Trẻ em và sách trong tầm nhìn giáo dục mới
Giáo dục mới là cụm từ được nhắc đến thường xuyên mỗi khi chúng ta bàn về giáo dục. Đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới, đổi mới phương pháp giáo dục… luôn là những từ khóa quan trọng trong các thảo luận giáo dục Việt Nam nhiều năm qua. Câu hỏi được đặt ra là: Thế nào là giáo dục mới? Giáo dục mới hướng đến điều gì? Mục tiêu, đối tượng, phương pháp, chương trình, tầm nhìn và mô hình kết quả của nền giáo dục mới là gì? Để trả lời cho những câu hỏi đó, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong bài viết này, trên tinh thần ý thức rõ đối tượng đầu tiên của hoạt động giáo dục là trẻ em, sách là công cụ - môi trường giáo dục ưu việt, chúng tôi muốn bàn đến mối quan hệ của sách với trẻ em trong tầm nhìn giáo dục mới.
Giáo dục mới không đặt ra vấn đề đáp ứng hay đối phó với thi cử, điểm số hay tìm việc làm. Nhà giáo dục Chu Vĩnh Tân (Thập đại nhân vật tài trí Trung Hoa) cho rằng đó là sự thất bại của giáo dục. Triết lý đầu tiên trong quan điểm giáo dục của ông là giáo dục nhân cách cho con người, đặt nền móng cho trẻ em. Trẻ em chính là cơ sở đầu tiên để tiến hành các hoạt động giáo dục. Giáo dục không đơn giản chỉ là dạy học. Đó là quá trình thức tỉnh hạt giống thần kỳ trong mỗi con người, bồi dưỡng nhân cách, làm cho con người nhận ra chính mình. Theo ông, giúp con người nhận ra chính mình, trở thành chính mình là cảnh giới cao nhất của giáo dục. Để đạt được điều đó, giáo dục cần phải được tiến hành trên nền tảng của sự yêu thương, lấy sự phát triển đầy đủ của con người làm trung tâm. Một nền giáo dục lý tưởng là một nền giáo dục hướng đến tất cả mọi người, vì hạnh phúc của con người và lợi ích dân tộc, chung sống hòa bình và tươi đẹp.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Giáo dục mới là một nền giáo dục khai phóng, mở rộng tâm hồn, trên tinh thần biện chứng. Đó là một nền giáo dục động, hướng tới tương lai. Với mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, trưởng thành, hạnh phúc trong một môi trường sống lý tưởng, giáo dục mới cần phải thay đổi: thái độ của học sinh, phương thức của giáo viên, mô hình nhà trường, phạm vi giáo dục. Để có thể đối thoại, giáo dục cần phải hướng con người đến việc đọc - đọc thông minh, đối thoại với sách vở trước. Chương trình giáo dục không phải là bày ra một đống tri thức mà là làm cho tri thức có sức sống ấm áp. Một nền giáo dục mới là một nền giáo dục chú trọng phát triển đạo đức, nhân cách, tâm hồn, trí tuệ, năng lực, trên nền tảng của sự yêu thương và khai phóng. Trong các phương cách mà nền giáo dục đó có thể triển khai, việc đọc được xem là yếu tố quan trọng. Chu Vĩnh Tân nhấn mạnh: “Lịch sử phát triển tinh thần của một cá nhân chính là lịch sử đọc của họ” (Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân qua những câu nói ngắn, Minh Thương dịch, Nxb Hội Nhà văn, 2019, tr. 46). Ông cho rằng cảnh giới tinh thần, giá trị cạnh tranh của một dân tộc quyết định bởi trình độ đọc của dân tộc đó. Chỉ có con đường đọc là con đường nhẹ nhõm nhất, hiệu quả nhất để vô hạn hóa thế giới tinh thần. Ngay từ đầu, Chu Vĩnh Tân đã khẳng định trẻ em là nền tảng của giáo dục, để minh họa thêm cho quan điểm này, ông đã ví trẻ em với thiên sứ bị mất đi đôi cánh và rơi xuống trần gian. Chỉ có đọc sách mới mang lại đôi cánh cho trẻ, để trẻ trở lại là thiên sứ bên cạnh chúng ta. Hình ảnh đẹp trong ý nghĩ của Chu Vĩnh Tân nói lên giá trị của việc đọc đối với con người. Sách là thế giới, mở ra thế giới, đối thoại với thế giới, cũng là để hoài nghi và tiếp tục hoàn thiện. Vai trò của giáo dục nằm ở chỗ đưa đến cho con người khả năng đọc và đối thoại với sách, với thế giới, quá khứ và hiện tại cũng như tương lai. Vì thế, trường học phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc đọc sách, thư viện là nhà ăn tinh thần.
