Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
09:06 (GMT +7)

Thơ trẻ thế hệ 9X trong chuyển động của thơ Việt Nam đương đại

Thơ trẻ là một khái niệm mang tính qui ước, nó khá lỏng lẻo và khó phân định. Theo chúng tôi, có hai tiêu chí khả dĩ để có thể nhận diện “thơ trẻ”: một là độ tuổi và hai là đặc điểm tư duy và quan niệm thẩm mĩ.

Về độ tuổi, nhiều người dùng khái niệm “thơ trẻ” để chỉ những người trẻ làm thơ thuộc thế hệ từ cuối 7X trở lại đây. Tại sao lại là từ cuối 7X mà không phải là từ 8X? Chính là vì căn cứ vào sự dịch chuyển về hệ hình tư duy khá rõ của thế hệ này so với các thế hệ trước đó. Cụ thể là sự dịch chuyển hệ hình tư duy từ hiện đại sang hậu hiện đại.

Trong hai tiêu chí kể trên thì hình như tiêu chí về tuổi tác có phần lỏng lẻo và nhẹ nhàng hơn. Không thể mặc định cứ tuổi khoảng dưới 40 thì được coi là trẻ, trên 40 thì gọi là già. Giới hạn và khu biệt như thế sẽ trở nên vô nghĩa và vô lí. Chúng tôi quan niệm, trẻ không phải ở tuổi tác mà ở cách nghĩ, cách tư duy. Vậy nên, ngay cả trong khái niệm “thơ trẻ” như cách hiểu bấy lâu cũng đã đến lúc phải phân chia lại, bao gồm thơ thế hệ cuối 7X, 8X và thơ trẻ thế hệ 9X.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, năm 2022

Nếu như thế hệ của Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải,… đã được định vị khá rõ từ giới phê bình, nghiên cứu văn học thì Nguyễn Thị Kim Nhung, Lê Quang Trạng, Nguyên Như, Phùng Thị Hương Ly,… lại đang rất cần được cắt nghĩa và định vị. Họ là những nhà thơ trẻ thế hệ 9X. Họ đại diện cho “thơ trẻ” ở thì hiện tại với một hệ hình tư duy và quan niệm thẩm mĩ khá mới mẻ, cùng với một sự dấn thân, đôi khi ngạo nghễ, vượt qua những giới hạn ở từ hai phía: phía của sự khởi đầu (để phân biệt với các thế hệ thơ trước) và phía của những giới hạn tưởng như đã được ổn định (trong sự nhận diện, thẩm bình, đánh giá về các nhà thơ trẻ, chủ yếu thuộc thế hệ 8X). Vậy thơ trẻ thế hệ 9X - họ là ai và họ đang ở đâu trong đời sống thơ ca đương đại?

Theo chúng tôi, thế hệ thơ 9X có một “mã vạch” riêng để phân định về độ tuổi và thời gian xuất hiện trong đời sống văn chương với tư cách là một tác giả. Sự khác biệt với thế hệ thơ Cách mạng thì đã là điều không phải bàn cãi, nhưng sự phân định với thế hệ cuối 7X và 8X thì chỉ là một lằn ranh, mỏng manh và khá mờ nhạt. Bởi lẽ, trong sáng tạo nghệ thuật và cả trong cuộc sống, việc hơn kém nhau chừng trên dưới chục tuổi vẫn thường được coi là cùng thế hệ. Vậy nên, về độ tuổi và trong cách quan niệm của nhiều người, họ vẫn đều là “thơ trẻ”. Họ giống nhau trong thế đối lập với cái gọi là “thơ già” ở cả phương diện độ tuổi và tư duy nghệ thuật. Tuy nhiên, với một cái nhìn cẩn trọng và thấu đáo, ở họ còn có những/nhiều điểm không thật sự trùng khớp với nhau.

Nếu như thế hệ cuối 7X, 8X được sinh ra từ ngay sau chiến tranh và cơ chế bao cấp, trong kí ức tuổi thơ của họ vẫn cơ hồ còn lại những hình ảnh về một thời khốn khó, thì các nhà thơ thế hệ 9X lại được lớn lên hoàn toàn trong cơ chế thị trường đã dần ổn định, khi cái đói, cái nghèo đã không còn là những ám ảnh. Mặt khác, trong thời đại internet và công nghệ thông tin đã xuất hiện và trở nên phổ biến, thế hệ 9X lớn lên vừa vặn với việc tiếp thu tri thức và tư tưởng của nhân loại một cách tự nhiên, không gượng ép và không hạn chế. Điều này làm cho họ (thế hệ thơ 9X) bộc lộ tư tưởng thẩm mĩ một cách rõ ràng và nhất quán hơn. Đó là một trong những lí do để “bóc tách” thơ 9X thành một đối tượng nghiên cứu riêng trong không gian chung của “thơ trẻ” cũng như sự chuyển động của đời sống thơ ca Việt Nam đương đại.

Nhìn về xa hơn nữa, ta thấy thế hệ các nhà thơ mới ở đầu thế kỉ XX xuất hiện gần như đồng thời và không có mấy chênh lệch về tuổi tác (đều ở độ tuổi trên dưới 20), thì những gương mặt thơ 9X xuất hiện có phần dè dặt hơn. Họ không ồn ã, gây “náo loạn” văn đàn (bởi hiện tượng “lệch chuẩn” với thẩm mĩ truyền thống) như thế hệ cuối 7X và đầu 8X. Nguyên do có thể, về mặt tư tưởng, họ chỉ được coi là vệt kéo dài (của thơ trẻ) trong hành trình chuyển dịch hệ hình tư duy từ hiện đại sang hậu hiện đại. Mặt khác, cách tân của họ không mang tính xu thế (chỉ là những dấu ấn cá nhân) và có vẻ chưa rõ ràng. Phần lớn họ còn đang loay hoay trong hành trình kiếm tìm bản thể trong một tâm thế mới. Nhưng có điều, có vẻ như họ không còn tán đồng với những gì mà thế hệ 8X đã biểu hiện và được xem như là thành tựu. Điều này cơ hồ tạo ra những khác biệt cần thiết và mang đến những sắc màu mới trong đời sống văn học đương đại. Họ cần được đánh giá nhưng chưa/không thể kết luận vội vàng. Ở họ, ta bước đầu nhận ra những dấu ấn hoặc một sự chuyển dịch từ tốn, thầm lặng mà khá chắc chắn. Những cái tên đã trở nên ít nhiều quen thuộc, hoặc còn khá xa lạ với số đông bạn đọc, nhưng dấu hiệu để nhận diện họ thì ngày càng rõ rệt.

Ở thời điểm hiện tại, có thể kể tên các tác giả thơ 9X như một cách điểm danh để kiểm tra trí nhớ của mỗi người, đồng thời như một sự vương lại từ những tản mát trong đời sống văn chương mà ta có được, hơn là một sự sắp đặt của nhận thức lí tính về sự hơn/kém trong lối viết của họ. Bằng cách đó, ta có được những Lê Ngọc Dũng - Nguyên Như (1996, Đắk Nông), Lê Tuyết Lan (1995, Tiền Giang), Nguyễn Lữ Thu Hồng (1992, Gia Lai), Vân Phi (1990, Bình Định), Nguyễn Đức Hậu (1997, Hà Nam), Trương Công Tưởng (1990, Bình Định), Lê Quang Trạng (1996, An Giang), Vàng A Giang (1993, Lào Cai), Phùng Thị Hương Ly (1991, Bắc Kạn), Lê Đình Tiến (1990, Hưng Yên), Nguyễn Thị Kim Nhung (1990, Phú Thọ), Phan Đức Lộc (1995, Nghệ An), Nguyễn Thị Hương Giang (1997, Hà Tĩnh)…

Dễ nhận thấy, các tác giả 9X phần nhiều có thiên hướng theo con đường viết văn chuyên nghiệp. Họ ý thức về sự chọn lựa của mình bằng cách theo học sáng tác văn chương một cách bài bản (Nguyễn Thị Kim Nhung, Phùng Thị Hương Ly, Lê Ngọc Dũng (Nguyên Như),… đều là những sinh viên, cựu sinh viên khoa Sáng tác - PBVH tại trường Đại học Văn hóa, Hà Nội). Tiếp nhận lí thuyết về sáng tác văn chương cũng như kinh nghiệm của các bậc thầy và thế hệ đàn anh đi trước là cách mà họ đang theo đuổi. Ở tuổi ngoài hai mươi, trong số họ đã có người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và/hoặc công tác ở những môi trường liên quan trực tiếp đến đời sống văn học nghệ thuật với tư cách là biên tập viên của các báo, tạp chí, các Hội VHNT (Nguyễn Thị Kim Nhung, Lê Quang Trạng). Thơ của họ xuất hiện thường xuyên, đều đặn trên các diễn đàn, các địa chỉ văn chương. Mới đây, trong cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (một trong những tạp chí văn nghệ có uy tín hàng đầu trên cả nước), nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly (Bắc Kạn) đã xuất sắc giành được giải nhì (không có giải nhất). Đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi thơ với qui mô lớn và sự góp mặt của hàng nghìn tác giả, trong đó có rất nhiều cây bút đã thành danh, không phải là một việc dễ dàng. Đó là một vinh dự, một niềm tự hào không chỉ đối với nhà thơ trẻ Phùng Thị Hương Ly, mà còn là cách để “trình làng” của thơ trẻ 9X.

Tắm mình trong thế giới của văn chương thời công nghệ số, khi mà không có những giới hạn cho việc khám phá và tiếp cận tri thức, làm giàu vốn sống, các tác giả 9X đã có ưu thế rất lớn trong việc phổ biến, chuyển tải sáng tác của mình đến bạn đọc, điều mà có thể, họ còn có khả năng đi xa hơn các bậc đàn anh. Thế giới mạng với một trữ lượng người đọc khổng lồ đã làm nên tên tuổi một thời của những Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nồng Nàn Phố…, những tác giả thuộc thế hệ cuối 8X đã sở hữu một lượng “phan” đọc khổng lồ. Sáng tác của họ đã từng được in và bán tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn bản.

Các tác giả 9X hoàn toàn có thể còn đi xa hơn với ưu thế vượt trội về công nghệ và ngoại ngữ - những công cụ như là yếu tố then chốt để họ có được những độc giả trung thành, hoàn toàn xóa bỏ những giới hạn về không gian địa lí (điều mà thế hệ các nhà thơ Cách mạng hoặc ngay sau Đổi mới không có hoặc không thể làm được). Facebook xuất hiện, Facebook như một tờ báo khổng lồ mà các tác giả có thể đăng tải sáng tác mới nhất của mình một cách ngay lập tức và không hạn định. Facebook cũng là diễn đàn để các tác giả trẻ giao lưu và đăng tải những sáng tác mới nhất của mình. Các tập thơ của họ tập hợp hầu hết các bài thơ họ đã từng công bố trên không gian mạng. Vì thế, người đọc cũng đã ít nhiều biết đến trước khi cầm trên tay những tập thơ đầu tiên của họ, với một tâm thế đón đợi hơn là tò mò.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng hết sức quan tâm và nâng đỡ cho từng bước trưởng thành của những người viết trẻ, đặc biệt là các tác giả thế hệ 9X. Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc là nơi hội tụ đầy đủ nhất, các gương mặt thơ trẻ nói chung và thơ 9X nói riêng. Ở đó, tâm tư của họ được phơi bày, mong ước của họ được thổ lộ. Quan niệm của họ về nghề viết, những trăn trở của họ xung quanh những vấn đề liên quan đến thực tiễn sáng tác cũng được chia sẻ một cách chân thành. Cũng từ đó, người đọc biết đến, hiểu sâu hơn về những sáng tác đầu tay của họ. Nguyên Như với Lưng lửng hồn, Ngược tìm phía trước, Lê Thị Tuyết Lan với Vết bầm giấc mơ, Đã chín mùa yêu, Hương Giang với Bài thánh ca cho anh, Nguyễn Thị Thúy Hạnh với Di chữ, Lữ Hồng (Nguyễn Lữ Thu Hồng) với Một mai thức dậy, Vân Phi với Ngày mắc cạn, Nguyễn Đức Hậu với Mưa về cố quốc, Trương Công Tưởng với Ngồi gỡ tơ trời, Đợi những vắng xa, Lê Quang Trạng với Áp tai vào đất, Phùng Thị Hương Ly với Đi qua tôi thật chậm, Lê Đình Tiến với Mây trôi phía làng, Nguyễn Thị Kim Nhung với Thức cùng tưởng tượng và tập trường ca Từ phía sương buông,... Ngoài ra, còn có nhiều người viết thơ trẻ đã có thơ đăng tải trên các báo, tạp chí có chất lượng, uy tín về văn chương hàng đầu như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội… nhưng chưa xuất bản thành tập như Vàng A Giang (Lào Cai), Phan Đức Lộc (Nghệ An)…

Về đặc điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật của thơ trẻ 9X chắc chắn còn phải chờ đến những công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhưng chắc chắc, sẽ hứa hẹn rất nhiều thú vị. Tuy nhiên, với những gì mà các tác giả thơ 9X đã biểu hiện, có thể lạc quan mà khẳng định, rằng thơ trẻ thế hệ 9X sẽ còn đi sâu, đi xa hơn trên con đường văn chương bởi tính chuyên nghiệp và sự tự ý thức của họ.

Nguyễn Kiến Thọ - Nguyễn Thị Thu Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy