Vào rốn lũ miền Trung
VNTN - Chúng tôi có mặt ở hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh ngày lũ dữ đã đi qua nhưng cũng đủ để thấy sự tàn phá khốc liệt của nó với những miền quê dù đã rất quen với lũ lụt. Ngay sau mưa lũ, đã có rất nhiều đoàn từ thiện đến và sẻ chia về tinh thần cùng vật chất… nhưng mất mát và nỗi đau của người dân có lẽ không thể nào vơi hết. Đâu đó trong cảnh đổ nát hoang tàn là tiếng khóc của người vợ mất chồng, người mẹ mất con…
Mưa như trời đổ nước, liên miên cả ngày trời. Mưa bật gốc cây khiến cho nước lên bất ngờ không sao đối phó kịp. Ở Quảng Bình, nhiều nơi người dân chỉ kịp chạy lên đồi để thoát thân. Còn ở Hà Tĩnh mưa có phần giảm hơn nhưng việc xả đập thủy điện cũng tạo thành lũ quét với sự tàn phá ghê gớm. Nước đổ về cuốn đi nhà cửa, gia súc… và lấy đi cả tính mạng con người. |
Kỳ I. Tan hoang vùng “rốn lũ”
Khi lũ dữ đi qua
3 giờ sáng từ Đồng Hới chúng tôi lên đường vào Tuyên Hóa, điểm nóng nhất của Quảng Bình trong trận lũ lịch sử. Bạn tôi - phóng viên báo Quảng Bình giải thích, nếu không đi sớm sẽ không kịp làm việc vì Tuyên Hóa là một huyện khá xa của tỉnh, có những xã miền núi cách trung tâm thành phố cả trăm ki lô mét rất khó đi. 2 tiếng xe chạy hết tốc độ mới tới trung tâm Tuyên Hóa, cách thành phố Đồng Hới 60 km. Dù trời còn mù sương nhưng đã thấy dấu tích của cơn lũ. Trên cánh đồng rộng mênh mông, nước vẫn xâm xấp đục ngầu. Mùi thum thủm của bùn non và rơm rác mục bị ngập nước lâu tỏa đầy không khí. Thiêu thân dày đặc như rắc chấu khắp nơi, bay ràn rạt đâm vào kính mũ bảo hiểm như có ai đang bốc cát ném vào mặt. Bạn tôi phải lấy khẩu trang ra đeo để tránh thiêu thân chui vào mũi. Ngồi sau hai tay tôi bịt kín lỗ tai và quay mặt về phía sau. Dù xe máy đã giảm tốc vậy mà thỉnh thoảng vẫn bị lũ côn trùng có cánh đầy khó chịu ấy chui vào mũi, cay xé. Thấy tôi ngạc nhiên bạn tôi giải thích: ở Quảng Bình mùa mưa thiêu thân là “đặc sản”, nhất là những lúc lũ lụt số lượng chúng phải tăng gấp nhiều lần. Và kinh nghiệm từ ngàn đời nơi đây rằng: cứ năm nào thiêu thân nhiều, y như rằng năm ấy lũ lụt, thiếu đói.
Chúng tôi đến con đường rẽ vào xã Mai Hóa và Ngư Hóa, dấu tích của lũ dữ ngày một rõ rệt. Suốt dọc đoạn đường vòng vèo men theo con sông Rào Trổ dài khoảng 30 km đâu đâu cũng thấy cây cối ngã rạp, gãy đổ và những ngôi nhà bị tốc mái trơ nền, những bụi tre bị lũ cuốn bật lên trôi xa hàng chục mét, những đoạn đường nhựa bị nước xối bật tung… Dòng Rào Trổ thường ngày vẫn nên thơ hiền hòa là vậy thì nay in hằn ngấn lũ cao tới gần 10 m, hai bên bờ nham nhở những vết thương.
Người dân Ngư Hóa tập trung ở sân Ủy ban xã để nhận quà ủng hộ |
Trong chiếc chòi bạt dựng tạm trên nền nhà trống hoác còn lại, anh Nguyễn Văn Quảng (36 tuổi) ở thôn Lạc Hóa xã Mai Hóa - người bị lũ cuốn trôi nhà cửa vẫn chưa hết bàng hoàng: “Vợ chồng em lấy nhau về tích cóp dựng được căn nhà và nuôi được con lợn cùng mấy con gà, bữa lụt tới, hắn lấy đi luôn. Bây chừ vợ chồng em trắng tay không biết sống sao nữa, không có nhà, chừ phải sang ở tạm nhà ông bà nội…”.
Anh Quảng kể, chiều 14 -10, lũ về nhanh và hung dữ lắm. Vừa mấp mé nền thoáng chốc đã ngập thắt lưng rồi lên tới ngực, anh Quảng liều mạng bơi qua sông sang nhà bố đẻ cách đấy vài trăm mét để mượn chiếc xuồng về chở vợ con đi tránh lũ. Vừa kịp quay về thì đã thấy vợ con đang trèo lên tủ để thoát thân. Anh vội vã đưa vợ con lên xuồng và đẩy ra giữa dòng, vừa kịp quay nhìn lại thì ngôi nhà đã bị nước cuốn đổ sập.
Ngước đôi mắt thất thần nhìn chúng tôi, giọng anh Quảng lạc đi tuyệt vọng, khẩn khoản như van xin: “Em vốn người vạn đò lên bờ được 16 năm, rồi lấy vợ. 4 năm trước em đi làm đá thuê, bị đá rơi gãy xương và chấn thương não, điều trị gần 2 năm, em như người điên và hoàn toàn mất trí. May sau đó hồi phục. Vợ chồng em có 3 con mà chẳng có ruộng vườn gì, chỉ đi chặt keo và bóc vỏ bạch đàn thuê kiếm tiền sống qua bữa. Các anh cứu em với…!”.
Ngôi nhà anh Nguyễn văn Quảng ở Mai Hóa bị lũ cuốn trôi |
Mới sáng sớm hàng trăm người dân các thôn đã chen chúc nhau tại Ủy ban Nhân dân xã Ngư Hóa để nhận quà hỗ trợ. Nhiều ngày chống lũ và khắc phục hậu quả, nhìn ai cũng phờ phạc mệt mỏi. Chị Trần Thị Lục (38 tuổi) thôn 5, bế con nhỏ nhận quà hỗ trợ xong mà mặt vẫn buồn thiu, chị kể: Nhà tôi nước ngập 3m đến gần nóc. Lũ phá đổ mái hiên, cuốn tốc mái nhà, chuồng trâu, chuồng gà, áo quần, đồ đạc trôi hết, hơn trăm gốc hồ tiêu đến kỳ thu hoạch cũng bị hỏng…Nước về tôi chỉ kịp lùa con trâu lên đồi rồi cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 con dắt díu nhau leo lên núi tránh lũ. Suốt đêm mưa cả nhà chỉ biết che lá cọ đứng giữa rừng. Đói rét, thằng út 3 tuổi bị sốt, rất may 8 giờ sáng hôm sau mưa tạnh, nước đã rút khỏi rừng.
“Không có tiền để chuyển đi chỗ khác, năm nào lụt cũng vô, hắn phá hết, mất hết, giờ không biết sao nữa!”. Nước mắt lưng tròng, giọng chị Lục nghèn nghẹn.
Đứng trên nền nhà còn ngổn ngang bùn đất lẫn trong đồ đạc, anh Trần Đình Dương (35 tuổi) buồn bã kể: Lũ năm nay lên nhanh, trở tay không kịp. Nhà anh Dương cao khoảng hơn 3m thì nước lũ ngập 6 mét chỉ kịp chạy người. “Giờ trong nhà không còn cái gì. Sao số tôi khổ vậy, năm 2007 vừa lấy vợ được 9 ngày thì trôi hết nhà cửa. Nhà nước và dự án của Canađa hỗ trợ tiền, làm lụng 9 năm và vay mượn bà con vừa xây được căn nhà 30 m2 thì trận lũ ngập vừa rồi là úp tay lên đầu. Lũ cuốn tốc mái và trôi hết đồ đạc, mấy ngày nay gia đình tôi phải mượn quần áo để mặc”.
Phóng viên VNTN trao quà cho hai gia đình bị thiệt hại nặng tại Ngư Hóa |
Được biết gia đình anh Dương thuộc diện hộ nghèo. Anh bị bệnh phổi, vợ anh tàn tật cụt một chân. Hai vợ chồng anh đang phải nuôi con nhỏ, giờ chỉ còn trông vào 2 héc- ta keo mới trồng chắc 2 năm nữa mới được thu hoạch.
Anh Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Ngư Hoá cho biết: Do nằm ở phía thượng nguồn ngọn Rào Trổ (một nhánh của sông Gianh) nên nước lũ ở Mai Hóa và Ngư Hóa rất dữ và chảy xiết. So với đỉnh lũ lịch sử năm 2007, lũ năm nay lớn hơn và đặc biệt về rất nhanh khiến bà con không kịp trở tay. Cũng may nhờ có rừng núi cao nên bà con mới kịp thoát nạn. Khi nước lũ về liên tục mấy ngày mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt, điện thắp sáng và sóng điện thoại không có nên mọi hoạt động phòng chống lũ đều rất khó khăn, hầu như chỉ dựa vào "4 tại chỗ". Thấy mưa lũ to, xã phải cắt cử cán bộ đến từng nhà dân ở nơi thấp trũng để thông báo phương án tránh lũ.
Nỗi đau còn lại
Rời Ngư Hóa, Mai Hóa chúng tôi tức tốc đi về thành phố Đồng Hới để rồi còn đến các vùng lũ khác của Quảng Bình và tiếp tục sang tỉnh Hà Tĩnh.
Bao ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng dồn dập đưa tin trôi nhà, tốc mái, mất gia súc, gia cầm… và vô vàn những thiệt hại nặng nề về vật chất, nhưng còn một tổn thất nặng nề đau đớn hơn rất nhiều mà khó có thể đong đếm được đó chính là sinh mạng những người dân xấu số bị nước cuốn đi và nỗi đau, mất mát của người thân còn lại.
Đã gần 20 ngày lũ lụt và tai họa đi qua nhưng những đau thương ở ngôi nhà anh Vi Văn Hội, xóm 1, Hương Giang, Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể nguôi. Chị Nguyễn Thị Lan (29 tuổi) ngồi ủ rũ bên bậu cửa của căn nhà tranh tuềnh toàng xiêu vẹo, mắt nhìn đăm đăm về phía di ảnh của con trai xấu số bị chết đuối trong những ngày đầu đợt lũ vừa qua.“Tội quá anh ơi…Cháu học giỏi, chăm ngoan lắm anh ạ!”, chị Lan nói trong tiếng nấc.
Chúng tôi gợi chuyện mới biết con trai chị mới học lớp 3 trên đường đi học về không may bị lũ cuốn trôi ngày 6/10. Lúc đấy anh chị đang đi mót keo và bạch đàn, nghe tin dữ chị Lan đã ngất xỉu. 3 tiếng sau các lực lượng tìm kiếm của xã và huyện mới tìm thấy xác cháu trôi cách đó khá xa.
Bà Nguyễn Thị Phước, mẹ đẻ chị Lan không giấu nổi sự lo lắng và đau buồn kéo tôi ra một góc thì thầm: “Người ta có nhà xây, mình thì nhà tan cửa nát, cái mái gianh này cũng nhờ anh em làng xóm thương tình đến giúp đỡ lợp cho đấy. Số nó hẩm hiu, vất vả làm đã chẳng đủ ăn, 3 năm lại chết 2 con bò mạ (bò mẹ), giờ lại mất con, trắng tay rồi. Vợ chồng nó lại hiếm muộn giờ biết kiếm con đâu để mà nuôi hả chú! Mong sao Nhà nước và các cấp, chính quyền quan tâm giúp đỡ để nó vượt qua hoàn cảnh khó khăn này…”.
Cùng nỗi đau mất người thân là hoàn cảnh gia đình chị Trương Thị Dương, xóm Xuân Bồ xã Xuân Thủy huyện Lệ Thủy, có chồng là anh Trần Thanh Văn (44 tuổi) bị sét đánh chết trong những ngày mưa lũ. Nỗi đau quá lớn khiến chị Dương gần như suy sụp, mắt chị thâm quầng, đỏ hoe, trong câu chuyện đứt quãng lâu lắm mới thấy những giọt lệ hiếm hoi rỉ ra nơi kẽ mắt.
Hôm ấy đúng ngày 14/10, ngày mưa bão đỉnh điểm nhất. Vừa dọn dẹp nhà cửa chạy lũ xong, chị Dương bê bát cháo cho anh ăn để lót dạ. Lúc đấy mới gần 8 giờ tối, dù chưa có ý định mang bò đi nhưng nhìn ra ngoài thấy nước lên nhanh quá anh Văn bảo vợ phải mang bò đi sơ tán đến chỗ cao hơn cách nhà 1,5km. Chị Dương khuyên, đợi lúc mưa ngớt thì dắt bò đi. Anh nhất định không nghe, chị đòi đi cùng anh cũng không chịu. Sấm chớp liên hồi anh Văn dắt bò đi được khoảng 1km thì bị sét đánh chết. 30 phút sau người dân trong thôn đi soi cá thì gặp xác anh, mọi người mang anh về nhà. Ngày 16/10 nước vẫn ngập sâu, dân làng làm ma rồi cùng lội nước mang anh đi chôn.
Chị Dương là người Minh Hóa - vùng cao nhất của Quảng Bình, lấy anh Văn ở Lệ Thủy - nơi thấp trũng nhất và thường xuyên lụt lội. Anh chị chỉ có 1,3 sào ruộng, quanh năm phải đi làm thuê mới đủ ăn.
Chỉ bà cụ gày gò đang nằm kêu ú ớ phía sau vách, chị Dương lo lắng: “Đấy là mẹ đẻ anh Văn 74 tuổi, bà nằm liệt giường vì bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối chưa biết “đi” lúc nào. Gia đình chỉ sợ trùng tang thì…”.
Sau cơn lũ lịch sử vừa rồi, ở “rốn lũ” miền Trung còn rất nhiều người chịu nỗi đau mất mát người thân như gia đình chị Lan, chị Dương và còn biết bao người mất nhà cửa và hư hại tài sản? Con số ấy chưa thể thống kê hết được. Theo thông báo sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua đã làm chết và mất tích 29 người; trên 121.000 ngôi nhà, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị ngập, hư hại, trong đó tổn thất nặng nề nhất tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Ở Quảng Bình, theo số liệu thống kê tính đến ngày 16 - 10 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì mưa lũ đã khiến 25 người bị chết và mất tích, toàn tỉnh có hơn 92 ngàn hộ bị ngập, 56 hộ tốc mái, 18 nhà bị sập…
Các tỉnh miền Trung đang dồn toàn lực để khắc phục hậu quả. Ngày 18/10 thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động và tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt. Số tiền được quyên góp là hơn 22 tỷ đồng… Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 1.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói đồng bào tỉnh Quảng Bình. Với tinh thần tương thân tương ái nhiều tổ chức, địa phương cũng đã và đang tích cực hành động thiết thực nhằm chia sẻ bớt gánh nặng với người dân vùng lũ... Những phần quà dù chỉ bù đắp được phần nào những mất mát và nỗi đau của hàng vạn gia đình phải gánh chịu, song đó là nguồn động viên quý giá với tinh thần đùm bọc sẻ chia đã giúp họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Kỳ II
Những chuyện chưa kể nơi “rốn lũ”
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...