Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:41 (GMT +7)

Từ ngủ bơ… đến ngủ chỉ để mơ

VNTN - Được ngủ chung để có con rồi mới làm đám cưới. Cho phép ngủ chung nhưng chỉ để mơ những giấc mơ báo điềm lành. Đêm tân hôn của đôi trẻ dứt khoát phải có mẹ chồng ngủ cùng… Những tập tục của một thời cho “một ngày và trăm năm” hạnh phúc lứa đôi.

Mang gậy đi hò hẹn

Màn đêm vừa buông cũng là lúc các chàng trai Mường xứ Thanh sửa soạn đi hẹn hò. Thời trẻ, anh Bùi Văn Đồng, người Mường ở thôn Linh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thường đi tán tỉnh các cô vào 7 - 8 giờ tối. Và có một vật bất ly thân là cây gậy. “Thực ra là nó thay cho “tiếng gọi” thôi”. Anh Đồng giải thích đơn giản: “Vì nếu cất tiếng gọi thì khác gì báo cho cả nhà cô gái biết mình đang đi tán tỉnh con nhà người ta - xấu hổ lắm, nhất là chẳng may cô ấy không ưng mình”.

Tìm đến được nhà cô gái rồi thì quan trọng là phải xác định đúng chỗ nằm của cô gái trên nhà sàn, rồi mới lấy cây gậy chọc qua khe sàn, đánh động cho cô gái biết “anh đang chờ em”. Chọc sàn xong thì phải căng tai ra mà nghe. Nếu nàng đáp lại bằng tiếng vỗ sàn nhè nhẹ, thì coi như thành công một nửa. Cô sẽ nhón chân bước xuống nhà sàn đón, gặp chàng ta. Nếu không ưng, cô sẽ nằm im để chàng trai biết ý mà ra về, tránh sự bẽ bàng sau này khi gặp mặt nhau.

Ngày xưa, chàng trai chọc sàn lần đầu tiên bằng cây gậy đầu tiên mà trúng ngay người con gái, thì cô gái ấy phải làm vợ chàng trai, người Mường quan niệm, đó là duyên trời định. Còn nếu chọc không trúng mà lại trúng người khác trong gia đình thì người con gái đấy không được gặp người con trai đó. Anh con trai không được đến nhà người con gái ấy nữa.

Vấn đề là, bằng cách nào mà chàng trai có thể tìm ra nơi người yêu mình nằm? Anh Bùi Văn Đồng bảo rằng, chọc sàn có trúng vào người mình yêu thì không chỉ là bí quyết mà đó còn là nhân duyên.

Ngủ bơ nhưng không… “bơ nhau đi”

Sau những buổi chọc sàn hò hẹn, dù cô gái đã chọn chàng trai làm chồng nhưng không phải ngay lập tức đám cưới sẽ được diễn ra. Thủ tục cần thực hiện là chàng trai phải đi ngủ bơ. Anh Bùi Văn Đồng giải thích: “Hai người ngủ với nhau trong vòng một tháng. Nếu như có con, người ta sẽ cho cưới, còn nếu không có dấu hiệu mang bầu, người ta sẽ không cho cưới”. Ngủ bơ nhưng không hề… bơ nhau đi là vậy!

Tuy nhiên, việc ngủ bơ không được diễn ra tùy tiện. Để được ngủ bơ, chàng trai phải đưa bố mẹ, hoặc đại diện nhà trai đến ra mắt và xin phép bố mẹ cô gái. Có gia đình còn mời trưởng họ và bà con họ hàng chứng kiến. Được sự đồng ý, đôi trẻ mới được phép ngủ bơ. Vì sao lại phải ngủ bơ? Là vì người ta muốn giữ giống nòi, chỉ khi có tin vui người ta mới cho làm đám cưới. Nhỡ không may, “tin vui” không đến thì sao? Thì gia đình cô gái dứt khoát chối từ đám cưới và chối phắt sự hiện diện của chàng trai. Cô gái đã từng ngủ bơ liệu có bị coi là “mất giá” hay không? Hoàn toàn không, nàng vẫn ngẩng cao đầu tiến tới hôn nhân với chàng trai khác.

Có làng còn ra luật lệ: Trước khi ngủ bơ với người con gái, chàng trai phải ngủ bơ với bố cô gái trong vòng một tuần. Là bởi gia đình cô gái muốn nói chuyện riêng với người con trai để có sự thấu hiểu và tin tưởng.

Tục ngủ bơ trong cộng đồng người Mường ở Thanh Hóa giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể của người già.

Ngủ với nhau chỉ để… Mơ

Khác với tục ngủ bơ của trai gái Mường xứ Thanh, ngủ để có tin vui mới làm đám cưới, trong cộng đồng người Giẻ Triêng ở Kon Tum, trai gái có tục ngủ chung trước khi cưới, nhưng lại tuyệt đối cấm chuyện giao hoan.

Chàng trai Ka Rinh Xước ở huyện Ngọc Hồi, Kon Tum kể, con trai Giẻ Triêng, được con gái “tỏ tình”, “đánh tiếng” trước. Nếu thích, mình sẽ “bắn tin” lại, rồi chập tối sẽ đến tâm sự với cô ở nhà rông. Và không chỉ có tâm sự thôi đâu mà được ngủ chung với nhau ngay tại đây theo phong tục. Nhưng tuyệt nhiên không được vượt quá giới hạn cho phép, không được “làm cái việc” như vợ chồng mà ngủ chung chỉ là để mơ những “giấc mơ phong tục”.

Trong đêm ngủ chung đầy huyền bí và linh thiêng ấy, giấc mơ của ai có ý nghĩa quyết định? Có thể người con gái cũng mơ, nhưng mơ… để đấy thôi, không có ý nghĩa gì hết. Nên vợ nên chồng hay không tùy thuộc vào việc anh con trai kia mơ giấc mơ tốt hay xấu. Được quyền tỏ tình nhưng đêm nay, cô gái chỉ có được một cái quyền duy nhất là hy vọng ở giấc mơ tốt đẹp của người bạn trai đang “khò khò” bên cạnh mà thôi. Nếu có được những giấc mơ đẹp, họ sẽ làm lễ cưới. Vậy những giấc mơ như thế nào thì được coi là điềm lành?

Người già bảo, nếu mơ thấy cây chuối, mía, máng nước, những tảng đá, cây đa... những mầm sống như măng lồ ô, măng nứa, tóm lại là những gì tượng trưng cho sự sinh sôi đó là giấc mơ tốt. Hoặc là mơ đi trên cánh đồng, thấy đá, đến suối thấy đàn cá, ra rừng thấy đàn chim bay, đó là giấc mơ tốt. Tảng đá là tượng trưng cho những con vật nuôi, là trâu, bò. Mơ thấy đàn chim tượng trưng cho gia cầm đầy đàn, nghĩa là cuộc sống sẽ sinh sôi, phát triển. Còn nếu thấy cây đổ, đá lở, thác ghềnh ầm ào, mơ thấy người cõng bó cỏ tranh, cắt tiết gà, làm thịt trâu, bò, đó là giấc mơ cực xấu.

Nếu sau đêm ngủ chung ấy, chàng trai mơ thấy giấc mơ đẹp, thì chừng 10 ngày sau, anh ta sẽ thông báo cho cô gái về những giấc mơ của mình. Và thông báo công khai cho cả dân làng biết. Còn nếu “lỡ” mơ thấy “điềm gở” thì dứt khoát phải chia tay. Người Giẻ Triêng quan niệm những điều trong giấc mơ là “ý Giàng” đã định, đã “báo mộng” những điều rủi ro, tai ương sẽ đến với cặp đôi này trong tương lai. Nếu trong đêm đầu tiên mà chưa thấy xuất hiện giấc mơ nào, đôi bạn trẻ lại phải ngủ chung một đêm nữa để tiếp tục mơ. Và nếu vẫn chưa mơ thì có thể ngủ chung tiếp 5 đêm nữa.

Tôi băn khoăn: Nếu chàng trai mơ giấc mơ báo điềm lành nhưng lại không nói thật thì sao? Vì lỡ đâu “trót” đồng ý ngủ chung tâm sự, nhưng sau “nghĩ lại” không muốn làm đám cưới nữa? Hoặc là mơ giấc mơ xấu nhưng lại muốn lấy cô gái làm vợ nên không nói thật? Ka Rinh Xước quả quyết, các cụ già bảo “Ai ai cũng tuân thủ luật lệ, không dám sai lời đâu”!

Theo phong tục thì mặc dù ngủ chung nhưng đôi trai gái không được vượt quá giới hạn. Nếu “chuyện đó” xảy ra thì có bị phạt không? - À, chẳng hạn trót có chuyện “nọ kia”, nếu cô gái nói cho cha mẹ mình biết thì theo luật tục, gia đình người con trai sẽ bị phạt, phải đền trâu, chiêng, ché, rượu, thịt cho nhà gái… - Thế nếu hai người cùng vui vẻ “vi phạm”, rồi giấu nhẹm đi thì ai mà biết được, chả phạt được? Nghe tôi trêu thế, Ka Rinh Xước nhíu mày: “Cái này, chưa thấy các cụ già trong làng nói đến”.

Đêm tân hôn có mẹ ngủ cùng

Bạn có biết ở cộng đồng người Ca Dong (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi), ai là người ngủ cùng với cô dâu chú rể trong đêm vợ chồng đầu tiên, cái đêm thiêng liêng khi con trai con gái bước vào ngưỡng cửa đàn ông và đàn bà? - Xin thưa, đó là mẹ chồng?

Ấy là khi người khách cuối cùng dự tiệc cưới đã ra về, mẹ chồng sẽ đi trải chiếu “mời hai con ngủ”. Nhưng không chỉ có chàng rể và cô dâu, mà mẹ sẽ cùng ngủ chung. Người Ca Dong gọi đó là nghi thức a pô mang, nghĩa là ngủ phép. Bà khẽ khàng: “Mẹ sẽ ngủ với hai con một đêm xem thử có mơ thấy gì không?”.

Đám cưới của người Mường Nguồn: Internet

Không biết đêm đó, người mẹ mơ thấy những gì, nhưng nếu thấy con trai mình và con dâu trong đêm đã gắn bó vợ chồng thì sáng sớm hôm sau, chính mẹ sẽ đi thỏ thẻ cùng chồng và những người thân khác. Mọi người mừng rơn khi biết đôi vợ chồng trẻ đã hòa hợp.

Ông Đinh Cà Để, người Cà Dong ở Sơn Tây, Quảng Ngãi bảo: “Có gì mà ngại. Mẹ mình chứ có phải người lạ đâu. Vợ chồng có hạnh phúc hay không là mẹ biết liền! Có vẻ hai người ôm nhau là mẹ mừng lắm. Sáng mai là đi khoe khắp làng!”. Thực ra mẹ ở đó là để xem tình cảm giữa hai đứa con ra làm sao, có hòa hợp, gắn bó không, có “yêu được” nhau không. Nếu cảm thấy có gì không ổn lắm, bà mẹ sẽ thông tin cho bố. Nếu mà lỗi ở con trai thì để cho ông bố “thì thầm”. Còn nếu là tại con dâu thì mẹ sẽ chỉ dẫn”.

Chuyện mẹ chồng ngủ chung đêm tân hôn ở làng người Cà Dong giờ cũng chỉ còn trong ký ức.

Minh Huệ Đặng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy