Thứ ba, ngày 06 tháng 05 năm 2025
04:54 (GMT +7)

Bài báo đầu tiên viết ở Đền Đuổm

Là người Thái Nguyên, nên Đền Đuổm (xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương) không xa lạ với tôi.

Từ năm khoảng 10 tuổi, vào ngày Lễ hội Đền (mùng 6 Tết), tôi thường theo mẹ, theo chị đi chơi xuân. Năm nào cũng thế, tôi được người nhà dắt đi đặt lễ các “ban”. Chỗ này là nơi thờ hai người vợ của Ngài, chỗ này là đền chính, nơi thờ Ngài, nơi cao nhất gọi là Đền Thượng, là nơi thờ mẹ Ngài - mẹ tôi giảng giải. Tôi chắp tay trước ngực, bắt chước người lớn lạy Thánh Đuổm Dương Tự Minh, “thánh hiển linh phù hộ độ trì cho đất nước thanh bình, người dân no ấm”.

Hình ảnh Đền Đuổm uy nghi, trầm mặc đã in sâu vào tâm trí của tôi
Hình ảnh Đền Đuổm uy nghi, trầm mặc đã in sâu vào tâm trí của tôi

Lần nào ở Đền Đuổm về, người nhà tôi cũng mang theo vài nhánh phong lan mua của người dân địa phương, một khúc “lông culi” màu vàng, là loại thuốc cầm máu kỳ diệu, phòng sẵn trong nhà. Hễ ai sứt sát chân tay, mẹ tôi sẽ bứt nắm lông culi này dịt vào, máu tức khắc ngừng chảy.

Năm 1984, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được Ty Giáo dục Bắc Thái phân công lên dạy học ở Trường Cấp 3 Phú Lương. Tôi chằng chiếc vali cũ kỹ vào gác-ba-ga xe đạp cọc cạch, bước vào chặng đường mới của cuộc đời. Trường Cấp 3 Phú Lương khi đó là một trong những ngôi trường nghèo của ngành giáo dục tỉnh. Tôi được phân nửa căn phòng vách đất lợp lá cọ. Các lớp học đều dột nát, không đủ bàn ghế, đời sống của giáo viên cũng rất chật vật.
Trường tôi cách Đền Đuổm chừng hơn một cây số, nên những lúc rỗi rãi, tôi lại một mình đến nơi này, tìm một chỗ yên tĩnh để ngẫm nghĩ.

Nói đến Đền Đuổm, ắt phải nói đến núi Đuổm. Núi Đuổm đã được các nhà phong thủy phân tích là hội đủ 4 yếu tố linh thiêng: gồm Thanh Long (rồng xanh) ở hướng Đông, Bạch Hổ (hổ trắng) ở hướng Tây, Chu Tước (chim sẻ đỏ) ở hướng Nam, Huyền Vũ (con rắn quấn quanh con rùa) ở hướng Bắc. Với “người trần mắt thịt” như tôi, thì núi Đuổm như con chim phượng hoàng khổng lồ đậu trên vùng đất bằng phẳng, màu mỡ. Từ Đền Thượng, có một con đường nhỏ leo lên núi Đuổm. Đứng trên núi, tôi thỏa sức ngắm cánh đồng mênh mông dưới chân núi đổi màu theo thời gian. Vào mùa lúa chín, tôi mê mải hít hà mùi cơm mới, mùi khói rơm thơm ngọt tỏa ra từ những mái nhà bình yên được núi Đuổm che chở, có hôm tôi ngồi trên núi, trời sập tối mới trở lại trường.

 Nằm dưới chân núi Đuổm, Đền Đuổm là nơi thờ Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh, Phò mã hai đời vua nhà Lý, người có công lớn chiêu tập nhân dân, chống sự xâm lấn biên giới của người Tống, bảo vệ vững chắc miền biên cương phía Bắc quốc gia Đại Việt. Cổng đền trầm mặc rêu xanh phủ kín, các bậc đá bị thời gian mài mòn, lồi lõm nhưng vững chãi. Khu Đền Hạ có cây hoa ngọc lan cổ thụ, hoa nở trắng, thơm nức một vùng. Cô giáo trẻ là tôi khi đó hay được học trò tặng hoa ngọc lan. Chúng lặng lẽ để những bông hoa trắng muốt lên bàn giáo viên, hỏi ai tặng hoa thì tất cả đều lắc đầu, cười mỉm.

 Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1993
Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1993

Năm 1985, Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái tổ chức viết cuốn sách có tên “Nàng tiên thứ Bảy”. Trong cơ cấu của cuốn sách có một bài về Đền Đuổm và ban biên soạn sách đặt tôi viết bài này. Tôi mang giấy bút lên Đền Đuổm, chọn một nơi phù hợp để ngồi viết, địa điểm đó là Hạp Long. Hạp Long (khi đó chưa đặt bát hương như bây giờ) ở ngay trước khu đền chính, có hình như miệng con rồng đang há, xung quanh miệng rồng có nhiều tảng đá thiên tạo chi chít vết lồi lõm, tương truyền là vết chân của đàn hổ trắng đêm đêm về phủ phục bên Ngài.

 Tôi ngồi đó, giở giấy bút, viết những dòng đầu tiên về Đền Đuổm và Dương Tự Minh. Tôi không ngờ những dòng chữ chân thành, giản dị được viết bằng tất cả sự xúc động của một người trẻ lần đầu chạm vào chiều sâu lịch sử lại được bà con xóm Đuổm, xã Động Đạt đón nhận nhiệt tình đến thế. Thời gian sau đó, nhiều phụ huynh hỏi tên tôi qua con em họ, ra chợ nhiều người chỉ trỏ, làm quen. Những đóa ngọc lan để trên bàn giáo viên nhiều hơn trước. Cuốn “Nàng tiên thứ Bảy” bán rất chạy ở các nhà sách và được Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái tái bản nhiều lần.

 Sau lần ngồi ở Hạp Long viết bài, Đền Đuổm là nơi tôi thường đến để giãi bày tâm sự. Mỗi khi trong lòng có chuyện buồn phiền, lấn cấn, tôi thường chắp tay trước ban thờ có hình mặt trời đỏ rực, thì thầm kể câu chuyện của mình với Ngài và thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều.

Năm 1987, tôi được chuyển công tác về làm việc tại Ty Văn hóa Thông tin, rồi tiếp tục chuyển vài cơ quan khác. Năm 1997, tôi chính thức bước vào nghề làm báo chuyên nghiệp. Nhiều lúc nghĩ về bài báo đầu tiên viết ở Đền Đuổm, tôi thấy hình như có sợi dây nào đấy đã định đoạt cuộc đời tôi ở nơi này.

Tôi về thăm lại Hạp Long, bên miệng con rồng và những vết chân của đàn hổ trắng, nơi tôi đã ngồi viết bài báo đầu tiên
Tôi về thăm lại Hạp Long, bên miệng con rồng và những vết chân của đàn hổ trắng, nơi tôi đã ngồi viết bài báo đầu tiên

Đền Đuổm quê tôi đang được trùng tu, chắc hẳn sẽ khang trang hơn, kỳ vĩ hơn. Nhưng với tôi, hình ảnh ngôi đền năm ấy, mái ngói cong cong, tiếng chuông gióng giả trong sương, cây ngọc lan cao tít, Hạp Long và dấu chân hổ luôn in đậm trong trí nhớ tôi. Đó là nơi tôi bắt đầu hành trình báo chí, nơi tôi gắn bó với con người Phú Lương hiền hòa, ấm áp. Lòng tôi đau đáu một mong ước: Đền Đuổm mãi giữ được dáng dấp trầm mặc, rêu phong, đậm hồn dân tộc; giữ được khí thiêng của núi non, của người xưa, cảnh cũ.

Tôi mong Hạp Long - nơi tôi ngồi viết những dòng chữ của bài báo đầu tiên - còn nguyên vẹn. Tôi sẽ trở về nơi ấy, thả hồn vào gió, xoa tay lên những vết chân hổ in trên đá, ước được dại khờ và nhiều bối rối như thuở xa xưa. Tôi sẽ lại đứng trước ban thờ có hình mặt trời đỏ chói để tâm sự với Ngài, rằng tôi của hôm nay và nửa thế kỷ trước vẫn vẹn nguyên một tình yêu với nơi này: Đền Đuổm.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy