Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
07:00 (GMT +7)

Trên vùng biển Tây Nam – Kỳ 2: Ấm nghĩa tình quân dân

VNTN - Vất vả nhưng tràn đầy tiếng cười, chúng tôi hát với nhau, san sẻ cho nhau từng viên thuốc, không có khoảng cách và ranh giới, chỉ chung nhau lý tưởng hướng về phên giậu của Tổ quốc, gần gụi và yêu thương.


Những “anh nuôi” dễ mến

Chuyến đi này có lẽ là chuyến đi đông nhất từ trước đến nay của Vùng 5 Hải quân. Có tuổi thọ hơn hai mươi năm, tàu 632 ra đời tại Công ty đóng tàu Hồng Hà (Bộ Quốc phòng), có khả năng chở 450 tấn hàng. Đây là một trong những con tàu chủ lực của Vùng 5 chở quân, đưa khách đi chúc tết, chở dân miễn phí từ đảo Thổ Chu sang Phú Quốc và vận chuyển hàng hóa đi quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK trên thềm lục địa. Lần này đi, tàu chở theo 130m³ dầu, 70m³ nước ngọt dùng trong sinh hoạt, nấu nướng và 70m³ nước giằng ở các két dưới đáy tàu. Biên chế tàu (chỗ ở) là 30 người, thế nên 130 người là quá tải. Vì thế, hai boong tàu được căng bạt làm nơi ăn, nghỉ, làm việc cho cán bộ các địa phương và phóng viên đi theo đoàn; hai gầm cầu thang ở hai bên mạn tàu dẫn lên buồng lái được tận dụng làm nhà vệ sinh.

Cánh phụ nữ có 20 người, được phân vào hai phòng, trong đó có một phòng đơn ưu tiên dành cho một số nữ lãnh đạo các địa phương (3 người), còn lại dồn vào phòng rộng chừng 15m2, vốn là chỗ sinh hoạt ngủ nghỉ của 6 chiến sĩ. Không hề gì, chúng tôi nhanh chóng sắp xếp đồ đạc và còn nhường nhau 6 chiếc giường đơn. Hai người mới sáng còn xa lạ, tối đã ôm nhau ngủ ngon lành trên chiếc giường (1 mét) chật hẹp, nằm tràn cả lối đi, nêm sát vào nhau như xếp… cá mòi. Chúng tôi tíu tít kể chuyện nhau nghe về quê hương xứ sở, chuyện chồng con, chuyện nghề nghiệp…

Các sĩ quan, chiến sĩ trên tàu 632 đều còn rất trẻ. Những bước chân từ mạn trái sang mạn phải, lên boong tàu, ca bin… cứ thoăn thoắt, nụ cười trên những khuôn mặt rám nắng lúc nào cũng tươi rói. Thuyền trưởng - thượng úy Phan Văn Hiếu cười hiền khô khi nhận lời khen, anh bảo, với những người lính hải quân, những chuyến làm nhiệm vụ tính bằng tháng, nhiều tháng, có khi gần nửa năm trời trên biển là chuyện bình thường; quen sóng gió rồi. Cũng nhiều bất trắc lắm, có những chuyến “xa khơi” hơn 3 tháng, tàu anh gặp phải 3 cơn bão lớn. Con tàu chỉ chịu được sóng gió cấp 7, nhưng bão giật cấp 12. Có lúc tàu nghiêng đến 28 độ. Boong đầy nước. Nước ùa lên ca bin, trùm cả con tàu. Sự sống và cái chết chỉ như lằn ranh mỏng, anh phải chỉ huy điều khiển tàu ngược gió, ngược dòng, lúc đi chếch mạn trái, khi chếch mạn phải, tùy cơ ứng biến, có thể đi chậm, đi lùi để “luồn” qua bão dữ.

Tôi thường bị cuốn hút bởi những chương trình giao lưu văn nghệ ở boong tàu khi đêm xuống. Chỉ bằng một chiếc điện thoại có sóng 3G, một chiếc loa (dạng kẹo kéo), và kết nối bluetooth; nếu muốn dùng màn hình ti vi thì chỉ cần cắm chiếc thẻ nhớ có copy sẵn bài vào, bấm chọn và hát. Sau những bữa cơm tối quây quần, boong tàu lại rộn ràng tiếng hát. Những bài ca tân cổ ngọt lịm, những khúc hát về biển đảo cất lên giữa trùng khơi bỗng như thiêng liêng, hào sảng hơn. Ở đó, chẳng ai quan tâm chuyện bạn hát hay - dở thế nào, tiếng vỗ tay, tiếng cổ vũ cứ đều đều vang lên, kẻ Bắc người Nam hòa giọng một ca khúc, sáng mai gặp lại nhau đã thiết thân như tri kỷ lâu ngày gặp lại.

Đảm bảo hậu cần cho mỗi chuyến công tác trên biển là điều kiện bắt buộc. Đi mới thấy gian khó trăm bề. Làm thế nào để đem đến những bữa ăn ngon miệng, giấc ngủ thoải mái cho các thành viên trong đoàn công tác là thách thức không nhỏ với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ phục vụ trên tàu. Nóng nực, chật hẹp, hạn chế nguồn nước sinh hoạt… Nhìn những chàng trai tuổi ngoài đôi mươi mồ hôi đẫm đìa lưng áo, túa thành hạt trên mặt, cặm cụi rửa bát, nhặt rau, làm cá…, nhà báo Huỳnh Ngọc Huệ (Báo Cà Mau) mắt cứ nhòe đi: “Thương các em quá. Phục vụ ăn ngủ cho chừng này người, 3, 4 giờ sáng đã dậy rồi, khuya khi cả tàu đi ngủ thì các em cũng mới ngả lưng. Vậy mà lúc nào cũng thấy tươi cười hóm hỉnh. Nhìn các em vậy, dù mình mệt không muốn ăn cũng phải gắng gỏi, chứ phụ lòng người tốt là mang tội lắm”.

Chiếc khăn ướt chẳng biết bao nhiêu là nước bao nhiêu là mồ hôi vắt qua cổ, trung úy Nguyễn Đức Huy - nhân viên hàng hải, tàu 632, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quay cuồng trong gian bếp với món cá kho, rau xào, canh… nghi ngút hơi nóng. Hỏi chuyện, tay muôi tay đũa vẫn đảo đều trên chảo rau, anh khảng khái bảo: có vất vả gì nhiều đâu, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, với chúng tôi đó không chỉ là trách nhiệm công việc mà còn là niềm vui, là vinh dự chứ. Chỉ có những khó khăn do yếu tố khách quan, như ở trên tàu không gian chật hẹp, nóng nực, nước ngọt cũng không được bảo đảm nên phải lấy nước lọc để nấu nướng. Nhưng có hề gì, biết sắp xếp khoa học là ổn thôi.

“Anh nuôi” Nguyễn Đức Huy tất bật trong không gian bếp chật hẹp

5 ngày của hải trình, tối nào chúng tôi cũng được thưởng thức món ăn thêm là cháo gà, cháo cá… Thiếu úy Nguyễn Văn Đăng, phó thuyền trưởng phụ trách hậu cần mồ hôi chảy thành dòng trên mặt cứ lăn xả cùng đồng đội, vui vẻ phân trần: chúng em phục vụ thêm bữa ăn này, những ai hồi chiều nếu mệt không ăn được cơm thì có thể ăn bổ sung lấy lại sức. Ai nấy đều cảm kích trước sự ân cần, dễ chịu trong cư xử của Đăng, anh chàng chỉ cười hiền: được đi, được phục vụ mọi người chúng em vui lắm. Cuộc đời của lính biển chỉ ý nghĩa và đáng quý khi có những chuyến đi trên biển thôi.

Những bữa cơm trên boong quây quần, ấm áp

Những buổi chiều dời điểm đảo về lại tàu, chúng tôi như trở về một “cái tổ” yên lành. Xếp hàng và nhường nhịn nhau khâu tắm giặt, vệ sinh, lại ra mạn tàu hóng gió, chia sẻ cho nhau những câu chuyện, đề tài tác nghiệp. Căn phòng khi sáng dời tàu còn lộn xộn dép guốc, lô xô chăn gối…, chiều về đã gọn gàng, chỉn chu từ cái chiếu gấp gọn, mảnh chăn vuông vắn, đồ đạc sắp xếp nghiêm ngắn, khiến mọi người khi mở cửa phòng đều ngạc nhiên.

Không khó để tìm ra một trong những chàng trai chỉn chu ấy. Thiếu úy Trần Hoàng Trung, nhân viên máy tàu với nhiệm vụ bảo đảm máy móc và trang bị cho tàu, thu hút tôi bởi nụ cười rạng rỡ, vóc dáng săn chắc và nhanh nhẹn. Trung chia sẻ: Tinh thần, trách nhiệm của người lính là luôn sẵn sàng. Chuẩn bị những bữa ăn, dọn dẹp vệ sinh và sắp xếp lại nơi nghỉ cho đoàn công tác, chúng em chẳng sợ khó sợ khổ, chỉ mong sao giúp mọi người được ăn ngon, ngủ khỏe là thấy thỏa mãn rồi.

Hơi ấm hậu phương

Bữa sáng đầu tiên trên tàu từ Phú Quốc ra đảo Hòn Đốc, tôi khá ấn tượng với một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và rất hoạt ngôn vui vẻ. Chị Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương. Dù được bố trí ở phòng ưu tiên cùng với một số nữ lãnh đạo các tỉnh khác, nhưng chị sẵn sàng nhường chỗ ấy cho một người khác và ở cùng với chúng tôi. Lần thứ 2 đi tuyến đảo Tây Nam, nhưng chị còn hào hứng hơn cả lần đầu. Chị bộc bạch: Phụ nữ chúng mình ra đảo thường sợ sóng gió, nhưng phụ nữ sống tình cảm hơn, khéo léo hơn trong việc động viên tinh thần chiến sĩ. Ra đảo, nhìn chị em mình, các chiến sĩ như thấy chị gái, em gái, thấy mẹ, hình ảnh tự nhiên thân thuộc mà vơi bớt nỗi nhớ thương đất liền.

Một góc Hòn Đốc

Rút kinh nghiệm từ lần đi trước, ngoài những phần quà gửi tặng các điểm đảo, chị còn đề xuất lên tỉnh đem thêm những sản phẩm là đặc sản của Bình Dương, thêm cả kinh phí để trao tặng các chiến sĩ phục vụ trên tàu, những người gần gũi, vất vả chăm lo cho đoàn công tác. Nghe chị nói mới ngớ ra, quả thật ít ai nghĩ và làm được điều này.

Đem tình cảm của đất liền đến với các chiến sĩ và những người dân chọn dời bỏ quê hương bản quán ra cắm chốt ở đảo, nhiều năm nay đã được các cấp ngành quan tâm từ những điều thiết thực, gắn với đời sống an sinh. Hệ thống máy lọc nước biển ở đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một công trình thể hiện rõ nét cho điều đó. Nơi đây chủ yếu là vách đứng, không có bãi cát, đi lại khó khăn, bao năm nay nước ngọt là một mặt hàng xa xỉ. 54 hộ với 177 nhân khẩu trên đảo hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo. Các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nước ngọt đều được vận chuyển từ đất liền ra. Thấu hiểu điều đó, năm 2015, Bộ Quốc phòng đã đầu tư thí điểm hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, với hệ thống Panel Carocell C2000 có thể sản xuất được 20 lít nước uống/ngày; tổng vốn đầu tư cho hệ thống này trên 100 triệu đồng.

Được biết, thiết bị Carocell xử lý được mọi nguồn nước (biển, sông, suối, ao, hồ v.v…) thành nước uống trực tiếp hợp chuẩn bằng năng lượng mặt trời, được bảo hành trong 20 năm liên tục mà không cần phải súc rửa, thay thế vật liệu lọc, phụ kiện định kỳ. Hòn Chuối là đảo đầu tiên của vùng biển Tây Nam được ứng dụng công nghệ lọc nước này.

Gần đây nhất, một hệ thống lọc nước mới tiếp tục được lắp đặt ở Hòn Chuối, do Sở Khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau thực hiện, giao cho Đồn biên phòng 704 Hòn Chuối tiếp nhận và bảo quản sử dụng, cấp nước dùng chung cho đơn vị và nhân dân trên đảo khi cần. Hệ thống đi vào hoạt động từ 20/01/2018, với công suất lọc 300 lít một ngày.

Công trình máy lọc nước mới ở Hòn Chuối đang giúp cán bộ,

chiến sĩ nhân dân trên đảo thoát cơn khát nước ngọt

Đi biển, nghe kể chuyện hiếm nước ngọt mà hoảng hốt. Cán bộ chiến sĩ được phân chia nước theo chế độ, sáng dậy mỗi người một lít vệ sinh mặt mũi chân tay. Có khi mười ngày mới được tắm một lần. Mà tắm vẫn phải tiết kiệm đến mức tắm bằng nước biển, rồi dùng số nước ngọt ít ỏi tráng lại. Tôi hào hứng mục sở thị cốc nước lọc mới tinh, cảm nhận hệt như những cốc nước mình thường dùng ở nhà. Tự nhiên cũng thấy mình vui lây. Trung úy Phạm Công Minh, Đội trưởng tổng hợp đảm bảo Đồn biên phòng Hòn Chuối chia sẻ: Nhiều năm rồi cán bộ chiến sĩ và nhân dân rất cực khổ chuyện nước ngọt. Bây giờ có máy lọc, nước nôi cũng thoải mái hơn, không còn nơm nớp lo lắng thiếu thốn như trước nữa. Có nước ngọt, tăng gia trồng rau, chăn nuôi đều rất thuận lợi, vui lắm.

Tôi gọi chuyến đi trên tàu 632 là chuyến đi của thanh xuân, và nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có chung xúc cảm đó. Nói về những dấu ấn của chuyến đi, một đồng nghiệp đã đọc cho tôi nghe lời tâm tình của một nữ nhà thơ nào đó, mà chúng tôi ngỡ như là tiếng lòng mình: Một câu thơ dài chưa viết nổi gởi Trường Sa/ Thì Tổ quốc yêu từ phía nào cho trọn vẹn?... Phù sa sông Tiền em gói thêm e ấp hương tràm/ Con cá, con tôm nơi mũi Cà Mau vẫn không biết chiều nay biển động/ Cây đước, cây mắm xõa tán miệt mài lớn lên giữa trập trùng sóng/ Đêm Hòn Khoai/ Lời tự tình em nhường cho Tổ quốc thương yêu…

Đi và thấu hiểu những vất vả, gian lao của những người lính ở tuyến đầu, để rồi thấy mình cần sống tử tế hơn, trách nhiệm hơn, tự hào về hình ảnh quê hương, đất nước vô cùng tươi đẹp.

(Còn nữa)

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước