Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:09 (GMT +7)

Về với mẹ thôi

KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17/2/1979 - 17/2/2019)

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của nhân dân ta đến nay đã tròn 40 năm (17/2/1979 - 17/2/2019). Kí ức của những người từng chứng kiến vẫn còn in đậm những tháng ngày đầy khói lửa, đau thương mất mát nhưng rất đỗi oanh liệt ấy.

Nhìn lại quá khứ để thấy được giá trị của hòa bình, để cùng hướng đến một tương lai ôn hòa, không có chiến tranh, không còn nước mắt. VNTN số 7 trân trọng gửi đến bạn đọc những trang ký ức và văn chương về cuộc chiến đấu không thể nào quên này.

Tôi trở lại biên giới sau nhiều năm rời xa. Nhưng lần này, không phải chỉ là một cuộc trở về, thăm người thân, bạn bè, lấp đầy những ô trống nhớ nhung thương mến, mà đau đáu và nặng trĩu một điều gì đó rất khó nói thành lời.

Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ CHQS tỉnh HG ngược núi tìm đồng đội

Bốn mươi năm trước, khi tiếng súng đầu tiên nổ ở biên giới, tôi còn chưa vào lớp một. Và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc tưởng như chớp nhoáng mà hóa ra kéo dài cho đến tận khi tôi đã vào cấp ba. Suốt mười năm ấy, chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên, đến trường, làm đồng, làm vườn, chăn bò chăn dê giúp bố mẹ trong tiếng đạn pháo đì đùng liên miên. Trong hình dung của tôi, trí nhớ của tôi, rõ nhất là tiếng đạn pháo. Từ sáng đến tối. Nhà tôi cách cái “Lò vôi thế kỉ” chỉ hơn 20km. Nơi bộ đội dừng chân trước khi lên chốt. Các chiến sĩ mới tăng cường cho biên giới thường dừng lại vài ngày ở làng tôi, chia ra mỗi nhà năm bảy anh, nhà nào rộng thì một hai chục anh. Chỉ vài ngày thôi, nhưng lúc chia tay ai cũng bịn rịn. Mẹ tôi luôn đứng ở ngõ, dặn dò từng người từng người một. Hầu hết trong số họ, không nhớ là mấy chục mấy trăm người đã từng dừng chân ở nhà tôi, chúng tôi không gặp lại. Nhưng đôi khi, một trong số những thương binh nằm trong trạm xá mà bọn học trò trẻ con được các thầy cô giáo dẫn đến thăm, hát cho các anh nghe, đã nhận ra tôi. Anh nằm đó, băng trắng toát, một chân cụt đến đầu gối, miệng mỉm cười. Bé Hà phải không? Em có nhận ra anh không? Tôi lắc đầu. Anh là Trường, anh người Nam Định, anh ở nhà em hồi tháng… Tôi láng máng nhớ ra, nhưng không dám khẳng định. Băng trắng đang quấn quanh hàm anh, chỉ còn đôi mắt là thấy rõ.

Tôi, cũng như lũ bạn trẻ con, không thể hiểu thấu sự khốc liệt của cuộc chiến đấu này. Chúng tôi vẫn ngày ngày đến lớp, nô đùa, chạy nhảy, trốn học, cãi giả, và ngủ gật… Đủ mọi trò khiến thầy cô phát điên.

Những người lính đã tham gia cuộc chiến đấu dài 1 thập kỉ ấy, ra đi từ rất nhiều những ngôi làng giống như làng tôi. Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang… Người lính đặc công năm nào nay là một cựu chiến binh đã nghỉ hưu mà chúng tôi gặp ở Tuyên Quang là một người vẫn giữ nguyên khí chất của một người lính. Hào sảng, thẳng thắn, chân thành. Anh dành nhiều thời gian để nói về những người đồng đội đã ngã xuống. Có người trước khi ra trận còn nói: Em nghĩ là em sẽ bị thương trong trận này. Nhưng nhất định anh phải cho em tham gia. Và anh ấy bị thương thật. Rất nặng. Có người đã hi sinh, và nằm trong nghĩa trang ngay trong khuôn viên nhà máy Z113 của Tổng cục CNQP. Anh ấy tên Bình. Nguyễn Thanh Bình, hi sinh ngày 31 tháng 5 năm 1984. Gương mặt anh trong tấm ảnh ố vàng còn nguyên vẹn nét khôi ngô, hiền lành, dễ gần. Anh Bình nằm bên hai bụi hoa hồng cao hơn đầu người, đang trổ những bông trĩu nặng trong mưa phùn bay lây phây. Tinh khiết như tuổi thanh xuân năm nào anh đã để lại biên giới xa xôi kia.

Tôi thực sự không muốn khơi dậy nỗi đau trong những người đang sống, nhưng ngập tràn trong tôi là cảm giác xúc động, nghẹn cổ, khi đi những bước chật vật trên ngọn núi đã thành lò nung vôi năm nào. Rất gần lối chúng tôi đang đi, thực ra là chả có lối nào cả, bộ đội bước vào đâu tôi bước vào đấy, là những cột mốc nửa trắng nửa đỏ, sơn dòng chữ: Mốc RPVC (Mốc rà phá vật cản). Phía sau cái mốc ấy là vùng chưa an toàn. Bộ đội công binh vẫn đang tiếp tục công việc, chưa biết đến bao giờ mới xong. Những vách núi dựng đứng, những hốc đá, những khe sâu, những cái hang bị sập; Nơi là rừng lim ba bốn người ôm năm nảo năm nào, năm sáu thập kỉ trước, sau một tháng đạn pháo đã hoàn toàn biến mất… Ai có thể dám chắc được là còn lại bao nhiêu “vật cản” trên những vách núi kia.

Những người lính đã nằm lại hang sâu này suốt hơn 3 thập kỉ

Hài cốt bộ đội ta vẫn còn nằm trên đó, phải rà phá xong thì mới có thể tiến hành tìm kiếm tiếp. Chúng tôi chỉ có thể đặt chân đến những nơi mà các anh đã được đồng đội tìm thấy, và đưa về “nhà”. Nhà là quê hương, cha mẹ, là các nghĩa trang ở khắp đất nước này. Trong những ngách hang hầu như không thấy ánh sáng mặt trời, vẫn còn đấy những dòng chữ khắc trên đá. Ngày, tháng, kỉ niệm, tên đơn vị, tên người. Một ít vỏ đồ hộp; cát tút đạn; mảnh chăn chiên… Là những thứ mà đội quy tập không thể mang về hết được. Tôi cảm thấy hơi ấm, và cảm thấy hơi lạnh. Hơi ấm của những cơ thể thanh niên trai tráng, tâm hồn mộng mơ và nỗi nhớ nhung khắc khoải một đôi mắt nào đó sau khung cửa gửi gắm ngày các anh lên đường; hơi lạnh của sự từ biệt, cách trở hai thế giới. Nhưng kì lạ là tôi không thấy sợ. Giờ đây, nghĩ lại tôi vẫn không thấy sợ. Phải chăng là vì tôi cảm thấy họ, những người đã từ biệt thế gian ấy, đã thật thanh thản khi ra đi? Phải chăng vì tôi cảm thấy họ đều đã từng ở lại nhà tôi vài ngày trước khi lên chốt, và tặng lại cho em bé bảy tám tuổi một con hạc giấy gấp trên tờ giấy học sinh? Tôi ngồi lặng trong góc hang, và hình dung về những người đã từng nằm, ngồi ở đây. Họ đã nói những gì với nhau? Đã trải qua những ngày đêm như thế nào?

Một trong những di vật khiến tôi sững sờ nhất khi nhìn thấy ở phòng thờ các liệt sĩ tại Đội quy tập, là đôi dép nhựa Tiền Phong. Chiếc bên phải chi chít vết hàn trên quai, chiếc bên trái thậm chí không còn quai, anh bộ đội nào đó đã dùng dây thông tin để làm quai dép.

Anh Tuấn, người cựu chiến binh ở Tuyên Quang mà chúng tôi gặp lúc trước, nói rằng những ngày tháng ấy, hai đầu đất nước đều có tiếng súng, khó khăn vô cùng, bộ đội trên chốt thường chỉ ăn cơm với mắm tôm. Lấy một viên mắm tôm bằng đầu đũa, đặt lên than, đợi nó chín rồi ăn một miếng cơm. Bộ đội đóng quân tít trên đỉnh núi, không có nước, phải đi xuống tận chân núi gùi nước lên nấu nướng. Đi một ngày mới gùi được một can nước.

Tôi nhớ, có một anh bộ đội khi hết nghĩa vụ, được về quê, ghé qua nhà thăm bố mẹ tôi. Anh ấy tên Tuất. Có lẽ anh tuổi Tuất. Anh Tuất trước khi tặng tôi một món quà còn phải hỏi xin ý kiến bố mẹ tôi. Đấy là một chiếc lược, được anh làm từ vỏ một quả đạn pháo, màu bạc, khắc hình một cô gái có bộ ngực tròn trĩnh như một vũ nữ, và dòng chữ “Làng Lò 1986”. Năm ấy tôi 11 tuổi.

Tôi đôi lúc nhớ lại những năm tháng ấy, chỉ ước rằng mình được sinh ra sớm hơn. Không phải để tham gia chiến đấu, nhát gan lại yếu ớt như tôi thì chẳng làm được cái trò trống gì, vướng chân các anh, mà để có thể hiểu hơn, cảm nhận đầy đủ hơn, biết quan sát hơn về những gì mà mình được chứng kiến. Hiểu cho đúng, nhận diện cho thật đúng về cuộc chiến đấu này cũng là trách nhiệm của những người còn sống đối với đất nước, tôi nghĩ chân thành thế.

Di vật liệt sĩ để lại và Mốc rà phá vật cản do lực lượng công binh dùng để đánh dấu vùng an toàn sau khi rà phá

Chiều xuống rất nhanh trên những ngọn núi. Chúng tôi bị các anh giục phải nhanh chân xuống núi, vì ở rừng trời tối trong chớp mắt. Bên tay phải chúng tôi, những ngọn núi có tên - những cái tên đã đi vào tâm khảm của mọi người Việt - đã ít nhiều được phủ lên màu xanh của cây rừng. Nhưng những vệt trắng của đá vôi năm nào, không cây gì mọc được, thì vẫn hiện diện ở đấy, như những vết xước trên thân thể núi chưa bao giờ lành. Dưới thung lũng, xóm làng bình yên đang cất lên những ngọn khói xanh lam. Một cô gái người Dao với cặp lông mày mảnh như sợi chỉ đang lùa đàn dê về nhà. Một người phụ nữ Tày đang ngồi xổm nhổ cỏ trong ruộng rau muống lấp xấp nước. Chồng chị, do thiếu hiểu biết đã gây nổ một quả đạn sót lại và bị cụt mất hai bàn tay. Ở đây, có một “lực lượng” được gọi là “công binh Phương Tiến”. Đấy là những người dân liều lĩnh đi gom đạn pháo để bán phế liệu. Tất nhiên họ sẽ đi trước cả lực lượng công binh, và chẳng có dụng cụ nào hỗ trợ ngoài cảm giác, kinh nghiệm, và sự liều lĩnh. Núi rừng trông thế nhưng mênh mông vô cùng. Dân cư thưa thớt. Kiểm soát được họ là điều gần như không thể. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra - điều chẳng có gì khó hiểu.

Tôi, ba bốn mươi năm trước, không bao giờ nghĩ có ngày mình leo lên đỉnh những ngọn núi mà trên đó, đạn pháo từng rắc như rắc hạt vừng. Trong tiếng những cơn gió của cuối ngày đang lùa ra từ trong các khe núi rất sâu, tôi nghe thấy như có tiếng lao xao của những người vẫn đang còn ở lại. Một ngày nào đó các anh sẽ được về với mẹ, với mảnh vườn nhỏ và cánh cổng có hàng rào dâm bụt, mong là như thế. Mong cho các bà mẹ được đón các anh về.

Lâm Hà

Ảnh: Tâm Am

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước