Tiếng “ệp… ệp” phía cuối vườn
1. Mưa liên miên. Trời như thử thách cứ phun nước xuống mãi. Mưa vừa tạnh, nắng bỗng từ đâu kéo về. Cây cối trong vườn uống no nước đứng ủ rũ. Những loài thân thảo yếu ớt úa nhủn ra. Các vũng nước ngầu bọt và rêu nhớt. Mùi ẩm mốc lan tỏa khắp không gian. Lũ ốc sên và ốc bươu vàng chẳng biết từ đâu bắt đầu bò ra ngoe nguẩy cặp râu tìm thức ăn trong khu vườn. Bọn ốc này tồn tại dai dẳng khủng khiếp. Bố tôi tìm diệt chúng mãi cũng không hết.
“Ệp… ệp…”, tiếng ếch trầm trầm, thảng thốt. Có lẽ là tiếng cụ ếch đực còn sót lại. Tôi nghĩ vậy vì thỉnh thoảng vẫn thấy cụ buồn bã vồ bọ gậy ở rãnh nước cuối vườn. Đôi lần còn gặp cụ rụt rè nhẩy tới gần cánh cổng. Có lẽ cụ đã tìm đường thoát đi cùng họ hàng nhưng đơn độc giữa trùng trùng những bê tông, tường gạch nên cụ đành quay về trú tạm trong cống nước của mảnh vườn trũng nhà tôi. Cụ là thế hệ con cháu cuối cùng của họ hàng ếch còn lại ở đất này. Từ lúc xóm tôi thành phố. Chiếc ao nhỏ trước sân nhà thành ao tù, đầy ốc bươu vàng và bọ gậy. Họ hàng nhà ếch cũng dần bỏ đi hết trong ao chỉ còn sót lại vài con.
Độ mươi năm trước, vì nỗi lo thực phẩm bẩn nên cả nhà quyết định lấp chiếc ao để làm vườn rau. Thế là những con ếch cuối cùng cũng tìm đường thoát đi, chẳng hiểu sao chỉ còn lại cụ ếch. Gọi là cụ ếch vì cụ sống lâu, chứ thực ra vì không có thức ăn nên thân hình cụ còi dí, chỉ nhỉnh hơn con nhái cụ. Cụ đơn độc lớn lên, ngày ngày đành làm bạn với lũ ốc sên và ốc bươu vàng, tham ăn đáng ghét.
2. Nhanh thật! Thoắt đã vài chục năm. Xóm tôi giờ thành phố, nhà cửa hiện đại đua nhau mọc lên lố nhố. Có lẽ trong khu đô thị chỉ còn lại duy nhất nhà tôi là còn giữ mảnh vườn xanh cũ kỹ. Dù không còn chiếc ao nuôi cá nhưng những năm tháng tuổi thơ lam lũ cùng tiếng cười trong vắt thì mới như ngày hôm qua.
Xóm tôi là xóm Cầu Tre, một xóm nhỏ nửa đồng bãi, nửa thành thị. Dù nằm trong thành phố nhưng xóm đầy những ruộng đồng. Đặc biệt, xóm còn có cả con suối Làng Đanh mát rười rượi, hình dáng như một con rắn. Suối chảy qua xóm, loằn ngoằn dài hơn cây số. Xung quanh nó là vô vàn những tre, hóp um tùm. Gần phía thượng nguồn bắc ngang dòng là chiếc cầu tre bập bềnh, xinh xắn. Cũng vì thế cả khu này có tên gọi là xóm Cầu Tre.
Trong xóm có rất nhiều ao chuôm, là những chiếc ao tự nhiên và những hố bom thời chiến, một số ít do dân đào sau này để tăng gia… Gọi là thành phố nhưng đa phần người ở đây là nông dân, số còn lại một phần là công nhân và dân buôn bán lặt vặt ở chợ và có cả những gia đình cán bộ trí thức. Tuy có nhiều thành phần xã hội nhưng thời bao cấp, kinh tế khó khăn nên nhà nào có ruộng cũng đều cấy lúa, nhà đất hẹp thì cũng làm chuồng nuôi lợn và không thể thiếu khoảng ao nhỏ để nuôi cá tăng gia. Nhà tôi cũng có chiếc ao bé. Chiếc ao này vốn là cái hố đào lấy đất đóng gạch để tự xây nhà của gia đình. Tuy chiếc ao nhỏ xíu nhưng nó là kho dự trữ thức ăn quý giá và đẹp vô ngần như ký ức ngây thơ của thằng bé cởi trần đen thùi lũi và nghịch ngợm.
Hồi đấy tôi mới khoảng dăm tuổi. Buổi sáng mùa hè tôi thường dậy rất sớm. Tuy bụng đói meo nhưng cũng chẳng quan tâm. Thiếu thốn đủ đường nên lũ trẻ chúng tôi thường không có khái niệm bữa sáng. Hôm nào sang lắm có quả mít chín bố tôi bổ thế là cả nhà quây quần gỡ ăn. Căng bụng, mấy anh em lại mang những mảnh xơ mít thi nhau quăng cho lũ cá cũng đang thiếu mồi. Xơ mít là món ăn khoái khẩu của cá trắm, chúng đua nhau kéo đến rỉa mồi. Lũ cá chép và cá rô phi lượn lờ khoe vảy bạc lấp lánh rồi há miệng ngớp ngớp liên hồi những hạt cám li ti trên mặt ao. Vui nhất là tụi rô đồng hiếu động, chúng vừa ăn mồi vừa đua nhau mói nước toành toạch trêu ngươi. Thấy cảnh ấy, mấy chú ếch tò mò chẳng biết từ ngóc ngách nào cũng lặn đến. Khi phát hiện không kiếm chác được gì, tiếc của, chúng trèo lên mấy đám bèo hoa dâu, lim dim đôi mắt như ngắm trời xanh và rình đàn chuồn ớt đang thi nhau chao lượn. Thỉnh thoảng chuồn ớt lại đậu trên đầu những ngọn chà rong soi bóng xuống mặt ao làm dáng.
Dù ao có cá nhưng chúng tôi chẳng dám câu. Thỉnh thoảng mấy anh em có đi xúc, đi tát kiếm được mớ cá, ốc mang về con nào còn sống lại cẩn thận mang thả xuống đấy để dành. Họa hoằn lắm, khi “thèm chất tanh” quá mới gạ gẫm bố cho mang cần câu vài con rô ron, hoặc lội xuống bắt mớ ốc để cải thiện.
Thiếu chất, đứa nào cũng loắt choắt nhưng bù lại cái lanh lẹ, khôn ranh. Người lớn suốt ngày phải vật lộn kiếm ăn nên chẳng còn thời gian để ý và chăm sóc. Đói nghèo đánh thức bản năng sinh tồn. Như lũ gà con sớm bỏ mẹ, dù hiếu động nhưng chúng tôi sớm biết tần tảo giúp đỡ gia đình. Buông cặp sách là đứa nào cũng biết đi kiếm củi, đi câu ếch đi bắt cua xúc tép… Những việc ấy chúng tôi không hề thấy vất vả, ngược lại đó là những trò chơi đầy thú vị mang về những “chiến lợi phẩm” ra trò.
3. “ Ù ú ù…ú ú ù…”, nghe tiếng hú của thằng Quân, tóc gáy tôi dựng ngược lên, tỉnh như sáo sậu. Nhẹ nhàng bật dậy, tôi rón rén lần xuống bếp. Vơ vội chiếc rổ tre và cái giỏ đựng cá rồi lỉnh ngay ra cổng. Kéo cành chà rong dấp lối vào, thế là rông thẳng một mạch ra phía lũ bạn đang đợi. Thấy tôi thằng Quân chun mũi khó chịu, ra điều phải để đợi lâu. Quân là thằng đô con và lỏi nhất trong đám trẻ. Có lẽ vì bố nó là phòng thuế nên nhà nó chả thiếu cái ăn. Thế nhưng chả hiểu sao nó vẫn đi bắt ốc cùng chúng tôi, có lẽ vừa để kiếm ăn và để khẳng định độ nghịch ngợm chả kém ai. Trưa hè, cái nắng xiên khoai trên đỉnh đầu, mấy đứa trẻ chân đất, tóc vàng hoe, lũn cũn bước đi.
Con suối Làng Đanh nước xâm xấp ngang gối, trong vắt, mát lạnh, chúng tôi dàn hàng ngang dò chân càn quyét. Thấy cái khía nhẵn nhụi như một viên sỏi lẩn dưới bàn chân, tôi thọc tay móc ngay lên một chú trùng trục béo mẫm to bằng nửa cái bao diêm. Cả bọn trố mắt thán phục rồi thi nhau rà lòng bàn chân nhanh hơn nhưng thi thoảng cũng chỉ bắt được những chú hến to bằng ngón tay núp dưới cát, hoặc vài chú ốc vặn. Những đoạn suối rộng, nhiều sỏi, có tre mọc quanh bờ là kiểu gì cũng lắm ốc. Chỉ tinh mắt là có thể tìm thấy lũ ốc vặn núp lẫn trong đám sỏi. Còn ốc nhồi và ốc nứa khôn hơn chúng hay ở những hốc đầy rễ tre ven bờ, hoặc ven những hủng nước.
Đi càn ốc thích nhất là gặp đoạn có dòng chảy. Khu vực này cát sạch tinh lại khá nhiều ốc và hến. Có lẽ những loài sinh vật phù du cũng thích mát mẻ, trong lành. Đoạn nào nước nông chỉ căng mắt nhìn là đã tìm thấy được những chú ốc vặn đang đu đưa chiếc vỏ bò phía ngược dòng nước. Nhặt hết ốc cả bọn lại vục chiếc rổ múc cát rồi lắc lắc giữa dòng nước đang chảy. Mắt rổ thoáng cát lọt nhanh theo nước, chỉ còn lại vài chú hến béo tròn đọng dưới đáy rổ. Cứ đi như vậy khi gần tắt nắng chúng tôi mới chịu ra về. Cả bọn khấp khởi bước thấp, bước cao trên cánh đồng, lòng mơ hồ lo lắng sợ bị phạt. Mặt trời đỏ ối. Vừa đi vừa ngắm những cánh diều trao liệng vi vút. Mùi đồng ruộng thơm mát theo gió, cứ mơn man, mơn man.
Ốc, hến bắt về mấy anh em cẩn thận phân loại. Những chú ốc nhồi, ốc dạ đem thả hết xuống ao để nuôi còn lũ hến và ốc vặn thì để riêng cho nhả hết bùn. Vài hôm mới mang chế biến. Canh hến nấu mùng tơi, rau ngót, mát lòng, ngọt dạ, cả tuổi thơ.
4. Gần hết hè chúng tôi không đi càn ốc suối nữa mà chuyển sang bắt ốc đồng. Tiết trời đã mát, những cánh đồng vừa mới gặt xong, sau những ngày nóng như đổ lửa, họ nhà ốc trú ngụ đâu đó hoặc nằm sâu dưới lớp bùn bắt đầu chui lên kiếm ăn. Ốc đồng thường toàn những loại to như: ốc nhồi, ốc nứa. Ốc bò ra đầy chân những gốc rạ đã oải mục. Ốc nhồi to thô lố, đen trũi, no mồi quấn tròn lấy nhau. Ốc dạ, ốc nứa chúng chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái lại hay nú lẫn dưới lớp rong rêu khó bắt hơn.
Trời mát, ốc mới rời chỗ nấp ra ăn nhiều. Bắt ốc đồng phải đi lúc sáng sớm hoặc sẩm tối. Những thửa ruộng có nhiều ốc bắt xong một lượt chúng tôi còn đặt bẫy để nhử ốc. Bẫy ốc khá đơn giản, chịu khó nhổ những gốc rạ rồi xếp cùng với lá sắn hoặc lá chuối thành từng đống. Ở mỗi ruộng làm dăm mười đống như vậy, tùy diện tích của từng ruộng. Đặt xong đống bẫy chỉ việc chờ sáng sớm hôm sau, bới ra kiểu gì phía dưới cũng có vài đôi ốc nhồi bám ở đấy. Cao cấp hơn, bẫy ốc có thể dùng những miếng xơ mít úp xuống để dụ ốc vì xơ mít dậy mùi ốc rất thích ăn. Chỉ có điều thời ấy dù nhiều mít nhưng xơ mít thường ném xuống ao để chăn cá. Nhiều gia đình còn muối xơ mít để dành ăn thay rau.
Mùa này nhiều ốc và cũng gần đến dịp cuối năm. Ốc đồng bắt về, nhà tôi không thả ao nuôi mà đem nhốt trong chum, vại để ốc nhả hết bùn đất. Và hằng ngày thay nước gạo để chúng ăn. Vài ngày ốc béo, sạch ruột mới chế biến. Ốc đồng chế biến được khá nhiều món nhưng không có món hầm chuối đậu như bây giờ. Bởi thời ấy đậu và thịt ba chỉ là thực phẩm xa xỉ chẳng bao giờ có ăn chứ đừng nói để nấu kèm với ốc. Ốc thường chế biến thành hai món chính là ốc xào và ốc luộc. Trước khi làm món ăn đem ngâm ốc với nước sạch có đập vài quả ớt vào rồi để mươi phút cho chúng nhả hết nhớt bẩn. Ốc xào thường dùng ốc nhồi, còn ốc nứa và ốc dạ thì đem luộc vì thịt giòn hơn. Ốc luộc làm khá đơn giản. Sau khi xóc rửa thật sạch đem bỏ ốc vào nồi có kèm nắm lá chanh, lá sả rồi đổ xâm xấp nước. Bắc nồi ốc, đun độ mươi phút khi thấy nước sôi đục lờ lờ dậy mùi ngào ngạt, miệng ốc đồng loạt he hé mở là được. Đổ ốc ra, cầm chiếc gai bưởi cả nhà quây quần nhể ốc. Chấm miếng ốc vào bát nước mắm chanh, pha với gừng giã nhuyễn và lá chanh thái chỉ. Miếng ốc thơm, sừn sựt trong miệng, vị ngọt bùi cứ tỏa khắp vị giác. Rì rầm, rì rầm tiếng nói cười cứ dài mãi không thôi.
4. Khi tôi hơn 10 tuổi thì thời kỳ bao cấp cũng hết. Cơ chế thay đổi, cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn. Mấy anh em không đi bắt ốc nữa nhưng chiếc ao trước nhà vẫn nuôi ốc nhồi và thả cá. Trong xóm vài nhà khấm khá lên vì có người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, hoặc có nhà biết chớp thời cơ nhờ buôn bán. Nhà thằng Quân lúc ấy xây hai tầng quét xi măng xám ngắt. Bố nó sắm cả xe honđa, ti vi màu, tủ lạnh. Đặc biệt khoảng ao nhỏ nhà nó được rào rất kỹ, thả đầy ốc bươu vàng - gọi là ốc Pháp. Nó cũng chẳng còn chơi với tụi trẻ nghèo trong xóm. Người khắp nơi đổ về nhà nó mua giống. Rồi truyền tai nhau về cách nuôi ốc làm giầu. Thấy tôi thằng Quân khinh khỉnh: Ốc này quý lắm! Lớn nhanh và ngày nào cũng đẻ trứng thịt ngon gấp vạn ốc nhồi. Nhìn chiếc ao lúc nhúc những con ốc vàng suộm, thi nhau ăn lá rồi leo lên đẻ những chùm trứng hồng rực, mà thèm thuồng. Nhưng giá ốc Pháp đắt lắm, một cặp ốc bằng tiền mua con lợn giống. Mơ mãi rồi cũng thành hiện thực. Ấy là ngày tôi moi lợn đất lấy tiền mua đôi ốc giống đem về thả nuôi ở bể nước trước cửa. Nhìn ốc sinh sản rồi lớn vùn vụt từng ngày tôi khấp khởi nghĩ: Rồi một ngày sẽ có cả ao ốc trước cửa. Ốc Pháp nhìn đẹp vậy thịt chắc ngon hảo hạng… Lúc đấy cả nhà sướng rồi. Nhưng đó mãi chỉ là mơ, không lâu sau, các nhà khoa học kêu gọi tiêu diệt ốc vàng nhằm phòng tránh những hiểm họa cho mùa màng và những sinh vật bản địa.
Nhìn mớ ốc, tôi tiếc của thả chúng xuống ao, một thời gian sau chúng sinh sản nhanh vô độ, chẳng có cái ăn nhiều con còn hung hãn leo lên bờ cắn phá cả đám rau muống. Thịt ốc bươu vàng đắng ngắt vì có lẫn đám ruột đầy trứng không thể ăn nổi, chỉ bắt đập cho gà vịt. Tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Hiểm họa ốc bươu vàng bùng phát ở khắp nơi. Bao năm người dân tìm đủ mọi phương pháp vậy nhưng, không thể nào tiêu diệt hết giống ốc ngoại này. Nhìn những cánh đồng xác xơ vì ốc bươu vàng tàn phá mà thấy xót xa. Những cây lúa không còn mướt mát xanh nữa, cây nào cũng lốm đốm trứng ốc đỏ ở trên thân như những vết bệnh. Lũ ốc ngoại lai đói khát tranh hết nguồn thức ăn, và môi trường của sinh vật bản địa. Giờ đây trên những cánh đồng những loại ốc đồng hiền lành, tội nghiệp đã hầu như tuyệt chủng.
Thời hiện đại, tiện nghi và vật chất, xóm tôi giờ đã thành phố xá. Nhà cửa chen nhau mọc lên. Con suối Làng Đanh bị lấn chiếm thu hẹp thành những đoạn kênh bé tẹo. Dòng nước đen ngòm lờ đờ, nhiều chỗ nghẹn ứ vì rác thải. Khu nghĩa trang của xóm là khoảng đất cuối cùng vừa được san phẳng chia lô.
Cơn mưa cuối hạ ào qua mang theo không khí ngột ngạt. Ngồi lặng yên tôi chờ mãi... tiếng “ệp... ệp…” đón mưa ở phía cuối vườn.
Bút ký. Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...