Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử
1. Thành tựu và hạn chế của văn học Thái Nguyên về đề tài lịch sử 20 năm đầu thế kỷ XXI
1.1. Một số sáng tác của nhà văn Thái Nguyên về đề tài lịch sử
Sự ra đời những tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân... trên văn đàn quốc gia vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã kích thích các nhà văn Thái Nguyên, nơi “ẩn tàng những sự kiện lịch sử lớn, thậm chí vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình lịch sử của đất nước”(1) để từ đó kích thích họ viết về đề tài “hóc búa” này, trước sự mong đợi của người đọc Thái Nguyên.
Hội thảo Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử năm 2019
Việc cần đến cũng đã đến! Hai mươi năm đầu thế kỷ XXI dần dần xuất hiện những tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử mang tên các nhà văn Thái Nguyên. Có thể kể: Ngọc Thị Kẹo với Nhật ký cô văn thư (NXB Thanh niên, 2013), Hồ Thủy Giang với tiểu thuyết Thái Nguyên - 1917 (Nxb Đại học Thái Nguyên, 2017), Lưu Nhân Chú (tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2018). Ông cũng là tác giả 5 tập phim truyện về Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, 4 tập phim Dưới cờ phục quốc đã phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Thái Nguyên. Ma Trường Nguyên có 2 tiểu thuyết lịch sử: Ông Ké thượng cấp (Nxb Hồng Đức, 2016), Ông Ké trở lại chiến khu (Nxb Hồng Đức, 2017); Phan Thức viết Thượng thư Đỗ Cận (tiểu thuyết, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2019);...
Nhà văn Hồ Thủy Giang là người viết tiểu thuyết lịch sử có số lượng nhiều hơn và thành công hơn cả.
Về tác phẩm Tể tướng Lưu Nhân Chú: Theo chính sử, ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Lê Sơ, không rõ năm sinh, chỉ biết năm mất là 1433. Quê ông ở xã Thuận Thượng (Yên Mỹ), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Là một thanh niên nông dân, Lưu Nhân Chú (LNC) lớn lên, rồi được chứng kiến tội ác của quân Minh đối với bà con, làng xóm mình. Để góp phần trả thù cho dân, cho nước, LNC tự nguyện đến Lam Sơn, Thanh Hóa gặp quân khởi nghĩa do Lê Lợi đứng đầu để xin gia nhập Hội thề Lũng Nhai, năm 1416. Khi Lê Lợi dấy binh, LNC được phong chức Thứ thủ ở vệ kỵ binh quân Thiết đột (1418), rồi giữ nhiều chức khác trong những năm tiếp theo. Cuối cùng ông trở thành Tể tướng (1427), đứng đầu hàng võ trong triều, kiêm chức chính sự nhà nước.
Theo Lê Lợi từ những ngày đầu khởi nghĩa ở Lam Sơn, năm 1424, trong trận đánh ở ải Khả Lưu, ông xông lên trước hãm thành, thu toàn thắng. Năm 1425, ông cùng các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Triện đánh úp, phá quân Minh ở thành Tây Đô, được phong chức Thống hầu. Mùa thu năm 1426, Lê Lợi đang vây thành Nghệ An, sai LNC cùng các tướng Bùi Bị, Lê Sát, Lê Khuyển, Lê Nanh mang 2.000 quân ra lộ Trường Yên, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương để chặn đường về của quân Minh do Phương Chính, Lý An chỉ huy. Hoàn thành việc đánh chặn này, LNC cùng các tướng sĩ tiến sang địa giới các lộ Khoái Châu, Lạng Giang, Bắc Giang để đánh viện binh quân Minh từ Khâu Ôn (Trung Quốc) tiến sang...
Công lao lớn, chức tước cao sang, nhưng cuối cùng LNC bị Lê Sát bức hại bằng thuốc độc chết (1433) do hiềm khích cá nhân.
Với thông tin ít ỏi như trên (theo sử liệu), bằng năng lực tưởng tượng phong phú, sáng tạo của mình, Hồ Thủy Giang đã tạo nên hình tượng nhân vật LNC - một thanh niên nông thôn miền núi bình thường trở thành một người dân Đại Việt có lòng yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình, người thân, và vươn tới vị trí của một tướng tài, dũng cảm, được miêu tả sinh động qua 13 chương, 212 trang in của tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú. Câu chuyện về nhân vật chính này được kể theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu là những năm tháng LNC sống, lao động cùng gia đình, anh em, bạn bè và bà con làng xóm ở một vùng đồi núi Thuận Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tướng giặc Minh tên là Ngũ Liệt giữ chức quan huyện khi ấy, đã cùng bọn tay sai của hắn luôn tìm cách o ép, vơ vét của cải, cấm đoán dân chúng Đại Từ tụ tập đông người, kể cả lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) của người Tày. Ngũ Liệt cùng bọn tay sai tổ chức “phá đám” ngày hội đông vui này của dân chúng. Đồng thời, lợi dụng lúc nam nữ thanh niên mải chơi ném còn, tên giặc Ngô ấy đã sai lính bắt các cô gái đẹp để làm người hầu cho hắn. Căm ghét giặc ngoại xâm, thương yêu dân lành, LNC đã nhanh chóng cứu cô gái tên là Slao trong hội Lồng Tồng thoát khỏi tay tên Ngũ Liệt dâm ô. Cảm mến và biết ơn người thanh niên LNC đã cứu mạng, cứu cuộc đời trinh trắng của mình khỏi kiếp nô tỳ, Slao thầm yêu LNC và thường chăm chú lắng nghe tiếng sáo của anh. Cô gái ở bản Nặm Cang này được LNC truyền cảm hứng yêu nước, căm thù giặc, dìu dắt cô tập tành võ nghệ, giao cho cô việc thu gom lương thảo, chăn nuôi, huấn luyện ngựa chiến để có nguồn hậu cần tiếp viện cho nghĩa quân Lam Sơn. Tình cảm của Slao đối với LNC thật là đặc biệt: vừa cảm phục, biết ơn, vừa là tình yêu của người con gái mới lớn đối với một chàng trai lý tưởng, nhưng lại vẫn phải giữ quan hệ với chị Ngọc Tiêm, vợ LNC, người phụ nữ “công - dung - ngôn - hạnh”, người dạy võ cho Slao và hướng dẫn cô làm nhiều việc ở căn cứ Nặm Cang trong thời gian LNC xa gia đình, quê hương đến Lam Sơn tụ nghĩa. Trong mối quan hệ “tay ba” ấy, có lúc hé lộ chút nghi ngờ, thầm ghen ở họ, nhưng không trở thành “tình địch”, bởi tất cả đều đặt nhiệm vụ đánh giặc cứu nước lên hàng đầu, lên trên hết.
Ngọn lửa yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của Lưu Trung (cha LNC) và người con rể của ông là Phạm Cuống, được nhen lên khi ba cha con tụ họp quanh bếp lửa nhà sàn, vừa nghe tiếng sáo của LNC, vừa bàn kế hoạch đến Lam Sơn tìm minh chủ. Họ đã vượt qua rừng rậm, núi cao, sông sâu, gian nan vất vả hàng tháng trời mới gặp được Lê Lợi, Nguyễn Trãi... và kịp tham dự Hội thề Lũng Nhai. Đoạn sau của tiểu thuyết kể những diễn biến quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: lúc thì suôn sẻ, khi gặp khó khăn vì bị giặc Minh bao vây, hao tổn nghĩa binh, thiếu lương thảo, phải dùng kế trá hàng để mở đường thoát hiểm... LNC đã thể hiện lòng dũng cảm, tài thao lược và võ công vượt trội của mình trong nhiều trận đánh, được các tướng Lê Triện, Lê Bị, Lê Sát... “tâm phục, khẩu phục” và nhất là được Lê Lợi ngợi khen, tin tưởng giao cho nhiều trọng trách, phong cho nhiều chức tước, cao nhất là Tể tướng.
Có lẽ, những tình tiết mà nhà văn hư cấu, sáng tạo ra, được kể về hoạt động của hậu phương, nhờ dựa vào sức dân trong căn cứ Nặm Cang, Đại Từ, Thái Nguyên là phần thành công đáng kể của tiểu thuyết. Tài chỉ huy của “nữ tướng” Ngọc Tiêm (vợ LNC) đã động viên, khích lệ Slao và những người yêu nước khác chống lại bọn cướp có vũ khí đến tấn công sơn trại Nặm Cang. Nhờ võ nghệ gia truyền và lời lẽ khôn khéo của mình, Ngọc Tiêm đã cùng với Slao cảm hóa, thuyết phục được mấy chục quân cướp vốn là những người do sống nghèo khổ dưới ách tàn bạo của giặc Ngô mà “đói ăn vụng, túng làm liều”. Căn cứ hậu cần Nặm Cang được bảo toàn, quân cướp được ở lại làm ăn sinh sống ở Nặm Cang và họ trở thành nghĩa quân, tự nguyện đem ngựa, lương thực và cả lòng yêu nước, căm thù giặc vào Lam Sơn, Thanh Hóa để quyết sống mái với giặc Minh.
Đoạn kể về những ngày tháng bị bao vây, thiếu lương ăn của nghĩa quân Lam Sơn và tiếp theo đó, LNC trở về quê (căn cứ Nặm Cang, nơi có nhiều hang động làm nơi tích trữ lương thực, vũ khí...), để bàn với mọi người dùng 300 ngựa chiến chở gạo, gươm giáo, quân trang đã tích trữ nhiều năm, tiếp viện cho nghĩa quân Lam Sơn, Thanh Hóa. Điều đó nói lên tầm nhìn và công lao to lớn của LNC đối với nghĩa quân Lê Lợi. Đoàn kỵ binh - vận tải ấy đã vượt qua nhiều chặng đường rừng trong đêm tối, tiến đến Lam Sơn. Nhờ đó, sức chiến đấu của quân Lê Lợi tăng lên rõ rệt, giành được nhiều chiến công liên tiếp ở Nghệ An, Tây Đô... tạo đà cho những trận đánh lớn, tiêu diệt hàng vạn quân Minh sau này. Đi trong đoàn quân ấy, có Slao. Cô được LNC theo sát, giúp đỡ như người đồng đội, người anh thân thiết. Và trong trận đánh lớn ở ải Chi Lăng, Slao chiến đấu như một nữ tướng, thể hiện tài võ nghệ đã học được từ chị Ngọc Tiêm. Nhưng không may, cô bị trúng mũi tên của giặc, bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng trong sự thương tiếc của LNC cùng nghĩa quân Nặm Cang, Lam Sơn trên trận địa Chi Lăng. Những chi tiết sáng tạo, cảm động về người con gái Tày Slao ở đoạn này của tiểu thuyết đã gây xúc động cho người đọc.
Ở phần đầu và phần sau của tiểu thuyết, thỉnh thoảng tiếng sáo của LNC lại vang lên như lời tâm sự của anh và được người thân, bạn bè đồng cảm. Tình yêu quê hương hòa với lòng yêu nước, căm thù giặc Minh tàn bạo cùng ý chí quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi Đại Việt đã được gửi gắm qua tiếng sáo của LNC. Cũng có khi tiếng sáo của anh thoáng nét buồn vì chút lòng trắc ẩn riêng tư mà chưa tiện thổ lộ cùng ai. Tiếng sáo đã trở thành một biểu tượng, một hình tượng độc đáo, là dụng ý nghệ thuật tinh tế của nhà văn Hồ Thủy Giang trong tiểu thuyết lịch sử này.
Nhà văn Phan Thức vốn là một nhà thơ, với 7 tập đã được công bố. Ông kết hợp viết truyện ngắn song hành với sáng tác thơ và đã có 3 tập truyện được in vào các năm 2006, 2007, 2009 do Nxb Hội Nhà văn, Nxb Văn học ấn hành. Thượng thư Đỗ Cận là tiểu thuyết lịch sử đầu tay của Phan Thức, do Nxb Đại học Thái Nguyên in năm 2019.
Nhân vật lịch sử Đỗ Cận vốn là một đại quan của nhà Lê, dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Chính sử có ghi năm sinh của Đỗ Cận là 1434, còn năm mất thì vẫn để dấu “?”. Ông người xã Thống Thượng, huyện Phổ Yên (tức xã Minh Đức, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Về Nho học, ông là Tiến sĩ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên dưới triều vua Lê Thánh Tông, một triều đại được đánh giá là cực thịnh của nhà Hậu Lê.
Về Đỗ Cận, tư liệu lịch sử để lại không nhiều: tên khai sinh của ông là Đỗ Viễn, sau khi đỗ tiến sĩ, vua Lê Thánh Tông đổi thành Đỗ Cận, với ý nghĩa là “yết kiến”. Tên tự của ông là Hữu Khác, hiệu là Phổ Sơn, làm quan đến chức Thượng Thư (ngang Bộ trưởng ngày nay). Ông đỗ tiến sĩ năm Mậu Tuất (1478), cùng khoa với Vũ Quỳnh, và chính năm ấy ông được nhà vua đổi tên từ Viễn sang Cận. Đỗ cận được giữ chức Tham nghị xứ Quảng Nam một thời gian. Năm Quý Mão (1483), ông được cử đi cống nhà Minh, Trung Quốc, với chức Phó sứ. Trong dịp này ông đã sáng tác tập “Kim Lăng ký” bằng chữ Nôm, tả phong cảnh kinh đô Kim Lăng (Nam Kinh), nay đã thất truyền. Sau sự kiện này, ông được phong chức Thượng Thư, đứng đầu một trong 6 Bộ lúc bấy giờ. Từ những sử kiện ít ỏi ấy, kết hợp việc sử dụng những tư liệu dã sử tự thu thập và bằng năng lực tưởng tượng sáng tạo của mình, Phan Thức đã sáng tác tiểu thuyết lịch sử Thượng Thư Đỗ Cận dài hơn 200 trang in, khổ 13x19 cm, gồm 11 chương và đoạn Lời cuối sách.
Câu chuyện về Thượng Thư Đỗ Cận được bắt đầu từ những năm tháng anh đồ nghèo Đỗ Viễn gắn bó với làng quê thuần nông gần núi Độc Tôn, ngọn cuối của dãy Tam Đảo. Hai mươi tuổi mới được đến học ở nhà ông đồ làng, vì bố anh phải đi làm ăn xa, mẹ anh thì ốm yếu luôn, cho nên anh phải “vừa học vừa làm”. Thấy con thỉnh thoảng phải nghỉ học đi làm đồng, mẹ Đỗ Viễn tỏ ra rất lo lắng, nhưng anh luôn tin ở khả năng nhận thức và cách tự học của mình. Kiên trì vượt khó, coi trọng tự học, kết hợp với tư chất thông minh, có chí tiến thủ, Đỗ Viễn chẳng bao lâu lấy “hết chữ” của thày đồ làng và phải đến tỉnh khác để học thày nhiều chữ hơn: đó là thày ở Từ Sơn, Bắc Ninh, đỗ Thám hoa mà không ra làm quan, mở trường dạy học tại nhà.
Ba năm xa nhà theo học thầy Thám được thày cho ở trọ tại nhà, thuận lợi về nhiều mặt nên Đỗ Viễn học rất tốt. Anh được thầy khen, bạn mến và cô con gái diệu của thày tên là Nụ, học sau hai lớp đã “thầm yêu trộm nhớ” anh. Thế rồi đến kỳ thi Hương, Đỗ Viễn chuẩn bị bài vở kĩ trước khi lên đường, và anh đã đậu Thủ khoa. Mẹ anh lại ốm, anh về nhà giúp mẹ làm mọi việc. Chạy chữa thuốc thang cho mẹ khỏe lại, Đỗ Viễn về trường Quốc Tử Giám ở Kinh đô để ôn luyện tiếp, chuẩn bị cho kì thi Hội và thi Đình.
Bẵng đi một thời gian dài xa thày Thám và cô Nụ để đi thi, đi học cao hơn, Đỗ Viễn chưa một lần về thăm họ. Anh rất nhớ và áy náy về việc ấy. Thày Thám ngày một yếu, học trò đến học ngày càng ít, vì vậy có lúc thày đem sách ra đọc. Còn cô Nụ thì không nguôi nhớ Đỗ Viễn, đêm ngủ hay tương tư, mộng mị, người gầy rạc đi. Bà cô khuyên Nụ đến chùa niệm Phật nên cô đã tĩnh tâm lại phần nào. Lấy sách ra đọc, Nụ bắt gặp câu ca hay: Nhớ ân kỳ ngộ lương duyên/ Đuốc hoa đành liệu, thủy nguyền trúc mai. Cô ao ước câu hát ấy như một điềm lành báo cho mình, và cô nhen lên niềm hy vọng. Nhưng thời gian cứ trôi đi lặng lẽ, niềm hy vọng ấy đã thành nỗi thất vọng triền miên. Nụ xuống tóc đi tu mà sau này có hỏi thăm khắp nơi, Đỗ Cận cũng không biết rõ cô tu ở chùa nào.
Và ngày 14, tháng 5, năm Mậu Tuất (1478), Lê Thánh Tông đi kiệu đến Điện Cần Chánh, ra đề thi cho hơn sáu mươi Thái học sinh. Đậu Tiến sĩ, trong kỳ thi này, Đỗ Viễn được vua ưu ái đổi tên là Đỗ Cận.
Ngày ông Nghè làng Thống Thượng vinh quy bái tổ đã diễn ra như một lễ hội chưa từng có. Cuộc “bái tổ vinh quy” được miêu tả chi tiết, sinh động, với những kỷ niệm thân thiết về làng quê, được hiện lên sống động trong ký ức Đỗ Cận. Những cử chỉ đẹp của tân Tiến sĩ càng làm cho dân làng mến phục.
Sau ngày hội vinh quy, Đỗ Cận sắp xếp thời gian đi thăm đình làng, viếng mộ tổ tiên, thăm và cám ơn thầy đồ làng, thầy Thám ở Bắc Ninh, dừng chân ở quán của bà lão năm xưa để tạ ơn, thật là, cái ân nghĩa ở đời không bao giờ đo được bằng tiền!
Triều đình cử Đỗ Cận đi làm việc ở Quảng Nam với chức Tham nghị một thời gian ngắn, nhưng Đỗ Cận đã ghi dấu ấn rõ nét của một viên quan mẫn cán và liêm khiết.
Đỗ Cận được nhà vua cử đi sứ nhà Minh cùng với hai quan võ, khi trở về, được vua Lê Thánh Tông khen ngợi và được phong chức Thượng Thư. Sau sự kiện này, mẹ ông ốm nặng và qua đời nên tân Thượng Thư phải về nhà chịu tang ba năm theo phong tục. Trong thời gian khá dài ấy, ông vừa lo việc nhà, gặp trưởng thôn để bàn bạc và làm nhiều việc có lợi cho dân, cho họ hàng, cho quê hương Thống Thượng.
Tể tướng Lưu Nhân Chú và Thượng Thư Đỗ Cận là hai tiểu thuyết lịch sử nói về hai đại thần nhà Hậu Lê, thế kỷ XV ở Việt Nam, một quan võ, một quan văn, cùng ở tỉnh Thái Nguyên, do hai nhà văn Thái Nguyên là Hồ Thủy Giang và Phan Thức sáng tác. Những con số 2 ấy tưởng như là ngẫu nhiên, nhưng không phải vậy. Một vùng đất “địa linh nhân kiệt” ắt sẽ có anh hùng hào kiệt như Tể tướng họ Lưu và Thượng thư họ Đỗ; một vùng đất có truyền thống khoa bảng, có người học hành, thi cử, đỗ đạt như ở Thái nguyên trong thời trung đại và hiện đại thì cũng có những nhà văn ngày nay sáng tạo thành công hình tượng nhân vật cách đây 5, 6 thế kỷ trong tiểu thuyết lịch sử của mình. Những nhân vật lịch sử ấy như được hai nhà văn “phục sinh” từ quá khứ. Mỗi tiểu thuyết đã đạt được những thành công nhất định, tuy ở mức độ khác nhau, song đã góp phần giúp cho các thế hệ bạn đọc hiểu, tự hào về hai danh nhân có lòng yêu nước, thương dân, tận tụy với việc công, thanh liêm trong đời sống quan lại, đặc biệt ở thời trẻ tuổi, họ lấy tự học làm chính để vươn lên thành tài như Tể tướng Lưu Nhân Chú và Thượng thư Đỗ Cận, đó là những bài học có ý nghĩa giáo dục rất quý báu.
Thái Nguyên - 1917 là tiểu thuyết viết về cuộc khởi nghĩa trong lịch sử cận đại Việt Nam, với những sử kiện, nhân vật mới qua đi một thế kỷ. Hai nhân vật chính của tiểu thuyết là Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến. Nguồn tư liệu khá phong phú từ cả hai phía Việt - Pháp được lưu trữ, phổ biến, là thuận lợi đáng kể cho nhà văn Hồ Thủy Giang khi sáng tác tiểu thuyết này. Tuy nhiên, thuận lợi ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu nhà văn không biết cách “phục sinh” chúng bằng trí tưởng tượng sáng tạo, linh hoạt và bằng nguồn dã sử do mình dày công tìm kiếm.
Mười chương tiểu thuyết trong Thái Nguyên - 1917 của Hồ Thủy Giang đã dựa vào những sự kiện có trong chính sử để làm xương cốt cho câu chuyện, được diễn ra như trong đời sống của nó. Chuyện về trại lính khố xanh hàng ngày, với những sinh hoạt của binh sĩ người Việt, của các quan Tây; chuyện nhậu nhẹt, gái gú trong nhà thổ mà quan, lính tây - ta ra vào; việc làm ăn, kiếm chác tiền bạc của vợ chồng Phó Quản Lạp trong nhà ăn trại lính và những mưu mô ngầm của hắn khi theo dõi, ghi sổ đen trình tên giám binh Noel danh sách những người bị nghi có thái độ, hành vi chống đối... Đặc biệt, tác giả tiểu thuyết đã dành nhiều trang nói về Đội Cấn và người vợ ba của ông, về viên cai đội có hận thù với tên cai đồng ngũ mà trước đây hắn đã giết bố đẻ của mình. Trong hàng ngũ những người có chức, quyền ở trại lính khố xanh, Đội Cấn là một sĩ quan có uy tín nhất, được nhiều người mến mộ, và ông cũng là người tập hợp được khá đông sĩ quan, binh lính cùng chí hướng chống bọn quan Tây trực tiếp chỉ huy trại khố xanh và quan Công sứ tỉnh. Rồi chuyện Đội Cấn bàn kế hoạch tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, bằng cách cử Đội Giá đến gặp cụ Vinh, một cựu nghĩa binh của Đề Thám trước đây để bàn cách hợp đồng tác chiến, và cũng từ đó mối tình của anh với cô con gái cụ tên là Luyến được nảy nở. Trong trận chiến ác liệt đánh quân Pháp ở Gia Sàng, Cai Mánh xông lên dũng mãnh giữa đạn lửa, không sợ hy sinh. Hình ảnh cô Luyến, như một nữ chiến binh, trên đầu thắt nơ trắng, xông pha trên trận địa như bướm trắng bay trên cánh rừng. Đội Giá sát cánh bên cô, chiến đấu liên tục. Và cô gái đã hy sinh trong nỗi tiếc thương của Đội Giá và đồng đội. Rất nhiều chuyện đời thường, chuyện chiến đấu, chuyện Lương Ngọc Quyến bí mật thảo “hịch” ở trong tù, như một tuyên ngôn của cuộc khởi nghĩa... Tất cả được kể, miêu tả khá sinh động và hấp dẫn.
Hai tác phẩm văn học về đề tài lịch sử hiện đại của nhà văn Thái Nguyên là truyện dài Nhật ký cô văn thư của Ngọc Thị Kẹo và Những người mở đường của Hồ Thủy Giang. Cùng viết về một sự kiện lịch sử đã qua khoảng bốn mươi năm, nếu Nhật ký cô văn thư là thể loại truyện dài dưới dạng nhật ký, coi trọng hiện thực đã diễn ra, với mục đích làm sống lại trong ký ức người đọc về tội ác “trời không dung, đất không tha” của đế quốc Mỹ khi chúng ném bom hủy diệt vào đêm Noel năm 1972 ở ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, gây nên cái chết thảm khốc của 60 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) tuổi đời còn rất trẻ, trong một căn hầm chữ U; thì Những người mở đường là tiểu thuyết lịch sử, dựa vào sử liệu, lấy sử kiện làm cốt, tác giả dùng biện pháp hư cấu để gửi gắm những thông điệp cần thiết, đó là: Không được lãng quên những sự kiện lịch sử cùng những con người đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; Những quan niệm “ấu trĩ” một thời, qua thời gian và những đổi thay của thời cuộc, cần được nhận thức lại, sửa sai, bằng tấm lòng biết sám hối.
Qua lời kể của nhiều nhân chứng, cô văn thư tên là Hạt đã ghi lại bằng những dòng nhật ký đẫm nước mắt. Xúc động nhất là cảnh khi đồng đội biết tin, đi tìm thi thể những người đã hy sinh, gặp mảnh áo TNXP cháy sém ở khóm gai trinh nữ và các suất cơm tanh bành chưa kịp ăn.
Nỗi kinh hoàng của cựu TNXP sống sót là Lương Thị Hội qua lời kể của chị: “Làm cả ngày, đến tối ai cũng vừa đói, vừa khát, nhưng mọi người đều muốn cố gắng cho xong rồi về nghỉ. Khi Mỹ ném bom, thủ trưởng Cường hô anh em vào hầm địa đạo. Chúng đánh lúc cấp dưỡng đưa cơm nhưng chưa ai kịp ăn. Hầm chữ U sập, nhiều người chết lắm, người vì bom đánh trúng, người bị ngạt...”.
Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang lại là câu chuyện của những cựu TNXP, sau hơn ba mươi năm vụ ném bom hủy diệt của giặc Mỹ ở ga Lưu Sơn đã đi vào quá khứ, thậm chí còn bị nhiều người quên lãng. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Nguyễn Huy Thịnh, gần tám mươi tuổi đời mà vẫn sống độc thân. Ông vốn là chỉ huy (Đội tưởng) một đơn vị TNXP của một tỉnh trung du -miền núi phía Bắc, có quân số đến vài nghìn người, được chia thành nhiều đại đội, trong đó có Đại đội 915 phục vụ bốc, dỡ hàng ở ga tàu hỏa chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Đau xót trước sự mất mát lớn của đồng đội mà ông kỷ luật người đồng chí chỉ vì quá hăng hái làm nhiệm vụ “chống Mỹ, cứu nước”, phải hy sinh như Cương; Thiếu thông cảm với một đồng chí, một đội viên tích cực gặp khó khăn trong cuộc sống mà phải “phe phảy” chút ít như Vinh là nỗi day dứt âm ỉ, triền miên trong lòng Nguyễn Huy Thịnh. Hối hận trước quyết định kỷ luật “ấu trĩ” ấy, ông Thịnh “chạy trốn” vào Cà Mau, sau nhiều năm đã quyết tâm khăn gói ra Bắc, đến thành phố có mảnh đất bị ném bom năm xưa tìm gặp đồng chí, đồng đội cũ, làm một việc “sám hối” để cho lương tâm thanh thản. Ông đã cùng bà Tâm, một cốt cán của đơn vị TNXP cũ do ông phụ trách bàn việc tìm gặp những đồng đội TNXP cũ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, ốm yếu để tìm cách giúp đỡ họ, theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Những tư liệu sống được ghi âm và ghi chép trong các cuộc gặp, hỏi chuyện cựu TNXP của ông Thịnh và bà Tâm đã có sức thuyết phục lớn đối với công chúng, khi được đăng lên báo. Ông Thịnh gửi cuốn băng ghi âm và lá đơn do ông ký tên đến đồng chi Bí thư Tỉnh ủy qua đường bưu điện. Nghe băng ghi âm và đọc lá đơn, Bí thư Tỉnh ủy thấy xấu hổ, vì 36 năm qua, tỉnh ông đã lãng quên một sự kiện bi tráng như thế. Ông nói với Chủ tịch tỉnh: “Đó là bệnh vô cảm, là lỗi của chúng ta, đừng đổ cho xã hội chung chung”. Ông bàn với Chủ tịch tỉnh: phải đề nghị công nhận đơn vị TNXP 915 là đơn vị anh hùng, phải coi đây là mệnh lệnh! Việc giải quyết những thiệt thòi của cựu TNXP theo chế độ chính sách được tiến hành. Ý kiến đề nghị của ông Thịnh về việc xây Đài tưởng niệm hoành tráng trên khu “đất thiêng” nơi mà 60 đồng đội của ông đã hy sinh, được tỉnh ủng hộ. Bí thư Tỉnh ủy cho ông biết thêm: người tặng sổ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho 2 cựu TNXP gặp khó khăn, bệnh tật mà ông đã đến thăm, hỏi chuyện, chính là ông Vinh, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp Phúc Vinh ở thành phố. Phúc Vinh còn là doanh nghiệp đầu tư chính vào việc xây Đài tưởng niệm thanh niên xung phong đã hy sinh, tức là không có doanh nghiệp nào trúng thầu để xây siêu thị ở đó cả. Nghe lãnh đạo tỉnh nói, những suy nghĩ không tốt về Vinh, người đội viên mà ông thi hành kỷ luật trước đây cũng như sự hiểu lầm của ông về công ty Phúc Vinh trong những ngày vừa qua, càng khiến ông ân hận. Ông tự trách: thế là mình đã nghĩ sai về Vinh, mình đã nghĩ sai về cậu ấy bao nhiêu năm nay. Ông kêu to lên: tôi đã phạm khuyết điểm quá lớn...
Cuộc họp mặt của các cựu TNXP sau 36 năm do Vinh chủ trì đã diễn ra thật vui vẻ và đầm ấm. Người sung sướng nhất hôm ấy là ông Thịnh. Bà Tâm nhìn ông Thịnh và Vinh chạm cốc, rượu vang màu sóng sánh trong ánh đèn nê-ông đỏ hồng như ngọc. Ông Thịnh nhớ lại điều mình đã nghĩ: Ở đời có những việc tưởng như là đúng nhưng sau đó, trước sự biến đổi của thời gian mới thấy mình thật ấu trĩ. Và ông nghiệm thấy: Thì ra, có những người phải đi đến cuối những cung đường mới thực sự hiểu nhau. Những điều có tính triết lý này, phải chăng là một trong những thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc.
Trong 5 tác phẩm được nhận diện ở trên, có 4 tiểu thuyết lịch sử và 1 truyện dài (dưới dạng nhật ký). Số tác phẩm không nhiều, nhưng cái hay là ở chỗ: có cả tác phẩm viết về lịch sử Trung đại Việt Nam với tên tuổi hai danh nhân văn - võ là Thượng Thư Đỗ Cận, Tể tướng Lưu Nhân Chú, đều là người tỉnh Thái Nguyên ta. Lại có tác phẩm văn học (được chuyển thể thành phim truyện lịch sử) nói về lịch sử Cận đại, với 2 nhân vật chính là Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, hai danh nhân được đặt tên đường phố ở thành phố Thái Nguyên. Và có 2 tác phẩm cùng viết về một sự kiện lịch sử hiện đại, đã diễn ra ở Thái Nguyên, thời chống Mỹ, cứu nước: Nhật ký cô văn thư (Ngọc Thị Keo) và Những người mở đường (Hồ Thủy Giang). Hai tiểu thuyết lịch sử viết về Ông Ké ở chiến khu Việt Bắc (Bác Hồ) trong kháng chiến chống Pháp của Ma Trường Nguyên, vì báo cáo đã dài, chúng tôi chưa trình bày, phân tích cụ thể ở đây được, dành giới thiệu ở công trình nghiên cứu khác.
Diện mạo văn học về đề tài lịch sử ở Thái Nguyên tuy còn mỏng, song khá toàn diện. Về chất lượng của những tác phẩm ấy, chúng tôi đánh giá sơ bộ ở mục sau.
2. Đánh giá
2.1. Những thành công bước đầu
- Qua các tác phẩm đã được “nhận diện”, chúng tôi thấy các tác giả đều tôn trọng lịch sử, dụng công nghiên cứu chính sử, với những sử kiện, nhân vật có trong sử sách, đồng thời “đặt” những tư liệu và nhân vật ấy vào bối cảnh xã hội đã diễn ra. Sử liệu và nhân vật lịch sử là yếu tố chính làm nên xương cốt của câu chuyện.
- Việc miêu tả các trận chiến có trong lịch sử không bị giản đơn, khô khan (như trận Chi Lăng, Xương Giang, trận đánh ở Gia Sàng...) là nhờ tìm hiểu thêm ở nhiều tư liệu khác, cùng với trí tưởng tượng sáng tạo của nhà văn. Căn cứ Nặm Cang, toán cướp trở thành nghĩa quân, đoàn ngựa 300 trăm con chở lương thực đi đêm tiếp viện cho quân Lê Lợi, sáng kiến cắt tay áo chàm làm túi đựng gạo, ngô do Slao nghĩ ra, tình yêu giữa Đội Giá và cô Luyến nảy nở... tất cả những chi tiết này đều được “kể” khá hấp dẫn, mặc dù không có trong chính sử. Ở nhân vật Đỗ Cận, những chi tiết về chăm chỉ học hành, “vừa học vừa làm” hợp với hoàn cảnh gia đình, có ý thức tự lập và coi trọng tự học; tự đi tìm thầy ở tỉnh xa... Những chi tiết đời thường như thế rất có sức sống trong tiểu thuyết.
- Nhân vật chính của truyện được tác giả miêu tả trong mối quan hệ với các nhân vật khác cũng khá thành công. Chẳng hạn, Đỗ Cận với thầy đồ làng, với bà lão bán bánh, với thầy Thám và con gái thầy là cô Nụ ở Bắc Ninh. Và khi thành đạt, qua những chi tiết, những câu chuyện đời thường về mối quan hệ với mẹ, với trưởng thôn, dân làng, với tri phủ Hoài Nhơn... ta thấy rõ Đỗ Cận là người nhân ái, hiếu thảo, tận tụy, liêm khiết. Nhân vật Thịnh trong Những người mở đường được miêu tả trong mối quan hệ với các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh, những sự việc xảy ra giữa ông với Cường, Vinh làm ông day dứt trong lòng một thời gian dài mới được giải tỏa... Tất cả được diễn ra như đời sống, vừa chân thực, vừa sinh động, hấp dẫn!
- Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với nhân vật, với ngữ cảnh, với thời gian, không gian, nhất là ở Tể tướng Lưu Nhân Chú và Thượng Thư Đỗ Cận.
2.2. Một vài hạn chế, sai sót
- Thứ nhất, ở các tiểu thuyết về lịch sử trung đại, cận đại, các tác giả có thể phát huy khả năng tưởng tượng sáng tạo phóng khoáng hơn nữa để thêm vào nhiều hơn những tình tiết, chi tiết về mối quan hệ của nhân vật chính với gia đình, như Lưu Nhân Chú với bố là Nhân Trung, với vợ là Ngọc Tiêm; Đỗ Cận với bố, mẹ khi còn học ở trường làng, với người vợ do hai bên gia đình tác thành là Nhài. Khi Đỗ Cận làm quan Tham nghị ở Quảng Nam, quan Thượng Thư ở Thăng Long mà không thấy bóng dáng bà quan xuất hiện! Việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật còn bị hạn chế.
- Thứ hai, Thái Nguyên - 1917 của Hồ Thủy Giang là nhan đề chưa thích hợp, nội hàm của cụm từ này không toát lên thần thái của một tiểu thuyết lịch sử, với nhân vật chính của nó. Nên sửa: Đội Cấn hoặc Thủ lĩnh khố xanh.
- Thứ ba, ở tiểu thuyết Thượng thư Đỗ Cận có nói đến truyện Phan Trần là do ông sáng tác, trên cơ sở lấy cảm hứng từ cuộc đời của cô Nụ, con thầy Thám ở Bắc Ninh. Tôi nghi ngờ điều này, bởi ở Từ điển Văn học (Bộ mới, Nxb Thế giới, 2004), trang 1397 ghi rõ: Phan Trần là truyện Nôm khuyết danh ở đầu thế kỷ XIX, được dựa trên tích truyện của Trung Quốc để phóng tác (Nguyễn Lộc). Có tài liệu viết: Đỗ Cận chuyển thể Ngọc trâm kí (Trung Quốc) thành truyện Nôm Phan Trần, nhưng truyện thơ Nôm Phan Trần còn lại ngày nay là của tác giả khác. Hiện ông chỉ còn 2 bài thơ chữ Hán (8).
- Thứ tư, Thân Nhân Trung (1418 - 1499) được vua Lê Thánh Tông sai soạn văn bia Tiến sĩ năm 1487 theo gợi ý của Ngài. Nhưng khi dẫn ra nội dung bài văn này trong Thượng thư Đỗ Cận, tác giả đã ghép một đoạn văn bia được viết từ 1442, lúc đó Lê Thánh Tông chưa lên ngôi vua.
- Bàn thêm: “cái khó” đối với người sáng tác văn học về đề tài lịch sử
Trong bài viết: Các nhà văn Việt Bắc với đề tài lịch sử, Hồ Thủy Giang cho rằng, đây “là một đề tài hóc búa, không phải bất cứ nhà văn nào cũng có hứng thú và có năng lực hoặc điều kiện tiếp cận” (2). Nhà văn kiêm lý luận phê bình này nêu ra 3 cái khó sau đây:
- “Cái khó thứ nhất, lâu nay có một quan niệm đã thành thói quen đối với nhiều người, trong đó có cả nhà văn, nhà phê bình và độc giả là: viết về đề tài lịch sử tức là viết về danh nhân lịch sử, những tấm gương cho hậu thế, dường như có chiều hướng nghiêng về thể ký - truyện lịch sử. Như vậy, các nhân vật lịch sử sẽ khó ra khỏi những khuôn vàng thước ngọc được định sẵn, khó có cơ hội bứt phá, bay bổng. Đó là việc mà nhiều nhà văn không muốn”.
-“Cái khó thứ hai, viết về đề tài lịch sử không tránh khỏi sự lệ thuộc vào sử liệu, dễ bị phản ứng, thậm chí quy chụp. Đấy là chưa nói đến các nguồn sử liệu trong các sử sách chính thống ở Việt Nam thường rất sơ sài... Những điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho các tác giả tiểu thuyết”.
-“Cái khó thứ ba, hư cấu vốn là một phương tiện tối ưu của sáng tác văn chương, thì hư cấu “vô hạn” hay hạn hẹp, có khuôn khổ khi viết về đề tài lịch sử vẫn đang còn là cuộc tranh cãi chưa phân thắng bại của nhiều nhà lý luận, nhiều nhà văn”.
“Từng ấy thứ làm cho ngòi bút nhà văn nản lòng cũng là dễ hiểu”!(3)
Một loại đề tài hay, phong phú - đề tài lịch sử, đã sản sinh ra nhiều kiệt tác văn chương với nhiều tên tuổi, nhiều quốc gia rạng danh trên thế giới mà khi sáng tác, những cái khó kia, nhà văn không thể vượt qua thì thật là đáng tiếc!
Người nêu ra ba cái khó ở bài viết nói trên đã tự giải mã cho mình trong các trang viết từ 84 đến 88 ở cuốn Vẻ đẹp văn chương. Đồng thời, ông muốn nhiều người cùng tham gia bàn luận kĩ lưỡng về ba cái khó đã nêu.
Để đơn giản hóa một vấn đề hóc búa, với “ba cái khó” khá phức tạp đối với sáng tác văn học về đề tài lịch sử, tôi xin bày tỏ cách hiểu và quan niệm của mình, coi như một ý kiến góp vào cuộc “bàn luận” ở đây:
Trong tiểu thuyết lịch sử hoặc truyện lịch sử, việc kết hợp nhuần nhị giữa sử kiện và hư cấu với cái nhìn mới của thế hệ sau để rút ra những vấn đề khái quát có ý nghĩa triết lý nhân sinh là điều rất quan trọng. Yếu tố hư cấu ở đây, trước hết là trên cơ sở sử liệu, sử kiện về một vấn đề, một nhân vật nào đó, bằng trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo của nhà văn và được sắp xếp lại, diễn tả lại một cách sinh động như đã diễn ra trong cuộc sống quá khứ. Đây là bước đầu tiên để tiểu thuyết lịch sử thoát khỏi mô hình kể chuyện lịch sử khô khan.
Bước thứ hai của hư cấu là nhà văn dùng quyền tưởng tượng sáng tạo của mình để bổ sung những chi tiết, phục dựng lại những cái có thể theo lô-gic hợp lý nào đó mà sách vở, sử liệu không nói đến. Chẳng hạn, đời sống riêng tư, tâm sự riêng của nhân vật không được nhắc đến trong tư liệu lịch sử nhưng nhà tiểu thuyết có thể phát huy tối đa năng lực tưởng tượng để bổ sung, lấp đầy những khoảng trống này, khiến cho lịch sử trở nên đầy đặn hơn, sinh động hơn.
Chú thích:
(1) Trích trong Vẻ đẹp văn chương - Phê bình và tiểu luận của Hồ Thủy Giang, Nxb Hội nhà văn, 2020, trang 80.
(2) Vẻ đẹp văn chương, Sách đã dẫn, tr.82.
(3) Vẻ đẹp văn chương, Sách đã dẫn, tr.83.
PGS.TS Nguyễn Huy Quát
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...