Trường Sơn thuở ấy…
VNTN - Rời ruộng đồng, xưởng máy, trường học, lớp lớp thanh niên miền Bắc đã theo tiếng gọi của non sông “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những tháng ngày hiến dâng thanh xuân trên tuyến đường mạch máu huyền thoại, tinh thần quyết chiến quyết thắng thuở ấy, như vẫn còn cháy bỏng trong từng câu chữ, trong ánh mắt rực sáng... của những người lính Trường Sơn.
Người của “mạch máu” thông tin
Đại tá Tạ Chu, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 14 Phòng không, Sư đoàn 312, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên nay đã 76 tuổi. Nhưng mỗi lần kể chuyện ở Trường Sơn, ánh mắt ông lại sáng rỡ, háo hức như thuở đôi mươi: “Chắc chẳng có ai cảm ơn một dãy núi đâu nhỉ, nhưng tôi thì có đấy. Tôi cảm ơn Trường Sơn, vì nó không chỉ là một dãy núi mà còn là một điểm tựa vĩ đại của dân tộc. Là thanh xuân đáng giá và tự hào của thế hệ chúng tôi”. Nhắc chuyện xưa, có những giọt nước rịn ướt nơi khóe mắt, nhưng nụ cười luôn thường trực nở. Cầm trên tay cuốn “Nhật ký chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không” dày 250 trang, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2014, tác giả là Tạ Chu, chúng tôi chợt hiểu vì sao thời gian không thể “bào mòn” ký ức trong ông. Bởi quá khứ vẫn luôn ở đây, trong óc, trong tim, và hiện hữu trên từng con chữ.
Nhập ngũ tháng 7/1963, biên chế ở đại đội 13, tiểu đoàn 9, trung đoàn 209, sư đoàn 312 (Phổ Yên). Sau 2 tháng huấn luyện tân binh, ông Chu được điều về tiểu đoàn thông tin (tiểu đoàn 16) đào tạo báo vụ (vô tuyến điện). Hơn một năm sau (9/12/1964) thì nhận lệnh cùng tổ đài 15W bổ sung cho tiểu đoàn 14 pháo cao xạ hành quân vào Quân khu 4 chiến đấu.
Đại tá Tạ Chu (bên trái) đã tặng cuốn sổ Nhật ký thời chiến (Nhật ký Chiến sĩ tiểu đoàn Phòng không) bản viết tay để trưng bày tại Nhà truyền thống trường THPT Lương Ngọc Quyến.
Khi vào đến căn cứ, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ sang phục kích, tiêu diệt máy bay Mỹ trinh sát, đánh phá các trọng điểm dọc đường 8A (Hà Tĩnh sang Lào). Đó là những ngày mà “một ngày có 8 phiên việc, ngoài ra còn phải gọi đài canh để phát điện khẩn cấp. Có phiên kéo dài tới 4 giờ đồng hồ. Đã thế trời nắng nóng mồ hôi cứ chảy ròng ròng. Lâu rồi không được tắm, mồ hôi ra ngứa tợn.” … “tiểu đoàn quy định chỗ đặt đài, ăn, ngủ, sinh hoạt của tổ đài, chúng tôi thường phải xa bộ phận chỉ huy để bảo đảm an toàn. Ban ngày thì đỡ, ban đêm nhiều khi cứ sởn gai ốc mỗi khi có tiếng động bất ngờ do thú rừng gây ra, cứ tưởng là biệt kích, thổ phỉ, thám báo. Bẩn ơi là bẩn, bọ, ve rừng cắn khắp người, ngứa ơi là ngứa” - (Nhật ký chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không)
Là một báo vụ viên, ông cùng tổ đài chịu trách nhiệm nhận/chuyển thông tin từ các đơn vị: Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Đoàn 559, Sư đoàn 312 đến tiểu đoàn và ngược lại. Cùng một nội dung nhưng có nhiều ký hiệu, mã số khác nhau, mỗi ngày sử dụng một mã chứ không trùng lặp. Thu nhận xong thì đưa cơ yếu dịch chuyển cho chỉ huy. Điện phát đi cơ yếu lại dịch ra ký hiệu chuyển cho báo vụ. Thu tin thì dễ vì cấp trên dùng máy công suất lớn (50W, 100W), nhưng khi phát thì khó hơn vì máy của tiểu đoàn chỉ 15W. Trong hoàn cảnh núi rừng hiểm trở, máy bay trinh sát điện tử của địch lại quần thảo, thả bom liên tục, tiểu đoàn phải đào hầm để lấy chỗ làm việc bảo vệ điện đài. Mỗi lần muốn chuyển tin báo phải giăng ăng ten dài 32m, trên độ cao ít nhất 8m mới phát sóng được. Phát xong phải thu dây ngay. Nhiều lần đang liên lạc, thấy máy bay trinh sát địch theo dõi, ông nhanh trí báo tín hiệu xin ngừng liên lạc tránh bị lộ. Hơn ai hết, ông hiểu điện đài là mạch máu thông tin, nếu để lộ tín hiệu thì sẽ kéo theo nhiều tổn thất của các lực lượng khác khi địch tìm đến tấn công. Ông dí dỏm bảo: Cũng bị bom nhiều lần, đài điện hư hỏng nhiều lần, nhưng bom đạn như thể đã tránh mình, đài điện hư sửa xong lại làm việc như thường.
Chiến trường chỉ hai mùa là mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (giữa tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau). Càng ngày cuộc chiến càng ác liệt, Mỹ điên cuồng đánh phá các trọng điểm đường Trường Sơn, đánh lống ra miền Bắc; việc chi viện ngày càng khó khăn. Mùa mưa năm 1968, trước tình hình khan hiếm lương thực cung cấp cho bộ đội và tiền phương, Trung tá Nguyễn Đức Phương, Binh trạm phó Binh trạm 37 (Đoàn 559) được cấp trên phân công nhiệm vụ, đã vào vai tư sản Việt kiều ở Campuchia đi thu mua lương thực của thương nhân, nhân dân vùng Hạ Lào, Campuchia cung cấp về kho của ta. Các lực lượng bộ đội ở quanh vùng Hạ Lào được huy động đóng vai “cu li” đến đó để bốc dỡ hàng thuê cho “ông chủ Phương”, nhưng mục đích là để lấy lương thực về. Trong quá trình làm việc, thi thoảng bộ đội ta bị ông Phương đá, quật roi vào người (đánh thật nhưng ai cũng biết là giả). Mỗi người được phân tải 25kg, đi và về đến Binh trạm mất hơn nửa tháng, chỉ còn khoảng 15kg vì vừa đi vừa nấu ăn. Ông Chu kể: bình thường quy chuẩn mỗi người được 5 lạng gạo/ngày. Khi Trung tá Phương thu mua được nhiều nên được ăn no hơn, tối đa mỗi người được 1kg/ngày. Nhưng số ngày được vậy vô cùng ít ỏi, đa phần là chịu ăn đói, dành để chi viện cho tuyến trong.
Những trang nhật ký ghi lại nhiều sự kiện, nhiều cung bậc cảm xúc của đại tá Tạ Chu những ngày ở Trường Sơn.
Đại tá Tạ Chu vẫn còn nhớ mãi những ngày đầu năm 1973, khi ấy tiểu đoàn di chuyển vào khu vực miền Đông Nam bộ ở Lộc Ninh, Bình Long (nay là Bình Phước). Lúc này ông chuyển sang chỉ huy chiến đấu ở trận địa pháo cao xạ. Đói nhiều, ông và đồng đội vào rừng lấy quả dâu da, kiếm măng lồ ô ăn trừ bữa. Quả dâu da chua chua ngọt ngọt, măng luộc lên chấm muối nịnh miệng, ăn no được một lúc thì thấy cồn cào như “xé ruột”. Có dạo sang Campuchia mua được ít gạo nếp và đỗ xanh nấu độn, mỗi người chỉ được nửa bát một bữa. Nếu ăn phải những hạt đỗ nhọn thì tanh vô cùng. Nhổ đi thì tiếc, không nhổ thì buồn nôn không chịu được.
Chuyện của “phi công mặt đất”
Nhập ngũ cùng đợt, cùng chung đơn vị với đại tá Tạ Chu, ông Lã Duy Vĩnh (hiện ở phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) khi ấy là lái xe kéo pháo. Dù sức khỏe nay không được như các lão bạn đồng trang lứa, nhưng hễ nói chuyện Trường Sơn thì cũng như “bạn già” của mình, mải mê quên mệt.
