
Góc biếm họa số 6 (2025)

Có lẽ chỉ những người lính cầm súng nơi chiến hào mới hiểu được tình yêu và nỗi nhớ quê hương cháy bỏng đến nhường nào. Những miền quê tiếp thêm nghị lực, ý chí cho chúng tôi trước mọi gian khổ, hy sinh bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài thơ “Đồng đội trên điểm cao” tôi ghi vội trên chiến hào phần nào nói lên tâm trạng và cuộc sống của những người lính, bài thơ có những câu: “Tiểu đội 12 người/ 12 miền quê cùng về họp mặt/ Phiên trực chiến nói với nhau bằng mắt/ Cây súng bên mình ánh thép chạm vào trăng”.
Thời học phổ thông, đọc các tác phẩm văn học viết về chiến tranh, tôi thấy các cuộc chiến đấu thật hào hùng, oanh liệt. Nhưng thực tế trên mặt trận, sự tàn khốc ác liệt là điều tôi khó có thể tưởng tượng. Cứ mỗi giờ trôi qua, nhìn thấy nhau mới biết mình còn sống.
Tôi nhập ngũ tháng 8/1978 và được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 677 (phiên hiệu Đoàn Sông Cầu), Sư đoàn 346. Cán bộ chiến sĩ đều cùng quê hương Bắc Thái. Khóa huấn luyện chiến sĩ mới chỉ vỏn vẹn hơn hai tháng tại Ngân Sơn rồi hành quân làm nhiệm vụ phòng thủ tại Trà Lĩnh, Cao Bằng. Chỉ huy từ cấp trung đội trở lên đều do các cán bộ dày dạn kinh nghiệm trận mạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đảm nhiệm.
Rừng núi trùng điệp, nhiều điểm chốt cao vút. Các đơn vị tập trung xây dựng hầm hào, công sự và vận chuyển vũ khí lên trận địa. Những căn nhà hầm nửa nổi nửa chìm trong đất xếp đầy các thùng đạn đủ loại. Là cán bộ chiến sĩ của miền quê chè, ngày nhập ngũ nhiều người mang theo chè hoặc bố mẹ gửi quà cho con cũng có cân chè Thái. Chúng tôi khoét vách ta luy, đục lỗ phía trên và đào rãnh cho khói chạy ngầm lan ra các bụi cây phía xa. Cơm do anh nuôi đại đội phục vụ. Sau bữa ăn, chúng tôi treo hăng gô đun nước hãm chè rồi rót ra chiếc bát vừa ăn của từng người để tiết kiệm nước. Bát chưa rửa có mùi mắm tôm, hoặc cá khô trong bữa cơm, tuy không cảm nhận được trọn vị chè Thái nữa, nhưng vẫn thật ngon và lan tỏa làn hương rất riêng!
Nhiều ngày trời chuyển rét đậm lại đổ mưa phùn, đơn vị vẫn triển khai diễn tập thực binh chiến thuật: “Vận động tiến công, cơ động tiêu diệt mục tiêu” rèn luyện kỹ năng chiến đấu cho bộ đội. Sau những giờ luyện tập đánh địch trong rừng núi, ai nấy đều ướt sũng song luôn hào hứng, bởi mấy cậu người dân tộc quê ở Na Rì, Bạch Thông, Đại Từ, Định Hóa… kiếm được vô số rau ngót rừng, bò khai, rau dớn mang về luộc ăn độn. Cánh lính thành phố và các huyện chỉ quen với rau tầu bay, tầm bóp, rau dệu bên bờ ruộng…
Khác với thời kỳ huấn luyên, các ca gác không còn từng người mà đơn vị bố trí trực chiến mỗi phiên ba người, vũ khí gồm AK, B41, RPD với đầy đủ cơ số đạn và lựu đạn. Phiên trực chiến chúng tôi luôn lắp sẵn lưỡi lê, kiểm tra cẩn thận bao đạn trước ngực và giắt bên mình mấy quả lựu đạn. Rét cắt da cắt thịt, cây súng buốt lạnh, ngọn cờ đỏ sao vàng căng gió trên cao bay phần phật. Ôm súng trên chiến hào, tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về mẹ, về quê hương.
Phân đội đến phiên trực chiến, chúng tôi cho chè vào bi đông đổ nước sôi dùng dần. Rót chè ra nắp bi đông, ai cũng hít hà mùi hương quê thân thiết, dẫu chỉ nhấp từng chút thôi dư vị của chè đã lan tỏa khiến lòng dạ xốn xang như chạm ánh mắt nhìn con gái.
Lính trẻ 17, 18 tuổi, hầu như chưa ai có vợ, mỗi lần quân bưu chuyển thư từ quê nhà, các lá thư bất luận của bố mẹ hay người yêu mọi người đều chuyền tay chụm đầu cùng đọc bên ngọn đèn dầu và bếp lửa. Đối mặt với kẻ thù, sự sống chết mong manh từng gang tấc, chúng tôi sống bên nhau chân thành như anh em ruột thịt.
Những ngày tháng 2/1979, đại bác của quân Trung Quốc xối xả trút hàng giờ liền lên toàn bộ tuyến phòng thủ. Đạn pháo chưa dứt, xe tăng và bộ binh của địch đã tấn công dữ dội. Tai chúng tôi ù đặc vì đạn pháo. Chúng tôi nhằm thẳng đội hình địch nghiến răng siết cò súng. Chúng tôi găm lưỡi lê vào những tên địch xông tới chiến hào.
Cao điểm 815 do Đại đội 10 chốt giữ, cả đại đội đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của địch đến người cuối cùng. Ngay sau khi cao điểm 815 bị mất, Trung đoàn sử dụng hỏa lực mạnh pháo kích mãnh liệt, tổ chức cho bộ binh tiến công chiếm lại và giữ vững trong nhiều ngày. Điểm chốt bên mỏ Tốc Tát cả tiểu đội hy sinh hết, một chiến sĩ bộ binh chúc nòng súng 12ly7 quét thẳng vào đội hình địch khiến chúng hoảng sợ tháo chạy, mình anh giữ vững trận địa chờ quân ta tiếp viện. Làng bản, tuyến đường, hẻm núi nào quân địch xuất hiện, chúng cũng bị những tia chớp lửa chặn đứng.
Trong những thời khắc sinh tử, cán bộ chiến sĩ luôn giữ trọn lời tuyên thệ. Trên điểm chốt đồng đội trúng pháo, các mảnh thi thể vương vãi anh em phải gom nhặt, nhưng không ai nao núng. Ngày ấy cuộc chiến biên giới Tây Nam đang diễn ra ác liệt. Dư âm Đại thắng mùa Xuân 1975 truyền lửa, chúng tôi vào trận với tinh thần quyết tử. Các cơ hội tụ tập hiếm hoi, anh em kể cho nhau những chuyện bình dị về làng quê, xóm phố. Tôi không thể quên vẻ bình thản của chiến sĩ người dân tộc ở Định Hóa lúc rút dao găm gọt nắm cơm nhuốm máu đồng đội hy sinh: “Mình là lính phải chiến. Hèn đảo ngũ, họ mạc chê cười, sống cũng chả ra gì”. Không ai bảo ai, mọi người đều chuẩn bị cho mình một trái lựu đạn hoặc viên đạn, nhất quyết chiến đấu đến cùng, không chịu sa vào tay giặc.
Nhiều lần đẩy lui các đợt tấn công của địch, chúng tôi lần tìm chút nước trong các căn hầm bị đạn pháo bắn sập rồi lợi dụng khói, lửa cháy đun nước pha trà, không còn lo bị địch phát hiện vị trí nã pháo. Tưa vách chiến hào, ca nước chuyền tay nhau thơm đượm vị chè quê. Một lần người bạn tôi nhà không làm chè nhấp ngụm nước nhỏ, chợt hỏi: “Chè búp có người gọi là móc câu, có người lại nói là mốc cau. Các ông bảo ai đúng?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời, pháo địch đã trút xuống. Pháo vừa dứt, địch tràn lên tấn công. Trận đánh ấy người bạn tôi mang theo câu hỏi về trời.
Quân địch bao vây cắt đứt mọi ngả đường tiếp viện, anh nuôi không thể mang cơm nắm lên trận địa. Những trận chiến đẫm máu cùng đói khát khiến tất cả gần như như kiệt sức. Mệnh lệnh “Giữ bằng được chốt” kết nối đồng đồng đội thành chiến lũy thép. Phía sau lưng là quê hương, nếu quân giặc tràn qua, Tổ quốc sẽ không còn. Những người lính thà chết để bố mẹ, người thân nơi quê nhà được sống. Trong lửa đạn ác liệt, quê hương là nguồn sức mạnh để mỗi người lính xả thân vì nhân dân, vì Tổ quốc. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh trên tuyến phòng thủ…
Mỗi lần Ban liên lạc Truyền thống Trung đoàn 677 tổ chức gặp mặt, chúng tôi không khỏi xúc động nhớ lại những năm tháng đã qua và tự hào vì đã làm tròn trách nhiệm của người cầm súng. Thời gian phục vụ trong quân đội không dài, nhưng phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” vẫn theo suốt cuộc đời những người lính trên chiến hào năm ấy.
Phan Thái
3 đã tặng
1
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...