Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
12:25 (GMT +7)

Văn nhân… mà thế sao!?

Văn nhân là cách gọi những người biết làm thơ, viết văn, gắn bó với chữ nghĩa văn chương. Theo nghĩa rộng hơn, từ văn nhân có thể dùng để chỉ những người có đời sống tinh thần gắn bó với văn nghệ - văn nghệ sĩ. Cũng trong trường nghĩa này, văn nhân còn gợi lên ý niệm về vẻ đẹp của tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, phong cách sống và văn hóa, tri thức của người được nói đến. Tóm lại, nói đến văn nhân là nói đến một “mẫu người” với những phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Họ làm nên cái đẹp, sống trong cái đẹp và sống bằng cái đẹp.

Tuy nhiên, vì những phẩm tính mang giá trị tượng trưng cao quý, đáng ngưỡng mộ đó, văn nhân lại trở thành một khái niệm ít nhiều bị lợi dụng, bị đánh tráo, làm bình phong cho những điều phản với “văn nhân”. Với tinh thần xây dựng, nhìn thẳng, nói thật, chúng tôi mạnh dạn nêu lên những biểu hiện phản giá trị này.

Nếu ai đã từng chứng kiến một vài sự kiện lớn của giới văn học ở Việt Nam (đại hội, tọa đàm hay hội nghị…) sẽ ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt về phần thiếu văn hóa của các “văn nhân” (chúng tôi đặt trong ngoặc kép). Dễ nhận thấy nhất là tình trạng trên bục đại biểu đang phát biểu, mà ở dưới cử tọa không ít người quay ngang, quay ngửa, cười nói, chụp ảnh, thậm chí bắt tay rối cả lên. Quang cảnh trông rất mất trật tự. Người ta không thấy vẻ hào hoa lịch lãm của văn nhân, không thấy sự trọng thị dành cho các bậc tao nhân mặc khách, không thấy sự nghiêm cẩn của trí thức, sự chuẩn mực của lễ nghi khánh tiết, sự đứng đắn của người có học, sự tự trọng của chữ nghĩa…

Đấy là những biểu hiện vẫn có thể gạt sang bên trước những thành tựu văn chương nghệ thuật vĩ đại, to lớn mà họ đóng góp. Tuy nhiên, nhìn thật kỹ, hóa ra văn chương chữ nghĩa của họ cũng chẳng có gì đáng kể mấy. Vài tập sách in vội để đạt yêu cầu cứng trong hồ sơ kết nạp hội viên của một hội nào đó. Văn nhân thì phải có văn tài, phải có tư chất, không phải cứ cần cù là được và chữ nghĩa nghệ thuật thì hẳn phải khác chữ nghĩa thông thường.

Một vấn đề khác cũng cần được nói thẳng tại đây, đó là tầm vóc và đóng góp của văn nhân, nghệ sĩ, trí thức cho hệ giá trị của cộng đồng. Những đối tượng đang được nói đến xem ra cũng quá khiêm tốn ở đòi hỏi này. Không những đã không có đóng góp gì, lại còn thường lớn tiếng phê phán, thiếu tinh thần xây dựng. Ở đó ta thấy thiếu đi tinh thần công chính, lương tâm và hoài bão của người trí thức trong việc cải tạo xã hội, bồi đắp các giá trị nhân văn.

Câu hỏi là: tại sao lại có hiện tượng ấy? Như đã nói, văn nhân là một khái niệm sang trọng, danh giá. Chính vì thế nó cũng là chỗ để cho những kẻ tiểu nhân, phản văn nhân lợi dụng chen chân, trà trộn. Người ta cố gắng bằng mọi cách để được gọi là văn nhân, cốt đánh bóng tên tuổi của mình, nâng mình lên một đẳng cấp khác, một hệ giá trị khác.

Tuy nhiên, bỏ qua những tệ lậu đi kèm, nỗ lực để bước vào văn giới, để thành văn nhân, để thực sự tốt đẹp, cao quý hơn thì có gì là sai? Vấn đề nằm ở khả năng và tư chất của người muốn chen chân vào trường giá trị ấy.

Xưa nay, văn nhân vẫn được xem là người biết làm thơ, viết văn - nghĩa là sáng tạo ra cái đẹp. Mà, bản chất của sáng tạo là mới mẻ, khác lạ, độc đáo, không lặp lại, không giống ai, không có bản sao… Điều đó thúc đẩy sự trỗi dậy của cá tính, của tinh thần dấn thân khám phá thế giới và khám phá chính mình của người nghệ sĩ - văn nhân.

Để tồn tại như là một giá trị, cần phải độc đáo và khác biệt. Chính vì thế, văn chương nghệ thuật là nơi nuôi dưỡng, khích lệ tinh thần tự do, khai phóng, nhằm kiếm tìm các giá trị mới - khác. Tuy nhiên, tại điểm mấu chốt này, sự thể đã bị đánh tráo. Tự do, cá tính, khác biệt (đến dị biệt) vốn là phẩm tính của sáng tạo lại chính là chỗ cho những thứ nhếch nhác, thiếu văn hóa, phản văn hóa, bát nháo, vô tổ chức, thiếu kỷ luật, thiếu ý thức, dị hợm, thậm chí là đạo đức giả núp bóng. Những biểu hiện ấy không nói lên cá tính của người nghệ sĩ, không chứng minh sự tự do của con người và từ trường sáng tạo. Nó đồng thời cũng không phải là cái khác mang giá trị. Nếu quan sát một cách tỉ mỉ chúng ta sẽ thấy đó là sự ngộ nhận của những người tự cho mình là “văn nhân”.

Phải chăng, họ tưởng rằng, văn nhân là phải như thế, cá tính là phải như thế, tự do là phải như thế?...

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước