Thứ bảy, ngày 26 tháng 04 năm 2025
17:00 (GMT +7)

Sư đoàn 312 chiến đấu trong Thành Cổ Quảng Trị

(Chuyện 50 năm bây giờ mới kể)

Chuẩn bị phương án tác chiến đánh địch

Ngày 11/8/1972, địch không tấn công bằng bộ binh mà chỉ có máy bay liệng vòng, bắn tỉa 12 ly 8 vào đội hình Tiểu đoàn 5. Cối pháo mặt đất cùng M79 của địch uy hiếp quân ta kéo dài 20 phút vào buổi trưa. Cả Tiểu đoàn có thời gian đào công sự và bố trí lại đội hình vì quân số đông hơn đơn vị bạn. Trinh sát có thời gian đưa cán bộ đi nắm địa hình, địa vật và làm quen với quy luật hoạt động của địch. Chúng ta vận dụng cách đánh kết hợp từ tiểu đội đến tiểu đoàn một cách chặt chẽ. Nhưng chủ yếu vẫn là dùng hỏa lực mạnh B40, B41 tiêu diệt địch kết hợp với súng bắn tỉa.

Phà chở hàng vượt sông Sê-rê-pốc (Lào), tháng 10/1972. Ảnh tư liệu
Phà chở hàng vượt sông Sê-rê-pốc (Lào), tháng 10/1972. Ảnh tư liệu

Đại đội 7, Đại đội 8 nhận nhiệm vụ chốt giữ khu nhà sắt. Đại đội 5, Đại đội 6 chốt các khu vực trống trải và một số cao điểm 15, 18, 19, 21... bám vào các khu nhà đổ làm công sự kiên cường đánh địch.

11 giờ 20 phút ngày 11/8/1972, Trần Măng dẫn một tổ trinh sát gồm: Dũng, Sơn, Minh, Định đến Chỉ huy sở mặt trận bảo vệ Thành cổ Quảng Trị do Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 đảm nhiệm. Tiếp Trần Măng là các đồng chí: Đỗ Phương Thuý, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48; Trần Minh Vân, Sư đoàn phó; Hải Như, Tham mưu trưởng; Trần Thùy, Chính uỷ Trung đoàn. Ngoài ra còn có đồng chí Phạm Duy Tân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Gặp anh Tân thủ trưởng cũ, Trần Măng vui vẻ hồ hởi hẳn lên.

- Lúc khó khăn nhất lại gặp nhau.

Đó là lời đầu tiên mà anh Tân nói với Măng. Những người lính cựu binh có mặt trên Thượng Lào lại cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt tin tưởng, những cái bắt tay siết chặt, những động tác lính ôm nhau rất khăng khít. Trung đoàn trưởng Đỗ Phương Thúy ưu tiên Trần Măng một ca nước sôi còn nóng hổi và điếu thuốc lá Tam Đảo, một mẩu lương khô JA70 của mình.

Chính uỷ Trần Thùy nói:

Tiểu đoàn 5 vào đúng lúc lắm, Trung đoàn 48 chờ cứu viện hơn tuần nay rồi. Các đồng chí phải làm quen tình hình ở hướng Đông Nam nhé, chúng tôi được anh Tân nói về Măng rất nhiều.

Tham mưu trưởng Hải Như nói:

- Chúng ta bắt đầu làm việc.

Chỉ huy sở là căn hầm trú ẩn của Tỉnh trưởng Quảng Trị cũ khá vững chắc đầy đủ bản đồ và sơ đồ tác chiến. Khu trong là kho lương và vũ khí còn trong hầm tối là các thương binh nặng chưa kịp chuyển đi. Không khí nồng nặc mùi trận mạc.

- Vâng! Tôi xin báo cáo với các thủ trưởng.

Trần Măng nói ngắn gọn tình hình vượt sông, số quân còn lại, sức chiến đấu, tinh thần anh em ra sao và địa hình ta, địa hình địch để bổ sung vào phương án tác chiến từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn cho các thủ trưởng góp ý. Phương án một đại đội mất chốt thì các đại đội khác chi viện thế nào? Máy bay địch hoạt động ở độ cao 300 - 400 thì đánh thế nào? Bộ binh địch dùng hơi cay chất độc thì ta có cách ngăn chặn ra sao?...

