Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:53 (GMT +7)

“Thiên đường xe đạp” Hà Lan

VNTN - Thời bao cấp người Hà Nội dùng xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu, ô tô tư nhân biển trắng hầu như không có. Lúc ấy cứ tưởng Việt Nam là nước có nhiều xe đạp nhất bởi Việt Nam còn nghèo và thiếu thốn. Đi xe đạp chẳng phải nghèo là gì? Thông tin mở rộng, được đi đây đó mới hiểu ra, trên thế giới, người ta dùng xe đạp đâu phải vì nghèo. Sử dụng xe đạp không phải dùng nhiên liệu, chiếm diện tích ít trên mặt đường, gọn nhẹ và rất có lợi cho sức khỏe. Ở các đô thị lớn thì dùng xe đạp còn là giải pháp tối ưu để hạn chế tai nạn giao thông.

Qua Viên, thủ đô Áo thấy phụ nữ và trẻ em, người già, trẻ phóng xe đạp ngay trên hè đường, trên hè có làn vạch riêng cho xe đi đã thấy lạ và hay. Ở các cửa hàng ăn, cà phê, thấy bên cạnh ô tô có không ít xe đạp. Ở Pháp, Đức, Cộng hòa SEC cũng vậy.

Nghe nói nhiều về chuyện người Hà Lan dùng xe đạp hàng ngày, quanh năm nhiều nhất châu Âu. Lạ lắm. Nhưng chỉ đến lúc có mặt ở Thủ đô Amsterdam mới thấy bao chuyện lạ nơi thiên đường xe đạp này. Thành phố có hơn 800 nghìn người nhưng có hơn 1 triệu xe đạp. Ở các phố, ngõ nhờ có làn đường ưu tiên riêng sơn đỏ hoặc đen nên người đi xe phóng như “ma đuổi”, họ vội vàng đi làm, đi học và đi chơi.v.v…

Trẻ em Hà Lan làm quen với xe từ nhỏ, lên cấp 2 phải thi sát hạch về xe. Hơn 80% học sinh cấp 2 sử dụng xe đạp tới trường. Chính quyền thành phố Amsterdam cũng như các đô thị, thành phố lớn khác trong cả nước có những quy định cụ thể về việc ưu tiên cho xe đạp trên mọi nẻo đường, quy định chỗ để xe và gửi xe, thời gian xe lưu giữ trên hè phố, các cửa hàng cửa hiệu. Công ty OV - FIETS, với dịch vụ cho thuê xe và tổ chức cho bất cứ ai thường xuyên sử dụng tàu hỏa hoặc xe điện ngầm đều có quyền gửi xe đạp ở các bãi định sẵn. Bãi xe Groningen nổi tiếng cả nước có sức chứa vài chục ngàn xe đạp. Bạn chỉ cần bỏ ra 10 Euro là có thể đi tàu hỏa và xe điện ngầm, bỏ ra hơn 3 Euro là có thể thuê sử dụng xe đạp trong 24 giờ.

Vài chục năm trước, những năm 70 của thế kỷ XX, Hà Lan là nước luôn có nạn kẹt xe, tắc đường vì Amsterdam luôn bị ùn tắc bởi ô tô với rất nhiều tai nạn, hàng trăm vụ chết người mỗi năm. Vốn là nơi sớm dùng xe đạp, chỉ sau Mỹ và Anh nhưng từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Hà Lan là nước được hưởng lợi từ cuộc chiến đã vươn lên thành nước phát triển rất nhanh với tỷ số tăng trưởng hơn 10%, có năm tới 20%. Sự giàu có dẫn đến xu hướng mua sắm, sử dụng xe ô tô cá nhân. Người ta bàn nhau, hùa nhau phá bớt nhà vườn ven phố, ngõ để mở rộng đường cho xe ô tô qua lại, và ùn tắc, tai nạn đã liên tiếp xảy ra. Cuối năm 70, Chính phủ ra quy định mới và hướng toàn dân Hà Lan sử dụng xe đạp, quy định làn đường riêng, sơn màu sắc riêng cho dễ nhận, quy định lối vượt và đường cua, lắp hệ thống tín hiệu. Thế là bao kiểu loại xe đạp ra đời: Xe dành cho các giới tính, lứa tuổi, xe vận chuyển hàng hóa nhẹ và chở người; quy định các bến, nhà gửi xe, cho thuê xe đạp, quy cách nơi gửi xe ở các cửa hàng, quy định xe đỗ không đúng chỗ sẽ bị phá khóa, lưu giữ tại đồn giao thông. Ai muốn chuộc lại xe đạp phải chịu phạt 10 Euro/chiếc.

Cũng chỉ ở Hà Lan mới có chuyện vui như thật: Thú vui câu xe đạp trên kênh, rạch ở nước này, muốn hủy bỏ xe cũ hoặc lỗi mốt, chủ xe phải đưa đến bãi thải, phải nộp tiền. Chi bằng ném trộm xuống sông, kênh, rạch vốn là nơi chỉ dành phục vụ du khách. Vì thế mới có chuyện “câu” xe, như ở Việt Nam ta câu cá vậy. Hôm ở Hà Lan, tôi có chụp được tấm ảnh một xe đạp cũ mới được câu lên từ kênh trong Thủ đô. Chiếc xe ấy chắc đã nằm dưới đáy kênh vài chục năm rồi?

Nghĩ chuyện xe đạp ở Hà Lan, ở Bắc Âu mới thấy những điều mà ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh có thể học tập được. Vài năm trước, nước Cộng hòa Slovaskia (một phần của nước Tiệp Khắc trước đây) cũng cử người sang Hà Lan học cách quản lý, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Thủ đô Blatislava nhỏ bé nhưng ngoài xe điện, dân sử dụng ô tô cá nhân cũng rất nhiều, tai nạn giao thông cũng rất nhiều.

Với dân số gần chục triệu, có tới hơn triệu xe ô tô các loại như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, chuyện tắc đường kẹt xe ô tô sẽ còn tăng nhanh nữa. Vậy có nên học cách của người Hà Lan, coi xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu vừa tiết kiệm, vừa giữ gìn môi trường và gia tăng sức khỏe? Và lúc nào cần làm? Có thể làm ngay, tập sử dụng xe đạp ngay từ bây giờ, từ các trường học mầm non, mẫu giáo, tiểu học và trung học, đại học. Tập và thí điểm ở một số phố, quận.v.v… và mở rộng ra các nơi. Phải sau nhiều năm thì xe đạp Hà Nội mới được như Amsterdam hôm nay, mới có các vị đại biểu quốc hội, thị trưởng thành phố cưỡi xe đạp như ở Đan Mạch, xe đạp khi ấy mới được bổ sung vào biểu tượng của Việt Nam dựng cạnh Khuê Văn Các giống như ở Hà Lan. Nói đến Hà Lan là nói đến tài làm thủy lợi, nói đến pho mát, cối xay gió và “thiên đường” xe đạp.

Người ta gọi Amsterdam là thiên đường của xe đạp là có lý do đấy!

Vũ Huyến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 2 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước