Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
12:50 (GMT +7)

Thư Lev Tolstoï gửi Gandhi

Chắc ít ai trong chúng ta không biết đến Lev Tolstoï (28/08/1828 - 07/11/1910) với tên đầy đủ là Lev Nikolaïevitch Tolstoï  và Mahatma Gandhi (02/10/1869-30/01/1948) với tên hoàn chỉnh là Mohandas Karamchand Gandhi.

Người thứ nhất là đại văn hào Nga, cha đẻ của tác phẩm nổi tiếng Chiến tranh và Hòa Bình (1864-1869), Anna Karrina (1873-1877), Phục Sinh (1899), Người Cossacks (1863) và còn nhiều tác phẩm lừng danh khác. Ông đã để lại cho nhân loại một khối tác phẩm văn chương đồ sộ và phần nhiều đã được dịch ra tiếng Việt. Những tác phẩm của ông khắc họa đời sống dân tộc Nga thời Sa hoàng, nhưng qua các tập tiểu luận, ông luôn nêu chính kiến thế giới quan, nhân sinh quan của ông trước chính quyền đương thời và tầng lớp tăng lữ, ông luôn mong muốn đưa ra ánh sáng các tầm quan trọng của nền văn minh.

Người thứ hai có thể nói là cha đẻ của nền độc lập dân chủ Ấn Độ, ngài Gandhi, đương thời nhiều người dân Ấn Độ đã gọi ông là Quốc phụ. Ông là một nhà lãnh đạo tinh thần quan trọng và một chính trị gia theo đường lối ôn hòa và phi-bạo lực. Ông đã hiến trọn đời mình cho đất nước Ấn Độ. Ngài đã bị một kẻ quá khích ám sát và qua đời ở tuổi 78.

Lev Tolstoï - đại văn hào Nga

Trong lịch sử nhân loại đã có những cuộc trao đổi qua thư mang tầm lịch sử, những cuộc trao đổi không ngờ, không được đánh giá đúng tầm nhưng đã thay đổi được dòng chảy thế giới: cuộc hội ngộ qua thư giữa Gandhi và Tolstoï là một minh họa điển hình. Vào năm 1908, khi các nhà hoạt động vì quyền lợi của người Ấn Độ tại Nam Phi, sau khi đã đọc Thư gửi một người Hin-du của Tolstoï, trong đó đại văn hào ở tuổi bát tuần bảo vệ chính sách phi-bạo lực, mà Gandhi dám lên tiếng ngỏ lời đến ông thầy người Nga, thì bắt đầu một thời kỳ ngắn ngủi trao đổi qua thư giữa hai con người vĩ đại này.

Và sau đây là lá thư cuối cùng, lá thư xúc động và hoàn chỉnh nhất của Tolstoï, lá thư được viết trước khi đại văn hào qua đời hai tháng. Khi ấy Romain Rolland - một văn hào Pháp, một khuôn mặt quan trọng trên văn đàn thế giới cùng thời, đã tiên đoán rằng lá thư này sẽ gắn mãi với lịch sử tựa như “kinh phúc âm về phi-bạo lực mà Gandhi, bằng hành động anh hùng trong suốt cuộc đời mình, đã tôn phong”. Một đoạn nhân chứng, lưu truyền ý tưởng về phi-bạo lực (điều sẽ dẫn tới nền độc lập của Ấn Độ), lá thư cuối cùng của Tolstoï gửi đến Mahatma: một lá thư lịch sử!

Ngày 7 tháng 9  năm 1910

Tôi đã nhận được cuốn tạp chí Dư luận Ấn Độ của ngài, và tôi rất lấy làm vui sướng khi khám phá những quan điểm về phi-kháng cự được trình bày trong đó. Và tôi mong muốn được chuyển đến ngài những suy nghĩ nảy sinh trong tôi khi đọc những bài viết của ngài.

Tôi càng sống và khi cái chết đến gần thì tôi càng muốn bày tỏ những tình cảm sâu xa nhất của mình. Với tôi, cái mà người ta gọi là “Phi-kháng cự” là một điều cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, điều phi-kháng cự này không là gì khác ngoài sự giáo dục về tình yêu, không bị xuyên tạc bởi những cách hiểu sai lệch. Tình yêu - có nghĩa là khao khát hướng tới sự đồng điệu của tâm hồn con người và hành động mà sự khao khát ấy đem lại - tình yêu là luật thượng đẳng, duy nhất của đời sống nhân loại. Bất kỳ ai cũng biết điều đó vì đã cảm nhận được từ trong sâu thẳm nhất của tâm hồn mình - chúng ta nhận thấy điều này rất rõ nơi con trẻ - bất kỳ người đàn ông nào cũng biết điều đó cho đến ngày xuất hiện sự dối trá trong cách giảng dạy, khi các ý tưởng lâm vào tình trạng lộn xộn. Luật này đã được tuyên bố bởi tất cả các nhà hiền triết trên hành tinh, các hiền triết Ấn Độ và Trung Hoa cũng như các hiền triết châu Âu, Hi Lạp và La Mã. Và tôi nghĩ rằng luật ấy đã được Christ bày tỏ rất mạch lạc khi ngài nói: “Luật duy nhất chứa đựng toàn bộ mọi qui tắc và các lời tiên tri”. Chúa đã đi xa hơn thế. Dự báo sự biến dạng có thể đe dọa luật này, Người đã chỉ rõ mối nguy hiểm của sự biến thái mà con người trong thế giới ngày nay đã có thói quen chỉ sống vì lợi ích của chính mình. Quả vậy, như chính đức Chúa đã nói, con người tự cho phép bảo vệ lợi ích cá nhân bằng vũ lực, dùng cú đấm để đối đáp với nhau, dùng sức mạnh lấy lại đồ vật bị chiếm đoạt. Người biết rõ điều mà bất kỳ sinh linh sống có tình lý đều không thể không biết, rằng sử dụng vũ lực và tình yêu là hai điều không thể hòa hợp - tình yêu, luật cốt tử của cuộc sống. Trong bất kỳ tình cảnh nào, một khi bạo lực được thừa nhận, luật tình yêu bị thừa nhận là bất lực, thì từ đó sẽ nảy sinh ra sự phủ nhận luật này. Toàn bộ nền văn minh cơ đốc, có vẻ ngoài quá đỗi rực rỡ, đã được phát triển trên nền móng của những mâu thuẫn và thật kỳ lạ, những hiểu lầm rõ ràng hiển nhiên ấy đôi khi là có ý thức, nhưng thường xuyên là vô thức.

Trên thực tế, ngay khi sự kháng cự được thừa nhận tồn tại song song bên cạnh tình yêu, thì tình yêu ấy đã mất, không thể tồn tại nữa như qui tắc sống đầu tiên. Và không có luật tình yêu, thì chỉ còn có luật của bạo lực, có nghĩa là luật của kẻ mạnh. Nhân dân Công giáo đã trải qua như thế trong suốt mười chín thế kỷ. Đúng là trong mọi thời đại, con người thường buông thả vào bạo lực để tổ chức cuộc sống. Nhưng sự khác nhau giữa các dân tộc Thiên chúa giáo và tất cả các dân tộc khác nằm trong vấn đề kép sau: luật tình yêu, mà trong thế giới Thiên chúa giáo đã được thực hiện hết sức minh bạch, cụ thể mà không một nền giáo dục tôn giáo nào khác có được; và những đứa con trong thế giới Thiên chúa giáo đã chấp nhận, trong khi vẫn tự cho phép hành động bằng bạo lực. Hơn nữa, do họ xây dựng cuộc sống trên nền bạo lực ấy, toàn bộ sự tồn tại của các dân tộc Thiên chúa giáo chỉ đại diện cho một mâu thuẫn tuyệt đối giữa những gì họ giao giảng và trên nền tảng mà họ xây dựng cuộc sống. Mẫu thuẫn giữa tình yêu, được thừa nhận như là luật đầu tiên, và bạo lực, được công nhận như là sự cần thiết dưới mọi hình thức của nó: quyền lực của các nhà cầm quyền, tòa án, quân đội, những cơ quan công quyền mà chúng ta phải phục tùng và ca ngợi những thành tích của chúng. Mâu thuẫn này đã không ngừng lớn lên cùng với sự phát triển của các con chiên Công giáo để chạm tới cấp độ lớn nhất của nó trong những thời kỳ gần đây.

Mahatma Gandhi - cha đẻ của nền độc lập dân chủ Ấn Độ

Ngày nay vấn đề là như sau, với sự xen kẽ này: hoặc hiểu rằng chúng ta bác bỏ toàn bộ mọi giáo huấn đạo đức và tôn giáo và hiểu rằng cuộc sống của chúng ta chỉ được xây dựng bằng quyền lực của kẻ mạnh, hoặc trách nhiệm của chúng ta là xóa bỏ chế độ vốn đã được xây dựng trên nền tảng bạo lực, với các khoản thuế, các thể chế pháp luật, cảnh sát và trên hết là quân đội của chế độ đó.

Mùa xuân năm trước, đã diễn một kỳ kiểm tra về “Zakone Boji” trong một trường dành cho nữ sinh ở Matxcơva. Thầy giáo dạy môn “Zakone Boji”, rồi đến giám mục có mặt, đã thẩm vấn các thiếu nữ về các điều răn và đặc biệt nhất là điều thứ sáu. Sau toàn bộ câu trả lời liên quan đến điều thứ sáu này (“Con sẽ không được giết người”), thì giám mục đôi khi đặt một câu hỏi khác: trong bất kỳ tình huống nào, án mạng có phải luôn bị Luật Chúa Trời cấm không? Và do được các thầy nuôi dạy trong dối lừa, nên các thiếu nữ bất hạnh phải trả lời và đã trả lời: “Không phải luôn luôn đâu ạ. Giết người được phép thực hiện trong chiến tranh và cũng được thực hiện để trừng phạt tội phạm.” Tuy nhiên một trong các thiếu nữ ấy, đây không phải là chuyện bịa đặt đâu, mà là một việc có thực được một nhân chứng kể lại - bị người ta hỏi: “Án mạng có phải luôn luôn bị cho là phạm tội không?”, cô bé ấy đã trả lời kiên quyết, rất xúc động và mặt đỏ bừng: “Giết người đã luôn luôn bị cấm, trong Kinh Cựu ước cũng như bởi Chúa Jésus; và không chỉ giết người thôi đâu, mà bất kỳ việc tà ác nào chống lại đồng loại thì đều bị cấm.” Và chính vị Giám mục, với tất cả sự oai vệ uy nghiêm và tài hùng biện thuần thục của mình, đã phải câm miệng. Thiếu nữ ấy đã chiến thắng trong kỳ thi.

Vâng, trong các tờ báo của mình, chúng ta có thể nói đến sự tiến bộ trong ngành hàng không, các mối quan hệ ngoại giao phức tạp, về các câu lạc bộ khác nhau, những khám phá, các liên minh đủ loại, về các tác phẩm mà ta đánh giá là nghệ thuật và không thèm đề cập đến câu trả lời của thiếu nữ kia. Nhưng dẫu sao cũng không thể để nó trôi đi trong im lặng được, bởi mọi sinh linh thuộc về thế giới Công giáo đều lờ mờ ít nhiều cảm thấy sự thật trong câu trả lời này. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô chính phủ, Đội quân Cứu thế, tình trạng phạm trọng tội ngày càng tăng, nạn thất nghiệp, sự sang trọng tăng dần, điên khùng, giới giàu có và sự khốn cùng của giới nghèo hèn, con số tăng trưởng của số người tự tử - tất cả đều bộc lộ, tất cả đều làm chứng cho thấy rằng sự mâu thuẫn bên trong chắc là có và không thể giải quyết được. Còn về giải pháp, chỉ có một thôi, giải pháp thừa nhận luật của tình yêu thương và từ bỏ toàn bộ mọi hành động bạo lực.

Chính vì thế hoạt động của ngài ở Transvaal, xứ sở hình như là hẻo lánh nhất trái đất, là một thành tựu cốt yếu, thành tựu quan trọng nhất trong số tất cả mọi thành tựu đang diễn ra trên thế giới. Và các dân tộc Công giáo sẽ không phải là những người duy nhất tham gia vào đó - tất cả mọi quốc gia đều có phần của mình.

Tôi nghĩ rằng ngài sẽ rất vui khi biết rằng hoạt động này cũng đang phát triển nhanh chóng ở nước Nga của tôi, dưới hình thức từ chối nghĩa vụ quân sự. Và con số từ chối này tăng dần từ năm này sang năm khác. Dẫu nhỏ đến nhường nào thì con số những người ủng hộ phi-bạo lực ở nước ngài và những người trốn lính ở nước Nga của tôi, thì cả hai nơi đều khẳng định một cách mạnh bạo rằng Chúa Trời đứng về phía họ và ủng hộ họ. Và Chúa Trời luôn mạnh hơn con người.

Sự thực hành của Công giáo, dẫu dưới khía cạnh hư hỏng mà những dân tộc con chiên của đạo này đã gây ra và việc đồng thời thừa nhận sự tồn tại cần thiết của quân đội, vũ khí nhằm phục vụ những án mạng gây ra trên diện rộng lớn nhất trong thời chiến tranh cho thấy, tôi xin được nhắc lại, một sự mâu thuẫn khủng khiếp, rõ ràng, khiến người ta phẫn nộ. Hết sức gây phẫn nộ đến nỗi mà sớm hay muộn và có thể là chẳng mấy nữa, nó sẽ được tất cả thừa nhận. Khi ấy con người sẽ thấy mình bị bắt buộc, hoặc chối bỏ Công giáo vì sự duy trì các nhà cầm quyền, hoặc phải kết thúc với sự duy trì quân đội và bạo lực mà các quân đội đó ủng hộ - những hoạt động này thì cũng cần thiết cho các chính phủ.

Các chính phủ nhận thức rõ điều này - mâu thuẫn với nước Anh của các ngài - hệt như mâu thuẫn của chúng tôi. Nhưng đó là bản năng bảo tồn. Chính vì thế nên cuộc chiến chống bạo lực còn được tiếp tục mãnh liệt hơn bất kỳ hoạt động chống chính phủ nào khác của các chính quyền, Nga và Anh - chúng tôi nhìn thấy điều này ở Nga, và chúng tôi biết được điều ấy qua các bài báo trong Tạp chí của ngài. Những chính phủ này biết đâu là sự đe dọa nghiêm trọng nhất đối với họ và họ rất thận trọng giám sát gắt gao điều đó, bởi với họ đây không chỉ là lợi ích mà còn là tồn tại hay không tồn tại của họ.

Xin gửi tới ngài niềm trân trọng nhất nơi tôi!

Lev Tolstoï.

 

Hiệu Constant (Sưu tầm và dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước