Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:39 (GMT +7)

Việt Nam trong mắt một chàng rể Pháp

VNTN - Là một người xa xứ từ hàng chục năm nay, nhưng do công việc, tôi thường xuyên về Việt Nam, và mỗi lần quê hương đều gợi lên trong tôi vô vàn những cảm xúc! Lần này, tôi được chia sẻ cảm xúc ấy với người bạn đời của mình, anh Claude Constant, quốc tịch Pháp.

KÌ I: LỄ TRAO KỶ VẬT CHO BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

Claude Constant tự nhận mình là một “đứa con của Hà Nội”, và quả là như vậy! Anh đã yêu Việt Nam và đã đến Hà Nội từ trước khi quen tôi. Đông đảo dân chúng Pháp đều biết hoặc nghe tên Việt Nam! Với các thế hệ trước đây, họ quen hơn với cái tên Đông Dương, một đất nước nhỏ bé xa xôi ở bên kia bán cầu, và cái tên này luôn khiến họ tò mò bởi những phiên bản trái ngược: Với các nhà cầm quyền Pháp thì đó là một nơi hoang dã, và ẩn dưới chiêu bài “khai phá văn minh” họ đã đến để đô hộ khai thác và bóc lột dân chúng bản địa, còn những ai ưa phiêu lưu, họ đến để khám phá, với các nhà trí thức văn sỹ thì thấy Việt Nam là một quốc gia văn minh, có một lịch sử lâu đời với một nền văn hóa tinh hoa kéo dài từ nhiều thế kỷ và đã có rất nhiều các tác phẩm đã được ra đời trong thời kỳ này. Với những người yêu chuộng hòa bình thì họ phản đối cực lực hai cuộc chiến tranh trường kỳ và đẫm máu diễn ra tại Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ. Tại Pháp trong thời kỳ đó, có vô vàn những cuộc mít tinh biểu tình chống chiến tranh và ủng hộ dân tộc Việt Nam và đòi hòa bình. Và dạo đó, dẫu chỉ còn là học sinh, Claude Constant đã có mặt trong những cuộc biểu tình trên thành phố quê hương anh - thành phố Perpignan, nằm ở miền cận tây nam nước Pháp, giáp với Tây Ban Nha.

 

Vợ chồng ông Claude Constant (đứng giữa) cùng nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên(bên trái) với vai trò kết nối để bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh được trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (9/2019)

Sau hơn một thập kỷ không đến Việt Nam do công việc và cũng do bố mẹ anh đã cao tuổi nên anh không dám xa nhà lâu, nên đến Việt Nam lần này (tháng 9-2019), anh đã rất ấn tượng trước sự đổi thay của đất nước nhỏ bé xinh xắn, “quê hương thứ hai của anh!”. Claude Constant đến Hà Nội lần đầu tiên từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, anh kể rằng đã ngất ngây trước một Hà Nội an bình và không thiếu phần lãng mạn của nhà Thủy Tạ, Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo… Những quán cà phê chật hẹp với mấy cái ghế đẩu nhưng hương vị cà phê thì tuyệt trần! Anh đã bồi hồi khi ngắm những tòa biệt thự kiểu Pháp vẫn còn nguyên trạng lấp ló đằng sau những tán cây xum xuê. Anh đã lang thang hàng tuần tại Hà Nội, các Nhà Bảo tàng, các khu Phố Cổ và những con hẻm nhỏ của Thủ đô, anh khám phá làng Vạn Phúc trong Hà Đông với các nhà dệt lụa tơ tằm theo lối thủ công, anh ngây ngất trước đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và vô cùng thích thú khi được một người bạn dẫn đến một xưởng sản xuất sơn mài, và anh đã mua một bộ Bốn mùa, giờ vẫn được treo tại phòng khách nhà chúng tôi tại Paris. Có thể nói ngày ấy anh còn thông thạo Hà Nội hơn tôi! Còn lần này, tôi đã là một hướng dẫn viên kỳ cựu và người “lái xe ôm” mẫn cán của anh.

Đặc biệt hơn, trong lần hồi hương này, chúng tôi đã có một xứ mệnh: trao tặng kỷ vật của cựu binh Pháp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội! Có lẽ nên điểm qua đôi lời về sự kiện này. Đó là nhân đợt kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có loạt bài trên Văn nghệ Thái Nguyên, về hồi ức và suy nghĩ của những người lính “ở chiến tuyến bên kia” đã từng tham chiến tại đây. Chủ đề khá thú vị và phải thú nhận rằng trong cuộc đời viết văn và làm báo của mình, đã từng phỏng vấn khá nhiều nhân vật, nhưng đợt làm phóng sự này đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng và những cảm xúc đặc biệt. Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, vết thương trên thịt da của mỗi người hẳn đã lành lại, mối quan hệ hai nước Pháp - Việt đã dần lấy lại thế thăng bằng và phát triển theo hướng tích cực, nhưng hồi ức của những người đã từng sống tại “hiện trường” thì vẫn thế: sống động, nóng hổi! Những chiến binh trẻ trung đầy nhiệt huyết xưa kia thì nay đã trở thành những cụ già trên dưới 90 tuổi. Và tôi đã chứng kiến những giọt lệ đặc quánh rịn ra trên gò má già nua qua năm tháng của những người lính già, tôi đã nhận thấy toàn thân họ rung lên khi nhắc lại những giờ phút khắc nghiệt ấy.

 

Cùng vợ cà phê vỉa hè Hà Nội

Ông Pierre Flamen, một cựu chiến binh - nhân vật của tôi - đã gây cho tôi nhiều ấn tượng. Ông kể, vào năm 1949, trong một lần “đi dạo” ở Nghĩa Lộ, trong khu vực do Việt Minh kiểm soát, vô tình ông đã tìm thấy một bức tranh Hồ Chủ tịch được dán trong một cái lán giữa rừng nứa, và ông đã bị ấn tượng bởi “nét vẽ đơn giản nhưng tinh tế, vài nét phác họa của tác giả nhưng lột tả được thần thái của vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…”. Ông đã cẩn thận gỡ bức tranh, cuộn lại, đem về đơn vị và trong một dịp về Pháp, ông đã đem theo mình. Bức tranh đã được ông trân trọng lưu giữ từ đó và hiện giờ ông muốn trao tặng cho Việt Nam. Dẫu có hơi tiếc vì ông rất quyến luyến bức tranh, nhưng theo ông, bức tranh xứng đang có một vị trí trong một nhà bảo tàng, hoặc chí ít, nó phải được trao trả lại cho Việt Nam!

Có mặt trong buổi ông Pierre Flamen trao bức tranh cho tôi tại nhà ông tại thành phố Montreuil, chồng tôi đã rất xúc động trước câu chuyện của người lính già, anh ngưỡng mộ trí nhớ thần kỳ của ông khi chỉ cho chúng tôi xem trên tấm bản đồ những nơi ông đã từng ở và nơi ông đã tìm thấy bức tranh ấy… Đi cùng tôi trong buổi trao tặng món kỷ vật đặc biệt này cho Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh đã rất ấn tượng trước sự trang trọng của buổi lễ, nhưng không ngạc nhiên, bởi theo anh, sự kiện này đáng được như thế. Trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam, anh nói: “Tôi đã rất xúc động trước câu chuyện của ông Flamen khi gặp ông ấy. Ông ấy chắc chắn là một nhà quân sự, nhưng ngoài chuyện đó, thì ông còn là một con người đầy tình nhân ái và đánh giá rất cao Việt Nam. Sau đó là niềm đam mê của ông dành cho nghệ thuật và những bức tranh và chúng đã theo ông suốt cuộc đời…”. Và anh thấy rằng quả là kỳ diệu, bởi trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt là thế nhưng người chiến binh Pháp vẫn nhận ra giá trị hiển nhiên của bức tranh và đã lấy rồi cất giữ từ cuối những năm 1940. Là một người đam mê hội họa, anh nhận xét: “Về cá nhân tôi rất hoan hỉ khi thấy ông Flamen tặng lại bức tranh này cho Hà Nội, Việt Nam. Đây là một bằng chứng của một chiến binh mà ngoài cuộc chiến tranh, ngoài tất cả những gì mà ta có thể nghĩ thì ông đã gìn giữ được một tác phẩm nghệ thuật”. Theo Claude Constant, có hai điều cần nói trong sự kiện trao tặng này và anh có cùng suy nghĩ với ông Flamen, đó chính là giá trị của bức tranh họa mà ông đã hiểu được và lưu giữ. Thứ hai là việc ông ấy đã tặng lại cho Việt Nam. Anh chia sẻ: “Là một người Pháp, tôi chỉ thấy vui mà thôi. Tại sao ư? Tại vì chúng ta đang ở thời kỳ cách cuộc chiến hơn sáu chục năm, đã đến lúc hai nước chúng ta cần trao đổi những giá trị văn hóa cho nhau, thay đổi tất cả những gì mà chúng ta đã có trong lịch sử trước đây để xây dựng một tương tai. Tôi thấy quả là kỳ diệu khi một người lính Pháp lưu giữ một bức tranh, mà tuy nhiên, đó là chân dung một kẻ thù không đội trời chung với nước Pháp ở giai đoạn ấy, và hiện giờ lại là người mang đến niềm hi vọng nhiều nhất giữa hai quốc gia, và theo tôi, việc một cựu binh Pháp tặng lại bức tranh này cho Việt Nam là biểu tượng của sự hòa giải và sự tái tạo cần thiết giữa nước Pháp và Việt Nam, hai quốc gia đã có rất nhiều chuyện liên hệ với nhau và hiện tại, điều hiển nhiên sẽ là hợp tác với nhau để cùng phát triển tiến tới tương lai”.

 

Ông Claude Constant tự nhận mình là một đứa con của Hà Nội

Sau buổi lễ trao tặng tranh, anh đã cùng tôi đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh với sự hướng dẫn của một nữ thuyết minh viên trong tà áo dài duyên dáng và đương nhiên tôi trở thành một phiên dịch tự nguyện. Anh đã rất xúc động được nghe những câu chuyện, những giai thoại và nhất là những hình ảnh về sự xuất thân, quê hương, nhất là cuộc đời và chặng đường đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cha đẻ của nền độc lập dân tộc Việt Nam. Anh thổ lộ với tôi: “Anh cứ nghĩ đã biết nhiều về Việt Nam, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều điều mà anh phải khám phá…”.

Chúng tôi đến thăm Chùa Một Cột nằm cạnh Bảo tàng, đây vốn là nơi yêu thích của anh và trong mỗi lần anh đến Hà Nội trước đây, chúng tôi đều đến thăm viếng. Kiến trúc Chùa Một Cột thật đặc biệt khiến khách phương Tây mê mải, nhưng anh nhận thấy đã có sự trùng tu khiến “ngôi chùa đã mất đi đôi chút thâm nghiêm cổ kính xưa kia…”, anh nhận xét. Kế đến chúng tôi đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hôm đó đúng ngày khai trường nên Học viện Chính sách và Phát triển đã mượn nơi đây để khai giảng và trao bằng thạc sỹ cho các khoa. Nhiều nhóm sinh viên đã xúm quanh anh. Đầu tiên chỉ là hỏi chuyện, sau đó chắc thấy các câu hỏi thú vị, anh liền trổ tài giáo sư của mình (ngoài việc là kỹ sư trong một tập đoàn công nghiệp danh tiếng của Pháp, Claude Constant còn là chuyên gia được mời đi giảng dạy ở các trường Đại học Pháp và Quốc tế). Anh nói say sưa, như thể họ chính là các sinh viên của anh, và các bạn trẻ rất chăm chú lắng nghe. Tôi đứng xa xa đợi anh nhưng không hề sốt ruột, mà ngược lại, thấy vui vui… Sau đó anh nói với tôi: “Các bạn sinh viên Việt Nam ấy thật thông minh, đã đặt những câu hỏi rất xác đáng”.

Một ngày làm việc khá xúc động, nhưng đó chỉ là phần đầu trong chuỗi ngày anh trở lại “quê hương thứ hai của anh”, những gì đang chờ đợi anh còn nhiều và không kém phần thú vị.

(Còn nữa)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước