Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
08:42 (GMT +7)

Tôi  là một liền chị

(Kính tặng hương hồn Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Thị Khướu)

Có một người đàn bà thường mặc chiếc váy sồi đen, một dải  yếm vàng lấp ló trên cổ, mải miết ngồi giã trầu trước cửa hiên nhà. Trầu vôi đỏ thắm quện vào nhau, còn người đàn bà ấy, đến cặp lông mày cũng ngả màu thời gian, gương mặt thanh thoát xưa, nay đã hằn sâu những nếp gấp của tròn một thế kỷ. Thời gian có thể lấy đi của người đàn bà ấy tất cả. Thời gian có thể đóng những dấu ấn của năm tháng vào bà. Nhưng tình yêu của người đàn bà ấy với những làn điệu dân ca quan họ thì thời gian không thể xoá nhòa. Bởi vậy, khi tôi hỏi: “Thưa cụ! Cụ là nghệ nhân quan họ?”, cụ trả lời với nụ cười móm mém tươi nguyên: “Không! Tôi là một liền chị”.

Người đàn bà - cụ bà ấy sinh năm 1900, gốc làng Ngang Nội (xã Hiên Vân - Tiên Du - Bắc Ninh), một liền chị bách niên giống như câu hát “Chuông vàng gác cửa tam quan” của người quan họ. Tôi gặp cụ vào một buổi chiều xuân đã lâu, khi cụ cất tiếng hát “những là gặp nhớ ơ hơ bên là dòng đôi bên… những là đáp đối sầu tuyết sương rụng xuống mái đầu huê râm…”, dường như ta được đằm mình trong mênh mang của âm sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc… và trước mắt tôi như hiện ra quang cảnh của làng Ngang Nội - mảnh đất sản sinh ra nhiều những liền anh, liền chị tên tuổi của tỉnh Bắc Ninh sau này…

…Làng Ngang Nội (tên cũ là Hiên Ngang) nằm dưới chân dãy núi Hiên Ngang - một trong bốn dãy núi có tên: Hiên Ngang, Đông Sơn, Long Khám, Long Văn, cùng châu đầu vào viên ngọc khi xanh rờn lúa non, lúc đổi màu vàng sậm bát ngát pha lẫn vệt kẻ trắng nước của mương máng gối nhau, bởi thế nơi này mới được gọi là đất “Tứ linh tranh châu”. Tuy nhiên, làng Ngang Nội dù nằm dưới chân dãy núi nhưng lại ở phía đuôi con Rồng. Đó là nơi trũng nhất trong vùng. Thủa xa xưa, ở đó chủ yếu là đầm lầy, xung quanh rừng rậm bao bọc, lẫn tiếng gầm gào của thú dữ. Những cư dân đầu tiên của làng thủa ấy, hẳn đầy lòng quả cảm mới trụ vững, đấu tranh, cải hoá thiên nhiên để sinh tồn, phải  chăng vì thế tên của làng mới là Hiên Ngang?

Hơn nữa, mảnh đất Ngang Nội còn gắn với truyền thuyết về hai ông tướng Hùng Long Vương, Hùng Sơn Vương chọn đất này làm nơi cắm trại luyện quân, hai ông cầm quân đánh giặc rất giỏi, mang lại sự yên bình cho nhân dân, bởi thế cho đến nay dân làng vẫn thờ phụng hai ông. Trong làng còn có một ngôi đền cổ, tương truyền được xây dựng từ đời Hùng Vương thứ 16, người được thờ là vợ vua, người xây đền là cháu ruột của bà làm quan tứ trụ trong triều. Bất luận thế nào, Hiên Ngang vẫn là một từ thật khác biệt so với các tên Đông Sơn, Long Khám, Long Văn. Đó là một từ rất mạnh mẽ, quả cảm, đầy tự tin chỉ dành riêng cho con người. 

Thế nhưng, đầu thế kỷ hai mươi, làng Ngang Nội lại là một làng phát triển chậm so với các làng khác ở Nam phần Bắc Ninh. Trong khi các làng lân cận ngoài làm ruộng còn có nghề phụ như Vân Khám nấu rượu, Hoài Thị làm hàng xáo, Lũng Giang dệt vải v.v. thì ở Ngang Nội, đồng ruộng đã ít, lại không có nghề phụ, có chăng là làm thêm loại rau cần đã vất vả, thu nhập không được là bao. Bù lại, Ngang Nội nổi tiếng với những gánh hát chèo. Người dân vùng quan họ thường là vậy. Các liền anh, liền chị có thể vừa là nghệ nhân hát quan họ, vừa là nghệ nhân của bộ môn khác như hát Ví ở Khúc Toại, hát Tuồng ở Thị Cầu, hay hát Chèo ở Ngang Nội.

Ngang Nội cũng là nơi có nhiều người hát giỏi, song chỉ tập trung ở một số dòng họ nhất định, trong đó có dòng họ Nguyễn Hữu – dòng họ của Nghệ nhân Quan họ kể trên. Bà là con đầu của một gia đình có truyền thống ca hát. Bố là diễn viên chèo nghiệp dư, mẹ tuy là người bên Liên Bão nhưng cũng là con của một gia đình hát quan họ giỏi. Có lẽ vì thế, khi sinh con gái  đầu lòng, ông bà đã đặt tên con là Khướu – Nguyễn Thị Khướu. Hai cậu em trai và cô em gái út được bố đặt cho những cái tên rất văn nghệ: Nguyễn Hữu Hồng, Nguyễn Hữu Nhạn và Nguyễn Thị Năm.

Quan họ vốn là loại dân ca đặc biệt. Bởi những người hát quan họ không hát phối hợp với những động tác lao động như xay lúa, giã gạo, chèo thuyền giống như một số loại dân ca khác, hoặc trong khi một số dân ca khác thường chỉ được hát vào một mùa nhất định, tại một thời điểm nhất định hoặc gắn với một tổ chức nghề nghiệp nào đó như hát Hội Dô, Hát Xoan, Hò sông Mã… thì Quan họ được hát không chỉ trong những ngày hội làng, hội chùa, không chỉ hát vào mùa xuân, mùa thu mà hát cả những ngày có đám khao, đám cưới, những ngày có việc vui mừng hai bên quan họ bạn. Quan họ không chỉ hát ở đình, chùa mà còn được hát ở trong nhà Quan họ, ở ngoài sân, ngoài ngõ, hát trên đồi, dọc đường cái hay trên bờ ao, trên thuyền thả bồng bềnh ở mặt hồ, sông… và đặc biệt là người quan họ không dùng từ hát quan họ mà dùng từ: Chơi quan họ. Vì là chơi quan họ, thế nên những người tham gia sân chơi này bao gồm rất nhiều thành phần, tầng lớp, ngành nghề khác nhau: nông dân, công nhân, người buôn bán, người nghèo, người khá giả….

Tôi  là một liền chị
Tác phẩm “Liền chị” của họa sỹ Trịnh Lễ. (Nguồn: Báo Bắc Ninh)

 

Vì thế, cô bé Khướu tuy sinh ra trong gia đình có truyền thống ca hát, nhưng hoàn cảnh gia đình rất vất vả. Ngoài vài sào ruộng, mỗi năm thóc lúa thu về không đủ ăn, bố mẹ cô vẫn phải đi cày thuê cuốc mướn cho người mới gọi là tạm đủ. Tuổi thơ của cô bé đi qua với ngôi làng nhỏ tre mọc ken chặt, bao quanh như bức tường thành che chở cho làng. Mỗi buổi tối cổng làng đóng chặt đến con muỗi cũng không thoát được ra ngoài, vả lại cũng không ai dám ra khỏi làng vì bãi trên, bãi dưới là sình lầy với những câu chuyện về thần thánh, ma quỷ mà bọn trẻ con đều rất sợ. Ngày ngày, cô bé Khướu được mẹ giao việc trông nhà, thổi cơm, trông em. Nhưng, cô bé mê nghe hát lắm, nhất là quan họ. Mỗi khi có hội làng, cô bé được miễn việc trông em, lên chùa từ sớm quên cả đói mà nghe hát đến tối mới về. Trong làng có đám khao, đám cưới, tiếng hát như vẫy gọi cô đến với nó. Vậy là đứa bé cõng trên lưng, đứa lớn cô dắt đi, cả ba chị em chen vào đám mà nghe hát. Sau này, các em của cô cũng đều là những người hát giỏi. Còn cô bé Khướu ngày ấy cũng không biết vì sao những làn điệu quan họ lại có sức hấp dẫn đến vậy. Sự say mê đến với cô bé tự nhiên như việc cô sinh ra và lớn lên bằng dòng sữa mẹ. Đến tuổi mười ba, mười bốn, cô bé Khướu bắt đầu theo mẹ lặn lội đồng trên, đồng dưới cầy cấy, gặt hái, làm rau như một người lớn thực sự.

Thực ra, cái nóng, cái rét cắt da cắt thịt cùng sự vất vả, lam lũ đối với một đứa trẻ con nhà nông âu cũng là chuyện thường. Đôi chân trần gầy nhẳng của chúng cũng bươn bả đó đây cùng khắp các mặt ruộng, lũ trẻ tìm thú vui bằng cách săn một con chuột đồng, bắt một con rắn, hay tranh thủ kiếm mấy con cua, con ốc. Còn cô bé Khướu, thú vui nho nhỏ của cô là lẩm nhẩm hát lại các bài hát cô đã được nghe. Giống như nhiều đứa trẻ con nhà nghèo khác, cô bé Khướu mỗi lúc qua nhà thầy đồ có lũ trẻ ê a học bài, cô ước ao mình được đi học. Giá mà biết chữ, cô đã có thể chép những bài hát nghe được, đỡ phải kỳ công rà soát lại các bài hát, câu hát trong trí não của mình mà có khi đang lẩm nhẩm, cái mệt mỏi của một ngày lao động vất vả kéo mí mắt cô sụp xuống rồi ngủ biến lúc nào không hay…

Cuối cùng, cũng đến lúc cô bé Khướu được theo các liền anh, liền chị. Đó là năm cô tròn mười sáu. Đình làng Văn Trung bên cạnh khánh thành, quan họ bạn bên ấy mời quan họ bên này sang chơi. Cô bé Khướu mất ăn mất ngủ vì hồi hộp, mặc dù cô đã được bố mẹ chỉ bảo rất nhiều. Để trở thành một liền anh, liền chị thật sự, người hát quan họ không phải chỉ cần có chất giọng: Vang - rền - nền - nảy là được, người quan họ thật sự còn hội tụ bốn yếu tố: lối sống đẹp, ngôn ngữ đẹp, cử chỉ đẹp và trang phục đẹp. Dù đó là một người ở, một bần nông chân lấm tay bùn, hay một thương gia, khi đã là người quan họ, tất cả đều giống nhau ở chỗ: trọng cái ân, cái  nghĩa, yêu quý và sành nghệ thuật.

Người dân Bắc Ninh từ xưa vốn đã biết hưởng thụ thú vui tao nhã của ca hát từ hàng ngàn năm nay, các bậc cha mẹ không hề ngăn cấm con gái tham gia hình thức sinh hoạt văn nghệ này. Bởi thế, dù nhà có nghèo, mẹ cũng gắng dành dụm mua sẵn manh vải, tấm lụa, đợi ngày con gái lớn. Hai đêm liền mẹ thức trắng, tự tay khâu cho con gái bộ áo tứ thân, một chiếc yếm lụa bạch xẻ cánh nhạn, một dải thắt lưng hoa lý. Sớm hôm sau, mẹ còn ngắm nghía mãi con gái mẹ - lúc này đang lâng lâng, bay bổng trong bộ xống áo của người quan họ từng ao ước - mẹ dặn đi dặn lại những điều cần thiết đối với cô con gái mới lớn của mình. Rồi, mẹ đứng ở cổng dõi trông theo, đi khá xa rồi, quay lại, cô gái nhỏ vẫn thấy bóng áo nâu của mẹ thấp thoáng…

Gần một trăm năm đã trôi qua, cái cảm giác lâng lâng, bay bổng của lần đầu tiên được mặc bộ áo tứ thân vẫn nguyên vẹn trong lòng cụ Khướu, cả sự bối rối, thẹn thùng của cô gái mười sáu lần đầu tiên được mọi người nhìn nhận là một cô gái thực sự, cả những câu hát “những là gặp nhớ ơ hơ bên là dòng đôi bên… những là đáp đối sầu tuyết sương rụng xuống mái đầu huê râm…” của lần đầu tiên ấy, cụ Khướu vẫn còn nhớ từng từ.

Những câu hát - cụ giờ vẫn có thể hát lại. Cảm giác của buổi ban đầu được làm liền chị - cụ vẫn nhớ như nguyên, dù cho thời gian cứ lẳng lặng năm một góp nhặt tuổi trẻ, sắc đẹp, tuổi thanh xuân của mỗi chàng trai, cô gái cho sự trường tồn của chính mình mà không hề quay đầu lại nhìn gương mặt già nua, mái  tóc trắng sương của họ. Thời gian cũng không hề biết mỗi ngày qua đi của một đời người có bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, có bao nhiêu nụ cười, và bao nhiêu giọt nước mắt? Phải  chăng vì thế thời gian mãi  mãi  là vô hình? Vô tri vô giác? Không có một hình hài cụ thể như sông, núi, như mặt trời, mặt trăng hay những ngôi sao lấp lánh? Chính vì vậy, cuối cùng thời gian vẫn phải nhờ vào chính bàn tay, khối óc của con người mới có bộ mặt cụ thể là những chiếc kim dài, ngắn, là ngày, là tháng là năm đánh dấu sự hiện diện của nó. Sau buổi đi chơi, đi hát quan họ ấy, cô Khướu lại trở về những buổi làm đồng bùn vương, bùn lấm khắp trên người.

Là con gái cả trong gia đình nên những lúc nông nhàn cô theo mẹ đi chợ bán rau. Cứ đôi bàn chân trần tãi nắng mưa, quang gánh trĩu nặng trên vai, cô theo mẹ tới khắp các chợ quê trong vùng: chợ Lim, chợ Chì, chợ Quán, chợ Đồng… có chợ nào không in những đôi bàn chân năm ngón xòe bám mặt đường đi? Tối tối, sau bữa cơm, dù đang ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, đôi vai dù đã quen gồng gánh, đôi chân dù đã quen bùn đất sỏi đá, đến bát cơm cũng có lúc phải nhường lại hai cậu em đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là tiếng hát lặng đi. Thường thì cô Khướu luyện giọng cùng bạn vì dân ca quan họ bao giờ cũng hát đôi, đôi nam hát đối với đôi nữ mà không có nhạc đệm. Trong hai người hát, người dẫn giọng giữ vai trò chủ động, còn một người luồn giọng, đỡ giọng cho người hát dẫn. Hai người để hiểu được giọng nhau thường phải qua chọn lọc, qua một quá trình luyện tập công phu, bởi vậy đôi bạn hát cũng thường là đôi bạn thân thiết.

Ngoài những tiếng hát là những tiếng cười xen lẫn lúc thủ thỉ, rúc rích. Nhất là vào cái tuổi thầm yêu trộm nhớ. Nhưng vào thời ấy, các cô gái không có quyền lựa chọn cuộc sống riêng của mình. Bố mẹ cô yêu thương con gái. Bố mẹ nâng đỡ từng bước chân con đi, bố đã từng ru con bằng tiếng hát của mình, bố đã từng bế con mà kể chuyện ngày xửa ngày xưa, cũng như mẹ gỡ từng sợi tóc cho con, mẹ thức trắng đêm khâu áo cho con đi  hội… và điều bố mẹ mong muốn nhất là con gái được gả cho gia đình có bát ăn bát để, có gì đâu, bởi bố mẹ mong con gái sướng hơn mình. Nhưng bố mẹ đâu biết rằng ngay trong câu hát bố mẹ dạy đã có câu:

Dù ai cho bạc cho vàng

Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay

Dù ai cho nhẫn lồng tay

Chẳng bằng trông thấy mặt ngay bây giờ.

Đến cả câu “có tiền mua tiên cũng được”, con gái không cho là thế. Nếu không, các nàng tiên trong chuyện cổ tích bố kể đâu có từ bỏ cuộc sống thần tiên trên trời, cho dù Ngọc Hoàng có phạt - vẫn xuống hạ giới để sống với người mình yêu trong túp lều bằng cỏ? Bố chẳng thể trả lời con gái, còn mẹ chỉ thở dài. Hầu như bạn bè cùng trang lứa đều chịu cảnh bố mẹ gả bán, riêng cô Khướu không chịu. Ở làng cô thời ấy đã có vài trường hợp không chịu lấy chồng do bố mẹ gả bán và cô đã chứng kiến cảnh nhà chồng của họ tìm bắt rồi đánh đập. Bởi vậy, cô Khướu quyết định trốn khỏi nhà xuống chùa Khánh Chủ ở Kinh Môn - Hải  Dương nơi có bà cô ruột ở đó. Năm ấy, cô mười tám.

Nhưng đâu chỉ có trốn đi là xong? Cô Khướu muốn có tự do thì phải trả nợ cho nhà trai. Số tiền ấy đã được xã hội phong kiến thu nhỏ của làng quy định: “Trai chê vợ trả thành hai, gái chê chồng trả gấp trăm lần thế”. Vậy là để đổi tự do cho mình, cô Khướu  đành phải mang trên vai một món nợ hỡi ôi. Cô đã mất năm năm trời lao động cật lực để kiếm tiền trả nợ! Và trong suốt thời gian ấy, tiếng hát của cô cũng không vì thế mà lặng đi.

Thực ra, người vùng Quan họ là vậy. Hát quan họ đối với mọi người như một nhu cầu cần thiết để duy trì sự sống, đặc biệt là chị em phụ nữ. Dường như mỗi phụ nữ sinh ra ở mảnh đất này đều có sẵn một chất thơ trong tâm hồn. Chất thơ ấy có thể nảy nở trên bất kỳ mảnh đất cuộc sống nào cho dù là chông gai hay êm ả. Vậy nên, họ có thể chịu đựng mọi sự thiếu thốn, sự vất vả lẫn đắng cay của cuộc đời, nhưng, sự vắng mặt trong một buổi hát quan họ là điều không thể. Cô Khướu cũng vậy. Ai bảo tiếng hát đằm thắm, thiết tha của bà, của bố, của mẹ thấm sâu trong từng hơi thở, lọn tóc, trái tim cô? Để bây giờ, dù ngậm đắng nuốt cay trả món nợ trời ơi, cô cũng phải trả để được tự do tìm người cô thương mến. Cô không chỉ dừng lại ở ước mơ hạnh phúc trong câu hát của bà, của bố, của mẹ:

Đôi  ta như thể con tằm

Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong

Đôi ta như thể con ong,

Con quấn con quít con trong con ngoài.

Cô muốn ước mơ ấy phải là hiện thực. Rồi, ước mơ ấy cũng trở thành hiện thực… Có khó gì đâu khi trái tim cô cùng trái tim người ấy hòa chung nhịp đập. Người ấy là chồng của cô sau này - năm đó cô đã bước sang tuổi hai mươi tư.

Tôi  là một liền chị
Tác phẩm “Quan họ ngày xuân” của họa sỹ Trịnh Lễ (Nguồn: Báo Bắc Ninh)

Khi nhắc đến người chồng đã quá cố, trên khuôn mặt hằn sâu những nếp gấp của cụ thoáng một nét mơ màng thủa nào. Cụ nhắc đến cụ ông với một từ đầy trìu mến “anh ấy”. Cụ quen “anh ấy” của mình từ khi còn là cô gái nhỏ. Chẳng có cuộc hát nào “anh ấy” của cụ không có mặt. “Anh ấy” là một chàng trai tuấn tú, hội tụ đủ bốn yếu tố của người quan họ: lối sống đẹp, ngôn ngữ đẹp, cử chỉ đẹp và trang  phục đẹp. Nhưng “anh ấy” lại thiếu mất một điều kiện cần: đó là giọng hát. Vì vậy anh đành ngậm ngùi đứng nghe người hát và dõi theo một cô gái nhỏ. Cô gái ấy ở đâu, anh có mặt ở đấy, kể cả lúc cô lặn lội đồng sâu hay bươn bả gánh rau cần trên vai, cả đến lúc ngõ vào nhà cô đỏ màu tráp sơn đựng đồ ăn hỏi nhà người. Họ đã đợi, đã chờ, đã vượt qua cả một hàng rào gai nhọn định kiến của cái xã hội cho rằng quan hệ nam nữ - thực chất chỉ là thứ quan hệ mua bán, đổi chác đầy tính vị kỷ, cái xã hội mà phần lớn quan lại, các ông chánh, ông lý thường tìm thú vui trong sự nhàn tản, năm thê bảy thiếp, trong khi người dân, đặc biệt là phụ nữ phải đằm mình trong vô vàn những lễ giáo phong kiến hà khắc.

Thế nhưng, những chàng trai cô gái  Bắc Ninh xưa đã luôn biểu hiện khát vọng của mình về một cuộc sống nam nữ bình đẳng, tự do, chung thuỷ bằng những câu hát quan họ đằm thắm, thiết tha mà mãnh liệt “yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua”. Đồng thời người quan họ cũng là những người coi trọng cái  ân, cái nghĩa, những tình cảm thiêng liêng trong sinh hoạt của những liền anh, liền chị. Bởi đối với người chơi quan họ, trước hết họ hát vì mình, cho mình, hát để mình thưởng thức, hát vì sự rung cảm của tâm hồn với những lời ca điệu hát, chứ không hát vì một cái gì khác như tiền bạc, hay để trăng hoa. Họ hát đơn giản vì họ thích hát - đối với họ - ngay cả từ “thích hát” cũng như một lẽ tự nhiên giống như hết đêm là ngày, hết ngày là đêm. Có lẽ vì cái ân, cái nghĩa, vì những gì được coi là tao nhã, thanh cao nhất và cũng là khát khao của tự do, nên trong quan họ, cả những phụ nữ có chồng vẫn được nhập bọn quan họ.

Còn những người vợ, người chồng của những liền anh, liền chị có thể không biết hát, nhưng họ rất hãnh diện về người vợ, người chồng của mình. Bởi vậy, “anh ấy” của cụ có thể làm gì giúp được cho vợ để vợ có thời gian tham gia vào các cuộc hát, anh đều làm giúp. Nhưng sau vài lần mang nặng, đẻ đau hai vợ chồng vừa ứa nước mắt, vừa tê tái xót xa khi phải lìa xa những đứa con chưa kịp tập lẫy, tập bò, chị Khướu không còn tâm trạng để hát nữa. Ngày ấy, con cái những gia đình nghèo sống hay chết là tùy thuộc vào trời cao, trời cho con nào thì được con ấy. Phải đợi đến năm ba mươi mốt tuổi, vợ chồng chị Khướu mới đậu được cô con gái đầu tiền, đặt tên là Nguyên.

Mái nhà tranh của đôi vợ chồng lại ngập tràn tiếng hát. Đối với chị Khướu lúc này - tiếng con trẻ bi bô trong nhà còn hay hơn bất kỳ giọng hát quan họ nào. Chị chuyển những câu quan họ quen thuộc vào tiếng ru hời con ngủ. Sáu năm sau, cậu con trai Nguyễn Đăng Kiểm chào đời, và năm 1943 là cậu con út Nguyễn Đăng Sĩ. Đó cũng là những năm tháng vô cùng khó khăn bởi chế độ phong kiến đã mục ruỗng, lại thêm ách đô hộ của thực dân Pháp. Cuộc sống của vợ chồng chị Khướu cùng ba đứa con, cũng như nhiều gia đình khác trong làng rất chật vật. Cái đói, cái nghèo đeo đẳng họ như một món nợ nặng lãi, họ trả mãi mà không hết.

Hai vợ chồng thay nhau lên tận Bố Hạ, Yên Thế mua sắn về ăn thay cơm, rồi cả sắn cũng phải nhường cho con. Lại thêm những lần cõng con chạy giặc lên Hiệp Hoà - Bắc Giang, vừa chạy vừa ngoái lại  nhìn mái nhà bốc cháy mà tim như ai bóp chặt, ngôi nhà tranh của họ đã bốn lần bị giặc Pháp đốt cháy, cứ dựng lên chúng lại đốt, cả đình làng - nơi trước đây thường có các cuộc hát quan họ cũng bị chúng phá làm đồn bốt. Suốt thời gian ấy, chẳng còn ai nghĩ đến việc hát xướng. Già, trẻ, gái trai đều sôi sục lòng quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp, và những bài ca họ cất lên là những bài ca hừng hực khí thế, đến cậu con trai lớn của chị Khướu cũng đòi ra trận, năm 1953, cậu gia nhập đội Thanh niên xung phong phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, sau này, cậu con trai ấy cũng trở thành một chiến sỹ của Tổng cục Hậu cần, dù không hát hay như mẹ, nhưng cậu cũng là một cây văn nghệ của đơn vị.

Vào cái lúc cuộc sống bắt đầu đổi thay, người dân hoan hỉ vì được sống cuộc sống của chính mình, cơm đã dần đủ ăn, áo đã dần đủ ấm, những lề thói, hủ tục, định kiến đã dần mất đi. Nhà nước mới không chỉ mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn lo lắng cả việc giữ gìn, kế thừa và phát triển dân ca cổ truyền, trong đó có dân ca Quan họ. Dù sao nhiều người vẫn cho rằng dân ca quan họ cổ truyền ra đời trong xã hội cũ, nó chỉ thật phù hợp với tâm tư, tình cảm của con người thuộc xã hội cũ. Bởi vậy, năm 1957, khi đoàn Nghệ thuật dân gian Trung Quốc sang thăm Việt Nam và dừng chân biểu diễn tại Bắc Ninh, bà Khướu ngỡ ngàng khi được mời lên tham dự. Ông Hạnh mừng lắm mang chiếc tráp sơn đựng bộ quần áo liền chị của vợ mà suốt thời gian qua, dù cái ăn còn thiếu, dù cõng con chạy giặc, ông vẫn mang nó bên mình. Ông tần ngần mang bộ quần áo liền anh mà ông đã sắm từ thủa còn trai trẻ gồm đủ: áo the, quần trắng, khăn xếp, ô lục soạn, giày Khải Định ra ngắm nghía. “Giá như tôi  biết hát như mình, có phải hôm nay ta cùng sánh vai nhau mà hát không?”, ông bần thần nói với vợ. Bà tủm tỉm bảo ông: “Từ ngày biết mình, lúc nào em chả hát câu Ngựa hồng đã có tri âm. Mình có không ở bên, em cũng chỉ thấy có mình thôi”. Ông cười thở dài: “Bao giờ thư thả, mình hát để tôi chép lại các bài mình đã hát cho con cháu mai sau chúng nó biết”.

Ông nói thế bởi nay cuộc sống đã khác xưa. Cô con gái lớn tuy phải gánh vác việc gia đình của nó rồi nhưng nó thích tham gia công tác đoàn thể, xã hội hơn là học hát quan họ. Cậu con trai thứ đã vào bộ đội, còn cậu út thích đến trường, đến lớp hơn rất nhiều. Nhưng, cái thời gian thư thả để bà hát, ông chép lại chưa kịp đến thì ông đã vội vã ra đi. Trước lúc vĩnh biệt cõi đời, ông còn tiếc mãi: “Đến lúc được sướng thì tôi lại phải xa mình. Tôi đã chẳng kịp làm gì cho mình cả…”, những giọt nước mắt của bà thấm đẫm cả bàn tay ông đang mỗi lúc một lỏng xa tay bà, rồi ông gắng gượng mỉm cười: “Mình việc gì phải khóc… từ nay bao sướng khổ tôi dành cả cho mình đấy…”. Ông nhắm mắt, nụ cười vẫn còn đọng trên môi. Không có ông, bà như mất đi một nửa của chính mình. Bà lặng lẽ mặc cho ông bộ quần áo mà ông từng nâng niu, trân trọng. Và, chiếc tráp sơn đựng bộ quần áo của chính mình, bà đặt bên cạnh ông. Bà nghĩ mình chẳng bao giờ hát nữa…

Có một người đàn bà ngồi trước cửa hiên nhà. Bóng chiều đã ngả kín sân trùm lên một khoảng không gian thẫm màu. Ở ngôi nhà bên cạnh, ánh lửa bếp đã hồng lên bập bùng, màu khói vương làm người đàn bà rơi những giọt nước mắt âm thầm. Bà đã nghĩ mình chẳng bao giờ hát nữa… Lúc đó bà không hề nghĩ rằng những câu ca quan họ như dòng chảy liền mạch trong bà. Dù bà có đắp con đê cao sừng sững ngăn dòng chảy ấy, thì dưới lòng đất, dòng nước âm thầm vẫn lặng lẽ chảy qua. Làng xã bây giờ khác xưa nhiều lắm. Sức mạnh tập thể đã biến những đầm lầy thành những cánh đồng bát ngát thẳng tới những vệt thông kẻ chỉ xa xa. Bây giờ, bốn con vật khổng lồ của bộ tứ linh: Rồng, Rắn, Hồ, Kỳ lân tha hồ trườn mình uốn khúc trên sóng xanh, sóng vàng của lúa.

Tiếng hát quan họ những tưởng sẽ chìm lắng, không ngờ mỗi ngày một vang lên nhiều hơn. Bây giờ, người ta không cần phải đợi đến ngày hội làng, hội chùa hay đám khao, đám cưới, tiếng hát vẫn bay vút giữa khoảng không gian ấm áp của làng, vươn ra cả cánh đồng mỗi ngày một mở rộng tầm mắt. Có thể rằng những tiếng hát ấy đã được đặt lời mới theo các điệu Gọi đò, Cây trúc xinh, Con sáo sang sông hay Chuông vàng gác cửa tam quan… và những bài hát ấy đã được các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện, song dường như không khuấy động mấy tâm hồn của bà, dù điều đó như hối thúc mạch nước ngầm mỗi ngày chảy liền mạch hơn. Nhất là khi mùa xuân đến, trong lòng bà như có mầm cây trỗi dậy. Đối với bà, mỗi câu hát không đơn giản chỉ là câu hát, mỗi câu một chữ khắc sâu trong trí nhớ từ thủa còn là cô bé con cõng em chạy chen vào đám hội.

Bài hát của bà không nằm trong trang giấy, không nằm trong sách mà nằm trong tâm thức của bà, cuộc đời bà có thể trải dài theo từng câu hát, mỗi câu hát cất lên đều có thể đưa bà về những kỷ niệm đẹp đẽ của thời xa xăm, khi bà là cô gái nhỏ mặc bộ tứ thân, yếm lụa bạch, thắt lưng hoa lý. Bà nhớ như in cả cặp mắt của một chàng trai cùng làng cứ dõi theo mình. Bà nhớ bà đã hát mà tấm lòng nghiêng về người ấy. Bà khát khao được trở lại cái thủa ấy biết bao, nhất là khi chàng trai của bà con không nữa, nhất là khi mùa xuân đến không chỉ đánh thức mỗi nhành cây, mỗi mảnh đất, mùa xuân còn kiên trì gõ vào những cánh cửa tâm hồn đóng chặt.

 Câu hát tự thủa nào cứ ngân nga trong một góc của trí nhớ: “Bạn tình ơi…”, để rồi có lúc nó trở thành chiếc cầu nối giữa con người và thiên nhiên xanh thẳm. Tấm thảm kỳ diệu nào có thể đưa bà trở về thời kỳ xuân sắc? Có thể giúp bà sống tiếp những mùa xuân không lẻ loi khi những bạn bè, người thân cùng thế hệ với bà lần lượt ra đi? Có thể là gì khác? Ngoài thứ âm nhạc giản dị, chân thật mà nồng thắm thiết tha của từng câu, từng chữ trong câu ca quan họ? Mặc dầu xã hội cũ nảy sinh ra dân ca cổ truyền nay không còn nữa, cuộc sống cũ với vô vàn những lễ giáo phong kiến hà khắc mà trên cơ sở ấy, dân ca cổ truyền ra đời, đã lùi hẳn về quá khứ, song cách nói, cách nghĩ của người xưa, đặc biệt trong tình yêu nam nữ, không phải đến nay đã hết khả năng làm rung động lòng người. Làm sao người nghe lại không thể không xúc cảm trước những lời ca thắm thiết “Người về em vẫn trông theo, trông nước nước chảy trông bèo bèo trôi ”. Hơn nữa ngoài điệu hát, lời ca, thì ngôn ngữ, y phục quan họ còn toát lên một phẩm chất cao đẹp của những con người Kinh Bắc xưa, mà ngày nay có rất nhiều điều chúng ta phải suy nghĩ, học tập.

Sau này, những liền anh, liền chị cao niên như cụ Khướu luôn được các chị Hai, anh Hai, anh Ba, chị Ba… cũng như các nhà nghiên cứu, sưu tầm dân ca tìm đến học hỏi. Chính họ là những người đã làm cái việc mà “anh ấy” của cụ từng ao ước, đó là ghi chép lại những bài hát mà bấy lâu nay cụ cất giữ trong đầu. Và cụ cũng như nhiều liền anh, liền chị của thế hệ trước, có thể làm gì được để giữ gìn vốn quý của người quan họ, cụ đều cố gắng làm. Cụ không khỏi buồn vì ba người con của cụ đều không có được giọng hát như mẹ. Bù lại, các cháu họ gần, họ xa đã có rất nhiều những giọng hát hay, đã trở thành những anh Hai, chị Hai quen thuộc như Lệ Ngải, Minh Phức, Bích Vạn, Tư Vạn…

Năm tôi gặp cụ, cụ đã bước sang tuổi một trăm linh ba. Một trăm linh ba năm - đối với cuộc đời của một con người thì đó là con số mơ ước của nhiều người, thế nhưng, nó lại quá ngắn đối với những gì trường tồn cùng thời gian, trong đó có dân ca quan họ. Phải chăng vì thế mà người đàn bà - cụ bà ấy vẫn hát? Và khi người đàn bà - cụ bà ấy hát - cho dù lưng đã gập xuống, cho dù những nếp gấp tròn một trăm năm hằn sâu trên mặt - thì tiếng hát vẫn đằm thắm thiết tha, đến thời gian vốn chẳng hề quay lại bao giờ cũng dừng lại nín thở tự hỏi: Tình yêu quan họ là gì? Mà người đàn bà già nua ấy đã trải qua bao cay đắng, nghiệt ngã của số phận, vẫn giữ được nụ cười tươi nguyên của một liền chị suốt hơn một thế kỷ qua? Người đàn bà già nua ấy dường như nghe được câu hỏi của thời gian, cụ dừng câu hát, ngó vào khoảng thời gian một trăm năm qua mà cười: Tôi là một liền chị.

Giờ, cụ đã không còn. Nhưng câu trả lời “Tôi là một liền chị” chắc chắn sẽ còn trường tồn với thời gian cùng mảnh đất Quan họ đằm thắm quê tôi.

Tố Quyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 2 giờ trước