Trẻ em là thiên sứ. Thế giới trẻ thơ là thế giới của sự minh triết một cách kỳ diệu. Trong thế giới đó, không gì là không thể, và mọi thứ được tắm gội trong bầu không khí yêu thương. Chính vì thế, lấy trẻ em làm điểm khởi đầu, lấy sách làm “đôi cánh” chính là một định hướng đúng đắn cho nền giáo dục mới. Tuy nhiên, hiện nay sách in đang bị cạnh tranh một cách khốc liệt bởi các loại hình giải trí, truyền thông khác. Người ta đã nghĩ đến một kết cục không có hậu của sách giấy khi sách điện tử (ebook), sách nói (audio book) cùng các tiện ích nghe nhìn khác ra đời. Cùng với đó, một vấn đề không thể không nhận ra đó là trẻ em đang dần rời xa sách, văn hóa đọc bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn. Chính trong bối cảnh đó, những nỗ lực của các dự án đọc sách, đưa sách đến gần hơn với người đọc, thay đổi phương thức tiếp cận trẻ em từ nội dung đến hình thức… đang được nhiều cơ sở, tổ chức, gia đình, trường học tiến hành.
Có thể thấy, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hơn các câu lạc bộ đọc sách, tủ sách gia đình, trường học, các buổi giao lưu nói chuyện của nhà văn với học sinh, các buổi trò chuyện, giới thiệu sách, cà phê sách, các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu của các đơn vị xuất bản, công ty truyền thông phát hành sách… Dù có những lo lắng về văn hóa đọc đang giảm sút, nhưng sự thực, sách in vẫn đang phát triển một cách khá đa dạng, thích ứng với bối cảnh xã hội đương đại. Dù sách điện tử, sách nói và các tiện ích nghe nhìn khác có ưu việt đến đâu, nhưng có lẽ đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng cảm giác được cầm cuốn sách trong tay, lật từng trang sách với mùi giấy, mùi mực in đặc trưng, thậm chí, nơi những cuốn sách cũ, nếp gấp, vệt ố vàng, vết mọt gặm nhấm, vết rách qua tay bao người… vẫn còn lưu luyến, quyến rũ với rất nhiều người đọc. Một phần nữa, những lo âu về mặt trái của truyền thông, về nguy cơ sống gấp, sống vội trong kỷ nguyên số lại đang là cơ sở để con người tìm về với sách in. Sách in là cơ hội cho con người được sống chậm, được trải nghiệm cảm giác thoát khỏi sự bủa vây, dẫn dắt của công nghệ. Ở những quốc gia phát triển, khi nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã ở tầm mức rất cao, không khó để tìm thấy những người đọc sách, dù ở nhà ga, bến tàu, trong góc một quán cà phê, giữa những giờ phút rảnh rỗi. Sách dường như là hành trang không thể thiếu của mỗi người trong những chuyến đi.
Trẻ em là đối tượng đầu tiên trong chiến lược giáo dục mới. Kích hoạt hạt giống thần kỳ trong tâm hồn trẻ em bằng sách chính là sự đầu tư một cách bền vững, đúng hướng. Nhà giáo dục Chu Vĩnh Tân cũng cho rằng, kéo dài thế giới trẻ thơ phản ánh tầm nhìn quốc gia. Thế giới trẻ thơ được hiểu như là sự hồn nhiên, trong sáng, đầy thương yêu, đầy rung cảm mà cuộc sống hiện đại với biết bao lo toan, bận bịu mưu sinh, con người có thể đã đánh mất. Hiện nay, có thể nhận thấy nhiều cha mẹ đã lựa chọn việc cho con đi nhà sách, thư viện, đến câu lạc bộ đọc sách, đọc sách cùng con, tặng sách cho con nhân các sự kiện trong đời… thay vì khuyến khích hay cho phép trẻ em sử dụng điện thoại thông minh, ipad, tivi… Quả thực, như Jean-Claude-Carrière và Umberto Eco đã chỉ ra: Đừng mơ từ bỏ sách giấy, bởi sách là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người một cách bình lặng, an toàn nhất. Sự lạc hậu một cách nhanh chóng của công nghệ, những lo lắng về khả năng đọc trong môi trường công nghệ, các thiết bị lỗi thời không được hỗ trợ công cụ đọc, giải mã (thiết bị đầu ra) sẽ là một điểm yếu mà sách điện tử, sách nói và các phương tiện nghe nhìn đang phải đối mặt. Phải liên tục chạy theo truyền thông, bị cuốn vào truyền thông, lại vừa phải nâng cấp, cập nhật công nghệ, giá thành đắt đỏ… là điều mà những người quan tâm đến việc đọc thời công nghệ có thể nhận ra.
Sách là đôi cánh thiên thần của trẻ thơ, vì vậy, giáo dục cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ lúc bắt đầu biết chữ có lẽ là việc làm cần thiết trong chiến lược giáo dục mới. Như đã nói, có nhiều hoạt động đã diễn ra nhằm đưa sách đến gần hơn, thiết thực hơn với trẻ em. Trong số đó, việc xem sách như là quà tặng, mừng tuổi trong những dịp lễ tết, sinh nhật, các sự kiện quan trọng trong cuộc đời cũng là một cách làm ý nghĩa. Tại đó, bằng những cuốn sách, dấu ấn trong cuộc đời được lưu giữ một cách trang trọng, với lời đề tặng gửi gắm niềm tin, hi vọng, ý chí dành cho trẻ. Những cuốn sách sẽ đưa trẻ em đến với thế giới, mở rộng tầm mắt, chân trời của trẻ là cách giáo dục tốt nhất. Chu Vĩnh Tân nhấn mạnh rằng: “Một cá nhân bước vào trường học chưa chắc đã được giáo dục, chỉ khi anh ta thực sự đọc sách thì anh ta mới thực sự được giáo dục” (Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân qua những câu nói ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2019, tr. 56).
Trong bối cảnh nở rộ các loại hình truyền thông, giải trí, sự phát triển khá đa dạng của loại hình sách in, đáp ứng thị hiếu của đông đảo công chúng, yếu tố lựa chọn lại là một kỹ năng quan trọng để tạo nên môi trường đọc cho trẻ. Các loại sách khác nhau sẽ đem đến cho con người những trải nghiệm, những bài học khác nhau. Vì thế, tùy vào lứa tuổi, sở thích, xu hướng mà có những lựa chọn sao cho phù hợp. Với trẻ em, những cuốn sách thiếu nhi chính là nguồn dinh dưỡng quý báu. Thế giới nơi những cuốn sách ấy sẽ tưới tắm, chăm sóc hạt mầm thần kỳ trong tâm hồn trẻ thơ. Tuy nhiên, như đã nói, việc lựa chọn sách trong các yêu cầu về tầm nhìn giáo dục cần đặc biệt chú ý, bởi sự đọc tùy tiện, tản mạn, không có định hướng ở trẻ, đôi khi lại rất nguy hiểm.
Sách là gốc của giáo dục, trẻ em là đối tượng ban sơ của giáo dục. Chính vì thế, cần phải tạo ra môi trường đọc sách, cho trẻ và cho tất cả mọi người. Sách giáo dục con người, mở ra thế giới, nhưng đọc sách không phải là nô lệ vào sách. Đọc sách cần phải biết hoài nghi và phản biện, đọc sách để tự hoàn thiện bản thân, để làm việc, hướng đến một đời sống cộng đồng hòa ái, thân thiện, trưởng thành và hạnh phúc. Tuổi trẻ là mùa xuân, là điểm khởi đầu cho hành trình của nhân loại, vì thế, trên đôi cánh của sách, tuổi trẻ sẽ có cơ hội được phát triển một cách toàn diện, đủ đầy nhất, như triết lý giáo dục mới đang đề ra.
Nguyễn Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...