Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
03:11 (GMT +7)

Tôi là người Đại Từ

Nếu tôi không là thành viên Ban tổ chức cuộc thi "Tôi và Thái Nguyên", tôi cũng sẽ dự thi như rất nhiều người khác.

Nhưng dù không được quyền dự thi, tôi vẫn có thể hưởng ứng mà!

Bởi cuộc thi đã đánh thức trong nhiều người niềm khao khát được nói lời tri ân với một miền đất.

Với tôi, miền đất ấy là Đại Từ

***

Ba mẹ tôi là thợ cơ khí, cùng quê Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng, Nam Định. Theo bước đường công tác của ba mẹ, bảy anh em tôi lần lượt cất tiếng chào đời ở Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) và Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn). Không ai sinh ở Thái Nguyên.

Sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ba mẹ tôi chuyển từ Mỏ than Na Dương về Nhà máy cơ khí mỏ Bắc Thái - đơn vị cùng thuộc sự quản lý của Bộ Điện và Than lúc ấy, đứng chân ở khu vực Làng Cẩm thuộc xã Hà Thượng, huyện Đại Từ.

Gặp đúng thời điểm nhà máy chuyển từ Làng Cẩm ra xã Cù Vân, chỉ còn những nhà xưởng trống trơn, nên gia đình chín người ở tạm hai gian nhà ngói cũ ở khu vực Giếng Chín thuộc xã Hà Thượng. Căn nhà từng là quầy thực phẩm của phòng đời sống nhà máy, nên gian tiếp khách cũng là phòng ngủ và lúc nào cũng đậm mùi nước mắm lưu cữu nhiều năm dưới nền nhà.

Đang ở một nơi các gia đình công nhân mỏ sống quây quần trong các khu tập thể sáng bừng ánh điện, mở cửa ra là có hàng xóm, trẻ con ríu rít chơi đùa trong sân chơi chung, tôi bị sốc và buồn tê tái khi mở cửa ra là cánh đồng mênh mông, buổi tối chỉ có nhà mình giữa thăm thẳm bóng đêm, những ánh đèn lưa thưa le lói ở tít xa. Bởi ở đây công nhân ở lẫn với nông dân, gia đình nào cũng có nhà riêng gắn với một vườn đồi sum suê cây trái. Họ không ở tập thể như chúng tôi.

Chúng tôi học cách thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhất là việc mưu sinh.

Nhà đông con nên quanh năm thiếu lương thực. Các cô bác cùng nhà máy với ba mẹ và những người nông dân tốt bụng tận tình chỉ dẫn cho chúng tôi. Nào lên đồi đào riềng chở xuống chợ thành phố bán; nào lên núi Tán mót gianh về phơi khô rồi đánh thành tấm (gọi là “gắp”), được vài trăm tấm thì bán cho những chiếc xe tải thu mua gianh hay chạy qua xóm. Nào mót lúa, mót chè. Thế mới có những ngày chúng tôi khoác bao tải dắt nhau bám sau lưng các xã viên HTX hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, hết đồi chè này sang đồi chè khác để mót những gì còn sót lại sau khi họ đã thu hoạch xong.

Qua mùa cũ đến mùa mới, những người hàng xóm tốt bụng lại bày cho gia đình tôi cách lên núi phát bãi (người Đại Từ gọi nương rẫy là bãi) tra mố (lúa nương), trồng sắn, chọn những khe núi có nước và cả bãi hoang đầy mồ mả vô chủ giữa cánh đồng trước nhà để vỡ đất cấy lúa ruộng. Chúng tôi được chỉ dạy từ những non nớt ban đầu cho đến khi có thể tự mình làm ra được những bông lúa đầu tiên trong sự cổ vũ của những người hàng xóm Giếng Chín.

Mùa lúa chín ở Đại Từ. Ảnh: Trần Đoàn Huy

Ngày mà hai gian nhà cũ bị thu hồi để nhà máy bàn giao đất cho Mỏ than Làng Cẩm tái thành lập, chúng tôi không còn chỗ ở. Gia đình ông bà Phiêu ở xóm Khuôn Lình có người con cả là chú Khoa cùng làm với ba mẹ tôi đã cho chúng tôi ở nhờ nhiều tháng. Căn nhà lá ba gian be bé của vợ chồng chú Khoa chia đôi, một bên là vợ chồng chú và hai con nhỏ, một bên là ba mẹ và mấy chị em tôi. Các anh tối tối lên nhà trên ngủ với mấy con trai của ông bà. Ao rau cần, rau muống và những cây mít, cây bưởi trong vườn nhà ông bà đỡ chúng tôi qua nhiều ngày túng thiếu.

Ba tôi lên Ủy ban nhân dân xã Hà Thượng xin đất làm nhà, được xã cấp cho một mảnh đất ngay đầu xóm. Vậy là gia đình tôi chính thức thành một hộ dân xóm Khuôn Lình (về sau chỗ này gọi là Xóm 11 theo tên đội sản xuất số 11 của HTX, nhưng tôi vẫn thích cái tên Khuôn Lình hơn).

Chúng tôi lần lượt lớn lên ở đấy.

Anh trai cả của tôi tốt nghiệp trường Đại học Cơ điện Bắc Thái (nay là Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên), được Nhà máy nơi ba mẹ tôi làm nhận về làm việc. Rồi anh thứ ba học ngành hóa, anh thứ tư học lái xe, ra trường cũng đều trở thành công nhân nhà máy. Chỉ anh thứ hai là nhạc công nên không vào ngành mỏ của ba mẹ.

Tôi và hai em học ở trường Cấp 1, rồi Cấp 2 Hà Thượng. Thầy cô và các bạn cùng lớp cùng trường quý con bé sáng dạ học giỏi, giao cho làm lớp trưởng, rồi liên đội trưởng, hay cử đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ từ huyện đến tỉnh. Tôi ham đọc sách nên trưa nào cũng lẻn sang nhà cô Soi thầy Hải (sau này tôi mới biết thầy chính là nhà văn Hồ Thủy Giang) đọc nhờ sách. Căn nhà lá giản dị ven đồi có một thứ khiến tôi vô cùng mê mẩn, ấy là một giá sách thật đồ sộ. Tôi được thầy cô cho thoải mái mượn về, đọc xong lại sang đổi cuốn khác. Thầy Hải cũng là người đem truyện ngắn đầu tiên của tôi về thành phố để đăng Tạp chí Văn hóa Bắc Thái khi tôi đang học lớp 6. Các bạn cùng lứa dạy tôi cách lên rừng đào củ sâm thục, củ khúc khắc nộp theo chỉ tiêu “kế hoạch nhỏ”, thấy tôi lấy bấy lại đào giúp tôi. Dẫn tôi ra đồi bồ đề lấy rau vừng về chăn lợn, xuống suối hái rau dớn, ra đồng bắt cua cá, lên rừng lấy măng, vào Đá Đủ trồng sắn. Dần dần, tôi biết làm nhiều việc của nhà nông. Rảnh rỗi còn đi gặt lúa, đi hái chè giúp nhà các bạn.

Lớn hơn chút nữa, tôi học ở trường Cấp 3 Đại Từ. Rồi về thành phố học trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Tốt nghiệp, tôi nộp hồ sơ về trường cũ xin làm giáo viên. Cùng nộp hồ sơ với tôi có 5 anh chị nữa. Thầy Trần Bình hiệu trưởng thủng thẳng: “Đứa nào điểm cao nhất, tao nhận”. Tôi thành giáo viên của trường nhờ thế.

Tác giả (áo kẻ sọc) tại nơi sinh sống thời niên thiếu (xóm Khuôn Lình, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ)

***

Cuộc đời như dòng sông cuốn tôi ra khỏi bục giảng, rời “mảnh đất bốn mùa xanh” một cách gọi âu yếm của người Đại Từ về quê mình. Các anh chị em tôi cũng lần lượt tìm bến đậu mới cho công việc và hạnh phúc riêng của mỗi người. Ba mẹ tôi già cả, rồi cũng đến ngày phải từ biệt Xóm 11 theo con cháu để được tiện bề chăm sóc. Năm 2000 ba mẹ tôi chuyển về thành phố Thái Nguyên sinh sống.

Đại Từ không còn là chốn đi về của chúng tôi từ ngày ấy.

Thỉnh thoảng có việc hiếu hỉ anh em tôi trở lại, các ông bà, cô bác, anh chị ở Hà Thượng, Cù Vân vẫn hồ hởi: “À, con ông bà Thưởng Vân! Mới về hả?”.

Đại Từ không phải “nguyên quán”, không phải “nơi sinh”, không là “chỗ ở hiện nay”, nên ba chục năm qua từ khi tôi rời đi, cái tên Đại Từ đã không thể xuất hiện trong các bản trích ngang lý lịch của tôi.

Nhưng tôi luôn biết rằng, miền đất ấy cùng những con người mộc mạc, vô cùng tử tế đã cưu mang gia đình tôi những năm tháng gian nan nhất, đã nâng đỡ anh em tôi từng bước lớn khôn. Miền đất ấy đã dạy chúng tôi từ các kỹ năng sinh tồn đến cảm hứng nghệ thuật, đã nuôi dưỡng chúng tôi từ thể xác đến tâm hồn.

Miền đất ấy luôn ở sau lưng chúng tôi. Độ lượng thứ tha khi chúng tôi nhẹ gót rời đi, và trìu mến đón nhận mỗi lần chúng tôi trở về.

Để chúng tôi dù ở phương trời nào, gặp đồng hương Thái Nguyên, vẫn tự giới thiệu đầy kiêu hãnh:

- Tôi là người Đại Từ đây!

Nguyễn Thúy Quỳnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước