Vũ Chấn, chưa phải chuyện xa xưa
Ký. Lưu Thị Bạch Liễu
VNTN - Bầu trời xanh thăm thẳm của một buổi chiều chớm xuân nắng trải vàng rực rỡ đã rủ tôi về Vũ Chấn, một trong 6 xã vùng núi đá của huyện Võ Nhai, nơi được biên trong sách Đồng Khánh địa dư chí (Thư tịch địa lý hoàn thành vào đời Đồng Khánh (1886 - 1887) được Đông dương Thư khố (Toyo Bunko) của Nhật Bản xuất bản ở Tokyo vào tháng 7 - 1945) như thế này: Rừng núi liên tiếp, khí núi nặng nề. Khí trời nhiều lạnh rét. Khí đất ẩm thấp. Cuối xuân trời vẫn còn lạnh, mùa hè thì chỉ hơi nóng, đầu thu đã bắt đầu lạnh, đến mùa đông thì rét đậm. Hằng ngày khoảng trước giờ Tỵ, sau giờ Thân thì không nhìn thấy núi...
Chuyến đi ngoài dự định
Huyện Võ Nhai có khối núi đá vôi Thượng Nung đồ sộ nhất tỉnh Thái Nguyên, rộng tới 300 km2, độ cao từ 500 đến 600 mét, kéo dài từ Thần Sa qua Nghinh Tường, đến Liêm Thuỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn). Nằm trọn trong khu vựa núi đá ấy gồm 6 xã: Thần Sa, Cúc Đường, Vũ Chấn, Sảng Mộc, Thượng Nung, Nghinh Tường.
Khoảng mười mấy năm về trước, thời một số cơ quan còn thanh toán chế độ công tác phí bằng giấy đi đường, tôi đã mấy lần được gửi nhờ đóng dấu đi Vũ Chấn và các xã vùng cao Võ Nhai. Nói thế này để dễ hình dung, tiền công tác phí cho một ngày ở các huyện trong tỉnh và Hà Nội là 20 nghìn đồng; các tỉnh xa 30 nghìn đồng thì đi Vũ Chấn được thanh toán 50 nghìn đồng. Với những thông tin được biết bấy lâu, trong suy nghĩ của tôi, Vũ Chấn hiển nhiên là một nơi rất khó khăn, hiểm trở.
Vậy nhưng, không cưỡng lại được sự mời gọi thiết tha của sắc xanh huyền diệu cả một vùng không gian không quá xa về phía Bắc thành phố Thái Nguyên, tranh thủ trốn công việc bộn bề cuối năm, tôi cùng một người bạn gái đã quyết tâm làm một chuyến "xa thành phố".
Phải nói thật lòng, Vũ Chấn không phải điểm chọn đầu tiên, vì chúng tôi đã có ý định đi Thần Sa, nơi được lưu danh khá nhiều trên những mục giới thiệu về vẻ đẹp Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau 4 đoạn suối nông, "ngài Toyota" gầm thấp - "nhân vật chính" để thực hiện chuyến đi, đã có nhiều biểu hiện phản đối khi lội đoạn suối đầy những hòn cuội to bằng bắp chân, trơn trượt rong rêu, nước ngập ngang cửa xe. Xưa nay, chỉ xe gầm cao mới có thể "chiến" được với địa hình này.
Ngả rẽ còn lại là vào Vũ Chấn, đường nhựa phẳng lỳ, uốn lượn tuyệt vời mềm mại tại những khúc quanh của chân núi, quanh co theo những cụm nhà sàn. Trên con đường như tranh vẽ, khoảng 21 cây số từ Quốc lộ 1B và 38 cây số từ trung tập huyện, vừa lái xe vừa ngắm cảnh cũng chưa tới một giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được trung tâm xã.
Giờ chơi của trẻ em mầm non Vũ Chấn
Chuyện như đã hôm qua
Mặc dù không được báo trước, nhưng với bản tính hồn hậu và hiếu khách của người vùng cao, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Chấn, Nông Văn Tuyển, rất nồng nhiệt tiếp đón và trò chuyện về tình hình xã nhà. Thông tin đầu tiên ai cũng đã biết, Vũ Chấn là xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của huyện và của tỉnh. Thông tin thêm bắt đầu gây chú ý, bởi 10 xóm của xã, gồm gần 700 hộ dân với khoảng 3000 nhân khẩu chỉ có 2 dân tộc chính là người Tày và người Dao, phân bố đều thành 2 vùng, 5 xóm vùng cao toàn người Dao, 5 xóm vùng thấp toàn người Tày. Ngay tên xóm cũng mang đầy nét bản sắc đặc trưng, vùng Dao thì: Cao Sơn, Khe Rạc, Khe Rịa, Khe Cái, Khèn Nọi. Vùng Tày gọi: Na Đồng, Na Cà, Na Mấy, Đồng Đình, Na Rang.
Nghe Bí thư Đảng ủy nói về thực trạng của địa phương mà chúng tôi ngỡ đang lạc vào những câu chuyện từ thủa nào thủa nao. Ấy là chuyện điện, chuyện đường, chuyện làm ăn của vùng cao. Tôi nhớ mỗi chuyến đi công tác vùng cao, đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đoàn luôn nhắc nhở: "Hỏi chuyện bà con nhớ tránh đề tài điện, nước sạch và đường nhé. Những vấn đề này còn nan giải lắm...".
Nhưng, câu chuyện về điện của ông Bí thư lại tràn ngập sự phấn khởi mà không hề có chút "bức xúc" nào. Ấy là chuyện bà con vượt khó để đưa điện về dùng. Na Rang là xóm trung tâm xã, nơi đặt trạm điện, cũng là xóm đầu tiên đưa được điện "quốc gia" về tận nhà từ năm 2002. Bà Ma Thị Duyên, người đã đứng ra vận động nhóm gồm tám hộ chung tiền mua dây kéo điện từ trạm biến áp kể:
- Có điện về, sáng xóm sáng bản, được biết thêm nhiều chủ trương của nhà nước, biết thêm nhiều cách làm ăn mới, suy nghĩ cũng tiến bộ nhiều. Tùy chiều dài từ trạm điện về tới hộ gia đình mình mà chia mức đóng góp tiền mua dây. Tại xóm có một công-tơ tổng, rồi mỗi nhà lại có một công- tơ riêng. Trưởng xóm kiêm thêm chức "Giám đốc Điện lực xóm" là người chịu trách nhiệm, xem số điện cho từng hộ và thanh toán tiền điện theo công-tơ tổng. Nhóm hộ xóm Na Mấy gần trung tâm, chỉ phải kéo có hơn cây số, năm nay phải đầu tư lại toàn bộ đường dây và cột vì sau hơn chục năm sử dụng, các hệ thống dây, cột đều đã bị hư hỏng, tốn chi phí mua dây hơn 22 triệu đồng và gần 100 cột gỗ đẵn từ vườn rừng của các hộ đóng góp.
Năm 2015 này, xóm vùng cao Khe Rạc cũng chia tay với những chiếc đèn dầu khi có tới 69% số hộ được dùng điện lưới, nhờ ông Triệu Nho Hồng "đầu têu" 2 nhóm kéo điện về. Triệu Nho Hồng hoạt bát, làm kinh tế trồng rừng, sản xuất chăn nuôi giỏi, gương mẫu góp tiền và cho anh em bà con vay tiền, góp mỗi hộ gần 7 triệu đồng mua dây. Trước đây, nhiều hộ dân có điều kiện dùng tua-bin, tận dụng nguồn nước suối để làm máy phát điện. Các hộ khó khăn hơn dùng nến, thắp đèn dầu…Thiếu điện, mọi hoạt động đều bị ngưng trệ, không có thông tin để kết nối với thế giới bên ngoài, không tiếp cận được với máy móc, khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Trẻ con chưa tối đã lên giường, việc học hành cũng hạn chế.
Một trong những người hăng hái đưa điện về xóm, anh Triệu Tiến Thọ rất vui khi được dùng điện lưới: Nhà tôi gần trạm, đóng 4 triệu đồng. Số tiền lớn, nhưng không thể chịu cảnh tối tăm mãi được. Từ khi có điện, đời sống thay đổi nhiều lắm, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt, máy móc để phục vụ sản xuất... Nhà tôi có 7 sào chè, thu hái từ sáu đến bảy lứa/năm, hơn ba sào ruộng, gần 3 héc ta rừng, chăn nuôi thêm lợn, gà... mỗi năm thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng, trở thành một trong những hộ thoát nghèo của xóm.
Chuyện vui thì là vậy, còn chuyện cười cũng không ít, vì rằng nhiều hộ khá giả có điều kiện mua nồi cơm điện, vô tuyến màu nhưng chỉ để trưng bày là chính. Kéo xa quá, điện lưới về được đến bản chỉ còn "đủ sức" thắp sáng bóng đèn. Vô tuyến thì chỉ xem được đen trắng, mà mỗi khi muốn xem thời sự là phải tắt hết tất cả các bóng đèn. Thế mới có chuyện bà con vùng cao vẫn thường đặt nồi cơm điện lên bếp củi để nấu cơm, hoàn toàn là chuyện thật. Còn nữa, vì cột điện đều tận dụng, nơi thì dùng cây gỗ, nơi lại dùng cột tre, nên không theo quy cách nào hết, nhiều nơi rất nguy hiểm.
Năm vừa rồi, nhờ đường điện mà cả xã còn được liên hoan thịt trâu mấy ngày. Là vì mưa bão làm đổ cột điện của nhà Hoàng Văn Rồng ở xóm Na Mấy. Trâu nhà Hoàng Văn Thuấn vướng phải, ngã lăn quay không cứu được. Thương nhà anh Rồng phải "đền" hơn 20 triệu đồng tội làm chết trâu nên khi xẻ thịt, bà con trong xã rủ nhau mua giúp, thế là bếp nào cũng thơm lừng, cả xóm vui như ngày hội.
Điện vẫn là nỗi lo thường trực của người dân Vũ Chấn
Người của hôm nay
- Làm trưởng nhóm không được cái gì cả. Hàng tháng còn phải có trách nhiệm đôn đốc thu tiền điện, cứ công tơ tổng mà nộp đủ, thất thoát trên đường dây cũng phải chịu đều như các hộ trong nhóm. Lại phải có trách nhiệm liên tục kiểm tra cột điện, đường dây xem có sắp gãy đổ không để kêu gọi bà con thay thế. Điện yếu, phập phù nhưng giá cao gấp đôi, bà con cũng cứ kêu ca với mình.
Nhân vui câu chuyện, bà Ma Thị Duyên phàn nàn vậy thôi, rồi lại xăng xái đi làm công việc "vác tù và hàng tổng". Vì dẫu sao, từ khi có điện, các nhà bớt khổ vì phải mang chè, thóc đi xa tới cả chục cây số để chế biến. Có điện, việc sản xuất cũng thuận hơn nhiều.
Vũ Chấn chủ yếu trồng lúa, trồng rừng, ít lúa nhưng nhiều rừng, trung bình mỗi nhà vài sào lúa, 7- 8 héc ta rừng phòng hộ. Cả xã có chừng 30 héc ta chè, năm nay trồng thêm khoảng 3 héc ta, 50% là chè cành. Chè Vũ Chấn chưa có tiếng, chưa làm giàu được. "Cây tiền" của các xóm vùng cao Vũ Chấn hiện nay, theo tiết lộ của Bí thư Tuyển là cây khoai my.
Tôi đã chịu khó tra cứu tài liệu và hỏi rất nhiều kỹ sư nông nghiệp nhưng không ai biết khoai my là cây gì. Theo miêu tả, thì họ gọi đó là cây khoai môn, hoặc khoai sọ. Loại khoai này do một doanh nghiệp ở Hà Nội liên kết với bà con xóm Dao, trồng lấy củ làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo. Hiện diện tích khoai khoảng 100 héc ta, trồng nhiều ở xóm Khe Rạ và xóm Cao Sơn. Hầu như toàn bộ đất ngô đã đổi sang trồng cây khoai. Bên cạnh hiệu quả kinh tế cao, việc phát triển cây khoai còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Có lợi nhiều nhất từ cây khoai my là gia đình ông Đặng Văn Tiến xóm Cao Sơn, năm 2013 thu hơn 200 triệu đồng, ông Tiến thấy cây khoai rất dễ trồng, doanh nghiệp cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua ngay tại bãi. Năm trước giá khoai ở mức 14 - 15 nghìn đồng/kg, nay giảm xuống 7 - 8 nghìn đồng vẫn có hiệu quả gấp đôi trồng ngô. Hầu như 70 hộ của 2 xóm đều có thu nhập hàng chục triệu đồng, nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng. So với những loại cây trồng khác, khoai my dễ trồng, dễ thích nghi, khoảng 8 đến 9 tháng thì cho thu hoạch, năng suất cao, chi phí thấp.
Trước đây, cuộc sống của nhân dân trong xóm gần như biệt lập với bên ngoài, do trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn; nông sản làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp. Để kiếm thêm "cái ăn", không ít hộ dân đã phải quanh năm lên rừng đốn cây, chặt củi… Song, từ khi phong trào trồng cây khoai my phát triển đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống của người dân. Nhờ trồng cây khoai, nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống, không phải lên rừng kiếm cái ăn như trước nữa. Việc học hành của con em cũng được quan tâm hơn rất nhiều.
Nói về chuyện học ở Vũ Chấn, người dân tất cả các xóm đều "khoe" thầy giáo mầm non Ma Đình Hiểu, như thể, chỉ riêng ở Vũ Chấn mới có một thầy giáo trẻ đáng yêu, đáng kính như thế. Gặp thầy Hiểu không khó khăn gì, vì hàng ngày, từ sáu giờ rưỡi sáng đến sáu giờ tối, thầy đều có mặt ở trường. Đó là một thanh niên cao ráo, sáng sủa, rất nho nhã và lịch thiệp.
Ma Đình Hiểu sinh năm 1982, năm nay 33 tuổi, đã có 2 con. Anh chọn nghề sư phạm mầm non khi không còn trẻ, bởi điều kiện gia đình làm ruộng rất khó khăn, cha mẹ già lại bệnh tật, đau yếu, học xong phổ thông, Hiểu là lao động chính trong nhà. Đến năm 2012, khi kinh tế gia đình tạm ổn, anh mới tiếp tục thi Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, hệ Trung cấp Sư phạm Mầm mon. Đón, chăm trẻ mỗi ngày, thầy giáo Ma Đình Hiểu thực sự là người cha của trẻ nghèo Vũ Chấn, bởi lẽ, hầu hết bọn trẻ đều là cháu con, họ hàng, người thân trong xóm, trong xã. Với mức lương tối thiểu 1.150 nghìn đồng, ngoài ra không có thêm thu nhập nào khác, các tháng nghỉ hè không có lương, trong khi với năng khiếu vốn có, nếu thầy tìm việc khác, lương cao cũng rất dễ dàng, song thầy Hiểu lại tự nguyện gắn bó với trường mầm non Vũ Chấn, làm công việc bằng cả trách nhiệm cùng tình thương yêu.
Hàng ngày, thầy gặp lại hình ảnh của mình trong chính những đứa trẻ vùng cao: nhút nhát, ốm đau, thiếu sự chăm sóc... Có cháu ra lớp còn chưa biết nói tiếng Kinh, ăn cũng khóc, ngủ cũng khóc. Người thân của các cháu thì mải mê công việc, thậm chí "phó mặc" nhà trường… Thầy từng gặp trường hợp có gia đình bận đi ăn cỗ, thầy giáo thấy muộn quá mới gọi điện nhắc đến đón con, đã không nhận lỗi thì chớ, gia đình còn quát tháo thầy giáo.
Những gì thầy cố gắng hôm nay, mục đích để bọn trẻ có một tương lai tốt hơn. Chính hoài bão ấy đã giúp thầy không mệt mỏi với việc rửa ráy cho trẻ, chăm sóc cho các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy tiếng Kinh, dạy học hát, múa, đọc thơ. Còn hơn cả một người mẹ, thầy Hiểu dạy các cháu biết giữ vệ sinh thân thể, thậm chí là chải đầu, tết tóc cho các cháu. Trẻ em rất nhạy cảm trước sự quan tâm và thương yêu của người lớn. Thế nên, thầy Hiểu dỗ trẻ rất tài, trẻ ở lứa tuổi mầm non thường khóc rất nhiều khi phải đến lớp nhưng riêng lớp của thầy, trẻ ốm cũng đòi ra lớp không chịu ở nhà.
Rất nhẹ nhàng, thầy giáo Ma Đình Hiểu tâm sự:
- Để thực hiện ước mơ của mình, em đã phần nào rất ích kỷ khi trút gánh nặng gia đình lên vai bố mẹ già và vợ. Nhưng mọi người cũng hiểu, công việc em đang làm là rất có ích cho con em trong xã, trong đó có cả con cháu của chính gia đình em nên luôn động viên em gắn bó với công việc. Em cũng tin, sự tận tâm của em và các thầy cô giáo đồng nghiệp sẽ góp phần giúp các cháu có một tương lai tươi sáng hơn thế hệ ông bà, cha mẹ.
Nhìn gương mặt những đứa trẻ sáng tươi, rạng rỡ, tự tin đùa chơi trên sân trường, chúng tôi rất hy vọng sớm gặp lại trong số đó những tấm gương làm kinh tế giỏi, những lãnh đạo cơ sở xuất sắc. Chắc chắn, khi đó trở lại Vũ Chấn, chúng tôi không còn được nghe Bí thư Đảng ủy xã thẳng thắn nhưng ngại ngùng nói rằng: "những yếu tố hạn chế phát triển kinh tế của xã hiện nay là do chưa tìm ra cơ hội thoát ly hình thức sản xuất tự cấp, tự túc do hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng cho phát triển sản xuất hàng hóa; Địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt không thuận lợi cho hệ số quay vòng đất; Chưa hình thành nếp nghĩ, cách làm mới, sợ thất bại..."
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...