Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
10:48 (GMT +7)

Về cộng đồng người Việt ở Angola

VNTN - Cộng đồng người Việt tại Angola bắt đầu hình thành kể từ khi hai nước thực hiện chương trình hợp tác, trao đổi chuyên gia cách đây gần một nửa thế kỷ. So với cộng đồng người Việt sống ở các nước khác trên thế giới, cộng đồng người Việt ở Angola có nhiều điều đặc biệt. Hiện nay, mặc dù cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung, người Việt tại Angola là một cộng đồng đoàn kết, có nhiều người thành đạt, luôn hướng về Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Angola

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Angola

Cộng hòa Angola là quốc gia nằm ở khu vực Tây Nam châu Phi, bên bờ Đại Tây Dương. Trong lịch sử hiện đại, cuộc đấu tranh giành độc lập của người Angola bắt đầu với sự hình thành của 3 phong trào giải phóng: Phong trào Nhân dân giải phóng Angola (sau này là đảng MPLA), thành lập tháng 1/1956, do Agostinho Neto lãnh đạo. Lực lượng chủ yếu của phong trào này là cộng đồng người Kimbundu và giới tri thức Luanda, có liên hệ với các đảng cộng sản ở Bồ Đào Nha và các nước Đông Âu. Phong trào Mặt trận Dân tộc giải phóng Angola (sau này là đảng FLNA), thành lập năm 1954, do Holden Roberto lãnh đạo, lực lượng chủ yếu là cộng đồng thiểu số Bakongo ở phía Bắc, được sự hỗ trợ của Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Congo. Phong trào Liên minh dân tộc vì độc lập hoàn toàn của Angola (sau này là đảng UNITA), thành lập tháng 3/1966, do Jonas Savimbi lãnh đạo, lực lượng chủ yếu là cộng đồng người Ovimbundu, có liên hệ với Trung Quốc và chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi.

Lễ gắn biển tên Đại lộ Hồ Chí Minh - con đường đẹp nhất thủ đô Luanda, Angola (Ảnh: BC. Nguồn: Tây Ninh Online

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Angola khá đặc biệt, được thiết lập từ tháng 8/1971, bốn năm trước khi Angola giành được độc lập, khi lãnh đạo phong trào MPLA là Angostino Neto thăm Việt Nam. Tháng 2/1974, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có bài viết ca ngợi trận đánh đầu tiên Cassanje năm 1961 trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Angola. Tháng 1/1975, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã chúc mừng các nhà lãnh đạo Phong trào MPLA, Liên minh quốc gia vì sự độc lập toàn vẹn của Angola (UNITA) và Mặt trận dân tộc giải phóng Angola (FLNA) nhân dịp ba phong trào này ký Hiệp định Alvor với Bồ Đào Nha về việc trao trả độc lập cho Angola. Cuối tháng 10/1975, báo Nhân dân, Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam đã chính thức công nhận MPLA và lên án "các lực lượng đế quốc và phát xít Nam Phi". Ngày 12/11/1975, một ngày sau khi Tổng thống Agostinho Neto công bố độc lập, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm công nhận nước Cộng hòa nhân dân Angola. Angola là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết (NAM), Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU), thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam cấp đại sứ ngày 12/11/1975.

Từ 1975 - 1979, Angola luôn ủng hộ và đứng về phía Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng thống Angostino Neto đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc tháng 2/1979 và gọi Angola, Cu Ba và Việt Nam là "lực lượng nòng cốt chủ yếu chống chủ nghĩa đế quốc" (7/1976).

Các đoàn lãnh đạo Angola thăm Việt Nam: Tổng thống Angola José Eduardo dos Santos (4/1987); Quốc vụ khanh Angola Paulo Jorge (1979); Bộ trưởng Ngoại giao Angola João Bernado de Miranda (5/2004). Các đoàn Việt Nam thăm Angola: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ (10/1978); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp (12/1980); Bộ trường Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tháng (3/1995); Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Angola và dự lễ gắn biển tên Đại lộ Hồ Chí Minh, con đường dài nhất tại thủ đô Luanda (10/2002); Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh (4/2008); đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (7/2009); đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (12/2018).

Về hợp tác kinh tế, thương mại, tháng 5/1978, Việt Nam và Angola đã ký Hiệp định thương mại; tháng 5/1983, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác và nhiều hiệp định hợp tác kinh tế vào các năm 1979, 1984, 1995, 1996, 2002 và 2004.

Về cộng đồng người Việt

Nội chiến Angola xảy ra ngay sau khi nước này trở thành quốc gia độc lập từ tay Bồ Đào Nha (tháng 1/1975). Cuộc nội chiến này (thực chất là cuộc đấu tranh quyền lực giữa MPLA và UNITA) kéo dài 27 năm từ 1975 - 2002, có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Liên Xô, Cu Ba, Nam Phi và Mỹ. Cuộc nội chiến diễn ra theo ba thời kỳ:1975 - 1991, 1992 - 1994 và 1998 - 2002; xen kẽ là các giai đoạn hòa bình mong manh. Cuối cùng, MPLA đã giành được chiến thắng năm 2002, nhưng hơn 500.000 người Angola đã bị thiệt mạng và hơn một triệu người đã bị mất nhà cửa, ruộng vườn, phải sống trong trại tị nạn. Cuộc nội chiến cũng phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng của Angola và làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các hiệp định hợp tác đã ký giữa Việt Nam và Angola về nội dung trao đổi chuyên gia, từ năm 1983, Việt Nam đã cử khoảng 600 kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia y tế, giáo dục sang giúp Angola. Các kỹ sư nông nghiệp Việt Nam đã gắn bó với các thôn làng và những vùng quê hẻo lánh ở Angola, cùng ăn, cùng ở với những người nông dân nghèo; hướng dẫn họ kỹ thuật canh tác nông nghiệp như trồng lúa, trồng khoai sắn; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Cũng từ đây, người Angola mới biết cách thâm canh cây lúa, kết hợp giữa trồng cây và chăn nuôi, cuộc sống từng ngày có nhiều đổi thay.

Các bác sĩ và nhân viên y tế Việt Nam, không quản ngại khó khăn thiếu thốn, do trang thiết bị, cơ sở y tế lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá, đã tư vấn và trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân, truyền thông, vận động nhân dân thực hiện lối sống văn minh, ăn ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường; nhiều bác sĩ Việt Nam được người Angola kính trọng, coi là ân nhân vì đã cứu sống họ và người thân của họ.

Các chuyên gia giáo dục Việt Nam cũng sát cánh cùng các đồng nghiệp Angola nghiên cứu, tìm mọi biện pháp cải tiến chương trình giáo dục các cấp hoặc trực tiếp tham gia giảng dạy tại các trường đại học hoặc trung học phổ thông của Angola. Những thầy cô có mái tóc đen, da vàng với nụ cười tươi rói vẫn mãi mãi là những hình ảnh đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ sinh viên, học sinh người Angola… Đặc biệt, có nhiều chuyên gia Việt Nam đã hy sinh cả tính mạng của mình vì đất nước Angola.

27 năm nội chiến đã làm cho đất nước Angola bị tàn phá nặng nề. Từ năm 2002, Angola bắt đầu quá trình tái thiết đất nước, rất cần sự chung tay xây dựng của cộng đồng Việt. Nhiều người có chung nhận xét rằng, cộng đồng người Việt ở Angola có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng người Việt ở những nơi khác trên thế giới.

Thứ nhất, cộng đồng người Việt ở Angola được hình thành từ đội ngũ trí thức. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, chính quyền nhiều địa phương và người dân đã thiết tha đề nghị các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam ở lại với họ. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân Angola, cuộc sống và công việc làm ăn, kinh doanh của người Việt có nhiều thuận lợi. Do yêu cầu phát triển, mở rộng kinh doanh, ngoài việc thuê người dân địa phương, các chủ doanh nghiệp người Việt còn tìm cách đưa bà con đồng hương từ quê nhà sang sinh sống làm ăn tại Angola. Từ đây, cộng đồng người Việt ở Angola hình thành và phát triển.

 

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về nước Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam (ngoài cùng bên trái), gặp gỡ đại diện bà con người Việt tại Angola trong chuyến công tác tháng 5/2018. (Ảnh: BC. Nguồn: Tây Ninh Online)

Thứ hai, có rất nhiều triệu phú đô la trẻ người Việt ở Angola. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 40 triệu phú đô la người Việt, là các chủ doanh nghiệp xây dựng, buôn bán bất động sản, sản xuất nước ngọt, buôn bán xe máy, sửa chữa ô tô xe máy… Nhiều doanh nghiệp do người Việt làm chủ có hàng trăm lao động người địa phương và người Việt Nam. Họ được trả lương cao và được bảo đảm các chế độ phúc lợi xã hội theo quy định. Đại sứ quán Việt Nam ở Angola rất tự hào về những doanh nghiệp người Việt; họ được chính quyền và nhân dân địa phương quý mến và có đóng góp quan trọng trong việc tái thiết đất nước Angola sau nội chiến.

Thứ ba, tính gắn kết của cộng đồng người Việt ở Angola rất cao. Người Angola đánh giá cao tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của các thế hệ người Việt, thậm chí, họ còn coi người Việt là tấm gương sáng về lao động, sáng tạo. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, mọi người thường chung tay giúp đỡ như góp tiền, góp sức để cùng với Đại sứ quán xử lý công việc. Hội người Việt Nam tại Angola thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, qua đó, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm ăn buôn bán, giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc nhất là cho thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức và tính tự giác chấp hành pháp luật và quy định của nước sở tại, quyên góp giúp bà con ở trong nước khi bị thiên tai bão lụt…

Thứ tư, đa số người Việt sinh sống định cư làm ăn ở Angola có giấy tờ định cư hoặc visa lao động hợp pháp. Theo Cục quản lý nhập cư và người nước ngoài Angola, cộng đồng người Việt ở Angola thời điểm đông nhất lên tới 40.000 người (2013). Hiện nay, số người Việt làm ăn sinh sống ở Angola khoảng 19.000 người, trong đó có 18.000 người có giấy tờ hợp pháp. Đây được coi là tỷ lệ khá cao của người nhập cư trên thế giới.

Cùng với những thuận lợi trong công việc lao động, làm ăn sinh sống, người Việt ở Angola cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự ở Angola gần đây rất phức tạp; những vụ cướp xảy ra thường xuyên, đe dọa tính mạng của người dân địa phương và cộng đồng người nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt. Nhiều trường hợp người Việt lao động tự do, không được đào tạo kỹ năng cơ bản, ngoại ngữ, luật pháp nước bạn, đã rơi vào cảnh bị lừa đảo, ra về trắng tay với một đống nợ nần ở quê nhà…

Tuy nhiên, đối với nhiều lao động người Việt, Angola vẫn là một nơi hấp dẫn họ, nếu có việc làm đầy đủ, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam (chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng) đạt từ 800 - 1.000 USD/tháng. Đây là lý do chủ yếu khiến nhiều người Việt cố sang Angola bằng mọi giá. Chính vì vậy, cho đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có chủ trương mở rộng xuất khẩu lao động sang thị trường Angola sau giai đoạn thí điểm, từ năm 2014. Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động Việt Nam cần thận trọng khi sang Angola, nhất là lao động chui, vì rủi ro luôn chờ đón họ.

VŨ KHANH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 4 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 3 năm trước