Ông Vĩnh kể: Thời đó nếu lái xe chạy đủ 26 đêm/tháng, kê khai lên là được khen thưởng đấy, nhưng hiếm ai làm được lắm. Mùa khô thì kéo pháo, cơ động trên các trận địa, nhưng mùa mưa lại làm nhiệm vụ vận tải (chở hàng, vận chuyển xăng dầu, gạo, thực phẩm…). Đường quân sự thường làm gấp nên rất xấu, đèn gầm, đèn mui rùa soi trước 5 mét, chạy suốt cả đêm chỉ được 80km. Bản thân lái xe phải mặc áo giáp, vừa bí vừa nóng, đường xóc khiến lưng, mông loét hết da. Được trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược, quân tư trang…, thứ mà cánh lái xe không thể thiếu được là… giẻ khô. Vì xe hay phải qua ngầm, qua suối, nước vào bộ chia điện, không có giẻ lau khô thì nguy lắm. Cứ đêm chạy ngày nghỉ; sáng sớm sau khi chuyển pháo cho các khẩu đội xong thường phải cho xe di chuyển ra khỏi trận địa khoảng 2 - 3km để cất giấu. Việc xóa dấu vết mất nhiều thời gian, và cũng phải tùy theo địa hình mà ngụy trang. Có chỗ thì dùng lá xanh, những đoạn trơ trụi thì phải tìm cây khô. “Lệch màu” ngụy trang cái là “chết chùm” ngay.
Cựu chiến binh Lã Duy Vĩnh (ngoài cùng bên phải) với những "lão bạn" chiến trường
Dấu tích vết sẹo dài chừng 10cm nơi bàn tay trái, hai chân bước đi tập tễnh, đấy là một “kỷ niệm Trường Sơn” nhớ đời. Tháng 5/1970, ông được điều động đi lấy đạn dược ở đường 9, đến ngầm Tôm Ru (Binh trạm 33) thì bất ngờ bị máy bay thả đạn pháo ngay đầu xe. Một viên đạn ấy đã xuyên qua cabin vào vô lăng, sượt qua bàn tay trái. Mở cửa định nhảy khỏi xe thì phát hiện viên đạn xuyên xuống làm gãy xương đùi. Ông bảo, nếu chỉ cần thêm một chút ga, nhích tầm 20cm nữa, viên đạn đã xuyên vào vị trí khác (có thể là tim), thì giờ có khi chẳng biết hài cốt nơi nào…
Ở thời chiến, con người được rèn giũa trong hoàn cảnh khắc nghiệt để trưởng thành, thách thức có thể là… cái chết. Ông Vĩnh bồi hồi nhớ về khoảng thời gian được rèn giũa của mình: Vì thuộc đối tượng xét kết nạp Đảng, tôi thường xuyên được cử di chuyển trận địa như một hình thức thử thách ý chí và bản lĩnh. Mỗi một lần nhận lệnh điều động di chuyển là một lần ý chí thêm kiên gan. Dù biết gian khổ ác liệt, đi là chạy đua với đạn bom và có thể hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng lúc đó lý tưởng cách mạng, niềm tin với Đảng sáng ngời, hơn hết là danh dự của một người lính luôn thúc giục tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Khó khăn, thiếu thốn nhiều, nhưng cũng có lúc “sướng” lắm. Đấy là những khi săn được thú rừng, bữa ăn được cải thiện - ông Vĩnh đùa, tiếp lời: “Thời giờ mà bắn thú rừng là phạt chết đấy. Nhưng khi đó rừng rậm nhiều loài, có cả hổ kia mà. Mà bộ đội thì đói”. Kỷ niệm in hằn trong tâm trí, là cái đêm 19/5 mùa mưa năm 1968, ông đã bắn được một con hươu rừng gần 50kg. Làm thịt hươu xong, tiểu đội xe chỉ giữ lại một phần rất ít, còn lại sáng hôm sau ông đem hết ra đại đội, đưa xuống bếp nuôi phục vụ pháo thủ. Cộng thêm chiến công ấy mà mười ngày sau ông được kết nạp Đảng. Trong căn hầm sâu dưới lòng đất, đồng đội đem tặng một bó hoa rừng chúc mừng đảng viên mới. Chao ôi, tự hào biết bao, sung sướng biết bao!
“Nhất thì xanh cỏ, nhì thì đỏ ngực”
Tuyến Đường 20 - Quyết Thắng dài 123 km bắt đầu từ bản Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Phùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào) bắt đầu được mở từ tháng 5/1965; tham gia khai mở, xây dựng và bảo vệ là các thanh niên xung phong (TNXP) đều ở lứa tuổi mười tám đôi mươi với ý chí quyết tâm về một con đường huyết mạch, phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, đưa hàng vào chiến trường miền Nam. Cựu TNXP Nguyễn Thị Thanh Hải (hiện ở tổ 10, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công) đã tình nguyện viết đơn tham gia TNXP khi mới 16 tuổi, được biên chế vào C456 (mở đường) thuộc Binh trạm 14.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Thanh Hải
Ôn kể chuyện xưa trong dòng hồi niệm rõ ràng, súc tích, bà Hải bộc bạch rằng, ngày ấy tinh thần vì miền Nam ruột thịt cao ngút trời. Ai vào đến đó cũng mang trong mình ý chí “nhất thì xanh cỏ, nhì thì đỏ ngực” nên chẳng nề hà cái khó cái khổ. Khi ấy, làm đường toàn làm đêm, làm bằng mắt người thôi. Cứ chiều tối xuống đường, sáng tầm 5h lại rút về lán trại. Ròng rã như thế cả mấy năm liền, mở xong đoạn đường này lại di chuyển sang đoạn khác như kiểu “chạy tiếp sức” vậy.
Trường Sơn thuở ấy gian khổ nhưng ấm áp bởi tình đồng đội thiết thân như anh em một nhà. Ngày ấy, để tránh bị lạc đơn vị, người ta nghĩ ra cách lấy cây song mây tuốt vỏ cho nhẵn rồi giăng theo các gốc cây làm thành lối định vị đường về lán trại nằm trên lưng chừng núi. Dù tối đến mấy, dù mưa trơn, cứ lần theo dây song mà đi. Mùa mưa kéo dài triền miên, bà và các đội viên phải đào những cái hố như kiểu bếp Hoàng Cầm, đập những thùng phuy đựng mỡ, đựng xăng dầu thẳng ra, chùi sạch rồi đắp đất úp lên miệng hố, lấy củi về đốt nóng để hong khô quần áo. Ai nấy đều sặc mùi khói, nhưng thà vậy còn hơn mặc đồ ẩm ướt lích rích. Mùa mưa cực vậy, mùa khô thì lại khổ vì đất đỏ mù mịt, đầu tóc cứ vàng ươm. Mỗi tháng được cấp nửa bánh xà phòng 72 (xà phòng Liên Xô 72%), tất cả việc gội đầu, tắm giặt đều bằng miếng xà phòng ấy. Tóc nhiều người rụng trọc. Rồi mọi người phát hiện ra một loại cây rừng, tước vỏ ra vò thì có bọt như xà phòng, thế là rủ nhau mang về thử nghiệm. Lúc đầu sợ chỉ dám gội đuôi tóc, sau thấy mượt và mềm mới gội lên đầu.
Tuyến đường 20 thông xe vào tháng 12/1967, lúc này đơn vị chỉ để lại một lực lượng nhỏ trực san lấp, sửa chữa khi cần. Bà Hải được chuyển sang bộ đội về tiểu đoàn kho. Xăng dầu, vũ khí đạn dược thì ngày nào cũng nhận (từ Bắc vào) và chuyển đi (vào Nam). Vì là tuyến đường huyết mạch nên các đơn vị thuộc Binh trạm (công binh, lái xe, cao xạ…) phối hợp để chuyển hàng, đón thương bệnh binh ra Bắc… Một chiếc xe chuyển 4 tấn gạo, thời gian giải phóng chỉ 15 - 20 phút. Bao gạo 50kg chỉ 2 người nữ cắp lên hông là đi. “Lúc đấy thấy sức mình phi thường lắm, bất kể thời khắc nào trong đêm, cứ có xe đến là sẵn sàng giải phóng, sắp xếp” - bà Hải chia sẻ.
***
Kể chuyện về những tháng ngày trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, tinh thần quyết chiến quyết thắng như vẫn còn cháy bỏng trong từng câu chữ, trong ánh mắt rực sáng... Rời trận tuyến, người về với ruộng đồng (bà Hải), người tiếp tục chặng đường binh nghiệp (đại tá Tạ Chu), người lại chuyển học ngành Y (ông Vĩnh), cuộc sống của họ bình dị và thanh sạch. Họ vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, sự hào hoa, hồn hậu. Trường Sơn đã như “lửa thử vàng”, hun đúc nên cốt cách để những người lính dù ở mặt trận nào cũng sống đẹp, sống vẹn tròn mọi lẽ với cuộc đời mình. Tuổi trẻ của họ là hành trình của tình yêu đất nước, của niềm tin chiến thắng. Trường Sơn vẫn luôn ở đây, rất gần trong nhịp đập trái tim mỗi người!.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...