt Nam, phần đông thì chưa. Các cụ, Ban Giám đốc cũng như các nhân viên trong trại dưỡng lão đã rất hân hoan, trả lời phỏng vấn, ai cũng mong các nghệ sĩ gốc Việt sẽ còn thường xuyên đến đó biểu diễn và rất lấy làm tiếc đã quá muộn để “tự đến khám phá đất nước Việt Nam giàu bản sắc của các bạn!”. Anh Stéphane Denis đã chia sẻ lý do anh mời các đoàn nghệ sĩ Việt Nam đến biểu diễn trong dịp Tết Tây này: “Tôi đã có dịp đến Việt Nam. Tôi đã rất thích đất nước xinh đẹp này như: bầu không khí, phong tục và truyền thống. Tôi rất sung sướng vì đã được khám phá tất cả những điều ấy, và tôi muốn những thành viên trong trại dưỡng lão này cũng được tận hưởng điều đó - một đất nước khiến ta được thư giãn thoải mái, với những tập quán tốt, cho dù đó là trang phục hay các nhạc cụ, rồi cả những buổi lễ hội nữa…”.

 

Tết ở nhà Hiệu Constant

Cứ như thế, chân thành, nồng hậu và hiếu khách, đất nước Việt Nam luôn đem đến cho bạn bè quốc tế những khám phá thú vị. Và kể từ năm 2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã cùng với Tòa Thị chính thành phố Paris tổ chức Tết Nguyên đán tại trụ sở. Phòng khách rộng mênh mông thu hút rất đông kiều bào cũng như bạn bè Pháp. Họ đến để mừng xuân năm mới để chúc tụng nhau nhưng cũng là để thưởng thức các màn văn nghệ độc đáo của các nghệ sĩ cũng như thưởng thức các món ẩm thực Việt.

Năm nay, tôi cũng như rất đông kiều bào không thể về quê hương ăn Tết, do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới vẫn đang rất phức tạp. Hiện tại, dịch đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia nói chung và nước Pháp nói riêng. Chúng tôi đã trải qua hai đợt cách ly tại gia, mỗi lần đều dài hơn hai tháng, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ vậy, mọi đường bay đều bị cấm. Nhưng Tết đến, tôi vẫn tổ chức Tết trong những điều kiện mình có thể nhất để mừng năm mới. Tôi cũng tin tưởng năm mới đến là mang đến niềm hy vọng cùng những mơ ước! Tôi hy vọng trong năm mới 2021, thế giới sẽ được bình ổn với các loại vắc xin và thuốc chữa COVID-19. Tôi thực sự hãnh diện vì năm 2020, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã ghi dấu ấn đáng nhớ trong lòng các dân tộc toàn cầu, đó là đã chung sức chung lòng phòng chống và có thể nói đã chiến thắng đại dịch Covid. Và truyền thông Pháp đã phải thốt lên với một sự ngưỡng mộ rằng “Việt Nam Vô Địch trong phòng chống dịch bệnh COVID-19” khiến những kiều bào Việt chúng tôi tại Pháp đã rất tự hào về đất nước Việt Nam của mình. Trước thềm năm mới 2021, tôi xin được tri ân cha mẹ tổ tiên, thầy cô. Tôi xin gửi lời chúc thân thương nhất đến toàn người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đồng bào Việt tại Việt Nam cũng như trên khắp thế giới, mong họ luôn an lành, bình yên, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng. Tôi mong Việt Nam thân thương ngày một phát triển mạnh mẽ phồn vinh về mọi mặt.

Hiệu Constant

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy