Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
07:53 (GMT +7)

Văn học Pháp trong các nghiên cứu của Lộc Phương Thủy (từ 1986 đến nay)

(Tiếp theo kỳ trước)

(Nguồn: internet)

3. Nghiên cứu về phê bình văn học Pháp

Tiếp cận nghiên cứu của Lộc Phương Thủy, bạn đọc có thể thấy rất rõ bên cạnh việc quan tâm đến sự cách tân của tiểu thuyết Pháp, tác giả còn dành nhiều tâm huyết tới mảng phê bình văn học Pháp.

Từ cuốn sách giới thiệu sơ lược Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX (1995), tiếp theo bổ sung những kiến thức mới, mở rộng đến Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (2007). Lộc Phương Thủy hướng tới những vấn đề liên quan đến lý luận phê bình: André Gide - Nhà phê bình văn học, Phê bình của người sáng tạo, J.-P. Sartre và vấn đề trách nhiệm của nhà văn, Jean-Paul Sartre và phê bình hiện sinh, Xã hội học văn học ở Pháp, Phê bình macxit Pháp trong thế kỷ XX v.v... Năm 2014, với tư cách đồng tác giả Lộc Phương Thủy tiếp tục cùng cộng sự ra mắt cuốn sách nhan đề Xã hội học văn học với mục đích bổ sung thêm những kiến thức cũng như cách tiếp cận khác trong toàn cảnh phê bình Pháp thế kỷ XX.

Nếu như ở thế kỷ XVIII và XIX phê bình văn học dễ có sự thống nhất trong cách lý giải, bình xét thì qua các công trình của Lộc Phương Thủy chúng ta thấy Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX hiện diện là một nền phê bình đa dạng, phong phú, luôn diễn ra xung đột giữa hai khuynh hướng Cũ và Mới, một nền phê bình hội tụ nhiều nhà phê bình nổi tiếng, đại diện cho các trường phái phê bình khác nhau... Sự đa dạng này phải chăng đã đánh dấu sự cáo chung của khuynh hướng phê bình có tính chuẩn mực từ các thế kỷ trước?!

Lộc Phương Thủy cho rằng: “Nói đến phê bình văn học Pháp ở thế kỷ XX không thể không nói đến cuộc xung đột giữa hai khuynh hướng Cũ - Mới - sự kiện tầm cỡ thế kỷ, sự kiện kéo theo hàng loạt đổ vỡ, xáo trộn, tranh luận, xuất hiện hàng loạt khái niệm mới, cách thức tiếp cận mới. Cuộc xung đột đó “là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của Phê bình Mới, hay sự Đổi mới phê bình” [3, tr.25]. Như vậy, ở đây tác giả đánh giá cao vai trò Phê bình Mới trong việc thay đổi diện mạo của Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX. Có lẽ chính vì vậy, Lộc Phương Thủy đã dành một dung lượng không nhỏ để luận giải về Phê bình Mới.

Để có thể làm sáng tỏ những vấn đề về Phê bình Mới, Lộc Phương Thủy đã dẫn dắt bạn đọc bắt đầu từ những tranh luận Mới - Cũ của các học giả đương thời. Bà viện dẫn đến cuốn sách nhỏ của R. Barthes nhan đề Phê bình và Sự thật (1966) và cho đây là “câu trả lời đanh thép những lời buộc tội của Picard và trình bày các luận điểm của phê bình Mới. Theo ông, cần phải có một khoa học về khoa học. Nhắc lại từ đã dùng của Rimbaud cho rằng tác phẩm có nghĩa “một cách văn học và một cách đa nghĩa”, Barthes nhấn mạnh rằng chính tính đa nghĩa đã tạo nên cơ sở của tác phẩm văn học. Trong sự khủng hoảng chung của cách lý giải truyền thống, Barthes đã nhìn thấy bước đầu của một cuộc cải cách mới. Chính nhờ cấu trúc mà tác phẩm mới trở thành tác phẩm mở và chứa đựng khả năng đa nghĩa” [3, tr.27]. Lộc Phương Thủy chỉ rõ trong tác phẩm Phê bình và Sự thật, “Barthes đã phát hiện những gốc rễ sâu xa của Phê bình Mới. Nó không những chỉ có tham vọng trở thành một khoa học như đã nói ở trên, mà còn vì nó mong muốn trở thành một hành động hoàn toàn có tính sáng tạo. Trong phê bình có sự soạn lại. Toàn bộ hoạt động phê bình là sự sáng tạo và toàn bộ quá trình sáng tạo chứa đựng một phần công việc của phê bình” [3, tr.28]. Như vậy, ngay từ khởi đầu của cuộc tranh luận, quan điểm của R. Barthes và các nhà phê bình Pháp đã nhấn mạnh hoạt động phê bình là một hoạt động không những chỉ mang tính “khoa học” mà còn thể hiện rõ tính “sáng tạo”. Đây là một quan điểm đúng đắn, chỉ ra được bản chất đích thực của phê bình - phê bình thực sự cũng là một hành trình “sáng tạo trên nền sáng tạo” chứ không đơn thuần chỉ là việc “ăn theo nói leo”, bình tán những vấn đề ngoài văn bản. Cuộc tranh luận Cũ - Mới của các nhà khoa học Pháp đã trở thành quá khứ, nhưng đúng như Lộc Phương Thủy khẳng định: “Kết quả quan trọng sau những cuộc tranh luận là Phê bình Mới đã tồn tại, phát huy tác dụng của nó và thực sự góp phần tích cực vào quá trình đổi mới tư duy, đổi mới Phê bình Pháp” [3, tr.28]. Và thực tế đã chứng minh, đổi mới tư duy phê bình của nền văn học Pháp không dừng lại ở biên giới nước Pháp mà còn lan tỏa sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời kỳ đổi mới, việc tiếp nhận tinh thần Phê bình Mới của Pháp trở thành một trong những nhân tố quan trọng để làm mới, nâng cao chất lượng học thuật nền phê bình văn học Việt Nam.

Lộc Phương Thủy đã tập trung kiến giải, làm sáng tỏ các đặc điểm chung cơ bản của Phê bình Mới.

Theo bà: “Mối quan tâm đầu tiên, trực tiếp và rõ ràng nhất của Phê bình Mới là quyết định trở về với văn bản”. Phân tích trường hợp Lanson - cây đại thụ của phê bình văn học Pháp nửa đầu thế kỷ XX, người đã từng làm cách mạng với khẩu hiệu: “Văn bản, văn bản, văn bản” Lộc Phương Thủy nhận định: “Ông coi tiểu sử nhà văn chỉ là một phần để tham khảo trong công việc nghiên cứu phê bình và chú trọng hơn đến tác phẩm (...) Con đường khám phá được Phê bình Mới mở rộng thêm với những khả năng nhận thức mới. Các nhà Phê bình Mới thích tác phẩm hơn là tác giả. Với các cách tiếp cận mới, họ hiểu thấu ý nghĩa nhiều chiều của tác phẩm, và chỉ sau đó, họ mới cho phép quay lại với tác giả” [3, tr.29].

Phê bình Mới chú trọng phân tích những tầng sâu của tác phẩm. Người phê bình theo xu hướng này không chỉ quan tâm đến những ý nghĩa nằm trên bề mặt, dễ nhận thấy ở tác phẩm. “Chủ yếu, anh ta quan tâm đến những điều mà nhiều khi chính tác giả cũng không để ý đến. Các nhà Phê bình Mới có tham vọng thám hiểm vào chiều sâu, phát hiện ra những ý tiềm ẩn”. Và có lẽ vì vậy nên chúng ta thấy các nhà Phê bình Mới đã tìm đến sự giúp đỡ của phân tâm học.” [3, tr.29].

Đặc điểm thứ hai của Phê bình Mới đó là kiểu phê bình nhằm hiểu thấu tác phẩm trong tổng thể của nó. “Có sự phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ tương hỗ giữa bộ phận và toàn thể, giữa từng đoạn, từng câu, thậm chí từng từ của tác phẩm và ý nghĩa chung của tác phẩm” [3, tr.29]. Để “thấu hiểu” tác phẩm từ các đơn vị cấu thành tác phẩm, các nhà Phê bình Mới cần phải theo nguyên tắc mở tác phẩm ra thế giới, soi sáng những điểm tối, khơi lại những yếu tố nhỏ bé nhất làm sao khai thác được nhiều ý nghĩa nhất mà tác phẩm có thể có. Để làm được điều đó, Phê bình Mới dùng phương pháp của cấu trúc luận.

Và đặc điểm cuối cùng của Phê bình Mới được đề cập là nó có quan hệ chặt chẽ với một số ngành khoa học nhân văn như ngôn ngữ, triết học, xã hội học, tâm lý học.

Bàn về Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX, tác giả Lộc Phương Thủy đã xem xét nhiều phương diện khách quan và chủ quan có ảnh hưởng, tác động đến nó. Đó là những ảnh hưởng tác động từ bên trong và từ bên ngoài.

Với những tác động từ bên trong, tác giả cho rằng phê bình văn học Mới có gốc rễ ngay từ trong cuộc sống văn học của nước Pháp. Trên cơ sở luận giải, lật đi lật lại vấn đề trong tác phẩm các tác giả đại diện như Baudelaire, Marcel Proust, Lộc Phương Thủy phát hiện: “Khác với lối phê bình cổ điển và lối phê bình tượng trưng, phê bình kiểu Baudelaire là sự mơ mộng nhằm tới khái quát, đồng thời quan tâm tới chi tiết. Từ đây nảy sinh hành trình của văn học so sánh nhằm thấu hiểu bản chất bên trong của mỗi sản phẩm văn học. (...) Quá trình sáng tác thơ tuân theo các qui luật của ngôn từ sáng tạo. Nhà thơ là bậc thầy về kỹ thuật, là nhà ảo thuật của ngôn từ” [3, tr.31]. Còn với trường hợp của Marcel Proust, thông qua quan điểm của ông bày tỏ trong tác phẩm Chống Sainte-Beuve (1953), Lộc Phương Thủy cho rằng ở một mức độ nào đấy có thể coi đây là cơ sở cho Phê bình Mới. Proust chê trách Sainte-Beuve đã không hiểu đặc thù của hành động sáng tạo, của cảm hứng, ông cho phương pháp luận của Sainte-Beuve đã lỗi thời và đề xuất một phương pháp khác: thăm dò nội tâm, xây dựng lại hành động sáng tạo. Trong sự logic của vấn đề, Lộc Phương Thủy khẳng định: “Từ sự phát hiện ra cái tôi bị che giấu, cái tôi sáng tạo trong lý luận của Proust đã kéo theo một hệ quả khác: báo trước sự xuất hiện khuynh hướng phê bình phân tâm học” [3, tr.32]. Ngoài ra, Lộc Phương Thủy còn đề cập đến một số quan điểm đổi mới phê bình khác của Proust như mục đích của tác phẩm nghệ thuật là sáng tạo ra thế giới - có nghĩa là tái tạo thế giới theo cảm thụ riêng của người nghệ sĩ, phát hiện ra tầm quan trọng của không gian...

Như vậy, chúng ta thấy sự vận động đổi mới tư duy phê bình văn học Pháp xuất phát ngay từ nội tại phát triển của đời sống văn học dân tộc. Tranh luận học thuật của các học giả - nhà văn Pháp trên tinh thần khách quan, khoa học, kế thừa tinh hoa và phủ định những quan điểm lỗi thời đã mang lại cho phê bình văn học Mới những thành tựu quan trọng, có ảnh hưởng, lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đối với việc ảnh hưởng từ bên ngoài, Lộc Phương Thủy xem xét mối quan hệ ảnh hưởng giữa Phê bình Mới ở Pháp và trường phái nghiên cứu hình thức Nga. Chính các bản dịch từ tiếng Nga ra tiếng Pháp đã góp phần tích cực vào quá trình ảnh hưởng này, ví dụ như tác phẩm của V.Propp: Hình thái học truyện cổ tích (1958), tập Lý luận văn học (1965) và các chuyên khảo của Chkloski, Eikenbaum, Tynianov... Các nhà phê bình Pháp đã tiếp thu nhiều phương diện theo tinh thần phê bình của các nhà hình thức Nga như: nghiên cứu nội tại tác phẩm được hiểu như một thực thể, đối tượng của khoa học văn học không phải là văn học, mà là tính văn học (thuật ngữ này chỉ rõ tính đặc thù của tác phẩm văn học), nghiên cứu hình thức chủ yếu dựa trên hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thơ, chú tâm vào phát hiện những qui luật nội tại chi phối tác phẩm, văn học là một hệ thống hàm nghĩa, tác phẩm văn học là một hệ thống hợp thành từ những yếu tố có giá trị chức năng, các yếu tố có liên quan với nhau. Sự quan hệ của một yếu tố này với yếu tố khác tạo thành chức năng của nó so với toàn bộ hệ thống. Chức năng của mỗi tác phẩm lại được nảy sinh trong mối tương quan với các tác phẩm khác... Lộc Phương Thủy cũng cho thấy các nhà phê bình Pháp còn quan tâm đến phương pháp phân tích cấu trúc mà V.Propp là người có công mở đầu với cuốn Hình thái học truyện cổ tích, trong tác phẩm ông đã phân tích các truyện cổ thành các bộ phận và chức năng.

Như vậy trong cái nhìn của Lộc Phương Thủy, Phê bình văn học Mới của Pháp đã nỗ lực phát huy nội lực và cầu thị, sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài để xây dựng nền tảng phát triển nền Phê bình văn học, và có lẽ chính vì vậy nên Phê bình Mới của Pháp cũng mở ra với nhiều khuynh hướng linh hoạt, phong phú, đa dạng.

Tiếp nhận phê bình văn học Pháp hiện đại, Lộc Phương Thủy nhận thấy phê bình văn học Pháp gắn bó chặt chẽ với khoa học nhân văn khác như triết học, ngôn ngữ học tâm lý học, dân tộc học, nhân chủng học, xã hội học. Đó là chưa kể đến xu hướng “toán học hoá” trong phê bình văn học nói riêng và trong các ngành khoa học xã hội nói chung. Cho nên, khi bàn về Khuynh hướng phê bình văn học Pháp, Lộc Phương Thủy nhận xét: “Phê bình Mới có những đặc điểm chung tương đồng, nhưng nó lại có cách tiếp cận riêng tạo ra “các phê bình Mới”: phê bình phân tâm học, phê bình chủ đề, phê bình ngôn ngữ học và phê bình lịch sử - xã hội học. Chính điều đó đã tạo nên bức tranh đa dạng sống động của phê bình văn học Pháp thế kỷ XX” [3, tr.54].

Tiếp đó, Lộc Phương Thủy đã chứng minh tính linh hoạt, đa dạng, sống động của Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX một cách hệ thống qua các khuynh hướng: phê bình phân tâm học, phê bình ngôn ngữ học, phương pháp phê bình cấu trúc, phê bình xã hội học... Chẳng hạn từ lý thuyết phân tâm học, với con đường đi từ tác phẩm để phát hiện con người vô thức của tác giả, từ xung đột nội tâm của các nhân vật, nhận ra xung đột cá nhân nhà văn, xuất hiện trong Phê bình Mới khái niệm “liên văn bản”... Hoặc từ chủ trương gắn khoa học (phân tâm học) vào nghệ thuật (phê bình văn học) của Charles Mauron dẫn đến sự xuất hiện khái niệm “xếp chồng văn bản”; “Ngôn ngữ học ở thế kỷ XX đóng góp hết sức tích cực vào quá trình đổi mới văn học nói chung và đổi mới phê bình văn học nói riêng. F.de Saussure là người đặt nền móng cho ngành phê bình cấu trúc và ngành ký hiệu học (...) từ đó lý thuyết mới về ký hiệu ngôn ngữ xuất hiện” [3, tr.54]; Quá trình hoạt động của Roland Barthes - người đi tiên phong của trường phái coi phê bình là khoa học về văn học với những tác phẩm Độ không của cách viết (1935), đến các tác phẩm Sade, Fournier, Loyola (1971), hoặc Ham thích văn bản (1973) đã làm nổi bật sự năng động của phương pháp phê bình cấu trúc. “Cái viết, theo ông, được quan niệm như chức năng, như mối liên hệ giữa xã hội và quá trình sáng tạo, được tạo ra từ sức mạnh đặc biệt mang dấu ấn cá nhân”[3, tr.55]; Lộc Phương Thủy xác quyết rằng các khuynh hướng phê bình Mới ở Pháp phong phú thêm bởi những đóng góp của phê bình xã hội học, trong đó L. Goldmann chiếm một vị trí quan trọng. Sở dĩ như vậy bởi “Goldmann quan tâm đến xã hội học sáng tạo, ông kết hợp hài hòa những khái niệm thuộc cấu trúc và lịch sử, tính lịch đại và đồng đại... Tác phẩm văn học là một đối tượng thẩm mỹ có cội nguồn trong đời sống xã hội. Nó biểu thị thái độ của con người hoặc của một nhóm xã hội. Vì vậy cần phải sáp nhập tác phẩm vào tổng thể cuộc đời và xã hội. Đây chính là điểm gặp giữa khía cạnh cấu trúc và khía cạnh xã hội học trong phê bình của Goldmann [3, tr.60].

Có thể thấy lần đầu tiên ở Việt Nam, qua giới thiệu của Lộc Phương Thủy, bức tranh đa dạng của Phê bình văn học Pháp đã phần nào được phác họa với những nét sinh động, hấp dẫn nhất. Diện mạo cơ bản của Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX đã chứng tỏ đây là nền phê bình thực sự gắn bó với đời sống văn học hiện đại Pháp, nó mang trong mình những đặc điểm tiêu biểu của thời đại: liên tục mở rộng mối giao lưu với bên ngoài, phát huy tối đa sức mạnh nội lực, trăn trở, tìm kiếm không ngừng để “đoạn tuyệt” tư duy phê bình lạc hậu, hướng đến cái mới, tiến bộ, hiện đại. Nền Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX một mặt hướng đến chuyên môn hóa, trở về với văn bản văn học, với đặc thù của kiến tạo văn chương, mặt khác nó vẫn gắn bó chặt chẽ với các ngành khoa học xã hội, ảnh hưởng qua lại, bổ sung làm phong phú thêm những con đường sáng tạo để khám phá thông điệp nhân văn, lớp lớp hàm ẩn trong các tác phẩm văn chương đích thực. Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX không những thúc đẩy sự phát triển văn học Pháp, mà còn được ghi nhận cả trong nền văn học của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Chính vì có sự phát triển vượt bậc của phê bình văn học Pháp, “lần đầu tiên, ở thế kỷ XX, phê bình văn học được xếp ngang với những tác phẩm mà nó phân tích. Trong số các nhà phê bình, nhiều người đồng thời cũng là nhà văn nổi tiếng, từ Charles Du Bos đến Rolland Barthes, tù Jacqué Rivière đến Maurice Blanchot” [1, tr.251].

Từ việc nghiên cứu, thấu hiểu về văn học Pháp và đối chiếu để thấy những ảnh hưởng không nhỏ của nó đối với văn học nhiều dân tộc trong đó có Việt Nam, Lộc Phương Thủy luôn trăn trở về vấn đề đổi mới nền văn học, đặc biệt đổi mới nền phê bình văn học Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ ở phần hai của cuốn sách Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt - Pháp (1999). Ở đây, Lộc Phương Thủy đã tập trung làm sáng rõ các nội dung: Văn học Pháp thế kỷ XVIII và văn học Việt Nam, Văn học Pháp hiện đại và Việt Nam, Phê bình văn học Pháp và đổi mới văn học ở Việt Nam, Về việc dịch văn học Pháp thế kỷ XX, Văn học Pháp và Tạp chí văn học, Thạch Lam trong sự giao tiếp với văn học Pháp, Bản lĩnh ngòi bút Hải Triều... Trong các nghiên cứu trên, chúng ta gặp nhiều đúc kết, khuyến nghị hướng đến mong muốn làm “nhịp cầu kết nối”, góp tiếng nói thúc đẩy phát triển sự giao lưu văn học hai dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Tác giả khẳng định: “Cho đến hôm nay dù trên phương diện lịch sử, số phận có trớ trêu đến đâu, thì cuộc gặp gỡ với nền văn học Pháp ngay từ đầu thế kỷ đã để lại những dấu ấn sâu sắc” [1, tr.240]. Quả thực, văn học Pháp hiện đại với những áng thơ, văn tiềm tàng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, có sức cảm hóa lòng người lớn lao đã và đang là món ăn tinh thần chiếm vị trí xứng đáng của trong công chúng Việt Nam ở mọi lứa tuổi, tầng lớp... Cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà văn Pháp xứng đáng là những kinh nghiệm quý báu cho các nhà văn Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên trong công cuộc Đổi mới và Hội nhập mấy chục năm qua, giới nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam đã cố gắng kéo gần thêm khoảng cách giữa văn học Việt Nam và thế giới, đặc biệt là văn học Pháp, Lộc Phương Thủy khẳng định: “Trong thế so sánh, một bên là nhu cầu “mở cửa” ra ngoài để “biết người biết ta”, một bên là một thực thể phê bình văn học đã và đang tồn tại trong suốt mấy chục năm qua, chúng ta thấy rằng phê bình văn học Pháp thực sự có thể là những kinh nghiệm gợi ý nhiều điều cho văn học và phê bình văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới hiện nay” [1, tr.250].

Vài chục năm qua (từ 1986 đến nay), nhờ có sự tiếp nhận và giới thiệu của các nhà khoa học trong đó có Lộc Phương Thủy, các khuynh hướng Phê bình Mới ở Pháp đã và đang tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học ở Việt Nam, bổ sung cho văn học Việt Nam nhiều khái niệm mới: văn bản, liên văn bản, trường ngữ nghĩa, tính văn học (littéralité)...[12]. Lộc Phương Thủy cũng đã rất cẩn trọng khi đúc rút bài học: “Trong khi tìm đến các cách tiếp cận mới, các khái niệm mới, các tri thức mới, chúng ta vừa có thể học hỏi kinh nghiệm của phê bình văn học Pháp, vừa có thể tránh được những khiếm khuyết có thể có” [1, tr.249].

Bạn đọc chia sẻ sâu sắc với Lộc Phương Thủy nỗi niềm đau đáu, sự nhiệt thành của bà về công tác dịch thuật, truyền bá văn học Pháp ở Việt Nam: “Muốn hiện đại hóa nền văn học dân tộc, muốn hòa nhập trong tư thế bình đẳng với quốc tế, chúng ta phải nâng cao trình độ nhận thức và lý luận, để có thể “đối thoại” với các đồng nghiệp nước ngoài” [1, tr. 258]; Và khát vọng về “một không khí cởi mở để những người làm công tác này tránh được những quan điểm cứng nhắc, những thành kiến hẹp hòi của một thời, để có thể tiến hành công việc của mình một cách khách quan hơn, khoa học hơn” [1, tr.245]. Những nghiên cứu của Lộc Phương Thủy về phê bình văn học Pháp là cơ sở khoa học đáng tin cậy để chúng ta tiếp tục khám phá, cầu thị học hỏi trên hành trình vượt qua các giới hạn, hướng đến đổi mới mạnh mẽ nền phê bình văn học dân tộc, lấp đầy nhiều khoảng trống còn tồn tại trong đời sống văn học nước nhà để nhằm đến mục tiêu: Đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, tâm huyết làm nghiên cứu phê bình; Khẳng định vai trò then chốt của các cơ sở lý thuyết khoa học, ứng dụng trong phê bình, đánh giá thẩm định các hiện tượng văn học và đặc biệt đổi mới tư duy quản lý nền văn học nghệ thuật dân tộc theo xu hướng khách quan, khoa học.

III. KẾT LUẬN

Không phải ngẫu nhiên, trong Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Lộc Phương Thủy đã trân trọng dẫn lời của J-P.Sartre, trong bài phát biểu nổi tiếng của ông Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản: “Khi nói con người tự lựa chọn, chúng tôi muốn nói rằng mỗi người trong chúng ta tự lựa chọn bản thân mình, nhưng đồng thời điều đó có nghĩa là trong khi tự lựa chọn, mỗi cá nhân tự lựa chọn toàn thể loài người. (...) Lựa chọn cũng có nghĩa là khẳng định giá trị của cái mà ta lựa chọn, bởi ta không bao giờ có thể chọn điều ác; điều mà chúng ta chọn bao giờ cũng là điều thiện, và không có điều nào tốt cho chúng ta mà lại không tốt cho tất cả mọi người” [4, tr.6]. Suốt cuộc đời bền bỉ, hết lòng gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu văn chương Pháp là sự lựa chọn “dấn thân” của Lộc Phương Thủy. Lộc Phương Thủy đã từng bộc bạch rất khiêm nhường về nghiên cứu của mình: “Chúng tôi chỉ mong bước đầu cung cấp những thông tin có thể hữu ích cho bạn đọc yêu mến văn học Pháp và quan tâm đến vấn đề đổi mới cách tân trong văn học nói chung” [4, tr.9]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Lộc Phương Thủy về văn học Pháp đã vượt khỏi khuôn khổ của việc “cung cấp thông tin” thông thường, giá trị học thuật mà nó mang lại đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà. Những thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu văn chương Pháp của Lộc Phương Thủy cũng là minh chứng sinh động đồng thời cho thấy: thời kỳ đổi mới, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó có Lộc Phương Thủy đã thấm nhuần tinh thần sáng tạo, nghị lực lao động trí tuệ phi thường của các nhà văn Pháp thế kỷ XX: “nhập cuộc” hết mình cùng hành trình tìm kiếm không ngừng những giá trị nhân văn, tiến bộ để quyết liệt đổi mới, phát triển văn học dân tộc trong thời đại lịch sử mới.

Tài liệu tham khảo:

[1]. L. P. Thủy, Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp, Nxb. Khoa học xã hội, H.1999.

[2]. L. P. Thủy, (Chủ biên), Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX, Truyền thống và cách tân, Nxb. Văn học, H.2005.

[3]. L. P. Thủy (Chủ biên), Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX, Nxb Văn học, H.1995.

[4]. L. P.Thủy, (Chủ biên), Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Nxb. Văn học, H. 2005.

[5].T. T. Đạo, Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, Nxb. Tri thức, H. 2008.

[6]. L. Nguyên (Chủ biên), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài - Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, Nxb. Đại học SP Hà Nội, H. 2015.

[7]. L.Nguyên (Chủ biên), Việt Nam một thế kỷ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, Nxb.Đại học SP Hà Nội, 2020.

[8]. Nhiều tác giả, Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, H. 2009.

[9]. H.N. Phương, Trường phái hình thức Nga, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. HCM, 2007.

[10]. L.P.Thủy, Lịch sử văn học Pháp - Thế kỷ XIX, Nxb. Ngoại văn, H.1990.

[11]. L.P.Thủy, Lịch sử văn học Pháp - Thế kỷ XX, Nxb. Ngoại văn, H.1992.

[12]. L.P. Thủy, André Gide - Đời văn và tác phẩm, Nxb. Khoa học xã hội, 2002.

[13]. L.P.Thủy, (Chủ biên), Lý luận - phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, 2 tập, Nxb. Giáo dục, H. 2007.

[14]. L.P. Thủy, N.P. Ngọc, P.N. Kiên, Xã hội học văn học, Nxb. ĐH Quốc gia, H. 2014.

[15]. H.Trinh, Ký hiệu nghĩa và phê bình văn học, Nxb.Văn học, H. 1979.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy