Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Tự khúc Na Rang

Khó khăn ở Na Rang vẫn còn nhiều, nhưng điều quý giá mà chúng tôi cảm nhận được là người dân ở đây luôn tìm cách vươn lên chứ không tìm lý do để đổ lỗi cho hoàn cảnh…

Tự khúc Na Rang
Khung cảnh bình yên ở Na Rang

Đường về Na Rang

Tiết trời có phần ẩm ương thoắt mưa, thoắt nắng dạo gần đây khiến nhiều người ngán ngẩm. Nó không chỉ gây trở ngại trong việc đi lại mà còn ít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thế nhưng, khi chạm đất Võ Nhai, nơi dãy núi đá vôi trải dọc theo tuyến Quốc lộ 1B, kiểu thời tiết ấy lại “vẽ” lên khung cảnh đầy mê hoặc lòng người.  

Người ta vẫn thường nói vui khi muốn đi “săn mây” là cần “nhân phẩm tốt”, ý nói không dễ gì gặp được hình thái đó. Nhưng với kiểu thời tiết nắng mưa đan xen thì dọc dãy núi ở đây mỗi sáng mây đều trùm lút lên núi và sà xuống tận lưng núi. Lần nào lên đây tôi cũng phải trừ hao thời gian, bởi tôi biết chắc mình không thể nào lướt nhanh được qua sự xinh đẹp của thiên nhiên.

Tự khúc Na Rang
Mặc dù các thửa ruộng khá manh mún, nhưng người dân đã áp dụng máy móc vào sản xuất góp phần giải phóng sức lao động của con người

Qua địa phận trung tâm xã Cúc Đường, mở ra trước mắt chúng tôi là hai màu xanh trắng của mây và núi. Sự hoà trộn đó đã xoá nhoà ranh giới đường chân trời tạo nên một không gian vô tận. Những nếp nhà sàn bình yên ẩn hiện trong những tán cây, xa xa văng vẳng tiếng mõ trâu được chủ nhân gắn trước khi thả đi ăn trên núi.

Điểm đến của tôi là xóm Na Rang, xã Vũ Chấn. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường hẹp đến bên suối Nà Tiêng, ngặt nỗi trời mưa nhiều nên nước suối dâng cao, xe không có cách nào vượt qua được. Hiếm hoi lắm tôi mới trông thấy bóng người bên kia suối. Chị vừa đi lấy măng trong rừng xuống. Tôi gọi to, hỏi xem liệu chúng tôi có thể lội bộ qua suối không. Họ nhìn tôi một lượt và trả lời “không biết sang được không, nước đến cổ thôi”. Nói rồi chị cõng bao măng khuất sau rặng tre, nhanh đến nỗi tôi chưa kịp hỏi thêm điều gì nữa. Làm sao đây khi điểm đến của chúng tôi đã ở ngay bên kia con suối. May thay, một người đàn ông cõng theo chiếc bao tải to hơn của chị khi nãy xuất hiện. Tôi hỏi anh còn cách nào khác để sang được trung tâm xóm Na Rang. “Có, nhưng xa lắm. Đi lên mãi mạn Khe Cái, Khe Rạc rồi vòng lại”.

Tự khúc Na Rang
Mực nước suối Nà Tiêng dâng cao sau mỗi trận mưa lớn sẽ cản trở việc đi lại của ngươi dân ở Na Rang

Áng chừng mười mấy cây số, từ xóm Khe Rạc, rẽ theo hướng tay phải cuối cùng chúng tôi cũng đến được Na Rang. Đường bê tông tuy hẹp nhưng đã dễ đi nhiều. Một cây cầu tràn mới được hoàn thành ngay đầu xóm. Dọc đường người dân đang thu hoạch lúa. Ruộng ở đây bé lắm, nhưng thật tốt vì lúa vẫn được thu hoạch bằng máy. Cũng vì các thửa ruộng của bà con đa phần đều nhỏ nên công gặt máy không tính được bằng sào như nhiều nơi khác. Công gặt ở đây tính trên bao. Cứ 30 nghìn đồng tiền công cho một bao thóc tại ruộng. Nếu thuê vận chuyển về nhà thì thêm 100 đến 200 nghìn đồng/một chuyến xe tắc - tơ tuỳ khoảng cách xa, gần.

Cuộc sống ở Na Rang

Tự khúc Na Rang
Lá ngô được người dân tận dụng làm thức ăn cho cá

Xóm Na Rang có 85 hộ, đồng bào dân tộc Tày chiếm đa số, chỉ có 11 hộ là người Dao. Người dân trong xóm chăn nuôi, trồng trọt cơ bản theo hướng tự cung tự cấp là chủ yếu. Nhà nào cũng chăn thả một vài đàn gà, vịt lấy trứng và thịt. Nhiều hộ đào ao thả cá, nuôi lợn thịt ăn đụng và trồng rau phục vụ bữa cơm của gia đình. Khung cảnh ở xóm còn khá đơn sơ, những ngôi nhà sàn nằm xen kẽ những ngôi nhà xây không lớn. Đang mùa thu hoạch ngô, những bắp ngô lai nhuộm vàng cả khoảnh sân trước nhà của nhiều gia đình.

Anh Ma Văn Lưu, người đã có 14 năm làm Trưởng xóm của Na Rang niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. Sự hiền lành, chất phác hiển hiện trên gương mặt hao gầy, sạm nắng của người đàn ông ngoại tứ tuần. Anh Lưu bảo, diện tích đất tự nhiên của Na Rang tuy lớn nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 25 ha. Tôi phỏng đoán, cũng như đặc trưng của các xóm, bản vùng cao khác, thu nhập chủ yếu của người dân ở đây là dựa vào kinh tế rừng.

Tôi đang khá hào hứng với nhận định ngỡ “như đinh đóng cột” của mình thì anh Lưu cười hiền: Từ nhiều đời nay, người dân ở Na Rang đã bảo nhau hạn chế khai thác rừng, ngay cả với những diện tích được phép khai thác. Chúng tôi quan niệm rừng còn thì xóm làng còn. Người dân xóm tôi 100% sống nhờ vào nguồn nước chảy ra từ rừng, hít thở bầu không khí trong lành mà rừng ban tặng để sống, hái măng rừng để ăn. Bởi thế, chúng tôi biết ơn, trân quý và bảo vệ rừng.

Trong xóm chỉ có một diện tích rất nhỏ rừng trồng để khai thác. Tuy nhiên, không giống như nhiều nơi khác, chọn bán khi thời điểm gỗ được giá, chúng tôi muốn bán được gỗ phải chờ đến mùa khô.

Anh Lưu dẫn chúng tôi ra chỗ con suối Nà Tiêng. Anh chỉ về phía bụi cây cách mép suối một quãng xa, lá cây còn dính đầy bùn giọng bất lực: Sau mỗi trận mưa to là nước suối dâng lên đến tận đây. Mỗi lần như thế là khoảng 30 hộ dân trong xóm sẽ bị cô lập hoàn toàn. Việc bán gia súc, gỗ cũng chỉ có thể thực hiện khi nước suối cạn. Khi ấy các phương tiện vận chuyển mới vào xóm được. Cũng chính vì vậy mà các hộ trong xóm hầu hết chủ động tăng gia, sản xuất để tự cung tự cấp.

Ngoài trồng lúa, nuôi gà, vịt, trồng rau để phục vụ bữa cơm của gia đình người dân trong xóm chăn thêm trâu. Lúc nhiều mỗi gia đình có từ 1 - 2 con. Còn hiện nay do giá trâu giảm mạnh nên trong xóm chỉ còn 60 con. Đồng ra đồng vào của nhiều gia đình trông cả vào việc đi hái măng rừng về bán. Nhưng ngay cả nguồn thu nhập thêm nhỏ nhoi ấy năm nay cũng khó kiếm hơn mọi năm.

Tự khúc Na Rang
Chiếc cầu bê tông được người dân tự làm từ năm 2016 vẫn thường bị ngập sâu trong những ngày mưa lớn

Vì sao thế? Tôi sốt sắng. Anh Lưu tiếp lời: Không phải măng trên rừng ít đi mà vì năm nay mưa nhiều, con suối Nà Tiêng nước cứ liên tục dâng lên chặn lối đi bán măng của bà con, vòng đi đường Khe Rạc thì xa quá. Giao thông cách trở người dân vất vả nhiều bề. Khổ nhất là học sinh, hễ cứ mưa to là phải nghỉ học. Cực quá, năm 2016 chúng tôi bàn nhau phải làm cái cầu cho trẻ con đi học. Thế là mỗi nhà góp một ít lấy tiền mua xi măng, sắt thép, tận dụng cát sỏi tại chỗ, chúng tôi làm được cái cầu bê tông, tất nhiên là chỉ vừa cho xe máy, xe đạp đi trong những ngày nước không to lắm thôi.

Gọi là cực chẳng đã phải làm tạm bợ vậy nên cũng không thể yên tâm hoàn toàn được. Hễ cứ trời báo mưa hay thấy chiều hướng sắp mưa to, các gia đình lại phải liên lạc với nhà trường cho con em mình về trước rồi người nhà ra đây chờ đón sẵn. Trước đây hay bây giờ vẫn vậy. Bao năm nay chúng tôi ước ao có cây cầu vững chãi bắc qua suối để đi lại thuận tiện và mở ra cơ hội cho người dân được giao thương rộng rãi hơn, nhất là giúp con trẻ đến trường được an toàn nhưng chưa được toại ý.

Tự khúc Na Rang
Tắc - tơ là phương tiện vận chuyển hàng hoá chủ yếu ở Na Rang

Trời mỗi lúc một trở lên oi nóng. Trên đường trở vào trong xóm, chúng tôi dừng lại rửa mặt nhờ tại nhà anh Ma Văn Thuận. Dòng nước mát lịm được dẫn từ đầu nguồn về nhờ một hệ thống ống nhựa. Để có thể dẫn được nước từ rừng về, gia đình ở gần cũng phải mất 5 đến 6 triệu đồng, gia đình ở xa thì mất hàng chục triệu đồng tiền mua ống dẫn nước. Do ở Na Rang không có hệ thống mương thuỷ lợi, việc trồng cấy phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên nguồn nước từ rừng dẫn về không chỉ để ăn và phục vụ sinh hoạt mà còn được dùng để tưới tiêu. Năm nào hạn hán hoặc bước vào mùa khô, lượng nước ít thì nước chỉ để dành cho việc ăn uống, sinh hoạt.

Không chỉ mong có cầu qua suối, câu chuyện nước sạch ở Na Rang cũng là kỷ niệm không vui với nhiều người. Chả là khoảng năm 2009, có một công trình nước sạch được đầu tư ở xóm với mục tiêu ban đầu là cung cấp nước sạch cho 35 hộ dân khu vực trung tâm xóm. Đây là công trình được đấu nối, kéo dài từ công trình cung cấp nước sạch ở một xóm khác trên địa bàn xã. Nhiều gia đình háo hức đầu tư mua thiết bị dẫn nước về nhà, nhưng tiếc là nước chỉ chảy được có 7 ngày rồi ngưng hẳn cho đến nay. Nghe đâu là do công trình gốc ở xóm trên cũng không cung cấp đủ nước cho người dân của xóm nên họ đã không cho nước chảy về Na Rang. Người trong xóm cũng chỉ biết vậy và ngậm ngùi chờ đợi một ngày nước sạch sẽ thực sự về tới xóm.

Còn về điện, giờ thì xóm đã có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân đã tiện nghi hơn nhiều so với trước, nhưng những người như vợ chồng anh Ma Văn Thuận vẫn chẳng thể nào quên cái ngày lần đầu tiên nhà anh được dùng điện. Tất nhiên là điện tự kéo. Hồi đó là năm 2006, anh Thuận và 2 hộ dân nữa gần nhà anh mỗi hộ bán đi một con trâu. 3 con tổng cộng được 60 triệu đồng. Số tiền ấy đủ mua 1.200m dây điện. Tiếp đó 3 gia đình tự chôn cột, kéo dây từ đường điện ở tuyến DT 271 về. Đường dây kéo xa nên điện yếu, chỉ đủ thắp sáng. Thế nhưng với người dân khi đó, chỉ cần được thấy ánh sáng hắt ra từ chiếc bóng điện đã là mãn nguyện rồi. Từ 3 hộ đầu tiên, nhiều gia đình trong xóm cũng làm theo để lấy ánh sáng phục vụ sinh hoạt.

Và những người dân Na Rang đáng mến

Tự khúc Na Rang
Trẻ em ở Na Rang

Càng tiếp xúc với người dân, tìm hiểu về cuộc sống của họ, chúng tôi càng cảm phục nỗ lực, tinh thần vượt khó và sự văn minh đáng ngưỡng mộ của bà con ở Na Rang. Câu chuyện làm đường bê tông ở xóm góp thêm một minh chứng cho nhận định này của tôi. Na Rang có 5,5 km đường nội xóm, đến nay đều đã được trải bê tông. Nhiều đoạn đường, người dân tự bỏ 100% kinh phí. Nhưng đó là câu chuyện của hiện tại. Nhớ lại thời điểm triển khai làm đoạn đường bê tông đầu tiên ở xóm, trưởng xóm Ma Văn Lưu như vẫn bồn chồn:

Năm 2014, cấp trên có chủ trương cho các xóm làm đường bê tông. Nếu xóm nào quyết tâm làm thì nhà nước cấp xi măng cho. Tôi về xóm triển khai tới bà con, nhưng vì chủ trương này mới quá, mọi người sợ không làm được nên không có ai dám đồng tình. Tôi đã nghĩ, bà con thế chắc phải báo cáo lên xã không dám nhận xi măng đợt này để từ từ thuyết phục bà con. Nhưng rồi lại nghĩ, nếu cứ vì khó mà không làm thì bao giờ xóm làng mới đổi thay được. Tôi nói chuyện với ông bác là ông Nông Văn Biên bảo muốn làm nhưng cần có người ủng hộ. Ông suy nghĩ một lát rồi bảo tôi, cứ nhận xi măng về, ông sẽ xung phong làm ở đoạn đường nhà ông trước.

Theo kế hoạch, ngày hôm sau tôi đi nhận xi măng. Tối đó tôi lo lắng không sao ngủ được. Tầm 10 giờ tối tôi đã lên giường đi ngủ nhưng vẫn không yên tâm. Tôi lại vùng dậy chạy xuống nhà ông Biên hỏi lại lần nữa xem ông có chắc chắn làm được không. Tôi nhớ mãi khi ấy mình đã nói, bác có quyết tâm thật sự không đấy, nhận xi măng về mà không làm được là cháu đi tù như chơi đấy. Ông Biên bảo, cứ yên tâm, tao kê dọn sẵn chỗ để xi măng đây rồi, thằng cháu cứ đi nhận xi về đây.

250m đường bê tông đầu tiên của xóm đã hình thành như thế. “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, nhờ sự tiên phong của ông Biên, sự quyết tâm của trưởng xóm Lưu kể từ đó việc hiến đất làm đường ở xóm gần như không gặp trở ngại gì đáng kể.

Tự khúc Na Rang
Đường giao thông ở Na Rang đã được  đổ bê tông sạch sẽ

Là xóm có vị trí địa lý khá biệt lập, đồng thời 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ở Na Rang không có tình trạng các cặp vợ chồng đẻ nhiều con hay kết hôn sớm như nhiều xóm, bản vùng cao khác. Trái lại, người dân ở Na Rang thực hiện kế hoạch hoá gia đình vô cùng nghiêm ngặt. Bình quân mỗi năm cả xóm chỉ có 2 - 3 công dân được sinh ra, thậm chí có năm chỉ có 1 em bé chào đời. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu nên số nhân khẩu trong xóm vẫn đang có chiều hướng giảm dần. Nguyên do là số người sinh ra mỗi năm đang thấp hơn số người mất đi. Anh Lưu cho hay: Xu hướng sinh ít con ở xóm không biết bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết từ thời điểm tôi làm cán bộ dân số (năm 2009) thì tình trạng này đã có.

Vì thuộc lòng từng thành viên của mỗi gia đình trong xóm, anh Lưu nhẩm tính, từ năm 2009 đến nay, cả xóm có duy nhất một gia đình sinh con thứ 3, vài gia đình có 2 con, còn hầu hết là chỉ sinh 1 con. Năm 2011 xóm có 4 trẻ được sinh ra nhưng năm 2013 chỉ có 1 trẻ, các năm khác bình quân chỉ có 2 công dân chào đời. Na Rang hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi tỷ lệ bé trai được sinh ra cao gấp 3 lần bé gái (kể từ năm 2009 trở lại đây). Tính ở độ tuổi sinh từ năm 1981 đến 1996, xóm hiện có 11 công dân chưa lập gia đình, trong đó có 9 người là nam, 2 người là nữ. Cũng đã 3 năm nay, chưa có cô gái nào về xóm làm dâu, chỉ có một cô gái đi làm dâu làng khác.

Tự khúc Na Rang
Dù ở quanh nhà, ria đường hay trên các đồi chè đều dễ dàng bắt gặp những cây bóng mát nhiều năm tuổi

Lý do sinh ít con được hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đưa ra là để có điều kiện chăm sóc con được tốt hơn. Nhiều người khác thì cho rằng, cũng có thể giao thông không mấy thuận lợi cũng là yếu tố khiến thanh niên ngại đi giao lưu, tìm hiểu, kết bạn với người ngoài xóm…

Khó khăn ở Na Rang vẫn còn nhiều, nhưng điều quý giá mà chúng tôi dễ dàng cảm nhận được là người dân ở đây luôn tìm cách vươn lên chứ không tìm lý do để đổ lỗi cho hoàn cảnh mà ỷ lại. Mặc cho những trở ngại về giao thông, nguồn nước và điều kiện sống, họ vẫn kiên trì bám trụ, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhờ sự bao bọc ấy, cả xóm hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, đều là những trường hợp có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

Những con đường bê tông, cây cầu bê tông nhỏ tự xây và sự tiếp nối thế hệ để bảo vệ rừng xanh chính là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm, ý chí và tình yêu xóm làng của họ. Tạm biệt một Na Rang kiên cường, đầy nghị lực, trong lòng chúng tôi đã thắp lên một niềm tin, người dân Na Rang sẽ luôn biết cách tiến về phía trước, hướng tới tương lai ngày càng tươi đẹp hơn.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy