Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:53 (GMT +7)

Văn nghệ trên sóng phát thanh: một thời nhớ mãi…

VNTN - Vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1956, hòa chung với niềm vui của ngày lễ Quốc khánh, người dân Thái Nguyên còn có một niềm hân hoan, một niềm tự hào riêng khi lời chào thân thiện và ấm áp vang lên từ các loa phóng thanh trên toàn thị xã: “Đây là Đài Truyền thanh Thái Nguyên”. Đây là Đài Truyền thanh Thái Nguyên! Một lời chào bình dị nhưng có lẽ còn dư âm mãi mãi trong lòng mỗi người dân xứ Thái. Vì đó là ngày đầu tiên Đài Truyền thanh Thái Nguyên (tiền thân của Đài Phát thanh tỉnh Bắc Thái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên sau này) ra mắt người dân trong tỉnh.

Những năm tháng ban đầu, tuy các chương trình văn nghệ của Đài chưa được tổ chức một cách chính thức và hệ thống nhưng cùng với những bản tin, những bài viết quan trọng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, những lời ca tiếng hát từ Đài truyền thanh đã trở thành những dấu son trong lòng nhiều thế hệ thính giả Thái Nguyên. Những năm tháng tiếp theo, với sự giúp sức của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại… các nhạc sĩ Đỗ Minh, Đàm Thanh, Tuấn Long, Nguyễn Lầy… Đài đã bước đầu tổ chức được các tiết mục ngâm thơ, ca nhạc vào những ngày cuối tuần, chiếm được cảm tình của công chúng.

Các PV, BTV, KTV Đài Phát thanh Bắc Thái những ngày đầu

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ, tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị vô cùng khó khăn thiếu thốn, nhưng các chương trình văn nghệ của Đài Truyền thanh đã là một thành tố tích cực trong các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”. Trên chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, những người làm chương trình văn nghệ đã cùng đội ngũ cán bộ, phóng viên và công nhân của Đài vượt qua bao khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, đã từng bước trưởng thành, có thể đáp ứng những yêu cầu cao hơn của sự nghiệp cách mạng, cũng là lúc Đài Phát thanh tỉnh được chính thức thành lập vào ngày 9/6/1977.

Được tiếp nhận nhân lực và trang thiết bị từ Đài Phát thanh Khu Tự trị Việt Bắc, Đài Phát thanh Bắc Thái đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động. Cùng với 5 phòng, ban chuyên môn của Đài, Phòng Ca nhạc được chính thức thành lập với nhiệm vụ đảm bảo các chương trình ca nhạc, câu chuyện truyền thanh, các chương trình văn học phục vụ cho nhân dân các dân tộc trên toàn tỉnh. Tuy biên chế của Phòng Ca nhạc lúc ban đầu chỉ có 7 người hầu hết từ Đài Phát thanh Khu Tự trị chuyển giao sang nhưng với khí thế hăng hái  cùng sự “ra quân” đầy nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên trong phòng, chính là thời kì mà phong trào văn nghệ của Đài bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, tràn đầy sinh lực.

Một đội ngũ hùng hậu của những người làm văn nghệ xuất hiện trong thời gian này đã trở thành những điểm sáng như các nhạc sĩ, nhạc công Đỗ Minh, Đàm Thanh, Duy Lâm, Khuất Hữu Hiền, Lê Sinh, Trọng Danh, Kim Vinh, Mai Thị Nhi, Dương Thị Mai,… các ca sĩ Bích Thu, Nông Văn Khang, Trung Bộ, Văn Học, Hà Thị Bời, Lệ Na, Nguyễn Thị Tuyết… mà những nhạc phẩm và lời ca tiếng hát của họ vẫn còn sống mãi với thời gian. Thật chính xác khi có không ít thính giả cho rằng đây là thời hoàng kim hoạt động văn nghệ của Đài Phát thanh tỉnh Bắc Thái và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên sau này. Có được điều đó, yếu tố tài năng chỉ là một phần. Một yếu tố quan trọng hơn chính là nhiệt huyết cháy bỏng cùng tình yêu đối với văn học nghệ thuật của tất cả cán bộ, nhân viên Phòng Ca nhạc cùng các cộng tác viên thân thiết của Đài lúc bấy giờ.

Ngày ấy, với những thiết bị còn thô sơ, phòng bá âm chưa đủ tiêu chuẩn nhưng ngày nào Đài cũng phát một chương trình ca nhạc. Các chương trình ca nhạc của Đài đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với thính giả trong tỉnh. Những giọng hát dân ca đằm thắm của các ca sĩ Nông Văn Khang, Bích Thu, Hà Thị Bời… đã từng vang vọng trên làn sóng Đài Phát thanh Khu Tự trị Việt Bắc, nay lại tiếp tục cất lên trong mỗi chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Bắc Thái. Đây cũng là thời kì mở màn cho một cách làm việc hết sức năng động và hiệu quả: các cán bộ của Phòng Ca nhạc đã thay nhau đi tới các lâm, nông trường, xí nghiệp, trường học để giúp cơ sở xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Có những lần ô tô chở tới mấy chục người đi làm chương trình tại cơ sở, nhộn nhịp đông vui hơn cả những đoàn văn công chuyên nghiệp. Đồng thời, đó chính là nguồn thu thanh dồi dào cho các chương trình văn nghệ của Đài. Hồi ấy, cũng có không ít những chương trình ca nhạc được thu thanh ngay tại sân khấu, thậm chí ở trong nhà sàn hoặc một góc rừng sâu, một bờ suối vắng.

Có một sự việc mà người làm văn nghệ khó quên, đó là nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lúc ấy đang là giám đốc Sở Lâm nghiệp Bắc Thái đã đưa ra chủ trương kết hợp với Đài mời các văn nghệ sĩ của tỉnh và trung ương đi thâm nhập thực tế, tìm hiểu cuộc sống và công việc đầy gian lao, vất vả của ngành lâm nghiệp. Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhưng các nhạc sĩ nổi tiếng trên cả nước như Huy Du, Tân Huyền, Mộng Lân và các nhạc sĩ ở địa phương như Đàm Thanh, Đỗ Minh, Khuất Hữu Hiền, Kim Vinh… đã từng có mặt ở các vùng xa xôi nhất thuộc huyện Na Rì, Chợ Rã… để sáng tác những ca khúc ca ngợi, động viên những người công nhân lâm nghiệp. Chính đồng chí Nông Đức Mạnh cũng đã từng hát và thu thanh ca khúc “Bài ca người thợ rừng” để động viên cán bộ, công nhân trong ngành (hiện nay, trong kho băng của Đài vẫn còn giữ được cuốn băng này).

Về mảng văn nghệ thiếu nhi, tuy trong hoàn cảnh trang thiết bị còn đơn sơ nhưng trong Liên hoan Hoa phượng đỏ toàn quốc, giọng hát Thúy Mùi, chương trình do Đài Phát thanh Bắc Thái dàn dựng đã đoạt Huy chương Vàng. Có được những thành quả đó, các văn nghệ sĩ và các cán bộ trong Phòng Ca nhạc đã tốn không ít mồ hôi và công sức.

 Ông Khuất Hữu Hiền, nguyên là cán bộ thuộc phòng Ca nhạc tâm sự: “Ngày ấy, khi đi công tác, dù xa đến mấy, cán bộ của Phòng cũng chỉ có phương tiện duy nhất là chiếc xe đạp cọc cạch, phía sau chằng buộc chiếc máy R6 nặng trên chục cân. Xe vừa đi vừa sửa. Nếu tới các huyện xa hoặc tỉnh ngoài có khi phải mất mấy ngày. Vậy nhưng lúc đó chẳng có ai tính toán thiệt hơn. Cứ mang được băng thu thanh về cho Đài là phấn khởi rồi. Cũng theo cách làm này mà hàng năm phòng chúng tôi đã phát sóng tới hàng trăm chương trình ca nhạc. Mà hồi đó, làm chương trình đâu có dễ dàng như bây giờ. Đối với các chương trình quan trọng đều phải có cả một dàn nhạc đệm rất công phu. Cũng xin thổ lộ, ngày ấy chúng tôi làm nổi những việc đáng kể đó, chắc chắn một phần lớn là do sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và sự đồng tâm hiệp lực của anh em văn nghệ sĩ cùng sự khích lệ của thính giả trên toàn tỉnh. Thiếu những thứ đó, dù có cố gắng đến mấy thì cái Phòng Ca nhạc nhỏ xíu của chúng tôi cùng đành bó tay”.

 

Cũng trong thời gian này, một chương trình văn nghệ khá đặc sắc, lần đầu tiên được ra đời và phát triển mạnh mẽ: chương trình “Câu chuyện truyền thanh”. Hàng tuần, những câu chuyện truyền thanh do các văn nghệ sĩ Bắc Thái sáng tác và biểu diễn đã lên sóng, gây được cảm tình sâu sắc với bạn nghe đài. Các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước được hình tượng hóa, những tâm tư, tình cảm trong các mối quan hệ của con người, thông qua các câu chuyện truyền thanh đã đến với thính giả một cách nhẹ nhàng, đầy thuyết phục.

Nhớ lại những hoạt động của Phòng Ca nhạc thời kì ấy, anh Hoàng Chung, hiện là Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên có một đánh giá bất ngờ nhưng vô cùng chính xác: “Theo dõi tiến trình hoạt động văn nghệ nhiều năm nay của Đài, tôi cho rằng đó là một thế hệ cán bộ không những đầy nhiệt huyết mà điều đáng nói hơn là họ đã hoạt động rất có tính chuyên nghiệp. Bây giờ, trang thiết bị của Đài Thái Nguyên đã khá hiện đại, con người cũng được đào tạo bài bản hơn, nhưng hình như so với thời đó chúng tôi vẫn nhận ra những điều còn thua kém, phải học hỏi nhiều”.

Như để minh chứng cho nhận định của mình, anh Hoàng Chung kể tiếp: “Có một chuyện như thế này. Năm 1985, Đoàn Ca múa Dân gian nơi tôi đang công tác lúc bấy giờ, có mời ông Khuất Hữu Hiền là cán bộ của Đài Phát thanh Bắc Thái dàn dựng một chương trình sáo gáo để đi dự hội diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã đoạt Huy chương Vàng. Xin nói thêm, sáo gáo là một nhạc cụ do chính anh Hiền chế tác. Đó là một nhạc cụ hết sức đặc sắc, cả Đông Nam Á chưa đâu có. Theo lẽ thường thì Đoàn chúng tôi phải là người hướng dẫn dàn dựng chương trình văn nghệ cho Đài hoặc các đơn vị nghiệp dư, nhưng đây lại là một động thái ngược lại. Nói điều này để thấy rõ thêm, các cán bộ của Đài khi ấy hoạt động vô cùng chuyên nghiệp”.

Ông Khuất Hữu Hiền - cán bộ phòng Ca nhạc Đài Phát thanh Bắc Thái

(bên phải) và tác giả

Đó là những nhận định hết sức khách quan, chân tình của thế hệ sau, đồng thời như một lời khẳng định về một thời hoàng kim đã qua.

Tuy nhiên, tiếp tục truyền thống của những người đi trước, đội ngũ làm chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên hôm nay cũng đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt, vào thế kỉ XXI, cùng với sự tiến triển không ngừng về phát thanh và truyền hình trên toàn quốc, các chương trình văn nghệ của Đài đã có những bước tiến mới. Nhiều chuyên mục đa dạng đã và đang xuất hiện trên sóng phát thanh và truyền hình phục vụ khán, thính giả trong tỉnh và toàn quốc (các kênh TN1, TN2 đã được hòa trên sóng quốc gia) như: “Chương trình ca nhạc truyền thống”,  “Dân ca các miền”, “Chương trình thiếu nhi, phim hoạt hình”, “Kết nối yêu thương”, “Ca nhạc quốc tế”, “Diễn đàn văn học nghệ thuật”, “Còn mãi với thời gian”, “Bản tin văn hóa du lịch”, các chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu nghệ thuật… cùng các chương trình giải trí như GameShow “Cặp đôi hoàn hảo”, “Thắp sáng ước mơ”… Các giải Vàng, giải Bạc, Bằng khen trong các Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quốc cũng là những minh chứng cho sự phát triển không ngừng cùng tài năng của các cán bộ của phòng Văn nghệ của Đài.

Nói tới các chương trình nghệ thuật của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, có một hiện tượng không thể không nhắc tới, đó là việc sản xuất thành công hơn 300 tập phim tài liệu với các đề tài cách mạng, lịch sử, văn hóa, du lịch, và vào các năm 2010, 2015 hai bộ phim truyện “Dưới cờ phục quốc” và “Tể tướng Lưu Nhân Chú” do Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên sản xuất bước đầu đánh dấu sự trưởng thành của một đài cấp tỉnh. Các bộ phim tài liệu và phim truyện của Đài đã được trình chiếu với sự đón nhận nồng nhiệt của các Đài ở Trung ương như VTV1, VTC và nhiều Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh bạn như thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Quảng Ninh… Riêng bộ phim “Dưới cờ phục quốc” đã đoạt Giải Bạc trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30.

Các PV, BTV của Phòng Văn nghệ hôm nay

Có thể nói, sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với các chương trình chung, làn sóng văn nghệ trên truyền thanh rồi sau là phát thanh, truyền hình của Đài chưa một ngày ngơi nghỉ. Những tiếng hát, lời thơ, những truyện ngắn, những câu chuyện truyền thanh, những chương trình nghệ thuật… đã trở thành niềm tin yêu của biết bao thế hệ. Đạt được những thành tựu to lớn ấy, có một điều chúng ta không được phép lãng quên, đó là sự góp công, góp sức, mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu của các văn nghệ sĩ nói chung và các phòng ca nhạc, phòng văn nghệ của Đài nói riêng. Còn đối với những khán, thính giả thân quen của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, có lẽ những cái tên của những nhạc sĩ, nghệ sĩ như Đỗ Minh, Đàm Thanh, Nông Văn Khang, Khuất Hữu Hiền, Bích Thu, Hà Thị Bời… chính là những cái tên không thể mờ phai của một thời hoạt động văn nghệ đầy gian lao và huy hoàng - một thời đáng nhớ!

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước