Trong ký ức người lính trinh sát năm xưa
VNTN - 40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận chiến đấu khốc liệt tại biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn luôn nguyên vẹn trong ký ức của ông Trần Thanh Long, sinh năm 1960, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên. Khi chiến tranh nổ ra, ông Long thuộc Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 677. Những câu chuyện chiến đấu đã được ông kể lại một cách say sưa và tỉ mỉ.
Ông Trần Thanh Long (bên phải) và đồng chí y sĩ quân y cứu chữa cho thương binh trong hang đá 40 năm trước
Năm 1977, học hết lớp 7, ông Long tham gia lực lượng dân công đi làm đường ở Bắc Cạn. Tháng 8 năm 1978, ông nhập ngũ tại Trung đoàn 677 đóng quân ở huyện Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng đảm nhận nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình của nhân dân, việc đi lại của các đối tượng cần lưu ý ở biên giới. Ở nơi biên cương chủ yếu là rừng núi, khắc nghiệt nhất là cái rét cắt da, cắt thịt, đến những cơn mưa rừng dầm dề nên rất dễ bị mắc bệnh. Cuộc chiến đấu giải phóng đất nước cũng vừa đi qua chưa lâu nên điều kiện còn rất thiếu thốn. Áo bông ấm không có, mỗi người chỉ được phát một tấm chăn chiên. Bữa ăn chủ yếu là cơm độn hạt bo bo, bột mì và rau rừng. Bộ đội các ông thường ngủ ở hầm hoặc đắp đất lên những tấm gỗ rồi dùng cỏ tranh bện lên cho êm. Có lần ngủ dậy hai mí mắt ông Long bị dính chặt với nhau mãi mà không mở được. Hóa ra có con vắt rừng to, béo mẫm vì được hút máu no nê đang bậu trên mắt… Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng ai nấy đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vùng biên ải.
Những người lính trẻ chỉ phần nào biết về chiến tranh qua phim ảnh chứ chưa nghĩ đến việc sẽ phải trải qua. Chỉ đến tối 16/2, khi lập xong một lán trinh sát ở điểm cao, các ông đang định tranh thủ quay về thị trấn để xem cố một tập phim truyện thì nhận được lệnh quay trở về đơn vị sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức. Lúc này, các ông đều đã cảm nhận được chiến tranh đã đến. 3 giờ sáng ngày 17/2, khi bắt đầu có những loạt pháo từ phía biên giới nã đến thì toàn đơn vị báo động, chỉ huy lệnh cho mọi người lập tức đào hố cá nhân, trú ẩn. Ông Long cùng đồng đội tên là Tống Công Ca đào chung một hố trú ẩn. Khi đào được vừa đến cổ thì quân Trung Quốc nã pháo, hai anh em nhảy ngay xuống, đè cả lên nhau trong cái hố chật ních đang đào dở. Bao nhiêu đất cát, cây cối rơi rào rào xuống hầm làm hai người cảm thấy tức thở. Rồi cứ hàng loạt tiếng pháo rít trên trời rồi nổ đinh tai nhức óc ngay xung quanh. “Một lúc sau thò mặt lên được thì lúc này tất cả cây cối xung quanh đều đã bị pháo bạt hết đi. Cũng may là pháo này không có sức công phá khoét sâu mà chủ yếu tàn phá xung quanh mặt đất”, ông Long kể lại.
...Mới chỉ những ngày đầu thôi nhưng đã có rất nhiều thương vong. Cũng từ đây. những người lính trẻ như ông Long mới thật sự nhận ra sự khốc liệt của chiến tranh, đồng thời thôi thúc họ: “Chứng kiến đồng đội bị hy sinh quá nhiều, lòng căm thù trỗi dậy, thúc giục tôi và anh em trinh sát cần phải cố gắng chiến đấu, nỗ lực hơn nữa để các đơn vị khác thuận lợi chiến đấu. Có thể cái chết lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu nhưng chúng tôi coi nó nhẹ nhàng lắm”. Điều đó đã tôi luyện nên những chiến sĩ trinh sát thực thụ là những chiến sĩ có khả năng quan sát nhanh nhạy, kiến thức về địch, biết phân biệt tiếng súng gì, tiếng pháo loại gì và đặc biệt là sự gan dạ, phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Tất cả nhằm thăm dò nắm bắt thông tin, tình hình, hướng tấn công của đối phương, kịp thời phát hiện đối phương bảo vệ các điểm cao trọng yếu… tạo điều kiện thuật lợi nhất cho các đơn vị khác chiến đấu. Đại đội Trinh sát của ông Long được mệnh danh là “tai mắt của trung đoàn”.
Ông Long kể: Khi hai bên đang giao tranh ác liệt, anh em đội trinh sát vẫn phải vượt qua làn mưa bom, bão đạn và liên tục di chuyển làm nhiệm vụ. Vượt rừng, băng núi liên tục, khi đã mệt nhoài thì chỗ nào cũng có thể trở thành nơi chợp mắt. Có khi ở ngay giữa rừng, các anh ôm nhau ngủ cho đỡ rét, có đôi lúc là nằm trên lán dựng tạm, nơi xung quanh toàn xác tử sỹ… Các kênh liên lạc bị phá hỏng nên các anh nhiều lúc đảm nhận luôn nhiệm vụ truyền thông tin liên lạc bằng cách sử dụng khẩu hiệu bí mật rồi truyền đạt trực tiếp chỉ đạo của chỉ huy đến các đơn vị. Kết thúc giao tranh, đội trinh sát cũng sẽ nắm bắt tình hình, thiệt hại, kiểm tra xem ai may mắn còn sống sót và đặc biệt là kiểm tra xem địch có gài lại bom, mìn lên xác đồng đội không, để đội vận chuyển đến di chuyển tử thi đi được an toàn.
Ông Long nhớ lại: Có lần chỉ huy giao cho nhiệm vụ quan trọng là tìm và liên hệ với các cán bộ chủ chốt của huyện Trà Lĩnh đang bí mật ẩn nấp ở đâu đó. Nhờ sự nhanh nhạy, không quản ngại vất vả nên ông Long tìm ra họ trước quân thù. Ông đã lần theo dấu vết hết mấy ngày đêm, men theo triền núi đá chênh vênh cuối cùng cũng tìm được họ trong một hang đá sâu. Sau đó, khéo léo sắp xếp đường đi để tránh được kẻ thù, đến nơi an toàn. Một lần khác, khi đang đi trinh sát, phát hiện ra trong cái hang đá có khoảng 30 thương binh nặng cùng với một y sỹ, một bộ đội. Để không bị địch phát hiện, họ đã phá cầu thang và ẩn náu ở phía trên cao của hang. Trốn được địch, nhưng có người vết thương đã bị hoại tử, phải tháo khớp. Không chút chần chừ, ông Long cùng một số đồng đội đã phải lấy người làm “cầu thang” để dìu các thương binh bước qua, di chuyển xuống. Ai nấy đều ê ẩm cả người nhưng lại rất vui bởi các thương binh sẽ được di chuyển đến nơi an toàn và cứu chữa kịp thời. Năm 2016, tỉnh Bắc Cạn kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn 677, ông Long được mời dự và kể lại một số kỷ niệm về chiến tranh biên giới. Ngay sau khi dời bục phát biểu, có một đồng chí đến ôm chầm lấy anh, thì ra đó chính là người y sỹ năm xưa ở trong hang cùng với các thương binh. Chàng y sĩ quân y ngày nào bây giờ cũng đã là lãnh đạo Bệnh viện B Bắc Cạn.
Chỉ tay về phía nghĩa trang liệt sĩ xã Quyết Thắng, ông bảo “suýt chút nữa là đã có tên tôi ở đó”. Khi ấy, ông đang ở đài quan sát trên điểm cao trọng yếu thì bị quân Trung Quốc bao vây quả núi. Điện đàm không liên lạc được nên ban chỉ huy nghĩ rằng các ông đã bị quân Trung Quốc tiêu diệt, đành quyết định bắn pháo phá hủy đài và tiêu diệt quân Trung Quốc, ngăn không cho chúng đánh lan sang các điểm khác. Ông Long và một số anh em đã trốn kịp vào trong hang đá sâu nên thoát chết. Sau đó phải đi dọc rừng, men qua các con suối để quay trở về đơn vị. Do đi từ hướng địch chiếm đóng nên phải băng qua cả những luồng đạn của cả địch và ta. May mắn trở về được đơn vị thì thấy Ban Chỉ huy đang lập bàn thờ cho mình. Anh em đang sụt sùi khóc tang ông. Nhìn thấy ông, lãnh đạo cùng anh em vui mừng khôn xiết chạy lại ôm lấy ông rồi đạp đổ ban thờ.
Năm 1992, khi đang làm Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 677 thì vì một số lí do nên ông Long xuất ngũ về làm công tác lãnh đạo ở xã Quyết Thắng. Ông vẫn thường xuyên gặp lại những đồng đội đã hy sinh… ở trong mơ. “Chỉ nhắm mắt mà hình dung thì không ra nhưng khi đi vào giấc mơ thì đồng đội hiện ra rõ mồn một. Anh em vẫn cùng nhau chiến đấu, cùng nhau sinh hoạt như mới chỉ hôm qua, đó là những giấc mơ thật hạnh phúc”, ông Long chia sẻ. Ông cũng tham gia các Ban Liên lạc của những đơn vị đã từng tham gia chiến tranh biên giới năm 1979. Qua đó, có dịp gặp gỡ, thăm hỏi giúp đỡ nhau lúc gặp khó khăn. Thỉnh thoảng có dịp, các ông lại “hành quân” về biên giới phía Bắc, cùng nhau hát "Về đây đồng đội ơi", đọc bài văn tế Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực lửa/ Xung phong giữ đất biên thùy.
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...