- Báo cáo các thủ trưởng, quân số Tiểu đoàn 5 hao hụt 37 người, một khẩu 12 ly, 7, 2km dây điện thoại cùng một y sĩ Tiểu đoàn thất lạc.

Các thủ trưởng nghe Trần Măng báo cáo xong đều băn khoăn nhưng vẫn tỏ rõ thái độ quả quyết và căn dặn Trần Măng rất kỹ càng:

“Địch đánh ta bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, do vậy Tiểu đoàn cần phải cảnh giác cao, tranh thủ củng cố công sự để sẵn sàng đánh địch ở mặt đất và trên không”.

“Cần quản lý quân số chặt chẽ, bảo đảm khí tài quân dụng đế tránh mọi tình huống xấu”.

“Thế mạnh của đối phương là pháo binh phần tử xạ kích tương đối chính xác”. Tham mưu trưởng Hải Như nhắc nhở Trần Măng, tránh thương vong sau này.

Xong cuộc họp, các thủ trưởng cho Trần Măng xem phương án tác chiến chung của các lực lượng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị bao gồm: Sư đoàn 320 còn lại chừng hai tiểu đoàn (thuộc Trung đoàn 27, Trung đoàn 48); Sư đoàn 308 còn lại cỡ một tiểu đoàn cộng với Tiểu đoàn K3 Tam Đảo quân địa phương, Tiểu đoàn 5 của Sư đoàn 312 (vừa mới bổ sung). Như vậy lực lượng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào giai đoạn cuối thực lực có 3 Tiểu đoàn bộ binh thiếu. Trước đó, 50 ngày bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ta đã thiệt hại lên đến hàng Sư đoàn. Trái lại, từ tháng 5/1972 đến khi đó ta cũng đã tiêu diệt hàng vạn lính và nhiều phương tiện chiến tranh như xe tăng, máy bay, ô tô của địch. Với 3 Sư đoàn (312, 320, 308) nhưng quân số thực lúc này chỉ còn ngót 1.000 người. Tiểu đoàn nào “vững” thì còn trên 200 tay súng, đại đội “cứng” thì được 60 quân, còn tiểu đội được 5 - 6 người là quý lắm rồi.

Khắc phục hậu quả sau mỗi trận bom ở trọng điểm Phu La Nhích, đường 20 Tây Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Khắc phục hậu quả sau mỗi trận bom ở trọng điểm Phu La Nhích, đường 20 Tây Trường Sơn. Ảnh tư liệu

6 giờ ngày 12/8/1972 bộ binh địch đi lại theo từng tốp nhỏ lẻ... có lẽ đối phương cũng đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn với ta. Cự ly của Đại đội 5, Đại đội 6 cách địch 500m, Đại đội 7, Đại đội 8 cách 600 - 700m. “Địa hình khu trường học và hàng cây độc đạo rất phức tạp, đặc biệt, khu nhà tầng là lợi hại nhất”, đó là câu nói của một Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 48 người Thái Bình bàn giao cho Tiểu đoàn 5 chiều 10/8/1972.

7 giờ sáng, trời Quảng Trị hửng đỏ. Pháo đàn cùa địch bắn phạm vi rộng hơn so với ngày 11/8. Chúng bắn tung cả ra khu bờ sông. Quy luật 5 phút một lần, có lúc lại kéo dài 15 phút. Pháo địch làm ta bị thương vong 5 đồng chí. 10 giờ ta bị thương thêm 7 đồng chí. 10 giờ 15 phút máy bay địch vòng liệng bắn 12 ly 8 làm ta bị thương 12 đồng chí, chúng sà thấp xuống 300m, Đại đội 5, Đại đội 6 dùng súng 12 ly 7 bắn cháy một máy bay.

Xẻ đôi F4H của địch

Nhận lệnh của Tiểu đoàn, Trần Quốc Ứng - anh lính già tuổi đời, tuổi quân người Lào Cai đã trải qua 2 chiến dịch ở Lào, nhấc ống nói báo cáo với Trần Măng:

- Xin anh cho phương án tác chiến?

“Cứ theo kế hoạch mà vận dụng linh hoạt”, Trần Măng trả lời Ứng qua điện thoại. Trần Quốc Ứng nguyên là cán bộ của Ty Lương thực Lào Cai đã “thử lửa” ở Lào, gần 30 tuổi mới nhập ngũ nên có vẻ chững chạc hơn so với cánh Dũng, Sơn, Nhuế lính học trò cùng nhập ngũ một ngày với anh ở Lào Cai. Với bản tính cẩn thận ít nói nhưng nói đi đôi với làm, anh chiến đấu dũng cảm nhưng không bao giờ kể về thành tích của mình.

Đã gần một tuần quần nhau với lũ giặc trời, cả khẩu đội 12 ly 7 của Ứng ai cũng mệt bã cả người. Một động tác hỗ trợ tích cực có hiệu quả cao cho bộ binh giữ chốt an toàn khi địch tấn công, đó là hạ nòng 12 ly 7 quét bộ binh địch. Đánh từ sáng đến 12 giờ trưa khẩu đội của Ứng hạ nòng cản 4 lần tấn công của bộ binh địch hỗ trợ cho bộ binh ta thoát công sự tiêu diệt những đơn vị nhỏ lẻ của địch, khẩu 12 ly 7 của Ứng nóng đỏ nòng lên rồi.

- Kìa bọn giặc trời lại đến! - Một chiến sĩ kêu lên.

- Chuẩn bị chiến đấu! - Khẩu đội trưởng Trần Quốc Ứng gào lên.

- Nó đánh bom lót ổ cho bộ binh nó xung phong đấy - Ứng nói cho cả khẩu đội chuấn bị.

Loạt bom thứ nhất làm 2 chiến sĩ bị thương nặng. Khu tường đổ nát hoang tàn vung vãi.

“Tằng tằng tằng”, khẩu 12 ly 7 của ta nhả đạn từng chập một. Có lẽ lũ giặc trời biết ta tiết kiệm đạn chúng lại bâu vào đông hơn. 5 chiếc F4H lượn vòng bao vây trận địa của ta, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn đánh trả. Có lúc như diều hâu bắt gà con chao liệng uy hiếp, có lúc chúng dùng kiểu chim bói cá nhào vút cắt bom xong lại lộn lên dùng 12 ly 8 bắn phủ đầu trận địa ta. Ngoài khẩu đội Ứng bị thương 2 người thì các chốt Đại đội 7, Đại đội 8 bị thương hơn 10 đồng chí (chiều qua Ứng và trợ lý tác chiến Bình của Tiểu đoàn đã vượt sông ra bến Nhan Biều nhận tân binh Hải Phòng thế mà nay hao hụt quá số quân bổ sung).

- Ôi!

Pháo thủ số 1 của khẩu đội 12 ly 7 kịp kêu lên một tiếng rồi ngã gục. Ứng lao về vị trí số 1 thay cho đồng đội. Anh vừa chỉ huy vừa chiến đấu. Cùng lúc đó trận địa của Đại đội 5, Đại đội 6, Đại đội 7, Đại đội 8 rộ lên có một hai cột lửa bốc cao (có lẽ pháo mặt trận từ Đông Hà chi viện bắn cháy 3 ô tô của địch ở khu trường học cạnh đường số 1, cách Tiểu đoàn 500 - 600m). Khí thế các chiến sĩ trong Tiểu đoàn hăng hái hẳn lên.

Trời hè nóng nực, oi bức, không một ngọn gió chỉ có mùi thuốc súng và hơi cay của địch mà thôi.

- Nó lao xuống kìa!

Pháo thủ số 2 kêu lên. Một chiếc F4H đâm sầm xuống trận địa của ta. Nhanh như điện, miệng thét tay ấn cò, Ứng gào to lên.

- Mày phải đền mạng.

Đón đúng tầm bổ nhào của tên quạ Mỹ, Ứng siết cò.

“Tằng tằng tằng”, Ứng điểm xạ một loạt ngắn. Chùm sao lửa vút căng lên bầu trời đâm thẳng vào tên giặc. Tên giặc trời lao xuống cầu Sải nổ tung. “Âm âm ầm”... nó tan xác cách trận địa của Ứng chừng 300m, lửa bốc lên sáng chói. Bất chấp kỷ luật cả khẩu đội reo hò sung sướng. Ứng dìu pháo thủ số 1 tay chỉ về phía tên giặc trời vừa bị hạ. Hiền - pháo thủ số 1 cười, mắt nhắm nghiền. Trên làn môi đỏ au như con gái ấy Hiền còn kể chuyện yêu đương cho cả khẩu đội nghe đêm qua… Rồi anh đi xa.

- Một F4H đổi một lính của tao cũng không xứng đáng. Ứng vuốt mắt bạn lòng căm thù tràn ngập nóng đỏ ở đôi mắt người lính già nhân hậu.

Lũ giặc trời còn lại lảng ra xa và chuồn thẳng.

- Lũ bộ binh địch lên đấy!

Pháo thủ số 3 lại phất cờ về phía đông nam Đại đội 7, Đại đội 8. Những loạt B40, B41 lại phun những con rồng lửa về phía địch. Khẩu đội 12 ly 7 lại hạ nòng bắn tỉa bộ binh địch đang lốc nhốc tháo chạy. Trời nổi cơn giông.

Một trận chiến đấu của 6 chàng lính trẻ

8 giờ sáng ngày 9/9/1972.

Từng chập pháo đàn, pháo độc của địch lại bắn liên hồi vào trận địa của Đại đội 6. Phía trong Thành Cổ, từng loạt 12 ly 7 lại nổ giòn chống trả lũ giặc trời lao đến. Ở tuyến giáp ranh với địch, tiểu đội của Hùng triển khai công sự chiến đấu. Những cột nhà cháy được khuân về vội vàng. Những mảnh tôn, mảnh ván, những ống pháo sáng được lắp ráp gọn gẽ bên nhũng bức tường đổ nát. Thành Cổ nơi diễn ra hàng trăm trận đỏ lửa từ mấy tháng nay tưởng không còn một viên gạch lành nguyên vẹn ấy thế mà dưới lớp đất cát, dưới cái hoang tàn đổ nát ấy những người lính của chúng ta vẫn sống và chiến đấu dũng cảm bền bỉ. Mặt Thành Cổ chỉ còn những đống đổ nát tạo thành những hình thù kỳ quái. Những cây thập ác xiêu vẹo, hàng chục bức tượng dúm dó tuyềnh toàng. Những đống nhà sắt trơ trọi tưởng như những khúc xương đen sì phơi mình dài ngày dưới nắng mưa bom đạn.

Vừa đào hầm, Lành vừa gợi chuyện:

- Các cậu ạ! Tôi ngẫm rồi (anh chàng Lành có tật nói lắp) phụ nữ họ thích những chàng trai phiêu lưu lắm. Họ ước mơ người yêu của mình là những bậc anh hùng cơ!

- Dĩ nhiên rồi! Trong tình yêu nam giới ta cũng vậy, hai bên phải có trách nhiệm với nhau tuy rằng ở mỗi người có suy nghĩ khác nhau, song theo tôi thì ước mơ về một người yêu thì phải là một người phụ nữ đẹp, phải biết giúp đỡ người chồng trong sự nghiệp sau này. Chiến sĩ Cảnh đỡ lời Lành như vậy.

- Cậu lại ước mơ tình yêu Jenni - Mác!

- Đúng quá đi chứ! Tình yêu phải là tình cảm chân thành, người yêu phải là một người bạn đời chung thuỷ.

- Cậu lại sút Lành rồi.

Hùng đệm cho Cảnh một câu, cậu ta hếch mũi khoái chí, còn Lành chín mặt cười ngượng.

- Điều đáng quý là tình yêu phải biết tôn trọng lẫn nhau, biết dành cho nhau những gì cao quý nhất. Đó là danh dự con người, điều mà mỗi chúng ta ai cũng có thể làm được. Nhất là những người đang cầm súng.

Cuộc tranh luận của Lành và Cảnh đến mức độ sôi nổi thì tổ của Bình chạy sang báo:

- Phía Đông địch đang lên như kiến!

- Bố trí 2 khẩu B40, B41 ở hai bên sườn, trung liên đặt lên điểm cao kia, tôi và Tình hỗ trợ - Hùng ra lệnh.

Văn công Trường Sơn phục vụ bộ đội tại trận địa phòng không của Tiểu đoàn 35, Binh trạm 27 ở tuyến đường 16, Tây Trường Sơn, tháng 4/1969. Ảnh tư liệu
Văn công Trường Sơn phục vụ bộ đội tại trận địa phòng không của Tiểu đoàn 35, Binh trạm 27 ở tuyến đường 16, Tây Trường Sơn, tháng 4/1969. Ảnh tư liệu

Thật hạnh phúc cho cái gia đình nhỏ bé của Hùng ở Đại đội 6 này. Hùng, Lành - Thượng sĩ; Bình - lính; Cảnh - Trung sĩ đều qua 2 chiến dịch ở Lào nay đã trở thành cựu binh của Quảng Trị, trên ngực ai cũng lấp lánh huân chương. Trong mấy ngày qua tiểu đội của Hùng bổ sung thêm 7 tân binh dân Đại học Thuỷ lợi, nhưng thương vong cả rồi. Có ai ngờ trong cái gia đình tiểu đội ấy có tới 13 cử nhân và tú tài. Chả thế một lần đánh ở làng Như Lệ có một cụ già cứ lần tay sờ vào người Hùng.

- Má tìm gì hở má, Hùng hỏi.

- Má xem đuôi các con cộng sản ở đâu?

- Ai nói với má chúng con có đuôi?

- Mấy ông “Tâm lý chiến của ngụy nói vậy”.

- Má nghĩ các con đẹp trai thế này lại là cử nhân tú tài, thì tại sao người ta nói láo thế!

Hùng giải thích tâm lý chiến của địch là phản động.

- Ở trong này cử nhân tú tài đi học trường sĩ quan Đà Lạt hết đấy!

- Quân đội chúng ta toàn tú tài cử nhân cả đấy má à.

- Chả trách các con thắng Mỹ là phải…

***

- Ai trở về vị trí ấy.

Hùng ra lệnh. Thoắt một cái ai ai cũng sẵn sàng chiến đấu. 7 phút trôi qua, Hùng vừa buông ống nói với Đại đội trưởng Dậu thì một khẩu cối 82 ly của Tiểu đoàn giọt cấp tập vào đội hình địch. Địch dạt ra tứ phía. Đạn nổ ran ran đủ các cỡ: 12 ly 7, B40, B41, DKZ, AK, AR15... khắp Thành Cổ. Một toán giặc vào đúng lõng của Lành, Cảnh. 2 khẩu B40, B41 khạc lửa, xác địch chết còng queo, còn hơn 50 tên kêu la inh ỏi chạy toán loạn. Khẩu trung liên của Bình “tằng tằng” phối hợp nhịp nhàng. Địch rút chạy.

Chừng 40 phút sau chúng lại tập trung đông hơn lên tới một tiểu đoàn định ăn sống nuốt tươi Tiểu đoàn 5.

- Alô! Tiểu đội Hùng hạ bao nhiêu tên? Đại đội trưởng Dậu gọi.

- 57 tên còng queo. Hùng trả lời.

- Trận này ta phối hợp khá đẹp, trên chi viện cối, ta đánh rất hay, rất chụm. Toàn Đại đội mình diệt được 150 tên đấy, ta dùng hoả lực mạnh và súng bộ binh.

- Có khả năng chúng lại dùng thủ đoạn mới đấy - Dậu dặn kỹ Hùng.

- Vâng! Anh cứ tin tưởng ở chúng em. Hùng trả lời ngắn gọn.

Cả Tiểu đội vừa thu dọn trận địa, vừa lôi cả những khẩu M79, AR15 tiểu liên cực nhanh của địch về chốt, Lành còn tranh thủ mấy ba lô lương khô và thuốc lá của địch. Cảnh nhanh nhẹn kéo cả máy bộ đàm của địch về. Tình, Bình cũng lượm lặt khá nhiều chiến lợi phẩm, cả chiếc đài chạy pin của một tên sĩ quan đeo bên hông. Trận đánh chớp nhoáng 40 phút ta đã thắng lợi giòn giã, nhưng toàn Đại đội cũng bị thương 15 đồng chí.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón Quân giải phóng trong ngày vui chiến thắng. Ảnh tư liệu
Nhân dân Sài Gòn ra đường đón Quân giải phóng trong ngày vui chiến thắng. Ảnh tư liệu

Bên Đại đội 7 vừa bổ sung một số tân binh người Thái Bình vào lúc 24 giờ đêm qua trong đó có Nguyễn Văn Đồng quê ở Tiên Hưng, Thái Bình. Trận này anh chiến đấu dũng cảm và chỉ một trận anh đã trở thành cựu binh thực thụ.

Vừa chân ướt chân ráo vượt sông về đơn vị, Đồng đã xin thủ trưởng Đại đội cho đi đánh ngay. Đồng rất thích y tá Đỉnh người đồng hương cùng xã đã dạy cho anh thao tác các loại súng thành thạo.

Buổi sáng, Chính trị viên phó Đại đội Nguyễn Văn Dĩ dẫn một mũi đánh chặn địch trong đó có Đồng. Đồng được giao nhiệm vụ giữ vị trí đầu cầu. Anh chàng tân binh bé nhỏ da đen bóng như cột nhà cháy, chỉ có đôi mắt sáng và cái miệng cười duyên không lúc nào ngớt chuyện. Phía ta bố trí xong xuôi mà địch vẫn chưa đến. Tới gần trưa bọn cướp biển (thuỷ quân lục chiến) kéo lên từ hướng nhà tầng ngày một đông đặc. Đủ các cỡ sắc phục lính. Đứa mũ đỏ, đứa mũ đen, đứa áo cộc, đứa mũ sắt lốc nhốc cách trận địa ta 200m. Chúng bắn cối 12 ly 8 xuống trận địa của Đồng giòn giã. Thế mới lạ, anh chàng tân binh gan lì cóc tía này không hề nao núng (nhiều tân binh trận đầu còn tè ra quần). Đồng báo cáo với Chính trị viên Dĩ đề nghị anh cho đánh.

- Cứ bình tĩnh! Dĩ nhắc nhở Đồng. Đồng im lặng quan sát kỹ càng từng cử chỉ của địch. Bỗng một thằng xuất hiện trên nhà tầng đang chỉ trỏ ra chừng lấc láo. Đồng giương súng bắn “đoàng”, tên địch ngã gục xuống vắt mình qua lan can hai tay còn đung đưa mãi. Đồng phấn khởi quá, càng chiến đấu hăng hái hơn. Bọn địch dền dứ suốt một ngày. Tới 16 giờ 30 phút chiều chúng mới chia nhau làm 2 mũi đánh quặp vào tổ của Đồng. Đồng không hề nao núng, anh cùng Đại đội tập trung hoả lực đánh bật 5 lần tấn công của lũ cướp biển. Đồng vừa học xong các thao tác sử dụng B40, anh lao lên vị trí đầu cầu một cách vững vàng. Một mình anh hạ 7 tên cướp biển trong 1 giờ đồng hồ. Bỗng một quả M79 nổ trước mặt Đồng. Anh ngã gục. Y tá Đỉnh băng lại vết thương cho Đồng nhưng không kịp.

- Vết thương của em không sao đâu! Cứ để em ra làm nhiệm vụ.

Lòng Đỉnh đau xé không thể cầm máu cho Đồng được. Nửa giờ sau anh ra đi. Người tân binh 2 tháng tuổi quân, quân hàm Binh Nhì mà dũng cảm tuyệt vời như một cựu binh qua 2- 3 chiến dịch. Người liệt sĩ Thái Bình, con của một liệt sĩ chống Pháp đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Quảng Trị. Gió ở phía đông nam Thành nổi lên. Ta và địch ngừng đánh, thu quân. Đã lâu lắm rồi mà Chính trị viên Dĩ vẫn đau đớn trong lòng, khi nghĩ về người chiến sĩ trẻ anh hùng quả cảm. Anh thật xứng là người ưu tú trong những người ưu tú.

Đỗ Dũng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy