Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:26 (GMT +7)

Về với miền xa ngái A Pa Chải

VNTN - Lần lữa mãi rồi chúng tôi cũng thực hiện được mơ ước lên với A Pa Chải, đỉnh cao 1864 mét, là điểm cực Tây của Tổ quốc. Nơi có cột mốc số 0 gồm 3 mặt: Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”…



Đó là một ngày Tây Bắc nắng ráo mây trời xanh thẳm giữa tháng 5 năm 2018. Chỉ nghĩ đến việc sẽ được áp mặt xuống mảnh đất địa đầu Tổ quốc nơi cột mốc số 0, ngắm nhìn mặt trời ở điểm lặn cuối cùng của Tổ quốc ở cực Tây; chỉ nghĩ đến việc sẽ được gặp các chiến sỹ biên phòng lấy đồn là nhà, coi biên giới là quê hương, đằng đẵng bám trụ; gặp đảng viên mẫu mực, là trụ cột của dân tộc Hà Nhì, Pờ Dần Xinh mấy chục năm cùng với đồng bào dân tộc mình vượt bao khó khăn, gian khổ, xây dựng cộng đồng, xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, giữ gìn sự bình yên một dải biên cương huyện Mường Nhé, Mường Tè; để chiêm nghiệm sự lao động gian nan của anh em báo chí mà chưa nhiều lắm phóng viên lên đây… là chúng tôi đã phấn chấn, quên mệt nhọc.

Đội trưởng trinh sát và cuộc luồn rừng ngoạn mục

Chặng đường 280 km từ thành phố Điện Biên đi huyện Mường Nhé quanh co, gập ghềnh do đường xuống cấp và đang mở rộng. Có một đồng chí bộ đội biên phòng tên Lê Trung Tuyến vẫy xe xin đi nhờ từ Mường Chà đầu đường 4D, anh bảo: Đi A Pa Chải gian nan đấy, phải qua Mường Chà, huyện lỵ Mường Nhé, Chung Chải, Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn- Ta Kồ Kừ, Đồn biên phòng 317 A Pa Chải. Còn muốn lên mốc số 0 còn phải đi hơn 10 km ngược dốc và luồn rừng rậm dăm cây nữa…

Đoàn chúng tôi được chỉ huy và chiến sỹ Đồn biên phòng A Pa Chải đón tiếp nồng ấm và chỉ dẫn tận tình. Bằng kinh nghiệm ở rừng, chính trị viên Đồn, thượng tá Vũ Đình Bính gợi ý đi mốc số 0 ngay vì trời nắng đẹp, rừng ít vắt. Các anh cử trung úy Đội trưởng trinh sát Chang Khồ Chừ, người con dân tộc Hà Nhì sở tại lại thông thạo địa hình đưa đi. Hội Nhà báo Điện Biên đã chuẩn bị xe gầm cao rồi nhưng 10 km đường rừng dốc ngược không hề dễ dàng. Đường mòn quanh co, bên vách núi, bên vực sâu thăm thẳm, nhiều đoạn thót tim. Chang Khồ Chừ bảo:

- Thực ra bây giờ mới hình thành con đường nhỏ để lên mốc số 0, trên đỉnh núi Khoang La San hùng vĩ. Con đường rừng lại đang trong giai đoạn thi công nên khó khăn là vậy. Muốn lên phải điện đàm xem có xe xuống hay không, thành ra lâu các bác ạ. Mai này có đường lên gần cột mốc, sẽ có nhiều người chinh phục được cột mốc số 0 xa vời này…

Đội trưởng trinh sát Chang Khồ Chừ

Rồi cũng đến lúc chúng tôi bỏ ô tô lại để tiếp tục luồn rừng, leo bộ. Lúc đầu là luồn trong rừng già âm u, um tùm cây lá. Rồi lên gần đỉnh gặp những vạt sim mua đang mùa hoa tím ngắt, đỏ ối. Tiếng rừng thở, suối reo, chim hót trên đỉnh Khoang La San khiến lòng chúng tôi trào dâng niềm tự hào…

Chang Khồ Chừ kể chuyện: Sống với rừng, với núi, luồn rừng mãi thành quen. Cũng như dân Hà Nhì các anh ngày xưa chủ yếu là đi bộ, luồn rừng. Đồn biên phòng A Pa Chải của các anh đóng quân trên địa bàn xã Sín Thầu, xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, được giao nhiệm vụ quản lý 35,5 km đường biên thuộc 2 cạnh: Việt Lào và Việt Trung. Bộ đội biên phòng và dân là một khối thống nhất. Công việc của biên phòng hòa quyện với công việc của nhân dân…

Thế rồi chúng tôi cũng đã lên tới cột mốc số 0, trên đỉnh Khoang La San ở điểm cao gần 1.864 m so với mặt nước biển. Mốc số 0 nằm ở tọa độ 22 độ 23 phút 59 giây độ vĩ bắc; 102 độ 8 phút 42 giây độ kinh đông. Cột mốc số 0 được hoàn thành vào năm 2005, là cột mốc chủ quyền quốc gia có giá trị trường tồn mãi mãi. Cột mốc số 0 hay A Pa Chải đang được đầu tư để phát triển kinh tế và du lịch, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cột mốc nằm trên một bệ bê tông ốp bằng đá hoa cương vững chãi, cao 2m, có 3 mặt: Hướng tây là CHDCND Lào, đông nam là CHXHCN Việt Nam; bắc là CHND Trung Hoa… Từ đỉnh ngọn núi Khoang La San, phóng tầm mắt nhìn ra 3 hướng, núi ấp mây điệp trùng, hiện lên dáng hình một cửa khẩu biên giới, nơi giao thương của 3 nước trong tương lai gần, lòng trào dâng sự biết ơn những người không tiếc sức, quên tuổi trẻ từng ngày, từng giờ lo gìn giữ một dải biên cương xa ngái mà thanh bình này.

Đồn trưởng - thiếu tá Phạm Văn Hiệp, Chính trị viên, thượng tá Vũ Đình Bính mời đoàn ăn cơm tối và ngủ lại Đồn biên phòng A Pa Chải. Cơm bộ đội vui vì các món ăn đều tăng gia được. Rau tươi, cá suối, thịt trâu treo gác bếp của đồng bào biếu… Các anh quen với sự tĩnh lặng nơi thâm sơn, cùng cốc nên cũng kiệm lời trong trò chuyện. Với đồn, chiều dài 35,5 km đường biên lại giáp 2 nước bạn, tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời là công việc khó nhưng các anh đã làm tốt, rất tốt…Các anh cho biết: Sở dĩ Đồn A Pa Chải luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là do được dân các bản của Sín Thầu gắn bó, giúp đỡ. Một phần nữa là công sức của quân dân trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống no ấm, văn hóa trong sáng. Xã Sín Thầu là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn, có 300 hộ dân, 1350 nhân khẩu, chủ yếu người Hà Nhì. Vài năm trước, hơn 80% là hộ nghèo thì năm 2018 chỉ còn hơn 30%. 3 bản giáp biên giới là Tá Miếu, Pờ Nhù Khổ và Tả Khô Ky thì 100% hộ dân ký kết với bộ đội biên phòng thực hiện tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, ngăn chặn xâm canh, xâm cư, buôn lậu, phá rừng… Sín Thầu thực sự là điểm sáng trong xây dựng đời sống mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tôi được bố trí ngủ đêm tại chiếc giường rộng 1m của một bộ đội biên phòng đêm nay đi tuần tra biên giới không về. Ngày nắng, tối oi nóng, đêm về sáng se lạnh. Chiếc quạt trần Vinawind mặc dù đã kêu cọt kẹt khá to nhưng không át nổi tiếng côn trùng ra rả phía bìa rừng sau nhà.

Niềm vui của cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng bản Hà Nhì A Pa Chải là: Đã cùng đảng bộ và chính quyền xã Sín Thầu chuyển nỗi buồn bốn không (không: Điện, đường, trường, trạm) xưa, thành niềm vui bốn không nay (không có nghiện, không phá rừng, không di cư và không truyền đạo trái phép).

Trò chuyện cùng đảng viên mẫu mực Pờ Dần Xinh.

Được báo có đoàn nhà báo về Sín Thầu, đang có mặt tại Đồn biên phòng 317 A Pa Chải, ông Pờ Dần Xinh tự lái chiếc Mitsubitsi 7 chỗ đã cũ (ông vừa lấy bằng lái để đi cho thạo rồi mới mua xe mới), đem theo cả chai rượu ngâm lâu năm từ rễ cây thuốc quý lấy trên đỉnh Khoang La San chiêu đãi các nhà báo. Tuổi đời trên dưới sáu mươi nhưng con người luôn sống cùng núi rừng này to khỏe, nhanh nhẹn và đầy ắp sự đôn hậu. Ông giải thích họ tên mình theo ý nghĩa của tiếng Hà Nhì rằng Pờ là thơm, cái thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng của hoa rừng, hương núi, Dần (còn gọi là Dề) là bay lên, còn Xinh là cao xa. Có nghĩa là núi thơm của đại ngàn bay cao, bay xa. Ông bảo: Pờ Pố Chừ cha ông - người đảng viên, bí thư chi bộ đầu tiên của vùng ngã ba biên giới này cũng là người hay chữ đã đặt tên con như vậy. Còn xa xưa, tổ tiên ông lấy chữ thơm làm họ với hy vọng tiếng thơm của dòng họ bay cao, bay xa mãi.

Tác giả (bên phải) trò chuyện với đảng viên Pờ Dần Xinh

Thượng tá Vũ Đình Bính, chính trị viên đồn A Pa Chải giới thiệu:

- Có rượu ngon, việc lớn đều phải có mặt Pờ Dần Xinh, lúc trên đồn, lúc dưới bản. Những năm ông làm bí thư, chủ tịch xã Sín Thầu cũng vậy mà bây giờ chỉ làm Bí thư chi bộ bản Tả Kố Kừ cũng thế. Đảng viên trung kiên, lãnh đạo giỏi, học giỏi mà làm kinh tế cũng tốt. Ông có trang trại nuôi trâu bò trong rừng, trang trại nuôi cá trong thung cách nhà cả chục cây số, có nhiều khách đến là lùa bò về thịt, có thức ăn nhắm rượu đãi khách…Anh Bính thông tin tiếp:

- Pờ là dòng họ Hà Nhì nổi tiếng khắp núi rừng Tây Bắc này. Sở dĩ suốt từ sau giải phóng Tây Bắc khỏi kìm kẹp của Pháp đến nay vùng đất này yên ả, cuộc sống thay đổi là có sự đóng góp to lớn của dòng họ Pờ, trong đó Pờ Dần Xinh là một trong những đảng viên trung kiên.

Ông Pờ Dần Xinh tiếp lời:

- Hơn 60 năm trước, vùng đất này hoang vu, hẻo lánh lắm. Đi về tỉnh lỵ Lai Châu mất cả tháng trời vì phải luồn rừng 300 cây số. Bố ông- chàng thanh niên Hà Nhì tên là Pờ Pố Chừ ở bản Tả Lao San đi giúp bộ đội đánh Tây giải phóng Tây Bắc, rồi năm 1959, đồn biên phòng Leng Su Sìn thành lập, cử cán bộ xuống bản vận động. Pờ Pố Chừ cùng các thanh niên Pờ Xừ Pao, Lý Nhù Xá, Chang Pố Hừ… thành lập chi bộ Đảng đầu tiên nơi ngã ba biên giới. Từ đấy, nhất nhất mọi công việc đều do Đảng lãnh đạo, đặc biệt là các cuộc vận động định canh, định cư, phá bỏ việc trồng cây thuốc phiện. Dần dần, ông Pờ Pố Chừ làm phó chủ tịch xã Sín Thầu. Ông có 11 người con, 7 người trong số đó đã trở thành đảng viên. Ông Pờ Dần Xinh là con thứ 6 trong nhà. Năm 1983, Pờ Dần Xinh là người đầu tiên của Sín Thầu lên tỉnh học hết cấp III, làm bí thư đoàn xã, được kết nạp vào Đảng, là người gương mẫu đi đầu mọi mặt, đặc biệt là việc khó như: Vận động người nghiện trong xã cai nghiện tập trung, hướng dẫn đồng bào trồng lúa, nuôi cá, nuôi bò, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no. Chuyện cai nghiện, phá bỏ cây thuốc phiện đã lùi vào dĩ vãng buồn từ vài chục năm nhưng việc giữ để không tái nghiện, không có người nghiện mới, để Sín Thầu là xã không có người nghiện hiện nay là một kỳ tích. Cũng như việc cả nhà ông Pờ Dần Xinh ai cũng được đi học, anh chị em ông và các con cháu ông hiện nay đều như vậy.

Sớm hôm sau, ông Pờ Dần Xinh mời đoàn chúng tôi xuống bản Tả Kố Kừ, qua trang trại rồi về thăm gia đình ông. Trong căn nhà khá rộng kiên cố, ông Xinh giới thiệu về cái tổ chim yến trên xà nhà. Tổ chim yến ở với gia đình ông 10 năm có lẻ, ông bà coi đó là sự may mắn cho gia đình và dòng họ Pờ.

Vừa là lãnh đạo xã lâu năm, vừa là tấm gương sáng cho bà con Hà Nhì, năm 1994, Pờ Dần Xinh đã là Chủ tịch xã Sín Thầu. Đến năm 2006, ông giữ chức bí thư rồi bí thư kiêm chủ tịch xã từ năm 2009 đến năm 2016. Ở vị trí nào ông cũng như vậy, hăng hái, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm vì quê hương, vì đồng bào Hà Nhì của ông. Gia đình Pờ Dần Xinh có 5 người con, ông đều cho ăn học và nay đều trưởng thành: 1 cán bộ văn phòng xã Sín Thầu, 1 bí thư huyện đoàn Mường Nhé, 1 công an huyện Mường Nhé, 1 công an tỉnh Điện Biên, người con út cũng chuẩn bị hoàn thành chương trình chuyên nghiệp và ra công tác. Ông có mấy trang trại giữa rừng sâu, nuôi cả chục con trâu bò rồi các ao cá, vườn rừng… Cuộc sống ổn định và dư giả.

Ông bảo với chúng tôi: Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, người Hà Nhì nơi rẻo cao biên giới từ chỗ tăm tối, khổ cực trăm bề đã đổi đời từ mấy chục năm qua. Làm lãnh đạo, mầy mò cách làm ăn, chiêm nghiệm cuộc đời ông thấy có 2 điều mừng; đó là xóa bỏ được tệ nghiện hút, mù chữ và tổ chức được phong trào xây dựng quê hương, xây dựng tổ chức Đảng với số lượng đảng viên ngày càng lớn... Đến lúc này, ông thấy cũng cần lùi lại phía sau để lớp trẻ đảm nhận trọng trách, còn ông thì dành thời gian cho công việc đang theo đuổi đó là tiếp tục sưu tầm, tích lũy, hệ thống lại để bảo tồn văn hóa, văn nghệ, phong tục tập quán riêng có ở người Hà Nhì. Năm 2016, ông đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian, đó là nguồn động viên to lớn để ông tiếp tục công việc có ý nghĩa này.

Chúng tôi chia tay ông bà Pờ Dần Xinh, Xừng Kim Thu tạm biệt bản Tả Kố Kừ, tạm biệt A Pa Chải để xuống núi trở về với công việc thường nhật của mình nơi đồng bằng. Ông bà Xinh lưu luyến, xúc động tặng chúng tôi chai mật ong khoái được lấy được từ đại ngàn Khoang La San. Nó sóng sánh, vàng ươm và thơm man mát. Tôi nghĩ không thể tìm chai mật ong nào chất hơn như thế bởi nó đã được chắt chiu từ tinh túy của rừng, tinh chất của núi, của cây cỏ, hoa lá, từ tấm lòng thơm thảo, mến khách của những con người thuần chất đến tinh khiết, nơi ngã ba biên giới xa ngái còn nhiều gian khổ này.

Ông Pờ Dần Xinh cứ dặn đi dặn lại: Mời các nhà báo cứ lên với Sín Thầu, lên để thấy bà con Hà Nhì luôn một lòng theo Đảng, tin Đảng, xây dựng quê hương, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng ngàn đời của Tổ quốc… Còn chúng tôi - những nhà báo Hữu Minh, Kim Chi, Thu Hương, Sơn Hải đã có tên trong danh sách ít ỏi của giới báo chí đã một lần có mặt tại A Pa Chải, Sín Thầu

Hữu Minh


0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước