Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:59 (GMT +7)

Thoát nghèo nhờ cây quýt

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Từ một nông dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại xóm Nà Canh, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai nhưng nhờ nỗ lực vươn lên, ông Bế Văn Khương (52 tuổi) đã mạnh dạn đột phá trồng cây quýt. Nơi xóm núi nghèo heo hút, từ thứ quả lành thơm ngon đó ông đã đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên thành hộ làm kinh tế giỏi. 


Quả lành

Mới đầu đông khí trời vẫn khá ấm. Từ trung tâm huyện Võ Nhai chạy xe thêm gần 30 km đường núi mới đến Phương Giao - một trong những xã vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất của huyện. Đi thêm quãng đường đất chừng 4 km nữa mới đến xóm Nà Canh. Đồi núi trập trùng hoang vu. Những tia nắng le lói đầu đông không thể đẩy lùi cái lạnh nơi này. Đứng trên đỉnh con dốc nhìn xuống những ngôi nhà sàn ẩn sau lớp sương trắng đang bay nhè nhẹ. Dừng xe hỏi ông Khương trồng quýt, không ai là không biết.

Trong căn nhà gỗ nằm khuất dưới những đám cây ở đầu xóm, ông Bế Văn Khương đang một mình hát Karaoke từ dàn loa máy của gia đình. Ngôi nhà gỗ của ông không rộng nhưng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, tủ lạnh, bàn ghế, tivi, loa đài…

Thấy khách đến ông vui như gặp người thân. Rót chén chè xanh, ông cười chất phác: “Hôm nay trời mưa nên mới gặp tôi ở nhà, như mọi khi thì giờ này vợ chồng tôi đang ở trong lân (ngôn ngữ địa phương dùng chỉ một vùng đất nhỏ trong núi) hái quýt rồi. Nhờ có cây quýt mới dễ sống hơn một tí. Tập trung vào nó mới mở mang được…”. Và cứ thế ông kể say sưa với khách câu chuyện về loại cây ăn quả giúp gia đình ông đổi đời.

5 năm trở lại đây, khi vườn quýt bắt đầu cho thu nhập, kinh tế gia đình ông có sự thay đổi rõ rệt. Hiện nay, với diện tích khoảng 1,3 ha, gia đình ông Khương đang có tổng số hơn 1000 gốc quýt các loại. Đấy là chưa tính số lượng những cây cam ông mới trồng. Trồng quýt cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Ông Khương tính: Mỗi kg quýt bán tại vườn dao động từ 13.000 đến 17.000 đồng tùy theo chất lượng quả. Nếu mùa được giá và lúc cao điểm ông phải thuê người hái và gánh từ trong lân mang về nhà giao cho khách với giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Một người khỏe mạnh có thể gánh được 50 đến 60 kg quýt đi đường núi mang ra. Một ngày một người có thể hái và gánh được 5 đến 7 lượt với tiền công là 30.000 đồng/1 lượt. Gần 1000 cây quýt, bình quân mỗi năm cho thu hoạch ít nhất cũng hơn 10 tấn quả trở lên, trừ chi phí, một năm nhà ông thu về số tiền khoảng từ 150 đến 200 triệu. Vợ chồng ông có 4 người con. Nhờ tiền bán quýt các con ông đều được theo học hết cấp 3. Hiện tại các con ông đều đã có gia đình và ra ở riêng. Căn nhà rộng giờ chỉ còn vợ chồng ông ở. Ông thủng thẳng khoe: “Thằng con trai lúc mới đi nghĩa vụ về nó bảo, bố cho con học lái xe. Đi học lái xe? Ừ thì đi học. Ông nghĩ mua xe đẹp thì phải cố chứ loại tầm trung thì ở trong tầm tay…”. Thế là cậu con trai lớn sau khi đi học lái xe và lập gia đình ông bà đã cho ra ở riêng và cấp luôn vốn mở một của hàng tạp hóa ở ngoài đường lớn để buôn bán, lại mua luôn cho chiếc ô tô để chở hàng hóa, phát triển kinh tế. Làm ăn khấm khá, vừa rồi con trai ông cứ nằng nặc đề xuất đón bố mẹ về ở chung để tiện công việc và chủ yếu để báo hiếu. Vậy mà vợ chồng ông nhất định không màng. Bởi ông thấy sức khỏe vẫn còn tốt. Hơn thế ở tại ngôi nhà cũ này dù có hơi hẻo lánh nhưng lại gần lân quýt, tiện cho ông bà vườn tược. Vả lại mấy năm tới ông còn nhiều dự định với cây quýt.

Ngồi râm ran chuyện về cây quýt thoáng đã hết tiếng đồng hồ. Đến giờ vào lân hái quả. Vai mang quang gánh tay cầm con dao để phát cây, vợ chồng ông dẫn khách cùng vào thăm lân. Lân quýt nhà ông cách đó khoảng 2km đường núi, đi xe máy được một đoạn là phải dừng lại đi bộ, vượt qua đoạn đường dốc đá khá trơn trượt nữa mới tới. Đến những đoạn đường hiểm trở ông vừa phát cây, vừa kể về những ngày gian khó khi khai phá mảnh đất này.

Cái khó ló cái khôn

Nơi ông Khương chọn để phát triển giống quýt là một thung lũng nhỏ, hai bên núi đá chót vót bao quanh. Đứng trên triền dốc mà nhìn vườn của ông Khương và mấy hộ gia đình khác thì chỉ thấy một màu xanh ngắt, chạy dài từ chân núi bên này sang đến núi bên kia những cây cam và quýt. Theo kinh nghiệm xưa để lại thì đất và khí hậu ở những lân nhỏ là phù hợp cho cây cam, cây quýt phát triển nhất.

Bước vào vườn quýt chúng tôi cảm thấy như bị một lực hút vô hình cuốn lấy. Những cây quýt to xanh tốt cao tới hơn 3 mét phủ những tán lá rộng khắp. Phía trên vô vàn những quả quýt đang đua nhau rung rinh như đánh đu. Với tay hái một quả chín vàng bằng nắm tay nếm thử. Ồ! Đúng là giống quýt Bắc Sơn. Quả quýt thơm lựng róc vỏ, ít sơ, múi quýt căng mọng có vị ngọt đậm cùng vị chua nhưng không gắt.

Vợ chồng ông Khương tại lân quýt

Ngoài giống quýt này hiện tại trong vườn ông Khương còn trồng thêm quýt ngọt, cam bo, cam sành. Để có vườn cây giá trị như thế này mấy ai hiểu được ngoài sự vất vả và tâm huyết thì ông Khương đến với cây quýt như là một cơ duyên.

Ông Khương kể: Ngày xưa ông ở mãi trong bản to (bản Xuất Tác), nhà có 11 anh chị em. Mọi người đều xây dựng gia đình và ra ở riêng hết. Chỉ còn mỗi vợ chồng ông là ở lại cùng bố mẹ. Ngày đó gia cảnh khó khăn lắm, làm không đủ ăn, lại phải nuôi các con học hành, vừa làm ruộng hằng ngày ông Khương phải đi xẻ gỗ thuê. Cuộc sống tù túng và khổ cực nhìn những hộ gia đình khác khá giả hơn ông chạnh lòng.

Một lần đi xẻ gỗ, khát nước ông hái trái quýt ở rừng ăn và tự nhủ: Tại sao các cụ ngày xưa trồng quýt tận trong rừng, gần như để chúng mọc hoang mà cây quýt quả vẫn sai lúc lỉu? Qua nhiều năm vì đường xá khó khăn quýt không bán được và thành cây quýt cổ thụ rồi chết đi. Ông thấy tiếc và trong đầu bỗng lóe lên một ý nghĩ táo bạo. Về nhà ông bàn nhỏ với vợ. Thế là năm 1994 ông xin bố mẹ cho ra ở riêng để khai phá đất đai. Ông bán con trâu bố mẹ chia cho, mua đất và dựng tạm ngôi nhà nhỏ ở chỗ hiện tại rồi cùng vợ mở đường vào tận lân quýt bây giờ để khai phá, vỡ đất trồng sắn trồng ngô. Và bắt đầu thực hiện ước mơ. Ngoài cây ngô là cây trồng chủ đạo ông mạnh dạn thay đổi giống cây trồng, và từ đây cây quýt - giống quýt Bắc Sơn nổi tiếng thơm ngon đã trở thành duyên nợ đối với gia đình ông.

Những ngày đầu thử nghiệm với bao khó khăn, mặc dù đất đai khí hậu ở đây không khác biệt mấy so với Bắc Sơn - Lạng Sơn. Nhưng là lần đầu tiên trồng và chăm sóc theo kiểu đại trà như vậy cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Không ngại khó khăn, xa xôi tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây của các gia đình ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Vì không có tiền đầu tư nên gia đình ông thời điểm đó chỉ trồng khoảng 100 cây. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” sau một năm khi cây quýt đã thích nghi với đất ông còn trồng xen kẽ với các loại cây trồng ngắn ngày khác như lạc, đậu tương, ngô… để có thêm thu nhập. Kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo nguồn vốn cho cây quýt. Gia đình ông bắt đầu đẩy mạnh trồng quýt từ năm 2007 sau vài năm lớp cây đầu tiên đã cho quả, những cố gắng của ông trong suốt những năm qua đã được bù đắp. Tính đến năm 2012 tổng số cây trong vườn đã được nâng lên một con số đáng nể, gần 1000 cây. Những cây cho ra trái tới khoảng 600 cây, những cây khỏe, không bị sâu bệnh trung bình ông thu hoạch được 2 đến 3 tạ/cây.

Không phụ công người

Với mô hình trồng cây ăn quả, cây quýt đã thành nguồn sống và giúp gia đình ông thoát khỏi cái nghèo đã đeo bám trong suốt thời gian dài, để vươn lên thành một hộ gia đình khá giả trong vùng. Nhìn thấy được thành quả mà cây quýt đem lại cho gia đình ông những người sống trong thôn ai cũng hết lời khen ngợi. Nhiều gia đình trong vùng đã tìm đến ông và muốn được ông giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, đều được ông tận tình chỉ bảo. Không những vậy, những gia đình nào khó khăn ông còn tạo điều kiện và cấp cây giống cho họ trồng. Anh Toàn, một người dân trong thôn tâm sự: “Tôi trồng quýt từ năm 2012, lúc đó khó khăn nên không có tiền mua cây giống, toàn bộ cây con đều được chú Khương cung cấp cho miễn phí. Giờ đây tôi đã có một vườn cây nho nhỏ khoảng 300 cây quýt, năm vừa rồi đã bắt đầu cho ra trái”. Còn anh Thưởng, người có vườn quýt ngay sát vườn nhà ông Khương cho biết thêm: “Vườn cây của tôi được trồng từ thời ông nội tôi, lúc đó chủ yếu là những cây quýt ta, quả nhỏ lại chua. Từ lúc ông Khương trồng giống quýt này tôi mới học theo và giờ đây cũng có được một vườn quýt ngọt”.

Nhìn vườn quýt, ông Khương không khỏi tự hào. Giọng ông thảnh thơi: Để có được vườn quýt như hôm nay nhiều lúc cũng phải trăn trở và mất ngủ đấy các anh ạ! Ông bật mí: Chế độ phân bón là một yếu tố cực kỳ quan trọng để đem lại hiệu quả cao cho cây trồng. Đặc thù của loại cây này là thích nghi với khí hậu mát mẻ, chính vì vậy việc chăm sóc và bón phân cho cây đòi hỏi phải đúng thời điểm và đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra cũng tùy vào mức độ trưởng thành và cho quả của cây mà có chế độ chăm sóc hợp lý. Thời điểm bón phân cho cây tốt nhất là đầu tháng giêng sau khi đã thu hoạch xong. Ngoài các loại phân lân và phân hữu cơ bón cho cây còn phải chú trọng đến vấn đề cải tạo trồng. Mỗi năm còn phải cho xuống vườn một lượng vôi bột nhất định để khử chua cho đất. Làm như vậy vừa phòng bệnh và quả quýt sẽ không bị chua.

Ngoài chăm bón thì việc phòng trừ sâu bệnh cũng rất quan trọng. Cây quýt hay bị sâu đục thân. Để nhận biết rõ nhất về loại bệnh này thì quan sát vào lá của cây, khi thấy lá ngả vàng nhạt, hoặc ngọn cây bị “quăn” lại, xuất hiện những vệt đốm màu đen nâu thì cây đó trăm phần trăm là đang bị sâu đục thân. Để đối phó với loại bệnh này mùa xuân ông Khương quan sát thấy những cây nào có bọ cánh cứng hay bám vào thân cây đẻ trứng. Lúc này ông dùng thuốc để diệt trừ và xua đuổi sâu. Còn nếu như sâu đã đục vào thân cây rồi thì cách hiệu quả nhất là dùng đất sét dẻo bịt kín những miệng lỗ, hốc mà sâu đục vào. Sau một thời gian ngắn thiếu không khí, sâu sẽ tự chết.

Ông Khương phải bắc vài trăm mét đường ống nước để tưới quýt

Trên mỗi cây quýt, thỉnh thoảng ông Khương lại treo một lọ nhựa nhỏ, phía trên miệng khoét rỗng. Thấy tôi thắc mắc ông Khương giải thích: Đấy là bẫy ruồi vàng, lúc quả gần chín, các loại côn trùng như ruồi vàng, thường gây hại bằng cách chích lên quả làm cho quả bị vàng thối và rụng. Sau thời gian theo dõi, học hỏi ông Khương tự nghiên cứu cắt các lọ nhựa và mua thuốc diệt ruồi vàng bỏ vào đấy. Ruồi bị dẫn dụ bay đến ngửi thuốc và rơi xuống chết. Với cách này, vừa giữ được quả cây không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật lại không tốn kém. Nhờ đó quýt của ông rất đẹp mã, được ưa chuộng trên thị trường.

Tâm huyết của ông là như vậy nên cây quýt không phụ công người. Giờ đây đã trở thành ông chủ của một vườn cây ăn trái lớn nhất xã. Nhiều năm liền ông được hội Cựu chiến binh của xã bầu chọn là người làm kinh tế giỏi. Năm 2013 ông được lãnh đạo huyện Võ Nhai tặng bằng khen về điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của xã. Từ tiền bán quýt ông Khương đã mạnh dạn trồng thêm hơn 3 ha rừng sắp cho thu hoạch và chăn nuôi lợn rừng, gà đẻ trứng. Thế mới biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng đó là một yếu tố quan trọng, và nó càng quan trọng hơn đối với những người dân nghèo nơi hoang sơn, hẻo lánh này. Tuy vậy, dù gặp hai vợ chồng ông Khương tôi vẫn thấy chạnh buồn, bởi như ông Khương kể thì: thanh niên trong xóm hiện đang li nông, đi ra ngoài làm công nhân hết rồi.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước