Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:43 (GMT +7)

Tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi

VNTN - Ngày 27/1/1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Mỹ bắt đầu thực hiện việc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ở Lào, các mặt trận đã im tiếng súng. Các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam rút ra vùng giải phóng, bàn giao cho các đơn vị quân giải phóng Pa Thét Lào tiếp nhận các vùng giáp ranh do chính quyền Viêng Chăn kiểm soát.

Tôi cũng vừa trải qua một khóa đào tạo Sĩ quan tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sỹ quan Lục quân 1) trở về đơn vị cũ công tác. Tình hình đơn vị có nhiều thay đổi. Lớp lính cùng thời với chúng tôi đã chiến đấu bên nước bạn chỉ còn lại vài người, hầu hết họ được trở về nước bổ sung về các đơn vị tuyến sau, một số được giải quyết chính sách. Thay vào đó là lớp lính tháng 9/1972, họ mới rời ghế nhà trường, tuổi đời anh nào cũng chỉ 17, 18 tuổi.

Vừa về đến đơn vị bắt đầu vào huấn luyện với các khoa mục như: đột điểm, đánh địch đổ bộ đường không, chống bạo loạn và có cả công tác dân vận nữa. Đơn vị còn cử nhiều cán bộ xuống các thôn bản giúp dân xây dựng chính quyền cách mạng như xây dựng trường học, làm đường, làm thủy lợi. Không khí hòa bình vui tươi được lan truyền khắp các vùng giải phóng.

Tôi và các cán bộ chính trị được triệu tập về Bộ Tư lệnh 959 đang đóng quân ở Mường Ngà (nay là huyện Viêng Xay tỉnh Hủa Phăn) để nhận nhiệm vụ đặc biệt là quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về Tổ quốc. Chính ủy kiêm tư lệnh Huỳnh Đắc Hương chỉ thị: Việc quy tập liệt sĩ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với các anh hùng liệt sĩ họ đã hy sinh anh dũng vì độc lập tự do cho 2 đất nước Việt - Lào, các đồng chí phải làm cho tốt. Quy tập những nghĩa trang ở xa trước, gần địch nhất, nhỏ lẻ nhất làm cuốn chiếu từ xa đến gần đặc biệt không được để sót dù là một đốt xương, không được nhầm lẫn giữa liệt sĩ này với liệt sĩ khác. Khi làm xong phải lập 3 tờ biên bản một tờ cho vào lọ gắn si chôn theo xương, hai tờ gửi về Bộ Tư lệnh. Người chỉ huy phải ký vào biên bản. Biên bản phải ghi rõ, họ tên, quê quán liệt sĩ, ngày hi sinh đơn vị, cấp bậc chức vụ và đặc biệt, liệt sĩ hy sinh trong trường hợp nào để làm cơ sở cho kiểm tra hài cốt còn đủ hay thiếu sau này.

Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, cầm tập tài liệu trong tay với các hồ sơ, sơ đồ, mộ chí liệt sĩ, tại Xiêng Khoảng hàng chục nghìn liệt sĩ, Luông Pha Băng, Sầm Nưa hàng nghìn liệt sĩ, chúng tôi lại càng thấm thía rằng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta tổn thất biết nhường nào. Và càng khắc sâu thêm những điều mà cấp trên dặn dò nhấn mạnh: Cuộc kháng chiến của ta mới đi được nửa chặng đường. Để khỏi làm ảnh hưởng hoang mang đến tư tưởng trong nhân dân, các đồng chí phải tuyệt đối giữ bí mật về số liệu, không để lộ, tài liệu phải giữ gìn, bảo vệ tuyệt mật. Khi nào Nhà nước có lệnh mới được bàn giao cung cấp. Cán bộ nào làm sai sẽ bị kỷ luật theo quân pháp.

Một cuộc hành trình mới lại bắt đầu. Với hành trang chiếc ba lô, vài bộ quần áo, mì tôm, lương khô, nước uống và một chiếc gậy chúng tôi lại hành quân về với chiến trường cũ, nơi đồng đội đã hi sinh, lại qua những nghĩa trang như Phu Nốc Cốc, Bản Thẩm, Phu Nha Thầu, Bom Lọng…, cũng là những địa danh quen thuộc trên con đường chiến đấu trước đây. Xúc động nhất là khi qua Sầm Nưa, qua những nơi như Nậm Păng, Bông Hay, Mường Hiềm, Noọng Khạng, Viêng Say… nhìn mộ chí hàng ngàn liệt sĩ Việt đã hi sinh, ai cũng cảm thấy đau đớn, ngậm ngùi.

Hơn một năm đi qua. Mỗi chuyến đi chúng tôi bám trụ ít là một tuần, có khi nửa tháng. Vượt biết bao khó khăn, gian khổ ăn rừng ngủ núi, đối mặt với bom mìn, rắn độc, thú hoang… vậy nhưng, mỗi lần tìm thấy hài cốt một người đồng đội lại tiếp thêm cho anh em động lực vượt qua. Từ tháng 10/1973 đến tháng 11/1974, chúng tôi hơn 60 con người biên chế thành một đội qui tập (ngang cấp Đại đội) và tôi là đội trưởng, với 15 chuyến đi, vượt trên 30.000 km, đã đưa về nước trên 1.800 liệt sỹ với đầy đủ danh tính.

Còn nhớ ban đầu khi chưa quen với công việc, nhìn thấy hình hài những liệt sỹ khi mới đào lên nhiều chiến sĩ trẻ đã sợ hãi ngất đi. Dưới huyệt mộ là những thi thể mới hy sinh, còn chưa phân hủy, người nào người nấy như đang nằm ngủ, có người còn nguyên cả những nốt ruồi trên khuôn mặt. Lại có người là đồng đội đã cùng chiến đấu, cùng ăn ngủ với tôi suốt 4 năm trời, giờ họ nằm đấy bất động, thương cảm vô cùng. Liên tục tiếp xúc với các thi thể như vậy, hầu như không có ngày nghỉ, dần anh em cũng quen với mùi xác người. Mọi công việc cũng thành thạo nhẹ nhàng hơn. Thế là, hàng ngày những bữa cơm nhiều lúc vẫn được dọn ra ngay bên cạnh những bộ xương, những thi thể đang phân hủy cũng là chuyện bình thường. Và chắc chắn một phần cũng vì nghĩa tình đồng đội lớn lao nên mọi người mới vượt lên tất cả, chứ lúc đó nếu có người lạ nào nhìn thấy cảnh ấy chắc họ sẽ sợ chết ngất mất.

Có đợt đơn vị hành quân vào bản Nậm Tạt (nay đã đổi thành bản Pha Nang, thuộc huyện Húa Mường, tỉnh Hủa Phăn) cách thị xã Sầm Nưa trên 50km. Hành quân với những trang bị rất nặng, chủ yếu là gạo và thực phẩm ăn đường nên hai ngày sau chúng tôi mới đến được vị trí. Khu vực này có 3 nghĩa trang, với tổng số 285 ngôi mộ, toàn là liệt sĩ của trung đoàn 174, sư đoàn 316. Các nghĩa trang này tuy ở gần đường đi nhưng lại xa nguồn nước đến 7 - 8 cây số. Đang là mùa khô, gió Lào hầm hập, trời nắng như đổ lửa, sinh hoạt lại thiếu thốn, cơm gạo phải ăn dè, đồi núi dốc đứng nên không có rau rừng và không săn bắn được. Ban đêm chỉ có tiếng tru dài của loài sói hoang, tiếng bẻ cây của loài gấu ngựa và tiếng hú của con mãng ma (cầy bay) nghe đến rợn người. Nước đã thiếu, mỗi người chỉ có 1 bánh xà phòng 72%, không có cồn, găng tay, còn thì khẩu trang và bảo hộ thôi thì thiếu đủ mọi thứ. Vậy mà chúng tôi phải thường xuyên khênh liệt sỹ trên vai. Lúc lên dốc, nước của xác người ộc vào vai vào ngực người đi sau, lúc xuống dốc thứ nước đó lại ộc vào vai vào ngực người đi trước. Quần áo hàng ngày ai cũng chỉ có hai bộ và đều dính mỡ người khẳm lặm…

Khó khăn là vậy nhưng nhiều lúc cũng yêu đời. Đôi lần đóng đội quân dưới rừng dẻ sồi mùa cho hạt anh em thường nhặt hạt dẻ về tối rang để liên hoan. Tôi có sáng kiến tìm vào các bản bỏ hoang nhặt được ít váy cũ của phụ nữ Lào bỏ lại đem về giặt qua rồi chọn những anh em trắng trẻo, đẹp trai cho đóng làm con gái tối đến đốt lửa lên để múa Lăm Vông cùng vui văn nghệ. Tiếng nói tiếng cười cứ vang cả một góc rừng.

Năm đó tôi vừa tròn 24 tuổi và là người nhiều tuổi nhất đơn vị, anh em thường gọi đùa tôi là “già bản”. Là người chỉ huy, tôi ghi chép đầy đủ cẩn thận danh tính liệt sỹ. Những liệt sỹ đồng hương quê ở tỉnh Bắc Thái, tôi đều ghi riêng vào một quyển sổ.

Trình độ lọc xương người của tôi khá thành thạo, nhất là khi bốc những ngôi mộ có những thi hài các liệt sỹ còn nguyên vẹn, nên anh em ai cũng khâm phục. Lọc xương người khó nhất là xương bàn tay, bàn chân, xương sống và hộp sọ. Hộp sọ có hình răng cưa phải dùng dao nhọn tách ra, rồi rửa sạch sau đó lại khớp nối lại như cũ. Ban tối sợ sói rừng và gấu vào tha xương đi, nhiều anh em trẻ đều sợ ma nên tôi và vài anh em cứng bóng vía phải đi gác thay cho họ. Những lúc như thế tôi thường thì thầm tâm sự với những bộ xương như thể đồng đội mình vẫn còn sống, vì vậy mà suốt gần 50 năm qua tôi vẫn cảm thấy như mới xảy ra ngày hôm qua.

Cuối tháng 12/1974 khi đang quy tập hài cốt ở bản Pha Nang bỗng nghe thấy tiếng xe ô tô, anh em đều chạy ra đón. Trên xe có đồng chí phái viên mặt trận gặp tôi và truyền đạt mệnh lệnh: Các đồng chí bàn giao liệt sỹ cho chúng tôi ngày mai hành quân về Bộ tư lệnh nhận nhiệm vụ mới. Chiến trường miền Nam đang cần các đồng chí. Anh em toàn đơn vị reo hò không ngớt, hàng chục loạt AK được bắn lên trời. Tôi nói to với các ngôi mộ:

- Các đồng chí yên nghỉ ở đây nhé, chúng tôi về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày hòa bình chúng tôi quay trở lại đón các đồng chí trở về Tổ quốc. Hãy phù hộ cho chúng tôi!

Không ngờ câu nói đó như một lời nguyền, như một duyên nợ khiến cho tôi, hơn 10 năm qua đã nhiều lần quay lại Lào tìm thi hài liệt sỹ. Và chiều hôm đó có 8 thi hài chúng tôi đào lên nhưng lại phải chôn lại vì trời tối và để kịp thời gian để sáng mai hành quân sớm.

Vì quá nặng lòng với các đồng đội là những liệt sỹ đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ trên đất nước Triệu Voi nên tôi thường mơ thấy họ. Sau khi hòa bình lập lại, rồi từ năm 2011 đến 2017, dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tình nguyện đi cùng các đội quy tập. Và chúng tôi còn 15 lần trở lại chiến trường và còn tìm được 164 liệt sỹ đưa về nước.

Năm 1995 dân các nơi kéo về Pha Nang lập bản mới, không hề biết có nghĩa trang bộ đội Việt Nam nên đã chặt cây làm nhà và san lấp mất khu nghĩa trang. Những cây sồi gai trước đây giờ chỉ còn trơ lại gốc. Khi đoàn chúng tôi đến tìm mộ liệt sỹ, dân bản họp lại và họ sẵn sàng rời nhà đi để anh em chúng tôi làm nhiệm vụ. Tôi và đồng chí Lê Bật Phong - nguyên đội trưởng, đồng chí Hoàng Trân đội trưởng đội quy tập liệt sỹ Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã 4 lần đào tìm ở đây nhưng đều không thấy 8 liệt sỹ. Tôi nghĩ có lẽ đội quy tập tỉnh Nghệ An đã đưa các anh về rồi, mong là như thế. Tuy vậy trong những giấc mơ tôi luôn mơ thấy họ. Mùa khô năm 2015 trong lúc anh em đặt lễ tôi đã khấn và gọi các vong nếu còn lang thang hãy về nghĩa trang Bá Thước (Thanh Hóa) và Anh Sơn (Nghệ An) để nhập cốt. Thật lạ kỳ, từ đó tôi không còn mơ thấy họ nữa.

Anh em trong đoàn cũng dành số tiền 16 triệu đồng (tiền cá nhân) mua quần áo ấm, sách vở, để tặng các em nhỏ bản Pha Nang để tỏ lòng tri ân với dân bản đã tạo điều kiện giúp đoàn. Tấm lòng của người dân Lào thật cao cả và đáng trân trọng.

Tháng 7/2019

Dương Mạnh Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước